Bóng quạ bay nhao nhác
Trên chiến trường năm nao
Hoàng hôn rờn rợn cháy
Sắc lửa thời binh đao
Đâu khói đạn chiến hào
Rừng bạch dương xao xác
Sắc trời huyền diệu Nga
Chụp xuống tàn quân Pháp
Những nỗi niềm khao khát
Bay mờ chiều tuyết giăng
Hay hồn người chết trận
Còn hiện về đây chăng?
Tuyết vẫn rơi không tiếng
Trắng muốt dưới gót giày
Như chẳng hề có máu
Chảy đầm đìa nơi đây
Bao vinh quang một thuở
Bao xương máu một thời
Giờ thành trò tiêu khiển
Cho lũ trẻ con chơi
Trần Đăng Khoa
(Nguồn: Tuyển tập thơ Việt Nam 1975 - 2000, NXB Hội nhà văn, 2001)
Lời bình của Lê Quốc Hán.
Cả bài thơ là sự đối lập gần như tuyệt đối giữa thời gian: quá khứ và hiện tại, không gian: thái bình và chiến tranh, màu sắc: màu trắng của tuyết và màu đỏ của hoàng hôn … Nhưng nổi bật lên tất cả là sự đối lập của tâm trạng người thi sĩ và người chiến sĩ khi qua Borodino - nơi đại bại của Napoleon trong cuộc chiến trang với Nga năm 1812.
Là thi sĩ, Trần Đăng Khoa vẫn nhìn thấy trong cảnh Trời lặng lẽ yên bình hôm nay cuộc chiến xưa với sự mất mát của hai phía: Người thắng với kẻ thua/ Chỉ còn màu bụi đất. Đành rằng Phật Tổ đã day: Thân cát bụi trở về cát bụi. Còn Đức Giêsu thì phán: Mày là tro sẽ trở về tro. Nhưng đọc câu thơ của Trần Đăng Khoa, sao ta vẫn ngậm ngùi bởi sự cân bằng giữa thắng và thua trước người trọng tài lạnh lùng có tên gọi thời gian. Và những tử sĩ ấy, ngỡ một đi không về nữa, thật ra vẫn luôn luôn hướng về cõi thế với Những nỗi niềm khao khát/ Bay mờ chiều tuyết giăng. Những khao khát ấy vẫn sống mãi với linh hồn họ chằng hề tiêu tan.
Với sức liên tưởng tuyệt vời của mình, Trần Đăng Khoa đã phác họa chiến trường năm nao với những nét chấm phá mà rất gợi: Hoàng hôn rờn rợn cháy/ Sắc lửa thời binh đao. Đọc câu thơ này, chúng ta liên tưởng đến những câu thơ mà Thần đồng Trần Đăng Khoa sáng tác ở tuổi thiếu niên: Sau làn mưa bụi tháng ba/ Lá tre bỗng đỏ như là lửa thiêu/ Nền trời rừng rực ráng treo/ Ngỡ như ngựa sắt sớm chiều vẫn bay. Giờ đây, tâm hồn anh đã trầm lắng hơn, sâu thẳm hơn. Anh nhìn thấy cả những gì chỉ có thể thấy bằng tâm linh: Tuyết vẫn rơi không tiếng/ Trắng muốt dưới gót giày/ Như chẳng hề có máu/ Chảy đầm đìa nơi đây. Anh biết lùi lại theo thời gian để nhìn các sự kiện lịch sử với một tầm cao mới: Bao vinh quang một thuở/ Bao xương máu một thời/ Giờ thành trò tiêu khiển/ Cho lũ trẻ con chơi …Một kết luận đầy đau xót và tàn nhẫn như chính cuộc đời.
Nhưng Trần Đăng Khoa còn là một người lính. Anh cầm súng lên đường đánh Mỹ từ khi tròn mười bảy tuổi.Vì vậy, chất lính vẫn luôn thấm đẫm trong từng trang viết của anh. Anh đứng về phía những người chính nghĩa, những người lính Nga đã đánh tan đội quân xâm lược thiện chiến của Napoleon: Sắc trời huyền diệu Nga/ Chụp xuống tàn quân Pháp. Câu thơ như một tiếng reo lên trong ngày chiến thắng. Anh dành những hình ảnh đẹp nhất để mô tả thiên nhiên Nga: Mưa tuyết bay lất phất/ … / Rừng bạch dương xao xác … Tất cả, tất cả đều hiện lên một màu trắng muốt như tấm lòng trong sáng của nhân dân Nga không lực lượng nào vấy bẩn được. Chính vì vậy bài thơ Qua Borodino dẫu như những nốt nhạc buồn vẫn vang lên khúc hát ngợi ca chiến thắng của nhân dân Nga trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại 1812.