Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 17:58 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1697314
Tin tức > Văn học Nga > Xem nội dung bản tin
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P 1)
[27.11.2018 08:58]
Xem hình
LTS: PGS.TS, dịch giả Phạm Vĩnh Cư am hiểu sâu sắc và là chuyên gia hàng đầu về Văn học và Triết học Nga. Bằng những công trình dịch thuật, ông đã đưa bạn đọc Việt Nam tiếp cận tới lý thuyết Thi pháp học của nhà nghiên cứu khoa học nhân văn lỗi lạc Nga Mikhail Bakhtin qua “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết”, làm quen với nhà Triết học nổi tiếng Vladimir Soloviev (một Platon của Nga) qua “Siêu lý tình yêu”. Ông cũng là người mở đầu nghiên cứu một cách toàn diện về Ph.Tiutchev, Marina Svetaeva… ,với những khám phá rất riêng, độc đáo và sâu sắc. NBĐ xin giới thiệu công trình nghiên cứu của ông về Tiutchev, nhà thơ Nga lỗi lạc mà bạn đọc Việt Nam chưa được biết nhiều

Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia

Tặng Trương Đăng Dung

Phần 1

Những người yêu thích văn học Nga, tìm hiểu sự nghiệp và thân thế của nhà thi hào Tiutchev Fiodor Ivanovich (1803-1873), không thể không ngạc nhiên trước một loạt hiện tượng khó giải thích. Trước hết thật khó giải thích thái độ dửng dưng, vô cảm đối với thơ Tiutchev của công chúng độc giả cùng thời với ông. <br />

Sinh sau Pushkin 4 năm và trước Lermontov 11 năm, chính Tiutchev đã cùng hai đại thi hào ấy và một loạt nhà thơ kiệt xuất khác sáng tác vào những năm 20-30 thế kỷ XIX làm nên cái mà sau này sẽ được gọi là "thế kỷ hoàng kim" của thơ ca Nga. Thi tài của Tiutchev, cũng như của Pushkin và Lermontov, chín muồi khá sớm. Nhà thơ mới 24-25 tuổi, khi các tạp chí văn học ở Moskva và Peterburg bắt đầu rải rác đăng những bài thơ mang dấu ấn khó nhầm lẫn của ngòi bút Tiutchev, có những bài là những kiệt tác thực thụ, nhưng chúng đã không được công luận  để ý đến. Năm 1836, mấy tháng trước khi chết, Pushkin công bố liên tục trong hai số tạp chí “Người cùng thời đại” của mình 24 thi phẩm của Tiutchev - 24 viên ngọc sáng, mà không có chúng thì giờ đây không thể hình dung được thơ cổ điển Nga. Thế nhưng những thi phẩm ấy mà phẩm giá ngời ngời của chúng đập vào mắt người đọc hiện nay, thời ấy đã không làm nên một sự kiện văn học nào hết - không một tờ báo, không một tạp chí nào đăng một lời bình phẩm nào về chúng. Các nhà phê bình quý tộc và bình dân, cổ xuý cho nhiều trường phái văn chương khác nhau, say sưa tán tụng hết minh tinh này đến minh tinh kia xuất hiện trên bầu trời thơ Nga, mà tên tuổi giờ đây chỉ các nhà văn học sử còn nhớ: những Podolinski, Timofeev, Benedictov... Nhưng cứ như cấu kết với nhau, họ không nói gì về Tiutchev. Không thể tìm thấy một nhận xét nào về thơ Tiutchev trong toàn bộ di sản phê bình văn học đồ sộ của Belinski. Ngay một độc giả thượng cấp như Gogol, người rất tinh nhạy với những giá trị văn chương đích thực, trong bài khảo luận “Thế thì bản chất và đặc điểm của thơ Nga là ở đâu” (1847) chỉ điểm qua tên Tiutchev trong số những nhà thơ xuất hiện sau Pushkin và chịu ảnh hưởng của Pushkin.

Giá trị xuất chúng, tài nghệ cao cường của thơ Tiutchev lần đầu tiên được Nekrasov khẳng định năm 1850 trong bài viết mang tiêu đề đáng để ý: “Những nhà thơ Nga thứ hạng” – sở dĩ thứ hạng, Nekrasov giải thích, bởi vì đến lúc ấy những thi phẩm cũ của Tiutchev đã bị quên lãng, còn những sáng tác mới thì xuất hiện rất ít. Tập thơ đầu tay của Tiutchev ra đời khi tác giả đã ngoại ngũ tuần (1854). Trong bài phẩm bình viết trong năm ấy, Turgenev quả quyết tiên báo cho thơ Tiutchev một tương lai bất tử, nhưng lại cảnh báo rằng nhà thơ này sẽ không bao giờ lừng danh vì thơ ông không dành cho đại chúng. Turgenev đã dự đoán không sai ít nhất cho thế kỉ của ông. Lúc còn sống cũng như nhiều thập niên sau khi đã mất, Tiutchev được ngưỡng mộ chủ yếu trong giới hẹp của những người sáng tác. Fet suy tôn ông là "một trong những nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất". Dostoievski cũng gọi ông là đại thi hào và xếp ông ngay bên cạnh Pushkin, còn Tolstoi thì thậm chí đặt Tiutchev cao hơn Pushkin. "Không có Tiutchev không thể sống được" - Tolstoi nói đi nói lại. Nhưng trong khi ấy thì tập thơ Tiutchev, tái bản năm 1868 với số lượng in chưa đầy hai nghìn bản, ế đọng từ năm này sang năm khác trên các quầy hàng sách, giữa lúc độc giả được hướng đạo bởi báo chí náo nức săn tìm thi tập của nhiều nhà thơ mới, thời thượng...

Tiutchev Fiodor Ivanovich (1803-1873)

Sự thờ ơ của công chúng cùng thời đối với thơ Tiutchev đã khó hiểu - thái độ của chính nhà thơ còn khó hiểu hơn. Tiutchev không coi trọng tí nào ngay cả những kiệt tác ngời sáng của mình, ông gọi tất cả các sáng tác của ông bằng một từ chung - "giấy lộn", ông tuyệt không quan tâm giữ gìn, lại càng không chăm lo quảng bá chúng. Nếu chúng được công bố trên báo chí, được in thành sách thì trong đại đa số trường hợp là do nhiệt tình của bạn bè hay người thân hiểu biết giá trị của thiên tài của ông. Các nhà "Tiutchev học" cho đến bây giờ vẫn chưa nhất trí được với nhau, đây là sự khiêm tốn thật lòng hay là một hình thức cao ngạo đặc biệt, có thể có cả cái này lẫn cái kia. Vô luận thế nào đi nữa thì đối với văn chương, trong thời đại khi nó đã trở thành một lĩnh vực khu biệt hệ trọng của đời sống xã hội và một nghề nghiệp, Tiutchev luôn luôn giữ lập trường của một tài tử sáng tác vì nhu cầu nội tâm không thể cưỡng lại nhưng dửng dưng đối với số phận những tác phẩm của mình một khi chúng đã được viết ra. Tư tưởng dùng sáng tác văn chương để mưu cầu danh lợi hoàn toàn xa lạ với ông. Lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của ông là ngoại giao, suốt đời ông bận tâm tha thiết với những quan hệ quốc tế, với những vấn đề chính trị đối ngoại chứ không phải với đời sống văn học ở trong và ngoài nước (mặc dù ông đọc nhiều và có những ý kiến xác đáng về nhiều hiện tượng văn học Nga và Tây Âu cùng thời).

Từ 18 đến hơn 40 tuổi sống và làm việc ở nước ngoài (Đức và Ý), giao du với nhiều trí thức lớn của châu Âu, hai lần lấy vợ đều là người nước ngoài, nói tiếng Pháp lưu loát hơn tiếng mẹ đẻ và viết văn Pháp khiến các ký giả Pháp phải khâm phục, Tiutchev từ khi trở về nước (1844) giao thiệp chủ yếu trong giới xã hội thượng lưu gần gũi với triều đình, thường xuyên xuất hiện trong các phòng khách quý tộc, các cuộc dạ hội và vũ hội ở kinh đô như một tao nhân mặc khách lịch lãm và uyên bác, có tài nhả ngọc phun châu. Không được chính quyền tín nhiệm lắm, không được giao một chức trách gì quan trọng lắm, mặc dù có phẩm tước khá cao, Tiutchev tìm mọi cách sử dụng những quan hệ cá nhân để tác động đến đuờng lối, chính sách đối ngoại của chính phủ Sa hoàng, song không mấy khi đạt được kết quả mong muốn. Tuy vậy, càng về già nhà thơ đại tài này càng say mê chính trị và rời xa văn chương đích thực. Hồi trẻ nổi tiếng là lười viết, xem viết lách là "một tai hoạ khủng khiếp, sự sa ngã tội lỗi thứ hai của trí tuệ đáng thương của loài người" (thư gửi công tước Gagarin, 1836), sáng tác những bài thơ hay nhất của mình theo lối ứng khẩu, Tiutchev về già thay đổi hẳn thói quen, say mê viết và đăng hàng chục bài thơ chính luận hưởng ứng những sự kiện chính trị này nọ hay đơn thuần minh hoạ, tuyên truyền cho những tư tưởng chính trị không mấy tiên tiến, nặng tinh thần chủ nghĩa dân tộc đại Nga và chủ nghĩa liên Xlavơ. Dĩ nhiên, Tiutchev không có ảo tưởng gì về phẩm giá thẩm mỹ nội tại của những bài văn vần phục vụ thời cuộc ấy, nhưng dẫu sao do khối lượng khá lớn chúng vẫn bổ đôi sáng tác của ông thành hai phần vênh lệch giá trị, cái phần nghi ngẫu, ứng dụng không che khuất được, nhưng vẫn gây cản trở không nhỏ cho hậu thế muốn tiếp thụ hết những gì là tinh tuý, bất hủ trong di sản của Tiutchev.

Đến cuối thế kỷ XIX ở nước Nga còn rất ít người đọc thơ Tiutchev, và cần có thiên tài triết học của Vladimir Soloviev để cho trong công luận thức tỉnh một nhận thức mới về giá trị lớn lao của sáng tác Tiutchev, vị trí cao quý của ông trên thi đàn thế giới, sự cần thiết của ông cho đời sống tinh thần của con người hiện đại. Bài viết của Soloviev, ngang tài với đối tượng của nó, (*) xuất hiện vào lúc những luồng gió tư tưởng-nghệ thuật mới đương thổi mạnh vào xã hội Nga, đã mở đầu một giai đoạn mới trong lịch sử tiếp nhận và kiến giải Tiutchev. Từ đầu thế kỷ XX, các nhà thơ tượng trưng chủ nghĩa (Briusov, Blok, Belyi, Ivanov...) cũng nhiều nhà văn hoá hoạt động trong "thế kỷ bạch kim Nga" đua nhau phát biểu về Tiutchev. Người ta phát hiện ra tính hiện đại nóng bỏng của ông, sự ứng hợp kỳ lạ của thơ ông với cảm quan cuộc sống, với những lo âu, khát vọng, tìm kiếm của những con người sống trong thời đại của những biến động long trời lở đất chưa từng có trong lịch sử thế giới. Thơ Tiutchev được sưu tầm, khảo đính và in đi in lại, thu hút một khối lượng người tiêu thụ không thể so sánh với thế kỷ trước. Nhiều nhà phê bình văn học có biệt tài (Eikhenbaum, Tynianov, Pumpianski...) viết những bài nghiên cứu xuất sắc về Tiutchev, đặt nền móng cho khoa "Tiutchev học" sẽ phát triển âm thầm, nhưng liên tục dưới chính thể mới. ở nước Nga Xô viết những thập niên cuối, có thể thấy được một sự "bùng nổ" mối quan tâm xãhội đối với Tiutchev: những tuyển tập, tổng tập của ông được phát hành với số lượng hàng chục vạn bản mà vẫn không thoả mãn được nhu cầu người mua, hàng chục công trình chuyên khảo về Tiutchev ra mắt bạn đọc (*). Vượt qua rào cản ngôn ngữ, thơ Tiutchev được dịch ngày một nhiều hơn và được nghiên cứu kỹ lưỡng ở nước ngoài. Tiutchev ngày nay đã thực sự trở thành bất tử, có điều sự bất tử của ông mang nhiều nét đặc thù cá biệt, không giống nhiều nhà thơ cổ điển khác. Thơ Tiutchev có lẽ mãi mãi sẽ được giảng dạy hạn chế ở nhà trường, vì để lĩnh hội nó cần có một sự trưởng thành tinh thần nhất định. Thơ Tiutchev rất khó phổ nhạc, chuyển thể thành những ca khúc làm rung động lòng người - nhạc tính của chúng là nhạc tính của những tư cảm nhiều hơn tình cảm thuần tuý. Thơ Tiutchev cũng không thể ngâm xướng từ sân khấu hay trong các hội trường (không nói đến các quảng trường hay sân vận động) vì hình như nó không được viết để phát thanh ở những nơi công cộng, để cho cùng một lúc nhiều người thưởng thức. Thơ Tiutchev thâm nhập tâm hồn người đọc mãnh liệt nhất khi anh ta ở lại một mình với nó, giao hiến toàn bộ tâm trí cho nó, không còn nhớ một cái gì khác ngoài nó. Lúc ấy thì đằng sau những dòng thơ cô đúc sẽ hiện ra cả một thế giới những cảm xúc, tư tưởng to đẹp, mãnh liệt, sâu sắc, lay động những sợi dây sâu kín nhất của tâm hồn con người, làm thức dậy trong nó những khát vọng bản thể, những câu hỏi bất an, day dứt muôn đời không được giải đáp.

(Còn nữa)

Tin liên quan:
Phạm Vĩnh Cư: Thưởng ngoạn tuyển tập Dương Thuấn (05.04.2020 17:36)
Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (Phần 5) (12.12.2018 09:55)
Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (Phần 4) (12.12.2018 09:28)
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P3) (02.12.2018 11:57)
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P2) (30.11.2018 20:24)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Chùm thơ ĐMITRI ĐVERI (06.02.2017 17:02)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Thơ tình nước Nga (P1) - Ngọc Châu dịch
Những nét khác thường trong ?Một con người ra đời’ của Macxim Gorki
Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 2)
Tác giả ?Nhật kí trong tù’ trong một tâm hồn thơ Nga
Thơ tình nước Nga (P12): Aleksey Konstantinovich Tolstoi (Ngọc Châu dịch)
Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 1)
Tiểu thuyết mới của Chinghiz Aitmatov
Thơ tình nước Nga (P6) - Sergay Exenhin - Ngọc Châu dịch
Chùm thơ dịch từ tiếng Nga của Tư Huyền
Ngày hội Puskin toàn Nga -
 
 
 
Thư viện hình