Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 16:57 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1697279
Tin tức > Văn học Nga > Xem nội dung bản tin
Châu Hồng Thuỷ: Nếu tôi là Pushkin
[06.06.2021 15:39]
(Đọc trong lễ kỉ niệm 200 năm ngày sinh Pushkin tại Matxcơva do Viện ngôn ngữ Pushkin (Nga) và Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga phối hợp tổ chức, năm 1999)

Các bạn độc giả thân mến!

Gần 200 năm qua, các bạn vẫn dành cho tôi lòng mến mộ, gọi là "mặt trời của thi ca Nga". Vinh dự ấy, tôi không từ chối. Có điều, ảnh hưởng của tôi với các ngành nghệ thuật, tôi lại không ngờ tới.

Trong lĩnh vực âm nhạc, người ta cũng cho rằng tôi là người có công khơi nguồn, vun đắp. Giáo sư - nhạc sĩ Đmitri Kavalevski viết về tôi những lời ưu ái: "Pushkin với nghệ thuật tuyệt diệu của mình đã làm thai ngén cho toàn bộ nền âm nhạc Nga...". Tôi bảo: "Ông quá lời khen!". Nhạc sĩ rút ngay bản danh sách 20 vở kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn của tôi được Traikovxki, Glinka, Moussorgxki, Glière, Rimxki-Korxakov, v.v... dựng thành opera và balet để chứng minh. Ông còn làm tôi ngạc nhiên bởi danh sách hàng trăm bài romance theo lời thơ trữ tình của Pushkin. Nhạc sĩ khuyên tôi nên đi nhà hát để kiểm nghiệm điều này.

Ngồi lẫn với thính giả trong nhà hát, tôi quên mình là Pushkin vĩ đại, bị hút hồn vì âm nhạc. Tôi không thể nén được xúc động khi gặp lại những đứa con tinh thần của mình sau gần 200 năm xa cách. Chúng vẫn như xưa, tâm hồn, tính cách không hề thay đổi. Nhưng, các nhạc sĩ đã làm phong phú thêm cho các tác phẩm của tôi, mở ra cho chúng bộ mặt hoàn toàn mới, đôi khi không ngờ được. Văn học đã khơi nguồn cho âm nhạc. Ngược lại, âm nhạc lại chắp thêm đôi cách tuyệt vời cho văn học. Các tác phẩm của tôi được nối thêm sự trường tồn, cũng bởi nhờ các thiên tài âm nhạc mến yêu tôi.

Có người ví nhà văn lớn là một con gà mẹ, còn những nhà văn viết dưới sự ảnh hưởng của ông ta là những chú gà con. Gà mẹ xòe cánh ra ấp ủ. Tôi không thích hình ảnh so sánh ấy. Có thể nói, các tác phẩm của thiên tài là mạch ngầm, là dòng suối mát gợi nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau, như thế có lẽ đúng hơn. Các nhà văn viết về tôi theo kiểu sách danh nhân. Có người xây dựng thành tiểu thuyết. Ví như nhà văn Ivan Novikov bắt đầu viết bộ tiểu thuyết "Pushkin trong đày ải" từ năm 1924, đến năm 1958 mới xong, bao gồm hai quyển: "Pushkin ở miền Nam" và "Pushkin ở Mikhailovxkoie". Cảm ơn các nhà văn, các nhà nghiên cứu, phê bình đã viết về tôi. Nhưng thú thực, tôi không đủ dũng cảm để đọc hết những gì họ viết. Chỉ đọc sách của mình cũng đã đủ mệt, huống hồ đọc sách của người khác - mà họ viết về mình nhiều khi không đúng. Họ đào bới đời tư của tôi, y hệt những nhà khảo cổ học, hoặc những nhà hình sự truy tìm dấu vết; nhất là vụ xì-căng-đan tôi đấu súng cùng Đăng tex. Bất cứ ai vào địa vị tôi lúc ấy cũng phải thề quyết đấu, khi danh dự quý tộc của mình bị xúc phạm. Nhiều người thương tiếc, bảo giá như Pushkin không chết, ông sẽ còn để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thiên tài. Nhưng biết đâu tôi không chết, lại cho ra đời những mẻ sách làng nhàng, nhạt nhẽo. Lúc ấy các bạn có thất vọng, dè bỉu tôi không? Tôi nghĩ, khi tài năng đã tột đỉnh vinh quang, nhà văn không nên kéo dài những năm tháng sống thừa. Bởi thế tôi sẵn sàng đấu súng cùng Đăngtex, dẫu biết trước mình sẽ chết trong cuộc đấu súng này. Làm sao một anh chàng suốt đời chỉ cầm cây bút, quen chúi mũi dò tìm những tư tưởng đông tây kim cổ trên hàng ngàn cuốn sách, mắt đã mờ, lại có thể chiến thắng được viên sĩ quan cận vệ nổi tiếng là thiện xạ? Đăngt ex đã kết liễu cuộc đời tôi lúc thiên tài đang chói sáng, để cho hậu thế mãi mãi tiếc thương tôi. Tôi phải cảm ơn gã về điều này, bởi tự tử, tôi không đủ lòng can đảm. Với tôi, gã vừa là kẻ thù, vừa là một ân nhân. Với các bạn, gã là tên đểu giả, sát nhân hèn hạ. Chúng tôi đã chết rồi, hậu thế nói gì chẳng được. Gần đây, một tờ báo còn đăng cái tin giật gân. Họ bảo tôi chết bởi một viên đạn bắn lén sau lưng, chứ không phải viên đạn từ bàn tay Đăng tex. Nói như thế là hạ thấp tài năng kẻ thù của tôi, hạ thấp cái chết của tôi, hạ nhục cả những người làm chứng (vốn là bè bạn của cả hai bên) trong cuộc quyết đấu này.

Chân dung A. Pushkin. năm 1827 của họa sĩ O.A. Kiprenski

Cuộc đấu súng của tôi diễn ra theo đúng tinh thần quý tộc, trên bờ sông nhỏ "Moika", trước sự làm chứng của nhiều người. Ở đó chẳng có vị trí nào mà người ta có thể bắn lén sau lưng.

Nhiều người cho rằng Sa hoàng thủ mưu trong cái chết này. Quả thực, Sa hoàng đối với tôi, Ngài chẳng ưa gì. Ngài không thích những vần thơ ca ngợi tự do. Một khi nhà thơ dấn thân đấu tranh chống cường quyền áp bức, tư tưởng tiên phong của anh ta vượt lên trên thời đại, anh ta khó lòng thoát khỏi búa rìu sấm sét của cường quyền. Nhưng cái chết của tôi trong cuộc đấu súng này, Sa hoàng là kẻ vô can. Có nữ thi sĩ sống sau tôi hơn 100 năm, yêu tôi đến mức ghen với cả vợ tôi (nghĩa là ghen với cả người đã chết). Thi sĩ ghét cay ghét đắng vợ tôi, cho rằng Nàng là một kẻ tầm thường đần độn, là kẻ gây ra cái chết của tôi. Một anh bạn nhà thơ trẻ Việt Nam khi học ở trường viết văn Gorki được tặng bộ sưu tập ảnh gia đình Pushkin, đã lọc tất cả những ảnh có vợ tôi để vất đi. Giờ đây, tôi phải có một vài lời biện hộ cho Nàng.

Natalia Goncharova, vợ tôi, hoàn toàn không phải là một người tầm thường đần độn. Lên tám tuổi, Nàng đã làm thơ, những vần thơ tuy trẻ con nhưng đã có dấu hiệu của tài năng. Nàng không làm thơ nữa, khi thiên tài của tôi lấn át. Tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp là những ngoại ngữ mà Nàng thông thạo. Nàng nhận lời cầu hôn của tôi, là bởi tình yêu đối với một tài thơ. Các bạn có biết không, trong nhật ký của Nàng, gần đây người ta mới lục tìm ra trong kho lưu trữ, có những đoạn băn khoăn, day dứt về hạnh phúc, những linh cảm bất hạnh. Tôi chết bởi bàn tay "định mệnh", chứ không phải bởi tay Nàng. "Tài mệnh tương đố" mà. Trời cho anh thiên tài, bắt anh phải chịu thiệt thòi các khác, hoặc bị tật nguyền, hoặc bị chết yểu, hoặc bất hạnh trong đường tình ái. Các bạn có nhớ Beethoven không? Năm gần ba mươi tuổi, thiên tài âm nhạc này đã hiểu rằng mình đang đi đến một kết cục bi thảm - bị điếc hoàn toàn. Nhưng ông vẫn còn hy vọng tình yêu làm cứu cánh - hy vọng sẽ cưới cô học trò dễ thương của mình, Julia Guicciardi, làm vợ. Cô yêu thầy, nhưng vì là con nhà quý tộc, nên cô không thể lấy một người không phải xuất thân dòng quyền quý, lại thêm bệnh điếc (dẫu là một thiên tài). Julie bỏ rơi thầy để lấy một chàng nhạc sĩ bất tài dòng quý tộc - bá tước Robe Khalambe. Bản "Sonate Fantasia" của Beethoven được sáng tác trong giờ phút bất hạnh vì tình yêu, đau khổ vì bệnh tật. "Tặng bá tước tiểu thư Julia Guicciardi" là dòng chữ Beethoven ghi sau cái tên "Sonate Fantasia". Khi nhạc sĩ qua đời, nhà thơ Ludvich Renxtap đã đặt cho nó một cái tên vô cùng gợi cảm: "Sonate ánh trăng". Đấy, thiên tài thường song hành cùng bất hạnh. Các bạn hãy nhớ xem, sau tôi, Lermontov chết vừa 28 tuổi. Exenhin chưa quá 30 tuổi. Maiakovxki cũng chẳng qua ngưỡng ấy. Toàn là chuyện đấu súng và tự tử.

Cuộc hôn nhân bất hạnh, tôi đã linh cảm ngay trong ngày cưới. 1831, con số của năm cũng là con số của tuổi vợ tôi (18) và tuổi tôi (31) ghép lại. Tổng của bốn con số cộng lại cũng thành con số 13 (1+8+3+1). Vì yêu nàng, tôi bất chấp điều linh cảm. Cuộc đời tôi kết thúc ở cái ngưỡng 37 sang 38 - cái chết được báo trước 18 năm trời. Một người đàn bà Đức đã tiên tri điều đó ngay từ năm 1819. Tôi nhớ, vào khoảng ngày 11 đến 19 tháng 11 năm ấy, tôi đến chơi nhà bạn, thấy bà đã ngồi đó. Tên bà là Alêchxanđra Philippovna Kirkgoph. Chúng tôi trò chuyện quanh chủ đề số phận. Bà ấy bảo tôi: "Mấy ngày nữa, anh sẽ nhận được một món tiền. Hai là, một người quyền thế sẽ mời anh giữ một chức vụ không phải nhỏ. Điều thứ ba, đời anh sẽ có hai cuộc đi đày, sẽ chết bởi bàn tay của một người có mái tóc vàng". Lúc ấy, tôi cho là chuyện bói toán tào lao vui vẻ.

Mấy ngày sau, một người bạn đến trả một món tiền anh ta nợ từ lâu mà tôi đã lãng quên. Mấy ngày sau nữa, tướng Orlov gợi ý nếu tôi vào quân đội, ông sẽ giúp cho tôi một chức vụ mà tôi vừa ý. Lúc ấy tôi mới giật mình. Biết đâu điều thứ ba sẽ là sự thật. Gạt nỗi ám ảnh, tôi tự trấn an: "Có thể bà ấy nói sai". Cho đến khi bị lưu đày, tôi vẫn hy vọng mình sẽ không chết sớm. Gặp một nhà tiên tri Hy Lạp, tôi mong ông đoán số phận của tôi ngược với lời của bà người Đức. Vào một đêm trăng tháng 7 năm 1823, ông ta dẫn tôi ra đồng cỏ. Ông hỏi ngày tháng năm sinh của tôi, lẩm nhẩm những lời huyền bí trong ánh trăng mở ảo, rồi tiên đoán: "Anh sẽ trở thành một kumir, nghĩa là thần tượng của nhiều người. Cuộc đời anh có hai cuộc đi đày, sẽ sống rất lâu, nếu năm 37 tuổi vượt qua được bi kịch do một người tóc trắng, mặc áo trắng, cưỡi con ngựa trắng gây ra...". Các bạn có hiểu được nỗi hoảng sợ của tôi lúc ấy hay không? Không sợ sao được khi hai người cùng nói giống nhau. Chết năm 37 tuổi, còn trẻ quá, ai mà chẳng tiếc. Tôi đã từng viết câu thơ: "Tôi không muốn chết. Tôi muốn sống, để được tư duy và đau khổ".

Thế là tôi hối hả lao vào cuộc chạy đua cùng thần chết. Tôi viết như lên đồng, mê sảng. Thiên tài văn học của tôi, không hiểu sao cứ vụt sáng vào những lúc thu vàng. Ba mùa thu 1830 - 1833 - 1834 ở Bonđino là thời kỳ tôi gặt hái văn chương rộ nhất. Bonđino là mảnh đất ông tổ của tôi (Pheđo Pheđorovich) được phong tặng năm 1619, vì có công chống bọn xâm lược Ba Lan, bảo vệ Matxcơva. Ở Bonđino, tôi viết trường ca Evghenhi Onheghin, Chùm các bi kịch ngắn, Tập truyện vừa của ông Ivan Petrovich quá cố, Lịch sử làng Goriukhin, Pugachov, Kỵ sĩ đồng, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Con đầm Pich, sáng tác hàng chục bài thơ và dịch nhiều ballad của nhà thơ Ba Lan Ađam Miskievich. Tôi không nhớ hết các tác phẩm của mình trong ba mùa thu ấy. Chỉ nhớ là tôi viết để vượt lên cái chết, bởi một động lực vô hình đang thôi thúc, không cưỡng nổi.

Thế nhưng trước khi đấu súng, tôi lại sẵn sàng đón nhận cái chết, không sợ hãi. Tôi coi mình đã hoàn thành sứ mạng mà thượng đế giao cho. Lưỡi hái thần chết đã cắt đứt cuộc đời sáng tạo của tôi vào ngày 29-01-1837 (hình như theo lịch mới bấm ra ngày 10-02). Với tôi, ngày tháng không quan trọng. Chỉ biết rằng tôi chết đúng theo Định mệnh. Gã phong tình người Pháp đã nhảy vào cuộc đời tôi. Gã là sĩ quan cận vệ, mỗi lần duyệt binh hay lễ hội, gã thường mặc bộ đồ quân phục trắng, cưỡi con ngựa trắng. Còn tóc của gã trắng hay vàng, tôi không nhớ rõ. Hình như vàng thì phải. Hơn 160 năm rồi, làm sao mà nhớ cho chính xác.

Hỡi các bạn, đừng trách Đăng tex nữa. Dẫu gã có làm tôi đau khổ bởi ghen tuông, dẫu có giết chết tôi ở tuổi tráng niên, gã cũng chỉ là một công cụ của bàn tay Định mệnh. Các bạn nguyền rủa gã gần 200 năm cũng đã đủ rồi. Còn Natalia, người vợ xinh đẹp nhiều khi khiến tôi "hậm hực lòng ghen", tôi vẫn yêu Nàng tha thiết. Nhiều lúc nghi ngờ, dằn vặt, nhưng tôi vẫn tin rằng Nàng trong trắng. Nàng đã phải chịu nhiều tiếng thị phi. Cái chết của tôi đã khiến Nàng đau khổ. Suy cho cùng, Nàng cũng chỉ là nạn nhân trong bàn tay Định mệnh.

Tôi chỉ buồn nhất một điều, thiên tài của dòng họ, của cả dân tộc đã dồn hết vào tôi. Thiên tài thường tuyệt tự. Nếu không tuyệt tự, thì con cháu cũng chẳng có thiên tài nữa. Dòng họ Pushkin chẳng có ai nối nghiệp được tôi. Hai trăm năm qua, nước Nga chưa có thêm được một Pushkin nào mới. Thật chẳng sung sướng gì khi thấy mình là một cây đại thụ, làm cớm nắng những mầm cây khác, Những danh từ "thiên tài", "vĩ đại" các bạn khoác cho tôi, như một cây thập tự đè năng vai tôi suốt gần hai thế kỷ. Ước có một Pushkin mới nảy sinh, đỡ dùm gánh nặng ấy cho tôi.

***
Trong giấc mơ, tôi thấy bóng Pushkin trùm tỏa lên mình. Ông bảo: "Nếu anh là Pushkin, anh sẽ nói gì nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh sắp tới?". Tôi thoáng chút ngỡ ngàng, thưa cùng Pushkin vĩ đại: "Con sẽ cảm ơn các nhạc sĩ thiên tài đã góp phần làm cho tác phẩm Pushkin ngày càng bất tử. Gần 200 năm nay, người ta vẫn còn bàn cãi nhiều về cái chết của Người. Chỉ chính Pushkin mới giải đáp được điều này". Ông mỉm cười vỗ vai tôi: "Anh nói đúng ý ta. Nhưng người đã chết làm sao nói được trước diễn đàn. Thôi ta nhờ anh ghi lại, gửi tới cho đọc giả".

Những dòng chữ từ cây bút trên tay tôi chảy tràn trên trang giấy. Đến dòng chữ cuối cùng, tôi bỗng bừng tỉnh giấc. Bên cạnh gối, có những tờ giấy kín đầy con chữ. Tôi dụi mắt, bán tính bán nghi: "Có phải thực những dòng chữ ấy, chính là của Pushkin gửi lại?"

Giờ đây, khi đã hoàn toàn tỉnh táo, tôi cam đoan cùng bạn đọc, những ý tưởng trên đây, chính do Pushkin mách bảo. Còn lời lẽ, văn phong là của chính tôi, có thể còn thô thiển, vụng về, chưa diễn đạt rõ ràng những điều Người gửi gắm. Xin bạn đọc rộng lòng lượng thứ.

Matxcơva  18-05-1999

In lần đầu trong Tạp chí Người Bạn Đường số 12, Matxcơva, năm 2000

Tư liệu tham khảo:

1) Ba trụ cột âm nhạc - Đimitri Kavalepxki. Sở Giáo dục tp. Hồ Chí Minh xuất bản, 1986
2/ А.С. Пушкин в воспоминаниях современиков, том 1, художественная литература, М, 1985 (A.X. Pushkin trong hồi ức của những người đương thời, tập 1, NXB Văn học Nghệ thuật, M,1985)
3. Летопись жизни и творчества А.С.Пушкина 1799-1826, Наука, Ленинград, 1991 (Biên niên sử cuộc đời và sáng tạo của A.X. Pushkin 1799-1826, NXB Khoa học, Leningrad,1991)

*Ghi chú: Alechsandr Sergeievich  Pushkin sinh 24/5 /1799 theo lịch Nga cũ (lịch mới là 6/6/1799), mất 10/2/1837 sau trận đấu súng với Dantec, hưởng dương 38 tuổi

 

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Chùm thơ ĐMITRI ĐVERI (06.02.2017 17:02)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Thơ tình nước Nga (P1) - Ngọc Châu dịch
Những nét khác thường trong ?Một con người ra đời’ của Macxim Gorki
Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 2)
Tác giả ?Nhật kí trong tù’ trong một tâm hồn thơ Nga
Thơ tình nước Nga (P12): Aleksey Konstantinovich Tolstoi (Ngọc Châu dịch)
Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 1)
Tiểu thuyết mới của Chinghiz Aitmatov
Thơ tình nước Nga (P6) - Sergay Exenhin - Ngọc Châu dịch
Chùm thơ dịch từ tiếng Nga của Tư Huyền
Ngày hội Puskin toàn Nga -
 
 
 
Thư viện hình