Có 2 lần trước được gặp mặt, nhưng chỉ là ngồi xa nghe các nhà thơ nói chuyện, đó là nhà thơ Hoàng Trung Thông (1974) và nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (1985). Đặc biệt, nhà thơ Châu Hồng Thủy còn tặng thơ, và rất cảm động khi ông cho biết đã đọc thơ tôi viết tay tặng người bạn khác. Cũng từ dịp may này mà tôi được biết tạp chí Người bạn đường, một tiếng nói văn chương rất được ngưỡng mộ trong cộng đồng người Việt ở Nga và nhiều nước Đông Âu.
Nhân dịp này, tôi xin phép có đôi lời nói về mình.
Tôi yêu thơ từ bé. Mới 5, 6 tuổi, tôi đã thuộc lòng một số bài cha tôi dạy, mà khi tới trường mới biết là thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đồ Chiểu... Tôi mồ côi cha năm lên 8... Bị thương mù một mắt và vài vết thương khác tại Xiêng Khoảng, trận đánh ác liệt nhất, quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh ở Lào trước khi hòa bình. Bị loại khỏi vòng chiến, tôi đi học, rồi làm ông giáo tại Truòng Trung học Kinh tế, thuộc Bộ Cơ khí-Luyện kim 10 năm, sau đó công tác tại UBND huyện quê nhà rồi làm Giám đốc Xí nghiệp Quốc doanh Chế biến Thực phẩm tại huyện... Về hưu.
Yêu thơ lắm, khi lính tráng đạn bom mà đã ti toe vài bài. Đến nay trong sổ tay còn lưu khoảng 200 bài đã viết. Vì yêu thơ nên tôi cũng đã chép thơ các tác giả đầy 9 quyển sách dày dặn, trong đó có bài của nhà thơ Châu Hồng Thủy gần 20 năm trước, mà khi ấy tôi chẳng biết ông là ai.
Tôi không được học chính quy một ngày nào về thơ,100% là dân ngoại đạo. Cũng vì vậy không hề dám gửi đăng một bài ở bất cứ đâu. Mãi gần đây nhờ "phong trào thơ trăm hoa đua nở", tôi mới dám "làm" 2 tập, bằng photo cooppi ở cửa hàng chợ xã, để tặng bạn bè và cho con cháu.
Kính thưa các anh chị
Được sự động viên, khuyến khích của nhà thơ Châu Hồng Thủy, tôi mạnh bạo gửi vài bài thơ đến tạp chí uy tín Người bạn đường, tất nhiên là rất mong muốn được giới thiệu cùng bạn đọc.
Xin trân trọng cám ơn!
Nguyễn Văn Trọng

Nhà thơ Nguyễn Văn Trọng
GÓC TRỜI
Góc trời ta với mình ta
Chông chênh nơi ấy hóa ra góc đời
Khi vỡ mộng lúc cả cười
Nhìn Xuân thắm lại bời bời thiên thu
KHÔNG ĐỀ
Bếp mùa đông cũ còn than
Xuân nay nhóm lại mênh mang gió đồng
Một thời củi lửa còn không
Đi trong cõi thực mà lòng hư vô
MẢI QUÊN
Mải gì quên cả Giêng Hai
Hẹn trăm năm nữa rộng dài với Xuân
Đò ngang rút lại đường gần
Sao không sang hội một lần cho vui
Quên Xuân lỡ cả nụ cười
Để hoa mãi nụ, để đời mãi xa
Đường Xuân tóc cỏ mượt mà
Mải mê ngắm núi, nỡ xa trần đời
Trường giang gọi mãi đò ơi
Không lời vọng để tuột rơi Xuân thì
Xuân tàn níu áo người đi
Áo xưa rách, níu mà chi ...bạc đầu
NHẬT KÝ KHÚC MỄM
Giữa trưa không nắng gió
Hình như đã hết hè
Ngó lơ hoa phượng vẫy
Thờ ơ nghe tiếng ve
Những bụi cỏ bờ đê
Đã khuất sau tường mốc
Đã nhạt nhòa ký ức
Những thu xưa lá vàng
Ngán Xuân không nở hoa
Then cài, phòng im ắng
Ta và mây im lặng
Mặc tầu gọi ngoài ga
Còn im giàn mướp nướng
Heo héo như ông già
TIẾNG VỌNG THỜI GIAN
Trong lòng đất, mũi tên đồng, bình cổ
Rìu đồng han, chày cối đá, tượng mỹ nhân
Đất văn hiến lưu chân dung thời thế
Cuộc sinh tồn, giữ nước, bể trầm luân.
Men rạn, hoa văn nhem nhuốc mặt rắn rồng
Không nắng gió, đất nhuộm thâm cổ vật
Những mảnh vỡ ố hoen đời lưu lạc
Bàn tay nào ủy thác ý tổ tông.
Nằm đỉnh gò cao, ngủ tận đáy sông
Đồ cổ ấy nào biết bao nhiêu tuổi
Trong thô tháp là dòng đời trôi nổi
Tiếng thời gian âm vọng lặng thầm trôi.
Bao vương triều thành quách biến đâu rồi
Mảnh chĩnh vẫn men hồng, thanh gươm cùn vẫn ngủ
Vết tích nghìn xưa ẩn hình hài cương thổ
Cổ vật chắp nối dòng lịch sử mạch liền xuôi.
Nguyễn Văn Trọng