Việc xét lại lịch sử, ở nước nào, thời nào cũng có. Lịch sử nước Đức cũng đang bị đảng cực hữu NPD đòi xét lại. Họ nói: Phe đồng minh gây ra chiến tranh TG lần 2; Nước Đức bị xâm chiếm; Không có các vụ giết người hàng loạt ở các trại tập trung; Cắt một phần lãnh thổ Đức ở biên giới là bất công...Một khi chúng ta càng lùi xa sự kiện lịch sử bao nhiêu, thì chúng ta lại viết sử càng chính xác bấy nhiêu. Nhưng mô tả sao cho đúng sự kiện đã và đang có, gọi ra đúng tên, bóc trần được bản chất sự kiện lịch sử... là một điều vô cùng khó.
Chính xác và công tâm là một trong những yêu cầu cốt yếu để viết đúng sử.
Luật Đức sử Tàu
Năm Ất tị – đời vua Lê Huyền Tôn, ông Phạm Công Trứ đã phụng biên sách “ Đại Việt sử kí tục biên”. Ông viết: “ Vì sao mà làm quốc sử? Vì chủ yếu của sử là ghi chép công việc, có chính trị của một đời, tất phải có sử của đời ấy; mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tô điểm việc trí trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước; người ác biết có thể tự răn, quan hệ với việc chính trị không phải là không nhiều. Cho nên mới làm quốc sử.”
Với những biến động chính trị dữ dội của đất nước từ sau 1945 đến nay (nhất là trong giai đoạn hiện nay: “Xét lại lịch sử”), những người viết quốc sử cho nước ta, họ chép theo phương pháp nào là chính xác nhất? Xin hãy tham khảo câu chuyện dưới đây:
Lại nói tới thời Xuân Thu bên Trung Quốc, có nước Tề là chư hầu của nhà Chu. Vua Tề Linh Công (thứ 24) có người con trai trưởng là Khương Quang. Năm 554 TCN (vào khoảng cuối đời Hùng Vương của Việt Nam), Linh Công ốm nặng chắc không qua khỏi, quan võ Thôi Trữ phò tá Khương Quang về lập thế tử. Tề Linh Công chết, Khương Quang nối ngôi cha, gọi là Tề Trang Công.
Quan võ Thôi Trữ có người vợ tên Đường Khương đẹp “nghiêng thành quách”, nhưng tính tình lại rất lẳng lơ. Vua Trang Công đem lòng say đắm và lén lút “cắm sừng” Đường Khương. Thôi Trữ biết chuyện, tra hỏi thì bị Đường Khương sỉ mắng rằng: Làm chồng mà hèn hạ, không giữ được vợ để vua làm nhục! Thôi Trữ căm lắm, ngày đêm nghĩ cách trả thù.
Một hôm Trang Công mở tiệc chiêu đãi vua nước Cử, Thôi Trữ cáo ốm không đi. Trang Công lợi dụng đến thăm, nhưng là để gian dâm với Đường Khương. Đã có cơ mưu từ trước, Thôi Trữ rút kiếm kề vào cổ Đường Khương, quát vợ dụ vua vào phòng trong để tình tự. Vì mê mẩn người đẹp, vua Trang Công mắc bẫy bị nhốt trong phòng. Thôi Trữ hô thuộc hạ vây bắt. Các võ sĩ đi theo bảo vệ vua, lần lượt bị hạ sát. Vua không còn đường chạy, phải trèo qua tường sau, nhưng bị Vô Cữu giương cung bắn trúng đùi bên tả, sau đó giáp sĩ quây lại, dùng gươm chém chết...
Thôi Trữ loan tin: Vua lâm bệnh băng hà!
Thời ấy, nước Tề có 5 thái sử. Một nhà có Thái sử Bá, thái sử Trọng, thái sử Thúc và thái sử Quý là bốn anh em ruột. Thôi Trữ cho gọi người anh cả là thái sử Bá lên nói:
- Tiên vương lâm bệnh băng hà!
Bảo viết: - “Mùa hạ, tháng năm, ngày Ất dậu Thôi Trữ lập mưu giết Quốc Quân Quang” (Quang là tên tục của Tề Trang Công).
Thôi Trữ tức giận thét tả hữu lôi thái sử Bảo ra chém. Đến người em thứ hai và thứ ba là Trọng và Thúc vẫn viết vậy, họ can trường chịu chém đầu chứ quyết không viết khác. Người em út là Quý đến ngồi dưới trướng của Thôi Trữ, vẫn viết đúng câu: “ Mùa hạ, tháng năm, ngày Ất dậu, Thôi Trữ lập mưu giết Quốc Quân Quang”. Thôi Trữ bảo:
- Không nghe tao, cả ba anh của mày đã bị giết, mày không sợ chết sao?
Thái sử Quý quẳng bút xuống đất mà rằng:
- Càng chém thì càng trở nên tàn bạo, tội càng lớn. Ông có thể giết chết được thái sử, nhưng không bao giờ có thể giết được sự thật.
Đoạn, vươn cổ cho đao phủ chém... Chán nản vì không khuất phục được ý chí kiên cường của những người viết sử, Thôi Trữ đành ra lệnh tha mạng sống cho thái sử Quý.
Trên đường trở về, thái sử Quý gặp người thứ năm là thái sử Dũng đang cắp thẻ tre đi tới. Hỏi:
- Ông đi làm gì?
Thái sử Quý trả lời:
- Nghe tin anh em nhà ông bị giết cả, tôi phải lên để viết tiếp “Ngày Ất dậu, tháng năm, mùa hạ...”.
Đời sau thiên hạ than rằng: Ôi! Chỉ một câu, một chữ trong lịch sử mà thấm đẫm máu anh hùng!
* * *
Còn đây là chuyện thực thi pháp luật ở Đức:
Lâu đài Sans Souci hiện ngự tại thành phố Postdam (tiểu bang Bradenburg) thuộc Đế chế Preussen (Phổ) xưa, được coi là ngang hàng với lâu đài Versailles của Pháp. Cấu trúc theo trường phái Rokoko không đồ sộ như Barock, nhưng rất tinh tế. Lâu đài được nhà quý tộc Georg Wenzeslaus Von Knobelsdorff thiết kế, nó được làm từ 1745 đến 1747 ( vào khoảng thời vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam) để vào mùa hè, vua Friedrich Đại Đế phi ngựa từ Berlin về thư giãn. Friedrich Đại đế rất yêu thích văn học Pháp, do vậy lâu đài được ông đặt tên là Sans Souci với ý nghĩa là “Vô ưu”.
Lâu đài và khu vườn thượng uyển nằm trong một khu đất rộng vài trăm ha. Riêng các lối mòn để đi dạo trong vườn và rừng cây đã có chiều dài 76 km. Lâu đài chính trên đỉnh đồi, cấu trúc với hơn muời phòng lớn (trong đó có phòng tranh của các hoạ sĩ: Peter Paul Rubeus và Anton Van Dyck (Hà Lan), Caravagio (Ý)... Vườn cây bên dưới là một thảm thực vật quý hiếm, nhiều cây xanh được nhập từ nước ngoài về. Trung tâm vườn thư giãn là giếng nước Fountai với một loạt các tượng đài xung quanh như: Venus, Apollo, Juno... đi chút nữa là rừng phong và sồi ngạt ngào hương toả (các cung điện mới hai bên, được thế hệ con cháu mở rộng sau này). Nơi đây Friedrich II thường dùng để đón tiếp các khách quý. Ông hay đi dạo và đàm đạo cùng Voltairer về các vấn đề văn học, triết học, lịch sử. Ông cũng dành nhiều thời gian ở nơi đây để nghiền ngẫm chiến thuật quân sự. Chính những điều đó, đã mang lại chiến công mang tính “Thánh ca” cho trận đánh Leuthen lịch sử của vua Friedrich Đại đế.
Chuyện xưa kể lại một giai thoại rằng: Khi quy hoạch, giải toả dân ở khu rừng này làm lâu đài thư giãn, vua Friedrich Đại Đế thấy không bằng lòng với chiếc cối xay gió đứng ngạo nghễ ở phía Tây, bên ngoài cổng. Ông cho người đến bảo người chủ cối xay dọn đến một địa điểm khác, sẽ có ít tiền đền bù. Người nông dân đó không đồng ý. Vua hỏi mua lại, ông kia cũng không bán. Tức mình, Fredrich hô quân đến tịch thu. Người chủ cối xay gió điềm tĩnh nói với vua rằng:
- Trước khi bệ hạ cho quân đến tịch thu tài sản của tôi, xin bệ hạ hãy cùng tôi tới toà thượng thẩm ở Berlin, để nghe toà phán quyết.
Đứng trước hội đồng thẩm phán, vua Friedrich ra lệnh: Phải viết như thế nào đó, để lần sau vua về, ông không còn nhìn thấy chiếc cối xay gió đứng trình ình trước cổng cung điện nữa. Hội đồng thẩm phán trả lời:
- Thưa Bệ hạ! Luật về bảo vệ tài sản tư nhân, là do chính Bệ hạ kí sắc lệnh ban ra, mọi thần dân đều nhất nhất tuân theo, dù phải chịu tội khi Quân, chúng tôi cũng không thể nào viết khác được.
Nổi giận với phán quyết chống lại mình của toà, vua Friedrich thét quân lính tống giam toàn bộ hội đồng thẩm phán vào ngục tối...
Hôm nay, khách du lịch bốn phương đến tham quan Sans Souci của Friedrich Đại Đế, họ vẫn được chiêm ngưỡng chiếc cối xay gió cổ cũ kĩ, ngày đêm vẫn miệt mài xay ra những mẻ bột trắng ngần. Hiên ngang đứng bên lối cổng vào lâu đài, chiếc cối xay vẫn đứng đó thi gan cùng năm tháng, đứng đó như một biểu tượng sáng ngời cho cuộc đấu tranh giành quyền sống, quyền làm người của những “công bộc” phụng sự sứ mệnh là Cán Cân Công Lí.
Halle/Saale, ngày 02.9.2016 – Mùa thu Bính Thân.