Rồi vế trước của những chiến tích gọi là anh hùng của một dân tộc, chắc chắn phải là những sự cố hèn hạ nào đó-của chính dân tộc ấy. Cũng như vậy, đêm trước của sự khôn ngoan-thức tỉnh, chính lại là những u mê-dẫn dụ nhầm đường lạc lối. Và thật khôi hài, nếu người ta lại sớm quên, hoặc không chịu thừa nhận nhược điểm, để mong rút ra được những bài học lâu dài, mà chỉ một mực tụng ca thành tựu.
Cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu-truyền đời, không thể đứng ngoài sự lười nhác, hay “bóc ngắn cắn dài”. Ấy thế mà chỉ biết dành tình thương cho cái nghèo, mà không biết căm ghét cái lười nhác, cái lãng phí, cũng như chỉ biết khinh cái trọc phú, mà không biết trọng sự siêng năng sự làm giàu, thì thử hỏi liệu con người ta có thể biết nuôi chí để thoát nghèo hay không?
Trọng tình, nhưng phải biết đề cao sự tuân lý. Ghét giả dối, nhưng phải biết kính trọng thẳng ngay. Đề cao sự học, nhưng phải biết trọng dụng hiền tài. Ghét sự kiêu ngạo, nhưng phải biểt nhận diện cái khiêm tốn giả tạo. Đề cao lý luận, nhưng phải biểt tẩy chay sự rối rắm, ngụy biện. Đặc biệt, cần phải thấu rằng, chữ nghĩa cũng có thể làm cho người ta thông tuệ, nhưng cũng có thể làm cho người ta thêm u tối.
Thế giới này, vốn có nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, cũng như không phải quốc gia nào cũng có điều kiện địa lý thuận lợi. Và đành rằng “sông có khúc-người có lúc”, nhưng rõ ràng chỉ có nghiêm túc học hỏi, suy xét-tự vấn, cầu tiến, mới mong có ngày khá lên được.
Vì vậy sẽ ra sao, khi con người phải sống trong một không gian văn hóa đậm âm tính, thiếu phản biện, chậm hành động, đặc biệt là văn chương nghệ thuật phiến diện, một chiều, thiếu tính khai sáng-thức tỉnh, xa rời bản chất cuộc sống, thậm chí cả bản chất con người?
Hà Nội-21/10/2021
D.Q.V