Thơ Nguyễn Huy Hoàng
[28.05.2007 05:44]
Lời giới thiệu:
Bút lực của Nguyễn Huy Hoàng thật dồi dào. Chỉ trong vòng năm, sáu năm anh đã cho xuất bản bốn tập thơ hàng mấy trăm bài, cộng thêm cả tập truyện ký Matxcơva thời mở cửa và chuyên luận về Thi pháp truyện ngắn Gô gôn. Dẫu viết nhiều, Thơ anh vẫn chỉ tập trung vào hai mảng đề tài chủ yếu: Xứ sở Quê hương và Đất khách Quê người. Nhiều người Việt ở Nga thuộc thơ Nguyễn Huy Hoàng bởi tìm thấy trong thơ anh sự cảm thông: Nỗi da diết nhớ mẹ, nhớ quê ngày giáp Tết; sự ngậm ngùi trước cảnh quê nghèo sau những năm tháng cách xa gặp lại, cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh nơi xứ tuyết...
Có thể nói Nguyễn Huy Hoàng là nhà thơ viết nhiều nhất về nước Nga. Nước Nga đất khách quê người trong thơ anh không còn xa lạ nữa, mà trở thành quê hương thứ hai gắn bó của nhiều người Việt, trong đó có anh. Nguyễn Huy Hoàng phân biệt rạch ròi nước Nga hiện tại “nhập văn minh cuối thế kỷ xô bồ” với nước Nga “ nhân hậu”,“ anh hùng” với bề dày văn hoá, gắn bó và tin tưởng:
Gió mở lối cuộc hành trình hy vọng.
Phía chân trời kiêu hãnh, nước Nga ơi !
Nguyễn Huy Hoàng dụng công trau truốt ngôn từ, vần điệu. Thơ anh giàu hình tượng và nhẹ nhàng, nhiều khi trầm tư mặc tưởng, thiên về hồi ức của quá khứ, mang dấu ấn của những gam buồn
Matxcơva 13-07-2002
Châu Hồng Thuỷ
NGOẢNH LẠI
Những kỷ niệm dọc hành trình xa vắng
Lại âm thầm bất chợt sống trong tôi
Khi gió ngàn trong giấc mơ nhóm lửa
Triền hoa lau cháy trắng một góc trời.
Em bước ra như từ trong cổ tích
Tóc buông vai ngơ ngẩn cánh ong rừng
Suối lấp loá giữa đôi bờ hư ảo
Tôi quên trời nhạt nắng phía sau lưng.
Đã xa lắm một thời tôi mộng ước
Miền đất xưa lau vẫn trắng ven đồi
Cứ mỗi lúc gió ngàn run trong lá
Ngỡ tóc mình xanh mãi tuổi đôi mươi.
KÝ ỨC
Em ở tận thành Vinh
Về làng tôi sơ tán
Làng tôi ít mưa lắm nắng
Quả bưởi xiêm rám vỏ tận tháng mười
Em ở sát nhà tôi
Thưa một bờ liếp gỗ
Đủ hắt sáng một ngọn đèn hạt đỗ
Đủ nhận ra mùi cơm quá lửa
Đủ để nghe tiếng quạt muỗi sau màn.
Tóc em dài qua mùa chiến tranh
Tôi vụng dại, đầu trần, chân đất
Một buổi sáng, em rời làng ngơ ngác
Mái tranh buồn rộng rãi, gió hoang liêu...
Tôi lớn lên từ giã luỹ tre nghèo
Cứ lần lữa, xa làng quê biền biệt
Bao bất hạnh thổi mây vào mái tóc
Lòng vẫn xanh thăm thẳm thưở dại khờ
Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi vinh hoa
Để có lại tuổi mười lăm vụng dại
Đèn hạt đỗ ngượng ngùng, leo lét cháy
Tóc em dài chảy dọc tấm gương soi.
GỬI MẸ
Cố quên đi con đang ở xứ người
Đồng tuyết trắng, lẻ loi vài bóng quạ
Những gương mặt nửa quen, nửa lạ
Những con đường không biết dẫn về đâu
Và dòng sông ai tỏ được nông sâu
Lặng lờ chảy xanh một màu buốt giá
Lòng quặn nhớ mảnh vườn cây, mái rạ
Khóm cúc tần, ao cá, dậu mồng tơi.
Và bên thềm, mẹ của con ơi
Ngày giáp Tết, vạt áo buồn lau mắt
Lá tre rụng vương rèm thưa xao xác
Mảnh sân con bỗng rộng đến nao lòng
Tuổi bảy mươi gối mỏi, lưng còng
Sợ nằm xuống, con về không gặp lại
Vẫn canh cánh nỗi niềm con bé dại
Ai chăm lo khi trái gió trở trời?
Con lớn khôn rồi, mẹ của con ơi
Từng gánh chịu nơi quê người, đất khách
Những đau khổ nhọc nhằn và mất mát
Gạn giọt vui qua biển đắng khôn cùng.
Khi trong con có những phút yếu lòng
Ngỡ gục xuống lại nương vào bóng mẹ
Để dám sống nơi chân trời góc bể
Dẫu búa rìu số phận vẫn chờ con
Nơi tháng ngày đắp đổi mọi lo toan
Vẫn kính cẩn nén hương thờ tiên tổ
Ngày giáp Tết, phương trời lòng quặn nhớ
Mẹ lưng còng tựa cửa ngóng chờ con
N.H.H
| CĐQ (Theo Hội Văn học nghệ thuật VN tại LB Nga) |
|