>>> Phần 2: Hình thức thơ Tiutchev
II. Thi sĩ - triết gia
Hình như Dostoievski là người đầu tiên gọi Tiutchev là một thi sĩ - triết gia vĩ đại. Định thức ấy, chỉ ra rất đúng vị trí đặc thù của Tiutchev giữa các nhà thơ lớn của nước Nga và thế giới, sau này do được sử dụng quá nhiều đã trở thành khuôn sáo và, cũng như mọi khuôn sáo, bị không ít người phản bác, phủ định. Người ta nói có lý rằng thơ triết luận chỉ chiếm một phần sáng tác của Tiutchev, bên cạnh đó Tiutchev còn để lại không ít mẫu mực về thơ phong cảnh, thơ tình yêu, thơ công dân. S. L. Frank, triết gia lỗi lạc của thế kỷ XX và là người am tường thơ ca châu Âu, cho rằng những bài thơ về mùa xuân của Tiutchev “thuộc về những trang đẹp nhất của thơ trữ tình thế giới”.(*) Nhiều bài thơ tình của Tiutchev in sâu vào tâm trí biết bao nhiêu độc giả không bao giờ bận tâm với triết học. Nhiều bài thơ trữ tình công dân của ông làm lây lan mãnh liệt sang người đọc lòng khao khát tự do, tình yêu đất nước, dân tộc - những tình cảm độc lập với mọi thứ triết học. Định thức “thi sĩ-triết gia” có mặt đáng ngại nữa là nó dễ gây một quan niệm không đúng về Tiutchev như là một nhà tư tưởng có một hệ thống quan điểm triết học xác định, không mâu thuẫn và làm thơ để phô diễn hay minh hoạ cho những quan điểm ấy. Những nhà thơ-triết gia (hay triết gia - thi sĩ) như thế trong lịch sử thơ châu Âu có không ít, bắt đầu từ Parmenide, Empédocle, Lucrèce... ở Hy Lạp - La Mã đến các nhà thơ “siêu hình học” Anh trong thế kỷ XVII và Schiller trong thế kỷ XVIII (đấy là chưa kể đến thơ trữ tình tôn giáo với hàng trăm thi nhân phô diễn những tư tưởng triết học của các nền tôn giáo).
Ở Nga vào thời Tiutchev, từ những năm 20 đã hình thành một phái nhóm “yêu chuộng minh triết” (liubomudrie) trong giới các nhà thơ quý tộc. Phái nhóm này, đoạn tuyệt với dòng thơ đa sầu đa cảm của những hậu sinh của Zhukovski cũng như dòng thơ hưởng lạc chủ nghĩa bắt chước thơ tân cổ điển Pháp thế kỷ XVIII, đề ra chủ trương kiến tạo một nền “thơ tư tưởng”, họ hiểu nó là thơ không chỉ có chiều sâu tư tưởng, mà còn chuyển tải một cương lĩnh tư tưởng xác định, một hệ thống những quan niệm triết học tự nhiên và triết học lịch sử bằng một ngôn ngữ thơ tương ứng. Hệ thống triết học này về cơ bản là hệ thống của Schelling (1775-1854) - nhà triết học duy tâm chủ nghĩa Đức đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá tinh thần của nước Nga thế kỷ XIX. Những tư tưởng và những môtip của triết học Schelling thẩm thấu sáng tác của nhiều nhà thơ Nga có biệt tài như Venevetinov (1805-1827), Shevyriev (1806-1864), Khomiakov (1804-1860). Tiutchev thời làm ngoại giao ở nước ngoài trực tiếp nghe những bài giảng của Schelling ở trường đại học Mỹnchen và giao du thân mật với đại nhân này(*), nhưng thái độ của ông đối với triết học Schelling hết sức độc lập. Trong sáng tác của Tiutchev có thể tìm thấy những thi phẩm mang hơi hướng triết học tự nhiên của Schelling, nhưng cũng có những bài trực tiếp hay gián tiếp tranh luận với triết học ấy. Các nhà “Tiutchev học” phát hiện ra trong thơ Tiutchev nhiều sự vọng đáp lúc hiển lộ lúc ẩn kín, nhưng bao giờ cũng độc đáo, sáng tạo với khá nhiều triết thuyết rất khác nhau - từ triết học tự nhiên cổ Hy Lạp đến những học thuyết thần bí thời Trung đại và duy lý chủ nghĩa thời Khai sáng.

Ph. Tiutchev
Thơ triết lý của Tiutchev, chiếm phần quan trọng hơn cả trong sáng tác của ông - vì vậy mà Tiutchev trước hết vẫn là thi sĩ-triết gia - tuyệt không mang tính sách vở, tính kinh viện. Tất cả những tư tưởng và môtip của triết học thế giới mà Tiutchev đã hấp thụ, trong thơ ca của ông được nung lại trong chén nung của trí tưởng tượng sáng tạo, biến hoá thành những biểu tượng sống động, những huyền thoại tố (mythologême) kỳ vĩ. Tràn trề chất trí tuệ, thơ trữ tình triết lý của Tiutchev đồng thời luôn luôn sục sôi cảm xúc, ở đây không có chỗ cho chỉ một lý trí lạnh lùng. Chứa đựng những khái quát sâu rộng nhất, chúng không bao giờ sa vào trừu tượng, sa vào chất tư biện, mà luôn luôn phát xuất từ những hiện tượng nghiệm chứng của thế giới ở bên ngoài và bên trong con người. Khomiakov, người đạt được những thành tựu nổi bật hơn cả trong phái nhóm thi gia Nga “yêu chuộng minh triết”, ý thức rất rõ khoảng cách không thể vượt qua giữa mình với Tiutchev. Trong một bức thư gửi một người bạn chung, ông viết: “Không giả vờ khiêm nhường, tôi tự biết về mình rằng thơ tôi, khi chúng hay, đứng vững được nhờ tư tưởng, tức là người viết tản văn thế nào cũng lộ mặt ra... Còn anh ta (Tiutchev – PVC) là thi nhân một trăm phần trăm. Ở anh ta, cũng như ở Pushkin... có cái bản tính của con người cổ đại trong quan hệ với nghệ thuật”.
Khomiakov, như ta thấy, đặt Tiutchev ngang hàng Pushkin về mức độ thi tài. Pushkin cũng để lại nhiều bài thơ trữ tình triết lý kiệt xuất, và sự so sánh những thi phẩm triết lý của hai nhà thơ ngang tài này có thể làm sáng tỏ hơn bản sắc của ngòi bút Tiutchev, những nét đặc trưng của tư duy nghệ thuật nơi ông. Ta hãy đối chiếu hai bài thơ của Pushkin và Tiutchev viết cùng trong năm 1830 về một chủ đề - sự thao thức của thi nhân giữa đêm khuya. Đây, bài thơ của Pushkin được tất cả mọi người am hiểu thơ ca xem là một kiệt tác tuyệt đối.
Thơ làm trong lúc mất ngủ
Tôi không ngủ được, xung quanh không ánh lửa
Chỉ có bóng tối với mộng mị tẻ ngắt,
Chỉ có tiếng chuông đồng hồ quả lắc
Đơn điệu vang lên bên tôi.
Hơi thở phập phồng của đêm say giấc,
Tiếng lẩm bẩm của mụ già Parque,(*)
Sự đời rối rít trò chuột nhắt
Ngươi quấy nhiễu ta làm gì?
Ngươi có nghĩa gì, tiếng thì thầm buồn chán,
Ngươi là lời trách móc hay lời than vãn
Của một ngày vô vị đã qua đi?
Ngươi muốn cái gì vậy nơi tôi?
Ngươi kêu gọi hay ngươi tiên báo?
Tôi muốn thấu hiểu ngươi,
Tôi cố tìm ý nghĩa nơi ngươi...
Bài thơ này được nhiều nhà nghiên cứu coi là một mẫu mực của thơ trữ tình hiện thực chủ nghĩa của Pushkin. Cũng có thể xem nó là một mẫu mực của nghệ thuật thơ cổ điển nói chung, mà dấu hiệu chính là tinh thần mực thước, là phong cách diễn đạt cô đúc, hàm súc, bằng những phương tiện biểu cảm biểu ý tiết kiệm, bằng ngôn ngữ dung dị, trong sáng, không bao giờ cầu kỳ, rối rắm, lắm lời. Bài thơ của Pushkin rõ ràng là một thông điệp không dễ bỏ qua về ý nghĩa sâu kín của cuộc sống con người - cái ý nghĩa luôn luôn tuột khỏi tay nó trong đời sống ban ngày, giữa trăm ngàn lo toan thường nhật và giày vò, hành hạ nó trong những đêm thao thức, khi nó ở lại một mình với mình. Nhưng đáng để ý là câu hỏi trực tiếp về ý nghĩa cuộc sống chỉ vang lên ở câu thơ cuối cùng. Tác giả dẫn dắt người đọc đến câu hỏi triết lí ấy thông qua một loạt chi tiết về hiện thực đời sống thường nhật tẻ ngắt, mà giữa những tạp âm của “sự đời rối rít trò chuột nhắt” ấy ngay tiếng nói của thần số mệnh cũng được nghe thấy như tiếng lẩm bẩm của một mụ già. Bài thơ triết lý của Pushkin mang tính “ý tại ngôn ngoại”, nó diễn đạt rất kín đáo nỗi khắc khoải siêu hình của tâm hồn con người, nó chừa nhiều khoảng trống trong không gian tư tưởng, nó chỉ khêu gợi chứ không ám thị, nó tế nhị mời người thưởng thức tự hoàn thành thông điệp của tác phẩm nghệ thuật trong tâm tưởng của mình. Cái duyên, sức hấp dẫn thẩm mỹ đặc thù của nhiều thi phẩm của Pushkin là ở chỗ ấy.
Tiutchev cũng cô đúc, cũng kiệm lời như Pushkin, nhưng lời thơ của ông có chủ ý đạt áp lực lớn, nó cuốn hút sâu người thưởng thức vào trong trường ngữ nghĩa của mình và không buông thả anh ta ra ngoài một khoảnh khắc nào. Tiutchev ám thị, thậm chí thôi miên người đọc bằng những từ ngữ thoạt đầu nghe rất trừu tượng và mơ hồ nhưng ngay lập tức, dưới ngòi bút của nhà thơ hóa hình thành những biểu tượng rực rỡ sắc màu, những hình ảnh thơ ca nặng trĩu hàm nghĩa mới được khám phá. Đây, một bài thơ đêm không đề của Tiutchev được viết cùng một năm với bài thơ đêm của Pushkin.
Người gào rú gì thế, hỡi gió đêm,
Người ca thán điên cuồng về gì vậy?
Có nghĩa gì tiếng nói kỳ lạ của ngươi
Lúc thì thầm nỉ non, lúc ầm ĩ?
Bằng ngôn ngữ trái tim dễ hiểu
Ngươi nói về nỗi đau bất khả tri,
Ngươi đào bới, làm nổ tung nơi ấy
Đôi khi những âm thanh cuồng nộ.
Ôi, đừng hát những bài ca đáng sợ
Về cái hỗn mang cổ xưa, hỗn mang thân thuộc!
Cả thế giới tâm hồn ban đêm
Náo nức nghe câu chuyện mến yêu!
Nó muốn thoát ra ngoài lồng ngực hữu tử,
Nó khao khát hoà vào cõi vô biên...
Ôi, đừng đánh thức bão táp vừa ngủ yên,
Dưới chúng hỗn mang vẫn cựa quậy!
Bài thơ chia làm hai khổ. Ở khổ đầu chủ thể trữ tình, thao thức trong bóng tối, bằng toàn thể con người mình lắng nghe tiếng gió đêm thổi. Không một chi tiết nào khác về thế giới bên ngoài, chỉ có gió đêm với tất cả những âm thanh phức điệu dội vào lòng người. Ngay ở những câu thơ đầu, gió đêm đã xuất hiện như một vật sống: nó “gào rú”, nó “ca thán điên cuồng”, tiếng nói của nó “lúc thì thầm nỉ non, lúc ầm ĩ”. Đây không đơn thuần là sự nhân cách hoá hiện tượng tự nhiên - một thủ pháp rất quen thuộc trong thơ ca mọi dân tộc và mọi thời đại. Gió đêm của Tiutchev không chỉ là vật sống, nó có ngôn ngữ mà con người hiểu được, bằng “ngôn ngữ trái tim dễ hiểu” ấy nó tâm sự với con người về “nỗi đau bất khả tri”- nỗi đau không của riêng ai mà của cả thế giới hữu hình hữu sắc.Vật vã với cái bí ẩn không thể giải toả ấy của thế giới, nó “đào bới, làm nổ tung những âm thanh cuồng nộ”.
Từ một hiện tượng thiên nhiên quen thuộc, gió đêm qua tám câu thơ của Tiutchev biến thành một huyền thoại tố, một biểu tượng về quan hệ sâu kín huyền bí của con người với hoàn vũ. Nhưng bài thơ không dừng lại ở đấy. Những bài hát của gió đêm hoá ra là những bài hát về cái hỗn mang, mà nhà thơ gọi là “cổ xưa” và “thân thuộc”. Hỗn mang, khái niệm đối lập với trật tự, hài hoà trong các ngôn ngữ hiện đại, bằng hai hình dung từ ấy được trả lại cái ý nghĩa nguyên sơ mà nó vốn có ở nhiều nền thần thoại phương Tây và cả phương Đông.(1) Hỗn mang (chaos), cái không có hình thù, không có quy củ, không có giới hạn, là cơ sở phát sinh của toàn bộ thế giới có hình thể, có quy củ, có giới hạn và đồng thời là cái huyệt vô đáy hút thu tất cả. Trong bài thơ của Tiutchev cái hỗn mang ấy đồng nghĩa với cái vô biên và với bóng đêm. Nó luôn luôn sống, luôn luôn “cựa quậy” dưới mọi vật thể tưởng chừng ổn định của thế giới hữu hình. Đối với mọi sinh linh hữu tử, nó vừa quyến rũ, vừa đáng sợ. Tâm hồn con người ban đêm được giải phóng khỏi mọi ấn tượng đa sắc đa thanh của thế giới ban ngày, vừa khao khát hội nhập với cái cơ sở vô biên ấy của mọi sinh tồn, vừa khiếp sợ trước sức hút thu, huỷ diệt của nó. Gió đêm kể cho hồn người thao thức câu chuyện hấp dẫn và khủng khiếp về cái hỗn mang ẩn náu khắp nơi, dưới mọi hiện tượng và mọi sự vật của vũ trụ hữu hình - trước chúng ta là một huyền thoại, được vẽ nên bởi trí tưởng tượng của nhà thơ-triết gia.
Tiutchev không phô diễn hay minh hoạ một tư tưởng triết học tiên nghiệm, ông sáng tạo một huyền thoại triết lý soi sáng cái tầng sâu kín nhất, tăm tối nhất của sự sống hoàn vũ và con người. Nếu dùng thuật ngữ phương Đông, thì Tiutchev là một thi sĩ huyền học và thơ ông là thơ khải huyền.
(Còn nữa)