Nghe Bảng đọc nhiều lần nên tôi cũng thuộc. Tôi cũng không biết bài thơ đó của ai nhưng sau này mỗi khi gặp được “tri âm” tôi lại nhớ đến Bảng và cũng nghêu ngao đọc lại những vần thơ đó nhưng tôi bỏ câu 3 đi.
Chúng tôi thân nhau lắm, phải dùng từ so sánh “như hình với bóng” thì mới diễn tả được hết tình cảm của chúng tôi. Chúng tôi không cùng tổ nên mỗi đứa ở một tầng. Hầu như các tối mùa đông tôi và Bảng đều ngủ chung, rảnh lúc nào lại tìm đến với nhau. Tôi dường như có duyên kết thân với các bạn ở xa thì phải? Học cấp III, tôi có cô bạn quê mãi tận Nghệ An. Sau này dù xa cách nghìn trùng chưa bao giờ tôi và bạn ấy mất liên lạc. Vào đại học tôi lại có Bảng – cô gái miền trung du – một hiện tượng hiếm thời đó vì học sinh vùng Phú Thọ được học đại học Thái Nguyên. Một lần tôi hỏi Bảng:
- Sao cậu không học đại học Thái Nguyên mà xuống đây để phải chịu cảnh xa xôi cho khổ.
Bảng bảo:
- Năm trước tao thi đỗ đại học Thái Nguyên, học được mấy ngày chán nên tao bỏ về. Tao muốn xuống kinh thành thử sức một phen. Thế thôi!

Lê Thị Bảng, hàng sau, thứ 2 từ trái sang. Ảnh lưu trữ của tác giả
Bảng là con thứ tư trong gia đình có 5 anh em. Thầy Bảng ít nhiều biết chữ Thánh hiền nên khi đặt tên các con cụ đều lấy tên đồ dùng học tập để đặt: Nghiên, Bút, Phấn, Bảng, Kim. Trên Bảng là 3 anh trai, dưới là 1 em gái.
Bảng là cô gái thông minh, nhanh nhẹn nhưng có vẻ hơi tồ tồ. Về hình thức, dưới mắt tôi Bảng đẹp như nàng Kiều, dáng cao dong dỏng, nươc da trắng hồng của những cô gái miền sơn cước, cặp mắt dài, mũi cao thẳng và nụ cười rất tươi. Có điều vòng 3 của Bảng hơi lệch chuẩn. Hồi đó chúng tôi dùng từ “đít móp” để chỉ những ai có vòng 3 khiêm tốn. Có lần tôi đùa Bảng : giá mà của tao và của mày cộng lại bình quân thì chúng mình cùng chuẩn. Cả hai cười tít mắt. Bảng thuộc tuýp người dễ tính, dông dài có phần xuề xòa. Có lẽ chúng tôi hợp nhau về mặt này.
Hồi đó chúng tôi hay tận dụng thời gian dỗi để thêu thùa, đan lát. Vốn thông minh, khéo tay, nhanh nhẹn nên Bảng biết làm nhiều thứ : từ đan áo, mũ, móc khăn, túi đến thêu thùa … Bảng đều làm rất chuẩn. Sản phẩm của Bảng làm ra bao giờ cũng đẹp hơn của tôi. Nhận thức nhanh nên Bảng không phải học nhiều mà kết quả học tập luôn khá. Mỗi khi tôi làm một việc gì Bảng thường giúp tôi rất nhiều. Có lần tôi đan áo len cho anh Hữu, lúc đầu 2 đứa cùng đan chung một mảnh, tôi nhận thấy những mũi đan của Bảng đều, phẳng khác hẳn những mũi đan không đều tay của tôi. Điều đó không thể chấp nhận được. Sau đó chúng tôi quyết định tôi đan 2 tay còn Bảng đan 2 thân. Bảng đùa tôi:
- Khi anh Hữu mặc áo này lại cảm thấy không hiểu vì sao chỉ thấy ấm ở 2 tay, còn phần thân không thấy ấm?
Thế rồi 2 đứa cười rũ rượi. Khi tôi làm gối cưới Bảng cũng giúp tôi rất nhiều. Từ việc chọn mẫu chữ lồng đến họa tiết hoa văn tôi đều làm theo ý kiến của Bảng. Có được đôi gối cưới phần lớn là công của Bảng. Ngày tôi lên xe hoa, Bảng đã bên cạnh làm phù dâu. Hồi đó hay dùng sợi cước để tết túi, Bảng tết nhanh lắm, loại đơn hay kép cũng chỉ nhìn qua là làm được. Bạn nào trong phòng cần giúp là Bảng nhận lời nhiệt tình và chu đáo. Mọi người trong lớp ai cũng quí mến Bảng.

Bút tích của Lê Thị Bảng
Xuất thân từ một gia đình nông dân nên trong quá trình đi học phụ cấp của gia đình rất ít ỏi, gần như không đáng kể. Ngoài học bổng ra chúng tôi còn trông chờ vào những ngày nghỉ cắt cơm để được nhà bếp thanh toán tem gạo và tiền. Đó cũng là khoản đáng kể để ăn sáng. Nhà Bảng xa, mỗi năm chỉ về vào dịp hè và Tết. Những ngày chủ nhật ở trường Bảng buồn lắm. Thỉnh thoảng tôi rủ Bảng về quê tôi hoặc thăm họ hàng và người thân của tôi ở Hà Nội. Cũng có chủ nhật tôi ở lại trường, ngày đó Bảng rất vui và chúng tôi cả ngày bên nhau như một cặp tình nhân. Bảng cũng hay làm thơ, thường viết theo phong cách “thơ mới” phảng phất buồn mà sâu lắng.
Tôi nhớ một chiều hè rất nóng, chúng tôi ra chợ Xanh mua chanh về gội đầu. Qua quầy bia ở gần cổng trường thấy mọi người xếp hàng dài để mua. Nhìn những cặp mắt sáng lên của những người vừa mua được vại bia vàng nổi bọt óng ánh…. Hấp dẫn quá nhưng trong tay chúng tôi chỉ đủ tiền mua 1 vại bia? Hãy quên chuyện mua chanh gội đầu đi! Thế là chúng tôi xếp hàng và cũng sung sướng như ai thưởng thức chung 1 vại bia mát lạnh, sau đó về vui vẻ gội đầu nước lã!
Học bổng của sinh viên sư phạm được 22 đồng/tháng, tiền ăn 18 đồng/tháng, còn được lĩnh 4 đồng để chi tiêu nhiều việc. Các bạn ở gần chủ nhật thường về nhà nên cuối tháng được thanh toán 3 đồng tiền cắt cơm. Bảng ở xa nên không có khoản tiền này, nhiều khi rất khó khăn trong chi tiêu, nhưng lúc nào cũng vui vẻ.

Bút tích của Lê Thị Bảng
Tôi và Bảng chụp chung nhiều ảnh lắm nhưng thất lạc hầu hết. Có lần hai đứa mặc áo bà ba, quàng khăn rằn như người miền Nam đứng trên sân thượng, gió làm tóc bay ngược về phía sau, bức ảnh rất đẹp nhưng hiện không biết ở đâu.
Năm cuối, Bảng tặng tôi quyển sổ nhân ngày sinh. Quyển sổ đó tôi còn giữ đến tận bây giờ. Quyển sổ ghi những lời tâm sự chân tình của các bạn ở năm học cuối, trong đó có của Bảng, trước khi chia tay. Tôi coi đó như một báu vật. Trong cuộc đời tôi di chuyển nhiều nơi nhưng luôn nhớ mang theo. Bảng tự tay chép những bài thơ mình thích cho tôi, như bài “Ước hẹn”:
Dù cho sông cách núi che.
Lòng em vẫn có anh về ở bên.
Có em trong mắt anh nhìn.
Trong niềm suy nghĩ trong tình yêu thương.
(Hà Nội, 10/1975)
Hay bài Chờ:
Em chờ anh không nghĩ đến thời gian,
Em chờ anh không nghĩ đến hoa tàn.
Có trăng khuyết, mưa chiều, gió sớm,
Em chỉ biết có nỗi lòng mong đợi.
.
Em là màu đẹp của trời xanh.
Là hoa, hoa đẹp của riêng cành.
Là chim, chim đẹp bồ câu trắng.
Là người, người đẹp của riêng anh.
(Những ngày tháng 10/1975. Chúc H-T hạnh phúc. Đừng quên người bạn gái trung du nhé. Nhớ Bảng nhiều nghe Tự. Người bạn gái bất hạnh của Tự.)

Ảnh tác giả Lê Thị Minh Tự thời sinh viên 1975
Tôi hiểu tâm sự của bạn mà! Để lại sau lưng tất cả, bỏ trường đại học Thái Nguyên để ra kinh đô tìm điều mới lạ…Năm thứ tư rồi có lẽ bạn tôi chưa tìm được cái cần tìm? Vì thế có một chút buồn? Cũng có lần người yêu tôi dẫn bạn trai của anh đến gặp Bảng với mong muốn họ có “duyên” với nhau. Tôi nhớ một chiều chủ nhật anh ấy đến, các bạn gái ở khác phòng chạy rầm rập đến để xem mặt và có vài câu vui đùa kiểu gì đó… Rồi anh ấy không đến nữa. Khi tôi hỏi anh ấy giải thích:
- Chỉ có thằng Hữu mới đủ can đảm đến, còn anh mất hết tinh thần khi đến một nơi toàn “yêu nữ”.
- Trời! thế thì bao giờ anh mới tìm thấy nửa kia?
- Đành chịu vậy!
Rồi anh ấy nhận xét:
- Bảng về hình thức thì được đấy, nhưng có vẻ hơi tồ tồ. Mặc dù lúc đó mất hết tinh thần, anh vẫn nghe thấy các bạn em gọi Bảng là “cậu Giooc”. Rồi anh cười.
Thế là nhân vật cậu Gooc trong kịch “Hòn đảo thần Vệ nữ” mà chúng tôi được xem đã bước ra ngoài đời. Cậu đã trở thành một điển hình về kiểu người “lơ ngơ” mà nhiều người biết. Cách gọi tên gán từ các nhân vật trong truyện nhiều khi cũng hơi bất lợi?
Điều này nữa, chị Đoàn có cháu trai là Lã Xuân Thành đang học ngành Dầu-Khí ở nước ngoài và có nhã ý nhắm tìm bạn gái cho cháu mình trong số những bạn học. Hết năm thứ 3 có màn ra mắt nhưng không thành và mọi chuyện dừng ở đó.
Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay, 4 năm học rồi cũng kết thúc. Chúng tôi bịn rịn chia tay với tâm thế “đi bất kỳ nơi nào khi Tổ quốc cần”. Tôi về trường cấp III Ba Thá, Hà Sơn Bình còn Bảng về cấp III Yên Lãng, Vĩnh Phúc. Thời gian đầu chúng tôi chăm viết thư cho nhau lắm, rồi một thời gian sau thư đi nhưng không có thư về, có lần thư của tôi bị trả lại, bưu điện báo người nhận không còn ở địa chỉ cũ nữa. Từ đó tôi bặt tin Bảng.
Về phần tôi, sau ra trường tôi có bầu, tháng 4/1977 con trai đầu lòng của tôi ra đời, và 4 năm sau thêm 2 nhóc nữa. Cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền của một thời khó khăn gian khổ làm tôi lãng quên mọi thứ. Một lòng một dạ chăm lo cho đàn con. Tuy vậy hè nào tôi cũng viết thư gửi theo địa chỉ: Bình Lạc, Tam Sơn, Vĩnh Phú cho Bảng với hy vọng bạn về quê nghỉ hè sẽ nhận thư. Thậm chí ngoài bì thư tôi còn ghi: Nếu ai trong gia đình nhận được thư này thì cho em biết tình hình của Bảng nhé. Nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Không hoàn toàn thất vọng, tôi nghĩ sẽ có một ngày lên tận quê Bảng xem thực hư thế nào?
Vào khoảng năm 1995, một hôm ông xã của tôi đi làm về, vừa đến đầu ngõ đã gọi:
- Mẹ Quang ơi! Mẹ Quang đâu rồi? Anh có tin bất ngờ cho em đây: Anh vừa nhận cuộc điện thoại ở cơ quan, có người xưng tên là Lã Xuân Thành nhận là chồng của Bảng - bạn em - gọi đến.
Nghe đến đây trong lòng tôi tràn ngập một niềm vui: Vậy là họ đã thành đôi và chúng tôi sẽ được gặp nhau. Tôi chưa kịp nói lời nào, anh nói tiếp với giọng buồn:
- Nhưng người đó nói Bảng không còn, Bảng đã ra đi từ năm 1987 vì bệnh hiểm nghèo. Họ có với nhau 2 đứa con gái: Lã Bích Hạnh (sinh 1979) và Lã Thanh Xuân (sinh 1984).
Trời đất như sụp đỏ dưới chân tôi. Tôi bàng hoàng thương tiếc người bạn thân ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ và để lại 2 con thơ dại. Viễn cảnh về những cuộc gặp Bảng bất ngờ, thú vị: hai đứa ôm chặt nhau như điên, vừa cười, vừa khóc, vừa yêu thương, vừa giận hờn ….vụt tắt. Nhưng thôi, tất cả điều đó không bao giờ còn nữa. Nỗi buồn của tôi kéo dài nhiều ngày tháng sau đó. Hình ảnh Bảng khi sống luôn hiện hữu trong tôi. Bảng tươi cười đấy, rồi lại thoáng chợt buồn đấy cứ in sâu trong lòng tôi. Tôi đâu có thiếu người thân, bạn bè… nhưng để có người “tri âm, tri kỷ” đâu phải dễ.
Năm 2007 tôi nghỉ hưu, nơi đầu tiên tôi muốn thăm viếng là đến Vũng Tầu, nơi Bảng dạy học và sống những ngày cuối đời, để thắp hương cho Bảng. Trước bàn thờ Bảng tôi nói: Hôm nay vợ chồng Tự về thắp hương cho Bảng đây. Sao Bảng vội đi sớm thế? Tự bảo sẽ đi tìm Bảng ở khắp thế gian, thế nào rồi cũng gặp. Vậy mà mình gặp nhau trong hoàn cảnh này ư? Bảng hiểu lòng Tự không? Thương và nhớ Bảng lắm – một người bạn tri âm.
Hôm đó chồng Bảng tổ chức một bữa cơm thân mật tại nhà. Ngoài gia đình Bảng (chồng, con, cháu ngoại) còn có chị Đoàn và 2 bạn Hậu, Dinh ở lớp D. Sau này, thỉnh thoảng anh Thành ra Hà Nội thăm con có đến gia đình tôi ở Hà Đông. Ngày con gái út Bảng lấy chồng chúng tôi có đến dự cưới và sau đó dự cả lễ lại mặt giữa 2 gia đình thông gia. Hiện tại cháu Lã Thanh Xuân đang sống cùng chồng con ở Mỹ Đình, Hà Nội. Từ đó đến nay giữa vợ chồng tôi và gia đình anh Thành vẫn giữ được mối quan hệ thân tình.
Có lần anh Thành đưa tôi đến quê Bảng chơi. Việc đầu tiên là chúng tôi thắp hương cho thầy, bầm của Bảng. Sau đó chuyện trò với anh trai và chị dâu Bảng. Bao câu hỏi dồn nén trong tôi, đặc biệt tại sao trước đây tôi gửi nhiều thư về quê, không biết có tới nơi không mà không thấy trả lời. Anh Bút – anh trai Bảng – nói:
- Anh có nhận được thư của cô.
- Sao anh không viết thư cho em?
- Cô thông cảm, nhà quê nhiều việc lắm, khi sắp xếp được thời gian để viết thì thất lạc mất địa chỉ của cô.
Tôi nghĩ: À ra là thế! Tôi ngậm ngùi thương, thương tất cả. Hôm đó chúng tôi về nhà Kim - em gái Bảng - ăn cơm như đã hẹn. Vẫn sự chân chất của người phụ nữ thôn quê, em cứ ôm tôi rồi khóc. Em kể nhiều lắm: Kể từ giờ phút chị gái lên xe hoa đến lúc chuyển vào sống và dạy học ở Vũng Tầu, rồi lâm bệnh năng, rồi ra đi … rồi ngàn thu an nghỉ ở quê chồng. Thương Bảng bao nhiêu tôi càng thương Kim bấy nhiêu. Kim nói: Chị Bảng rất thích cơm nếp, hôm nay em cũng nấu cơm nếp cho chị ăn nhé, chắc chị cũng thích.
Tạm biệt Tam Sơn, Lập Thạch trở về lòng tôi tràn ngập cảm giác buồn, vui lẫn lộn. Tôi đã gặp được những người ruột thịt của Bảng, đã thắp hương cho thầy, bầm của Bảng nhưng với Bảng thì mãi mãi không được gặp lại. Tôi đâu có ngờ ngày ra trường đáng ra chỉ là tạm biệt nhưng với chúng tôi lại là ngày vĩnh biệt nhau.
Thương Bảng, một lần khác tôi cùng Vĩnh và Hậu (lớp D) được anh Thành đưa về Ninh Bình thắp hương ở mộ Bảng. Giữa không gian mênh mang của khu nghĩa trang, chúng tôi thì thầm trong làn hương khói: Bọn mình về thăm Bảng đây. Bọn mình và cả lớp không ai quên Bảng. Tôi thì thầm với Bảng:
Sinh ra miền sơn cước,
Làm dâu xứ biển xa,
Vũng Tầu nơi công tác,
Ngàn thu chốn quê chồng.
Mỗi lần hội lớp, hội trường trong tôi trào lên nỗi nhớ Bảng. Nếu như…, nếu như … thì giờ này chúng tôi lại được ôm nhau, lại được khúc khích, lại được xẻ chia bao chuyện vui, buồn…. Giá như… và giá như! Biết đời là “Vô thường” mà sao mình vẫn còn tiếc nuối.
Hà Đông, 10/2021
Chú thích: 1. Bốn câu thơ mở đầu là bài thơ "Tri âm" của Tố Hữu, năm 1967
Tác giả Lê Thị Minh Tự là cựu sinh viên Lớp Ngữ Văn 4C, khóa 1972 -1976 - Đại học Sư phạm Hà Nội I