Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 15:11 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1697244
Tin tức > Trang Văn trong nước > Xem nội dung bản tin
Hoàng Thảo Nguyên: Cấp 3 Yên Thế - mạch nguồn dòng sông tri thức của chúng tôi
[12.11.2021 22:21]

Vài nét về tác giả: Hoàng Thảo Nguyên là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội 1 khóa 1972-1976, thân sinh của chị là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết. Bài viết của tác giả kể lại những năm tháng tuổi thơ sống và học tập trên đất Bắc. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả

Ba chị em tôi quê ở Quảng Trị, khi ấy, chúng tôi là con cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1966, mẹ con tôi, do cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc mà “bèo dạt mây trôi” về Yên Thế.

Thời đó, Yên Thế là vùng rừng núi xa xôi, với những dãy núi xanh ngắt ở xa, những đồi dẻ, đồi trám xanh tươi ở gần bên những con đường dốc, đỏ bụi, ven đường là những ruộng lúa xanh rờn... Mặc dù thời chiến, ở đây vẫn có dáng vẻ thanh bình, xa nơi chiến sự. Là học sinh từ khu Bốn, miền Trung, khi về Yên Thế, tôi ngỡ ngàng trước một nếp sống rất khác, trước những con người với một phong thái khác hẳn. Khi ấy, tôi không định nghĩa được cái khác ấy là gì. Giờ đây, khi lớn lên tôi mới hiểu: đó chính là bản sắc của một vùng quê, của những con người, mà không thể nhầm lẫn với vùng quê khác được. Bản sắc ấy khiến tôi lạ lùng, hấp dẫn tôi và chinh phục tâm hồn tôi... Và chúng tôi đắm mình trong phong thái con người và quê hương ấy từ bao giờ cũng không biết nữa. Để đến nỗi bây giờ, trở về miền Nam, chúng tôi được mệnh danh là “người miền Bắc”. Năm 1969, tôi vào lớp 8 của cấp 3 Yên Thế, 6 năm sau, em trai tôi vào cấp 3 Yên Thế, 8 năm sau em gái tôi cũng nhập trường. Từ đó, chúng tôi lớn lên, ra đi và mãi đến bây giờ vẫn chưa trở lại...

Tác giả Hoàng Thảo Nguyên

Thời của chúng tôi, trường mới thành lập được 3 năm. Trường làm trên đồi gần Am Gà. Lớp học của chúng tôi do tự tay mình dựng nên. Mái lợp bằng tranh nứa, tường vách trát bằng đất đồi nhào với rơm rạ. Còn bàn ghế thì... cả trường trèo đèo, lội suối ngược lên rừng sâu, cách trường vài chục cây số, mỗi người một xe đạp, buộc gỗ, ván dựng dọc, ép vào cái đèo hàng, chở về làm bàn ghế. Đội quân xe đạp hùng hậu, náo nhiệt ấy khuấy động cả núi rừng Yên Thế. Lớp học thấp thoáng trong rừng dẻ. Mùa hoa dẻ, hương đưa thoang thoảng, ngan ngát. Mùa hạt dẻ mới vui sướng làm sao! Ai cũng chờ cho mau đến giờ ra chơi để mà ngắt hạt dẻ xanh, nhặt hạt dẻ già dưới lá... Dẻ là niềm “say mê vô tận” của chúng tôi. Trưa tan học rồi mà vẫn còn “lưu luyến” chẳng muốn rời rừng dẻ!


Thời ấy, các thầy cô lo cho chúng tôi tốt nghiệp lớp 10 bằng cách tổ chức học nhóm vào ban đêm tại trường. Ai ở gần trường thì về nhà ngủ, ai ở xa trường thì vẫn có sẵn hai phòng (nam, nữ) để ở lại đêm luôn. Vừa tự học, vừa có sự hướng dẫn của thầy cô, như học thêm bây giờ. Chỉ khác là các thầy, cô chẳng được một xu nào gọi là uống nước. Một hôm, khoảng nhá nhem tối, tôi vừa ở nhà đến trường để học tối thì thấy các bạn nghiêm mặt bảo: “Cậu có lỗi gì mà thầy hiệu trưởng xuống tìm đấy, lo mà lên ngay kẻo thầy chờ!”. Tôi lo quá, tự hỏi mình... Thời ấy, tôi biết nhà thầy cũng không xa, nhưng thầy thường ở lại cả tuần trong trường. Phòng thầy ở cách phòng học chúng tôi mấy bước chân. Tôi ngập ngừng, rụt rè, lấp ló trước cửa phòng thầy. Tôi nhìn vào mắt thầy, đôi mắt tỏ vẻ nghiêm nghị, thầy hỏi tôi: “Bài thi Văn ở Tỉnh của em có vi phạm quy chế gì mà người ta gửi giấy về đây này!”. Thầy đưa tôi tờ giấy, khi tôi vừa đọc hết nội dung tờ giấy thì thầy và tôi cùng cười. Thầy gõ tay lên đầu tôi trìu mến, thầy cười sung sướng, rạng rỡ. Các bạn tôi nấp ngoài cửa chờ lúc thầy “bật mí” chạy ào vào phòng, ôm tôi, kéo tôi, cười nói râm ran... Tờ giấy báo tôi đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Văn tỉnh Hà Bắc. Thầy hiệu trưởng trường khi đó là thầy Nguyễn Văn Hiếu.


Khi tôi đến Trường Cấp 3 Hàn Thuyên để học bồi dưỡng đội tuyển của Tỉnh đi thi toàn quốc (thời ấy mới từ Vĩnh Linh trở ra), các thầy các bạn ở đó cứ đinh ninh rằng tôi là cháu chắt của cụ Hoàng Hoa Thám. Đã ở Yên Thế lại họ Hoàng, chắc hẳn rồi... Một sự nhầm lẫn đầy vinh dự và thú vị!


Tôi nhớ mãi những đêm văn nghệ dưới rừng dẻ. Thời ấy phong trào văn nghệ sôi nổi lắm. Có lẽ nó cũng nằm trong bầu không khí lạc quan của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Văn nghệ mà phấn son không có, chúng tôi lấy phấn viết bảng trắng, hồng, nhọ nồi làm “mỹ phẩm” hóa trang, lấy vải quấn làm váy, lấy giấy màu cắt hoa, cắt sọc kẻ gián lên trang trí váy áo. Vui ơi là vui! Tôi còn nhớ một điệu múa Lào. Có bạn gái lớp tôi múa đẹp chẳng kém gì “văn công” (bây giờ gọi là diễn viên chuyên nghiệp). Rồi những buổi lao động trồng rừng, trồng sắn, gặt lúa giúp dân... Bây giờ những rừng chúng tôi trồng còn không?


Hồi ấy các thầy cô biết tôi là học sinh miền Nam, nên thường gọi tôi là “hạt giống đỏ của miền Nam”. Thầy cô thương yêu tôi một phần cũng là do tình cảm cách mạng của miền Bắc với miền Nam lúc đó. Còn tôi, Yên Thế đã đi vào thế giới tâm hồn tình cảm của tôi như chính nơi chôn rau cắt rốn của mình vậy. Tôi không biết dùng lời lẽ gì để diễn tả hết tình thương yêu, gắn bó sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với Yên Thế, với Hà Bắc. Vì ở đó, nhân cách con người, tiềm năng văn hóa, kiến thức cơ sở của chúng tôi được định hình. Cả ba chị em chúng tôi, có người thành đạt, có người bình thường, nhưng cả 3 đều có tình thương yêu trìu mến sâu nặng với nơi đã xây cho mình một bàn đạp vững chắc để bước vào đời. Có thể nói không ngoa cấp 3 Yên Thế là bệ phóng cho cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi về trường Đại học để học tập, chúng tôi không thua kém bạn bè ở miền xuôi, kể cả người ở thủ đô nữa. Em tôi có dịp đi các nước, nước Nga, nước Mỹ..., ở đó vẫn được bạn bè quý trọng vì tài vì đức. Dù ở phương trời nào chúng tôi vẫn luôn ý thức rằng từ Yên Thế mình đã ra đi. Yên Thế có một vị trí lớn lao biết bao trong thế giới tinh thần của chúng tôi. Yên Thế gắn liền với một phần đời, với tuổi thơ, tuổi trưởng thành của chúng tôi. Hình ảnh mái trường đơn sơ, với những buổi sáng, trưa, tấp nập học sinh từ Nhã Nam, từ Bố Hạ đổ về, mãi mãi in đậm trong tâm trí chúng tôi. Giờ đây, đã đi xa, đã từng làm việc, sinh hoạt trong những nơi sang trọng, nhưng không hình ảnh nào làm lu mờ  hoặc có thể thay thế được hình ảnh mái trường xưa...Bởi đó là “Chùa đất Phật vàng” vậy. Hình ảnh của các thầy cô của chúng tôi: thầy Hiệu trưởng, thầy Luân dạy Chính trị, thầy Hùng dạy Vật lý, có Tôn Nữ Thanh Hương dạy Hóa, cô Hoài Nam, thầy Điều, thầy Đào dạy Văn, cô Thân, thầy Thư dạy Toán, thầy Ngư dạy thể dục...chúng tôi vẫn còn nhớ rõ. Với tôi, giờ đây các thầy cô vẫn trẻ như ngày nào...


Về Huế, tôi gia nhập Hội đồng hương Hà Bắc. Các anh chị ở hội hỏi tôi: “Thế chị quê ở huyện nào (ở Hà Bắc)? “Dạ không, em không phải người Hà Bắc!”. “Thế thì chị là con dâu Hà Bắc chứ?” , “Dạ không, chồng em quê ở Huế!”, “Ồ! Thế thì sao lại nhập hội Đồng hương Hà Bắc?!”  ... Chắc các bạn có thể đoán ra lời giải thích của tôi, giải trình về một tâm hồn, tình cảm cũng thật tế nhị phải không các bạn? Cuộc sống thường nhật đầy rẫy công việc bộn bề, lo toan, không dễ gì đi thăm thú được, vậy thì đến hội đồng hương, những người xa quê như được an ủi phần nào niềm nhớ thương vời vợi về nơi quê hương yêu dấu, tôi cũng nằm trong số đó...


Năm 1980, tôi sinh con gái đầu lòng, vợ chồng tôi đặt tên cho con là Thủy Hà. Thủy với nghĩa là bắt nguồn, mở đầu; Hà với nghĩa dòng sông, cũng có nghĩa là Hà Bắc, để kỷ niệm tình yêu bắt đầu từ mảnh đất trăm mến ngàn thương ấy. Bây giờ, lớn lên, khi đã hiểu, Hà rất tự hào khi có ai đó tò mò hỏi về ý nghĩa của cái tên đó. Năm 1994, Hà đạt giải nhì môn Văn (lớp 9) tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi chia tay các thầy và các bạn đội tuyển thi quốc gia, có thầy giáo đã ghi vào sổ lưu bút của Hà, chỉ có một câu, nhưng Hà tỏ ra xúc động và thích thú nhất: “Không ai có thể múc cạn được mạch nguồn!”. Thế là thầy hiểu ý nghĩa cái tên của con đó mẹ nhỉ, Hà nói...


Ngày trước các thầy cô chăm chút cho chúng tôi bao nhiêu. Giờ đây tôi và em gái tôi (cũng vào ngành Sư phạm) đem hết nghĩa tình ấy chăm sóc cho học trò của chúng tôi. Lịch sử lặp lại những điều tưởng như bình thường nhưng thật dễ thương đáng nhớ. Là đồng nghiệp của các thầy cô, tôi hiểu rõ những vất vả, nhọc nhằn, trăn trở cùng những niềm vui, niềm tự hào của các thầy cô. Tôi vừa cảm thương vừa biết ơn vô cùng sâu sắc.


Một câu hỏi đặt ra trong tôi, tuy không khó lý giải, nhưng vẫn làm cho tôi ngạc nhiên là: vì sao một trường miền núi mà chất lượng giáo dục lại khá là vậy? Thật tự hào cho các thầy cô và thật may mắn cho chúng tôi!


Giấy ngắn tình dài, cuối cùng không biết nói gì hơn, chúng tôi xin gửi đến quý thầy cô giáo, các bạn đồng nghiệp, các bạn và các em học sinh lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc trường của chúng ta phát huy truyền thống để bước tiếp đầy tự tin và tự hào.


(Bài đăng tại Tập san kỷ niệm 50 năm thành lập Trường PTTH  Yên Thế - Bắc Giang và Tạp chí "Thế giới trong ta" năm 2019

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Me tây
Thung Lam
Chùm truyện ngắn Mini của Vũ Thanh Hoa
Nguyễn Huy Hoàng - Tìm con, chăm bạn, làm thơ
Lần đầu bên nhau ( phần 1)
I am đàn bà
Truyện ngắn mini - Đỗ Ngọc THạch
Lần đầu bên nhau (phần 3)
Lần đầu bên nhau (phần 2)
Tình qua tin nhắn
 
 
 
Thư viện hình