Ngày ấy chúng tôi đói thông tin. Thông tin nước ta, thông tin nước người chúng tôi chả quan tâm. Tất cả thời gian chúi mũi vào vẽ. Còn tý thời giờ rảnh rỗi thì lượn lờ các cửa hàng. Khi mua cân thịt, lúc xách vài cái bắp cải, vài cân khoai tây. Có đận rau hiếm. Cải muối, dưa chuột muối, cà chua muối đóng lọ thủy tinh, thôi thì cầm tất. Méo mó, có hơn không. Gạo cực hiếm, làm luôn dăm, mười cân nếu gặp. Mì dài, mì ngắn cân tuốt. Bữa ăn hàng ngày cũng trôi nổi, no dồn đói góp, tuỳ theo lượng tiền trong túi. Trưa ăn nhà ăn. Tối về ký túc xá mới có điều kiện nhẩn nha nấu nướng xì xụp. Mâm cơm độc một món. Nếu rôm rả thì hai, ba món. Tháng nào trót vồ cuốn sách hay thì tháng đó coi như móm. Quanh đi quẩn lại chỉ dám ăn cá kinki, trà không đường... Lúc sang, lúc hèn. Thất thường lắm.
****
Trường tôi có "người phát ngôn" hẳn hoi nhé. Tin tức, thời sự chính thống cũng như tin vỉa hè chúng tôi nghe được toàn từ mồm anh. Muốn kiểm chứng thông tin, cứ hỏi anh là chính xác nhất. Tên anh là Trịnh Văn Khanh. Quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Khanh học trên tôi 6 khoá. Khi tôi nhập trường thì anh ấy đang làm bài tốt nghiệp.
****
Cuộc đời của Trịnh Văn Khanh như cuốn tiểu thuyết trinh thám. Ngày B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận Khanh đang học lớp 10. Khác với những đứa bạn cùng thời khoác ba lô ra trận thì anh xách va li sang Nga. Nghe anh kể. Bố anh làm trưởng công an huyện Vĩnh Bảo. Suất đi Nga của anh cũng được xét ưu tiên theo dạng con em cán bộ. Thời ấy, công an không ai dám dây. Vừa ghét, vừa sợ. Lý do thì nhiều, nhưng mọi cái đều mờ mờ, tỏ tỏ. Chủ yếu do người đời rỉ tai nhau. Mọi thông tin chính thống chủ yếu tô hồng nhằm khắc họa hình tượng người công an nhân dân.
Ở trường làng nơi Khanh theo học có ông giáo dạy thể dục Hoa Thanh Quế (tức quê Thanh hoá ấy) rất mê hội họa. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, ông rất thích vẽ. Thi thoảng ông hay vẽ chân dung học sinh, chân dung đồng nghiệp. Chuyện giáo viên dạy Thể dục thích vẽ cũng bình thường, nhưng chuyện mà Khanh kể cho chúng tôi lại không bình thường. Căn nhà ba gian, tường đất nện mái lợp lá gồi dầy bịch của Khanh được sử dụng làm nơi họp bàn kế sách giăng bẫy thầy giáo mà anh yêu quý. Quanh ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ như hạt đỗ. Các cô, các chú công an, dân quân đang chụm đầu vạch ra kế sách hạ nhục Hoa Thanh Quế. Cho một cô gái trẻ đến thuyết phục thầy Hoa Thanh Quế vẽ khỏa thân mình, gài bẫy để công an, dân quân xông vào bắt quả tang. Tội này còn hơn cả hủ hoá. Nó chà đạp lên thuần phong mỹ tục.
Đúng như dự tính của công an. Kế hoạch tài tình, không một kẽ hở. Hoa Thanh Quế sập bẫy. Họ đã ập vào bắt quả tang Hoa Thanh Quế và cô gái không một mảnh vải che thân đang nằm dài trên giường. Thầy Hoa Thanh Quế và cô gái nọ bị áp giải lên công an huyện. Khanh chạy theo thầy mà nước mắt ngắn, dài. Anh không báo được cho thầy, mặc dù âm mưu đã bị anh biết trước. Khanh oán giận bản thân, oán giận đồng nghiệp của bố. Sau này, mỗi lần nghĩ đến nó anh lại thấy chán ghét cái mảnh đất sinh ra anh...
Kết quả là Hoa Thanh Quế bị đuổi khỏi ngành giáo dục. Còn cô gái lại quay về nghề bán nước trá hình. Chả hiểu cái quán nước của cô có còn bẫy được người tử tế nào không. Khanh không biết. Anh sang Nga với một quyết tâm sẽ không quay về nơi đầu óc non trẻ của anh bị tổn thương. Anh cảm thấy căm ghét cái nghề của bố anh. Khanh không hiểu sao người ta lại ác với nhau như thế. Thầy Hoa Thanh Quế đâu có làm gì xấu. Đâu phải kẻ địch mà cần phải bắt, cần phải tiêu diệt. Tội của thầy chỉ duy nhất là yêu cái đẹp, đưa cái đẹp lên mặt giấy, mặt vải. Thế thôi.
****
Cuộc đời chả biết thế nào. Cái không may của thầy giáo thể dục Hoa Thanh Quế, lại là cái bắt đầu của một họa sĩ Hoa Thanh Quế. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật và ngay trong triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc vài năm sau đó thầy đã nhận giải thưởng Mỹ thuật. Công bằng mà nói, giới mỹ thuật và công chúng yêu hội họa phải cảm ơn công an Vĩnh Bảo. Nếu không có họ ra sức thì đã không có một họa sĩ Hoa Thanh Quế hôm nay...
(Trích trong truyện "Giai thoại" của Họa sĩ Lê Thanh Minh)