Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 18:15 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1697321
Tin tức > Phỏng vấn - Trao đổi - Bình văn > Xem nội dung bản tin
Nguyễn Công Tiến: Em ơi! Hà Nội phố
[15.12.2018 13:05]
Nghe được tiếng âm vang thánh thót của đàn, sau mỗi trận bom ác liệt của quân thù, Phan Vũ biết nghệ thuật không bao giờ chết, không bao giờ biết khuất phục; cái đẹp - cái thiện luôn biết trỗi dậy, vươn cao trên cái xấu - cái ác để reo mầm sống thanh bình cho đất nước.

(Tặng những người của “Văn quán”)

Đầu đông 2016, tôi gặp Hoài Nam trong lần tổ chức sinh nhật một người bạn ở Leipzig. Nam cầm tay, kéo tôi ra một góc và hỏi:

- Anh có biết ai là người sáng tác phần lời của “Em ơi! Hà Nội phố “ không?

- Mình không biết, nghĩ là Phú Quang?

- Đó, nhiều người cũng nhầm lẫn như anh đó. Vậy tuần sau, anh lên đọc giúp em bài thơ này ở “Văn quán” được không?

Tôi nhận lời ngay. Hát múa thì chịu, chứ đọc thì... chuyện nhỏ. Nhưng không nhỏ tí nào! Tôi hơi bị choáng khi nhận được toàn văn bài trường ca do Hoài Nam gửi qua mạng: Hai mươi ba khổ với tám trang A4...

Ở thành phố Leipzig, Dương Hoài Nam - con người “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” này - có cả “Võ quán” và “Văn quán”. Hôm ấy “Văn quán” mở cửa để đón bạn bè khắp nơi đến ca hát. Đặc biệt có cả nghệ sĩ ưu tú Kiều Hưng cùng con trai từ Berlin cũng xuống dự. Anh Kiều Hưng đã yếu đi nhiều vì cú đột quỵ mấy năm trước.

Sau khi Kiều Thị An Giang và Thi Đoàn Hải Sam đọc xong hai sáng tác thơ ngắn của họ và được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt, thì sẽ đến lượt tôi. Khi sắp sửa  bước lên phơi mặt dưới ánh đèn thì vợ bảo:

- Anh phải rút gọn lại, đọc vài khổ thôi, chứ đọc cả bài lê thê thế kia thì ai nghe!

Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tiếc. Tiếc vì bài thơ hay như thế, máu thịt như thế của tác giả, bây giờ mà cắt đi thì biết cắt chỗ nào? Đau lắm chứ! Hơn nữa, mọi người mới chỉ biết tới ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố” của Phú Quang, có mấy ai biết đến số phận “đoạn trường” của bài thơ này. Do vậy tôi cứ liều và quyết tâm bắt mọi người phải nghe bằng hết. Quả nhiên, mới đọc đến trang thứ tư, tiếng xì xào của khán giả chờ hát nổi lên, rồi đến trang thứ 7 bắt đầu có tiếng vỗ tay mời xuống. Nhờ cầm tinh con... cua, nên tôi vẫn trụ vững và cuối cùng, cuộc “tra tấn” mọi người cũng xong. Buông tay đàn, Kiều Hải thở phào, rồi đùa:

- Em chỉ lo anh đọc nhầm đoạn nào đó mà bắt em đệm lại “oóc”, thì em...chết!

Trong số đông khán giả nữ tham gia “Văn quán”, duy nhất có một người (chưa quen biết) đã can đảm bước lên sân khấu tặng cho tôi một bông hoa.

Sau buổi sinh hoạt văn nghệ hôm ấy, chắc chắn chỉ có hai người được các ca sĩ cộng đồng nhớ đến: Đó là ông chủ quán Nam Võ và cái ông... đọc thơ dài.
*   *   *
“Em ơi! Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa...”

Nhà thơ – hoạ sĩ Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Năm 1946 ông xung trận trong đoàn quân Nam tiến và đến 1954 thì tập kết ra Bắc. Là bạn văn và bạn hoạ của các cao nhân như: Trần Dần, Lê Đạt, Phan Khôi, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... Sau hoà bình lập lại ở miền Bắc, Phan Vũ hoạt động trong giới văn nghệ sĩ và tham gia phong trào “Nhân văn giai phẩm”. Phong trào này chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” - đòi tách sáng tác văn học nghệ thuật ra khỏi đường lối lãnh đạo của đảng cộng sản... Trả giá cho cuộc dấn thân thần thánh này, cũng như các đồng nghiệp khác, Phan Vũ phải chịu án phạt 15 năm “treo” bút.

Năm 1972, đế quốc Mỹ huy động tới cả B52 ra đánh Hà Nội, rồi tuyên bố cho Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá. Quân và dân Hà Nội không khuất phục, kiên cường đánh trả không quân Mỹ để bảo vệ Thủ đô... Khi này Phan Vũ đang cô đơn trong một căn gác nhỏ ở phố Hàng Bún. Ông đã chứng kiến tận mắt những đổ vỡ, những hi sinh của Hà Nội, lòng ông quặn đau như chính mình bị thương trên khắp cơ thể. Phan Vũ luôn trăn trở mỗi khi nghĩ về những mất mát đau thương của Hà Nội. Một chiều đông, ông đã nghe thấy tiếng chuông gióng giả vang lên từ nhà thờ cửa Bắc. Đêm về, ông lại bị thao thức bởi tiếng dương cầm bên căn nhà đổ nát. Bất chợt, trong ông hiện lên một mầm xanh ngan ngát giữa khung cảnh hoang tàn của cuộc chiến. Ông thảng thốt: Không! Ta vẫn còn, Hà Nội vẫn còn đây tất cả. Và Phan Vũ đã hoá thân vào từng chùm hoa sữa, hoàng lan; từng góc phố, nhành cây... đi tìm lại những dấu ấn xưa của Hà Nội:

“Em ơi! Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa...
Ta còn em chấm lửa
Điếu thuốc cuối cùng
Xập xoè
Kỷ niệm
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...”

Tưởng như đã tuyệt vọng trong tiếng bom gào đạn dội suốt 12 ngày đêm máu lửa, có những lúc ông thấy Hà Nội “không tên người, không tên phố, người gửi không tên”, nhưng khi bước chân ông “gõ nhịp đường khuya” dưới bóng hoàng lan và nghe đâu đây thoang thoảng hương thơm của hoa sữa đặc trưng, thì bên trong ông lại loé lên một tia hi vọng như “chấm lửa điếu thuốc cuối cùng” - nghe được nhịp đập âm vang của trái tim Hà Nội:

“Ta còn em chút vang động lặng im
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố...”

Phút giây ban đầu cho các cuộc hẹn hò, là những thời khắc đẹp lung linh không bao giờ phai mờ trong tâm trí mỗi người. Một cột đèn, một góc phố, một gốc cây... luôn là những hình ảnh đã hoá thành tâm hồn cho những “lứa đôi chụm mái đầu”. Đất trời bỗng chốc trở nên mênh mông hoang dại, khi người con gái hẹn hò bên mình, xoã tóc nương theo ngọn gió bay bay.

“Ai đó chờ ai
Tóc cắt ngang
Xoã xoã bờ vai
Khung trời lộng gió
Con đường như bỏ ngỏ...”

Yêu Hà Nội, không hẹp hòi chỉ yêu cái thân yêu của riêng ai. Yêu Hà Nội, chàng trai còn trải lòng mình với cả những con người còn xa lạ. Nếu như nhà thơ Việt Phương đã từng viết “Ta đi yêu những người yêu nhau. Người ta cũng là ta có khác đâu. Ta yêu tình yêu người ta lắm...”, thì năm ấy, Phan Vũ cũng đã nao nao vấn vương với Hà Nội, nhớ về Hà Nội bởi chỉ thoáng qua một khuôn mặt xa xăm nào đó:

“Ta còn em khăn choàng mầu tím đỏ
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng sao nỗi nhớ
Mỗi góc phố một trang tình sử...”

Kỷ niệm với Hà Nội, không chỉ ở những hôm bên em trời cao xanh lộng gió và “con đường như bỏ ngỏ”; không chỉ ở dưới bóng mát hoàng lan và thoang thoảng hương sữa bay, mà còn có cả những giọt nhỏ long lanh vấn vương trên mái tóc em trong một đêm mưa nhỏ:

“Ta còn em rì rào cơn mưa trong chùm lá
Những hạt nhỏ đọng trên mái tóc ai...”

Đôi khi ngoái đầu nhìn lại thời gian, nhìn lại không gian mà người ta bỗng trở nên tiếc nuối. Nuối tiếc chẳng qua là một dạng khác của xúc cảm nỗi nhớ và tình thương. Tâm trạng đó chỉ thuộc về mỗi ai, đã từng để trái tim mình trôi qua những Kỉỷ niệm thực sự êm đềm:

“Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở
Nhà ai
Qua đó
Nao nao nhớ tuổi học trò...”

Rồi những khi Hà Nội heo hắt trong đêm buồn, trăng cũng mờ vàng nhạt thếch; những khi “dàn thiên lí chết khô” và “lời tỏ tình hôm qua dang dở”, thì chàng trai vẫn yêu và vẫn dạt dào cảm xúc, vì Hà Nội vẫn còn - còn cả những những nỗi buồn hiu hắt đó:

“Ta còn em những ngọn đèn mờ
Trên nóc cao
Vầng trăng không tỏ
Tiếng rao đêm lạc giọng
ơ hờ...”

Cả với những điều thường nhật nhất, đơn giản và nghèo khó nhất... tác giả vẫn không quên. Chúng được tái hiện như những báu vật lịch sử, được xắp đặt trong bảo tàng ký ức và làm nên một bức tranh hết sức đặc trưng, về một Hà Nội xưa với những con đường “lanh canh” chật hẹp:

“Ta còn em tiếng hàng ngày
Reo vang đường phố
Lanh canh! Lanh canh...!
Toa xe điện lên đèn
Người soát vé áo bành tô sờn rách
Ai xuống Bờ hồ!
Ai đi Mơ!
Ai lên Bưởi!

Rồi hình ảnh những bà mẹ nghèo, tần tảo sớm hôm, ngược xuôi tối ngày trên các ngóc ngách phố phường, cũng được Phan Vũ phác lên bằng gam tối mầu, như một mảng sống khác. Hình ảnh đó vừa yêu thương - vĩ đại nhất, vừa ảm đạm - nhọc nhằn nhất, đặt trong tim mỗi người với nỗi nhớ thương về Hà Nội:

“Lanh canh! Lanh canh!
Một đời cơ nhỡ
Trăm ngày ngược xuôi
Đầm đìa nước mắt
Áo vã mồ hôi
Bơ gạo mớ rau
Mẹ về cuối chợ...”

Đôi khi, đi trên những con đường thân quen nhất tới cả trăm lần, mà người yêu Hà Nội, mắc nợ đời với Hà Nội, khi dừng bước, vẫn không biết mình ở đâu. Đó là lúc người ta đắm chìm tư duy trong một hoang tưởng đầy sắc cầu vồng, đầy nốt âm vang cung bậc, để có một Hà Nội trọn vẹn trong tâm can. Cảnh sắc vài nét chấm phá với những bông phượng đỏ “lập loè” sau tán lá trong đền Cổ Ngư; với những con sóng lăn tăn lấp lánh nắng chiều, trải dài sang tận bên kia bờ nước của Hà Nội, đã làm thi sĩ giật mình tự hỏi: Cái đẹp của Hà Nội đã đến tự bao giờ?

“Ta còn em một tên thật cũ: Cổ Ngư
Chiều phai nắng
Cành phượng vĩ la đà
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa
Chiếc lá rụng
Khởi đầu ngọn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?”

Ngày xưa một lần đã khuya lắm, sau một ngày lấm lem vất vả, bố tôi ngồi bên bàn hút thuốc, mẹ tôi giần gạo để mai đi chợ bán hàng xáo. Nằm trong chiếc màn đã lên màu bồ hóng, các chỗ thủng rách được túm lại bằng những cọng rơm, tôi nghe thấy các cụ nói về chuyện “nó đánh ra miền Bắc”. Mẹ tôi thở dài:

- Lạy Trời lạy Phật! Hết chiến tranh ăn cháo cũng sướng.

Bố tôi bảo:

- May con cái nhà mình còn nhỏ, chưa phải đi bộ đội.

Thời gian trôi đi, bố mẹ tôi đâu ngờ, chiến tranh vẫn còn rập rình trước ngõ và tôi vẫn phải lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và nếu tôi chỉ nhập ngũ chệch một ngày, chắc chắn sau này mẹ tôi sẽ phải “thâu đêm ngồi thức hoá vàng”. Nhà thơ Phan Vũ bằng tuổi mẹ tôi, nên khi đó, ông đã có những đồng cảm sâu sắc với những suy nghĩ về những thân phận nghèo khó, lo hoạ chiến tranh. Thời ấy, chắc ông cũng đã phải chứng kiến nhiều đứa trẻ được sinh ra trong trong những ngôi nhà lụp xụp và lớn lên trong bom đạn như thế nào:

“Ta còn em lô xô màu ngói cũ
Hưu quạnh
Một ngôi nhà
Oa oa tiếng khóc
Ngày ra đời
Cơn bão rớt
Bẻ gẫy cành đa
Con vừa lớn
Chiến tranh gần kề trước cửa...”

Không có một sức mạnh nào có thể biến chúng ta về thời kì đồ đá, nhưng kẻ thù cũng đã gây cho Hà Nội những mất mát đau thương vô bờ bến. Hôm qua còn có những lời thầm thì yêu thương, hứa hẹn một “ngày mai ta đến với mùa xuân”, thì hôm sau, người Hà Nội đã phải buộc trắng khăn sô, nguyện cầu cho những người chưa kịp chạm tay vào hạnh phúc:

“Tháng chạp
Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa
Đã có tên
Trong vòng hoa tưởng niệm
Một tháng chạp
Trắng khăn tang
Khói hương dài theo phố
Một tháng chạp
Thâu đêm
Mẹ thức hoá vàng...”

Trong căn gác hẹp, Phan Vũ đã nghe “phường phố rền vang còi hụ” và giọng cô phát thanh viên ngọt ngào “Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào”. Hà Nội, vắng bóng người Hà Nội, chỉ còn những tay súng bất khuất và những ánh mắt căm thù ngước nhìn trời Hà Nội cao xanh thăm thẳm. Phố phường lặng im trong tang tóc. Từng góc phố, mỗi con đường và ngay cả vầng trăng sáng cũng trở nên cô đơn, lạnh lẽo trong những phút giây Hà Nội chờ giặc đến:

Một tháng chạp
Cây bàng mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Nóc phố mồ côi mùa đông
Tháng chạp năm ấy, in hình bao mộ phố...
Một tháng chạp
Phường phố rền vang còi hụ
Cái chết đến tự phương nào?

Chiến tranh - như một con quái vật khổng lồ chuyên hút máu người - đã động tới trái tim của cả nước và gây nên bao mất mát đau thương cho người Hà Nội. Không trở về kỳ đồ đá, nhưng Hà Nội nghèo khó đi rất nhiều. Người Hà Nội vừa phải cầm súng, vừa tất bật với mưu sinh thường nhật. Còn đâu bóng dáng thanh lịch Tràng An! Thi sĩ tiếc nuối cho một thời Hà Nội xưa tấp nập 36 phố phường “ngập ngụa vàng son”. Nay hồn cốt năm nao đã nhạt phai, chỉ còn một cái tên, một thân xác:

“Ta còn em một Hàng Đào
Không bán đào
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...”

Ở một chỗ nào đó trong văn hoá tâm linh - một dạng văn hoá phải đạo với người đã khuất và tự an ủi, mê hoặc người còn sống - người ta còn cảm thấy đâu đây lãng đãng gót son của Thuý Kiều với những “thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay” cho những người đã nằm xuống trong lòng Hà Nội. Nỗi khổ đau khôn cùng của người còn sống, liệu có nhạt nhoà sau làn hương khói?

“Ta còn em mớ tro than
Tiền giấy
Mịt mù mặt phố
Che mờ
Khổ ải
Trần gian...”

Chấp nhận một cuộc đối đầu cuối cùng với kẻ thù là chấp nhận những mất mát hy sinh. Đó là một cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn. Đó là sự đan xen, đan chéo giữa sự sống và cái chết, giữa mầu xanh hy vọng, hiển hách và mầu xám bi luỵ, hèn yếu. Trong khói lửa ấy, Hà Nội là một bài ca hùng tráng và sau khói lửa ấy, Hà Nội là một ngàn lần vinh quang nhưng... cũng ngàn lần cay đắng.

“Ta còn em một mầu xanh thời gian
Một mầu xám hư vô
Chợt nhòa, chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh
Một dáng hình
Nhợt nhạt vàng son
đậm đầy cay đắng...”

Cũng như bao người Hà Nội khác, sau chiến tranh họ lại trở về với Hà Nội, thi sĩ lại đắm chìm trong những suy tư vời vợi: Về đất nước, về con người, về cha mẹ, về tình yêu, cuộc sống và cả những con ngõ nhỏ của Hà Nội. Những suy tư đó như là một khối tài sản giàu có, bất tận của một người yêu Hà Nội đến bơ vơ, cô đơn và mê sảng:

“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình không nhở nổi con đường
Một mình giữa bóng chiều sa
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha
Một bầu trời mãi mãi của riêng ta
Những nỗi buồn vô cớ
Luôn luôn rất lạ...”

Người chơi dương cầm đêm hôm ấy – người cứu rỗi tâm hồn của Phan Vũ – là cô sinh viên trẻ đang học tại học viện âm nhạc. Cô đi sơ tán theo trường, nhưng cuối tuần lại về Hà Nội và trong căn nhà đổ của mình, cô luyện những bản nhạc kinh điển. Nghe được tiếng âm vang thánh thót của đàn, sau mỗi trận bom ác liệt của quân thù, Phan Vũ biết nghệ thuật không bao giờ chết, không bao giờ biết khuất phục; cái đẹp - cái thiện luôn biết trỗi dậy, vươn cao trên cái xấu - cái ác để reo mầm sống thanh bình cho đất nước. Ngay cả khi bị vùi dập trong khói lửa, cái đẹp - cái thiện vẫn không mất, mãi mãi nguyên mầu. Và, đẹp nhất vẫn là bóng nước Hồ Gươm:

“Ta còn em tiếng dương cầm
Căn nhà đổ
Lả tả trên thềm
Betthoven và Sonate Ánh trăng
Những nốt nhạc thiên tài
Lẫn trong mảnh vỡ...
Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng
Những giọt sương nhoà bóng điện
Mặt nước Hồ Gươm
Bỗng nhiên trở lạnh
Tháp Rùa bóng nước lung linh...”

Cuối cùng, thi sĩ lại gõ tiếng giày khuya trở về với căn gác nhỏ trong ngõ hẹp, để viết những dòng cuối cùng cho mảnh đất dấu yêu mà mình đang sống. Anh đã 3 lần gọi tên Hà Nội và chợt nhận ra rằng: Chúng ta vẫn còn tất cả!

“Em ơi! Hà Nội phố
Ta còn em mùi Hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn gác nhỏ
Ta còn em!
Ta còn em!
Ta còn em!
Mãi mãi...Hà Nội ơi!
*   *   *
 “Em ơi! Hà Nội phố” gồm 23 khổ thơ, trong đó có tới tới 47 điệp ngữ “Ta còn em” và với thủ pháp làm ngắn nhịp, xuống dòng, Phan Vũ đã viết nên một bản “Thánh ca”  đẹp lung linh về Hà Nội. Nó như một thần khúc bi tráng, cất lên những âm thanh kiêu hãnh trong đổ vỡ, trong đau thương nhưng cũng rất trữ tình về Hà Nội. Bài thơ được ông sáng tác từ cuối năm 1972, nhưng bản thảo của ông vẫn phải nằm lặng câm trong bóng tối suốt 14 năm. Năm 1985, nhân một lần được Phan Vũ đọc cho nghe bài thơ này, nhạc sĩ Phú Quang đã chọn ra 9 đoạn mà anh xúc cảm nhất, để phổ nhạc cho thơ. Đến năm 1987, ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố” được phát đi trên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên phải đến năm 2010 (tức là 38 năm sau), nhân Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và trong thư viện Quốc gia, bài thơ mới được chính Phan Vũ rơi lệ đọc cho độc giả Hà Nội nghe. Khi ấy tác giả đã 84 tuổi.

Nhà thơ Phan Vũ đã viết tráng ca này ngay trong 12 ngày đêm giặc Mỹ mang đạn bom đánh phá Hà Nội. Tháng chạp máu lửa ấy, biết bao chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống trong tiếng bom rền. Máu của họ đã tưới đẫm mảnh đất Thủ Đô thân yêu, để ngày nay Hà Nội xanh mãi một “mầu xanh thời gian”. 12 ngày đêm ấy, quân dân Hà Nội cũng đã ghi vào sử xanh dân tộc một chiến công chói ngời tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhưng tiếc thay, “Em ơi! Hà Nội – Phố” đã để lại một khoảng trống hư vô, cho những chớp lửa diệu kì bay lên xé nát pháo đài bay của giặc; để lại một khoảng trống hư vô, cho những ánh mắt xuyên đêm của những người con Hà Nội, kiên cường trên mâm pháo bảo vệ bầu trời Thủ đô thân yêu. Phan Vũ tự mình lạc lõng! Ông như người  ngoài cuộc, chỉ đứng xa ngóng nhìn, nuối tiếc và tạc vào tâm mình lòng xót thương Hà Nội.

Cho đến hôm nay,“Em ơi! Hà Nội phố” vẫn thực sự là một bản giao hưởng đẹp về Hà Nội. Như “một nốt trầm xao xuyến” trong khuông nhạc, nó sẽ còn âm vang mãi trong lòng mọi người, mỗi khi trong kí ức chúng ta, chợt hiện về những năm tháng hào hùng xa xưa, của Hà Nội mến thương.

Halle/S. tháng 1 năm 2017 – tiết đông Bính Thân.12.2018.

Nguyễn Công Tiến

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Choáng váng truyện sex trẻ em
Mệnh lệnh của tổ tiên - PGS-TS Trần Hữu Tá
NGƯT Vũ Thế Khôi: Không có đạo thầy trò thì đừng nói đến giáo dục
Tưởng nhớ thầy Trần Quốc Nghệ - Người thầy siêu giỏi
Vì sao tôi dịch lại thơ Đường?
Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?
Khoảng trống của văn học Việt Nam trên văn đàn Nga
Nỗi xấu hổ của dịch giả Ruồi Trâu
Cụ Vũ Đình Hoè, cựu Bộ trưởng tư pháp kể chuyện về luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại phiên toà xét xử ông cố vấn Vĩnh Thuỵ
Người viết trẻ có còn mơ vào Hội Nhà văn?
 
 
 
Thư viện hình