Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 13:51 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1697206
Tin tức > Sân khấu - Điện ảnh > Xem nội dung bản tin
KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY CÔNG DIỄN VỞ KỊCH “SÁNG MÃI SAO KHUÊ”
[05.11.2020 20:47]
Năm 1980 là năm Việt Nam và thế giới kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi - nhà thơ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, tôi đang dạy học ở Trường CĐSP Tây Bắc (nay là Đại học Tây Bắc), nảy ý định viết vở kịch dài về ông. Vở kịch có tên là “Sáng mãi Sao Khuê”, bắt nguồn từ câu thơ của vua Lê Thánh Tông: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê buổi sớm). Về Nguyễn Trãi có nhiều điều để viết, nhưng tôi chỉ chọn một lát cắt trong cuộc đời của ông. Đó là những ngày trước và trong Lệ Chi Viên dẫn tới đại thảm họa “tru di tam tộc” mà ông và ba họ phải gánh chịu.

     Được sự động viên khích lệ của Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên Văn, người bạn thân đang dạy học tại Trường cấp III Thuận Châu bên cạnh, cùng anh em trong tổ văn ủng hộ, tôi say sưa viết và quyết tâm tìm mọi cách để vở kịch được dàn dựng.

      Vở kịch được một Hội đồng duyệt thông qua dưới sự chủ toạ của ông Bí thư Đảng uỷ Đặng Viết Tâm, cùng đại diện của Ban Giám hiệu, Phòng Tổ chức, Phòng Giáo vụ, Chủ nhiệm khoa Văn Sử, các giáo viên trong tổ Văn và tổ Ngôn ngữ. Ông Bí thư Đảng uỷ đặt câu hỏi: “Cuộc đời Nguyễn Trãi có giai đoạn đánh giặc hào hùng, sao tác giả không viết về giai đoạn này, mà lại viết về thảm hoạ tru di tam tộc?” Tôi trả lời: “Cuộc đời hào hùng Nguyễn Trãi phò Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, giải phóng dân tộc nhiều người đã viết rồi. Tôi có viết lại, cũng chẳng có gì mới hơn. Giai đoạn bi thương của Nguyễn Trãi hình như chưa có nhà soạn kịch nào viết cả. Hoặc có ai đó viết mà tôi chưa được biết. Chính giai đoạn cuối đời này, tâm hồn trong sáng, phẩm cách cao thượng của Nguyễn Trãi càng toả sáng hơn bao giờ hết. Tôi muốn khai thác nhân cách Nguyễn Trãi trong hoàn cảnh đặc biệt đó”.

      Nghe giải thích hợp lý, cả Hội đồng duyệt nhất trí cho phép dàn dựng. 

      Thực ra trong sâu xa, tôi còn gửi gắm nhiều ý tưởng trong vở kịch này, mà lúc ấy không tiện nói ra (vở kịch được viết trước thời kỳ đổi mới, cởi trói cho văn nghệ do TBT Nguyễn Văn Linh khởi xướng). Các anh ở Sở Văn hóa Thông tin Sơn La dự đêm công diễn ở trường, rất thích vở kịch này, hứa với chúng tôi sẽ về báo cáo lãnh đạo sở và tỉnh, mời nhóm kịch của trường xuống biểu diễn ở thị xã, nhưng sau vì lý do nào đó, không thấy tỉnh mời. Sau buổi công diễn duy nhất ở trường, tôi có mang kịch bản về gặp anh Đoàn Khuông, trưởng đoàn kịch nói Hà Nam Ninh, bảo nếu anh dàn dựng được thì tốt. Anh hẹn: “Để mình đọc, tuần sau sẽ trả lời”. Hôm gặp lại, anh Đoàn Khuông bảo: “Vở kịch của cậu dùng xưa để nói nay. Tớ mà dựng vở kịch này thì coi như là tự đập nồi cơm của cả đoàn, mà tớ cũng toi đời. Hãy đợi vài chục năm nữa, tình hình xã hội khác đi thì mới dựng được”.  Cùng thời điểm năm ấy, vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của Nguyễn Đình Thi cũng chỉ diễn được có một đêm thì không được diễn nữa.

      Vở kịch gồm 2 hồi 9 cảnh và một màn dẫn đề. Nguyễn Anh Tuấn nhận lời làm Tổng đạo diễn cho vở kịch này. Nhân vật chính của vở kịch là Nguyễn Trãi, cả tuần tôi băn khoăn mãi chưa biết chọn ai, thì sau khi tiếp xúc với các sinh viên, nhìn dáng đi, cho thử “đài từ”, Nguyễn Anh Tuấn đã chọn ngay Trương Quang Hải, một thanh niên mới tròn 20 tuổi đóng vai này. Phải nói Nguyễn Anh Tuấn có có mắt xanh trong việc chọn diễn viên, rất đáng nể trong cách dàn dựng sân khấu. Có cảnh Thần phi Nguyễn Thị Anh cùng các gian thần Lương Đăng, Tạ Thanh, Đinh Thắng bàn mưu tính kế hãm hại mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao để con mình là Bang Cơ lên ngôi vua, tôi viết rất dài, anh xử lý bằng cách cho Lương Đăng chỉ nói một câu: “Tâu Thần phi!” (rồi làm một động tác như lưỡi kiếm chém cổ), tiếp đó, cả ba chụm đầu nghe Thị Anh thì thầm, rồi cùng cười lên hô hố.

      Góp phần không nhỏ vào thành công của vở kịch là anh Vũ Gia Thụy, giáo viên dạy Nhạc của trường. Anh Thụy nhận trách nhiệm chỉ đạo tổ hóa trang cho các diễn viên, đặc biệt, đích thân anh đã hóa trang cho Hải thành môt ông già ngoài 60 quắc thước, rắn rỏi, phong thái uy nghi, sau buổi diễn, ai cũng bảo, đúng là Nguyễn Trãi phải như thế.

      Quả thực Hải đã hoàn thành xuất sắc vai diễn, tư thế hiên ngang, giọng nói mạnh mẽ khi vạch trần bộ mặt của bọn nịnh thần gian tham, lúc thì chìm đắm suy tư, giọng trầm buồn nói về tình cảnh dân đen, lúc bi thiết nói về vận mệnh của đất nước, lúc phẫn nộ khi có kẻ định đút lót nhờ ông chấm cho con rể của hắn đỗ trong kỳ thi do Nguyễn Trãi làm chủ khảo. Hè năm 2019, sau 39 năm xa cách, Hải lúc bấy giờ là bí thư Huyện ủy Mường Ảng (Điện Biên) mời tôi và Nguyễn Anh Tuấn lên thăm Tây Bắc. Trong tiệc rượu hàn huyên, Hải cao hứng đọc lại những câu thoại của Nguyễn Trãi, không sai một tẹo nào. Nếu không có sự ép buộc quyết liệt của ông cụ thân sinh, ngăn cấm không cho thi vào Sân khấu – Điện ảnh, có lẽ Hải cũng đã trở thành một diễn viên có tên tuổi. Ông cụ bắt Hải sau khi học xong Trường Sư phạm Tây Bắc phải đi học tiếp trường Tuyên huấn TW (nay là Học viện Báo chí- Tuyên truyền) để nối tiếp con đường làm công tác quản lý như mình.

      Diễn viên là các em sinh viên chúng tôi chọn trong các lớp hệ cao đẳng và 10 +3… Ngôi nhà riêng của tôi thành nơi tập luyện mỗi tuần ba buổi tối của Ban kịch. Số lượng diễn viên đông, nên có lúc chúng tôi chia nhóm để tập các cảnh song song, Nguyễn Anh Tuấn đạo diễn một nhóm, tôi đạo diễn một nhóm. Hôm nào Nguyễn Anh Tuấn bận, thì Bùi Ngọc Minh (dạy văn học nước ngoài) cùng tôi hướng dẫn các diễn viên. Các cháu con nhà anh chị  Cung – Hương (Trưởng phòng tổ chức cạnh nhà tôi), cùng các cháu con em giáo viên, cán bộ trong trường cứ đêm nào có đội kịch tập là kéo đến xem. Hôm sau chúng hào hứng cùng nhau đọc thuộc lòng từng lời thoại của các diễn viên y như thật. Đây là thời gian đói khổ nhất của miền Bắc sau ngày thống nhất đất nước 1975. Chúng tôi phải ăn cơm độn ngô hoặc sắn khô (có tháng mỗi người chỉ được mua 2,6 kg gạo, còn lại là độn sắn hoặc ngô thay gạo). Thế mà thầy trò vẫn say mê hào hứng tập luyện. Sau mỗi buổi tập, chúng tôi bồi dưỡng cho các em diễn viên bằng súp sắn. Sắn khô của nhà, giã bột nấu súp không mì chính, lúc đói ăn vẫn khen ngon.

      Một lần sau buổi tập, mặc dù đã khuya, Nguyễn Anh Tuấn nảy cảm hứng, ngồi viết thâu đêm suốt sáng bổ sung thêm một cảnh vào kịch bản của tôi. Sáng ra, anh hồ hởi đưa tôi xem. Tôi đọc lướt qua rồi chê ngay tại chỗ. Bị dội gáo nước lạnh, Nguyễn Anh Tuấn nổi cáu, quay ra quặc lại tôi. Sau tôi đọc lại thấy hợp lý và hay, đồng ý bổ sung vào kịch bản của mình. Đó là cảnh Nguyễn Trãi  đau đáu về  thế sự, bộc lộ tâm tư của mình cùng người hầu là Hạnh Nhi, rồi sau đó với cụ Đạm và bà con nông dân. Cảnh đó góp phần làm phong phú thêm tâm hồn của Nguyễn Trãi.

      Vở kịch dài, số lượng nhân vật đông, tờ giấy giới thiệu bảng phân vai trong đêm công diễn tôi không còn giữ được. Vì thế sau 40 năm, tôi không thể nhớ hết tên các em sinh viên đã tham gia vở diễn. Nhớ được Tường Bình một mình đóng cả hai vai: vua Lê Thánh Tông trong màn dẫn đề, vua Lê Thái Tông trong hồi 1. Nhớ Trương Quang Hải, người học trò, người em thân thiết của tôi đóng vai Nguyễn Trãi, nhân vật trung tâm của vở kịch. Nhớ Trương Thị Nhung đóng vai Thần phi Nguyễn Thị Anh, xinh đẹp, sắc sảo và đầy mưu mô thủ đoạn. Nhớ Nguyễn Lan Hương đóng vai Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đẹp hiền dịu, gương mặt đẫm nước mắt khi ru con nhỏ Tư Thành (sau là vua Lê Thánh Tông) lúc đi trốn ở chùa Huy Văn. Những buổi tập đầu, Lan Hương không biết hát ru con ra sao, Nguyễn Anh Tuấn (lúc bấy giờ chưa có vợ) phải hát ru thị phạm, nghe rất ngọt. Nhớ Đặng Thị Thanh đóng vai Nguyễn Thị Lộ, người bạn tri kỷ của Nguyễn Trãi, vợ chồng gặp nhau trong ngục đầy bi thương, nhưng bất khuất không nhận tội đầu độc vua. Nhớ Trương Đăng Chi đóng vai Lê Nghĩa Dũng, con nuôi của Nguyễn Trãi đột nhập vào ngục cứu thầy, nhưng ông đã từ chối việc trốn khỏi nhà giam để tránh họa binh đao cho dân chúng, tránh cho nhà Minh có cớ quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Trong giờ phút ly biệt, Lê Nghĩa Dũng thốt lên:“Thầy ơi! Vĩnh biệt thầy!” Viên Giám ngục cũng nghẹn ngào thảng thốt: “Quan Đại phu! Vĩnh biệt người!” rồi sân khấu mờ dần, kết thúc vở kịch trong đau đớn.

      Rất tiếc hồi ấy chưa có máy quay phim để ghi lại vở diễn. Chúng tôi quên béng cả việc chụp ảnh lưu niệm. Cả thị trấn Thuận Châu chỉ có mỗi một người chụp ảnh phim đen trắng là anh Lánh người Thái. Bản thân Nguyễn Anh Tuấn cũng có một cái máy chụp ảnh đen trắng. Nhưng chúng tôi mải lo tập tành cho các diễn viên, chạy lo trang phục, vẽ phông màn cho vở diễn mà quên khuấy chuyện chụp ảnh. Tập tành mấy tháng trời vất vả. Lo trang phục cũng vất vả không kém. Hồi ấy chưa có điều kiện như bây giờ, chúng tôi lấy áo mưa nhựa dài tay, quay đằng sau ra đằng trước, cắt giấy dán họa tiết làm áo của vua và các quan. Áo vua có hình con rồng khác áo của các quan văn, quan võ, rồi làm mũ cánh chuồn, làm mũ và quần áo cho lính. Đặc biệt quần áo cho các vợ vua và thị nữ phải lung linh, rực rỡ, tốn nhiều công sức hơn. Số lượng diễn viên đông nên lo chuyện trang phục cũng bở hơi tai. Riêng phông màn, chúng tôi đặt họa sĩ Nguyễn Quang Bình, thầy dạy môn họa của trường đảm nhiệm, và thầy Bình đã hoàn thiện ý tưởng của đạo diễn một cách xuất sắc.

      Nhân dịp này, tôi kêu gọi các bạn sinh viên đóng vai mà tôi đã nhớ tên ở trên, cũng như các bạn tôi chưa nhớ tên, đóng vai các trung thần như Nguyễn Liễu, Lê An, các vai gian thần Lương Đăng, Tạ Thanh, Đinh Thắng, vai nhà viết sử, quan giám nguc, người hầu Hạnh Nhi của Nguyễn Trãi, các thị nữ của Thần phi và Tiệp dư, các vai quần chúng như cô gái Hương Mai, cụ Đạm và các nông dân, binh lính… cung cấp tên, số điện thoại, email..v.v của mình gửi về cho tôi (qua E-mail: chauhongthuy@gmail.com, viber hoặc zalo +84 903639470), bàn việc hẹn cùng nhau có một buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày công diễn vở kịch này. Hoặc kết hợp cùng gặp mặt trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Tây Bắc thân yêu của chúng ta vào tháng 10 sắp tới. 

      Do số phận đưa đẩy, tôi phải sống xa đất nước gần 30 năm, không có điều kiện hoạt động sân khấu nữa, nên “Sáng mãi Sao Khuê” chưa có điều kiện xuất bản thành sách. Nhân dịp này, tôi sẽ đăng tải dần trên FB Chau Hong Thuy và trên website nguoibanduong.net để các thầy, các bạn, các em cùng nhớ lại một thời đầy gian khó nhưng tha thiết tình người, tràn đầy tình yêu với văn chương nghệ thuật.

Các bạn cùng chia sẻ thông báo này lên FB của các bạn bè một thời ở Tây Bắc nhé.

Viết ngày 3/7/2020. Xong ngày 7/7/2020

Châu Hồng Thủy

Tin liên quan:
TÌNH YÊU CỦA VẠT - Truyện ngắn của Châu Hồng Thuỷ (02.06.2023 22:57)
Thơ Châu Hồng Thủy trong Thơ Bạn Thơ 9 (02.11.2018 21:26)
Châu Hồng Thuy: HOA GƯƠNG HÌNH MẶT TRỜI - Truyện ngắn song ngữ Việt - Nga (08.09.2018 18:22)
Châu Hồng Thuỷ: NHỚ TẾT QUÊ HƯƠNG (26.01.2017 20:43)
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI (30.09.2016 22:38)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Diễn viên Diễm Hương ngày ấy - bây giờ
Tiếng thơ ngâm bậc nhất nhì Hà Thành
Cải lương miền Tây Nam Bộ có thoi thóp hay không?
Trịnh Hội yêu Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhất ở lòng nhân
Nguyễn Huỳnh trắng tay vì ma túy
Minh Phụng: Một ngôi sao sân khấu cải lương đã tắt
Phim TH Việt: Bắt chước mà không tới
Đất nước đứng lên - một bộ phim giả tạo
NSƯT Minh Phụng từ trần
Kiều Thanh chưa chán vai lẳng lơ
 
 
 
Thư viện hình