Âu cũng là nhân duyên. Tôi phải cảm ơn ai? Bố con nhà văn Likhanov, nữ sĩ Thuỵ Anh, hay dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền?! Lần đầu tiên tôi mới được nhìn thấy tận mắt một xác ướp. Thú thật, tôi không khẳng định được đấy có phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh huyền thoại không, vì tôi thấy không giống. Ít nhất là không giống với sự hình dung của tôi. Cũng có thể, thời gian là thủ phạm cho cái sự "khác" này.
Nhà sàn, nơi Bác làm việc, nó còn đơn giản hơn mọi lời tôi được nghe kể. Để phục vụ khách tham quan, người ta làm hẳn một cầu thang bên ngoài nhà. Chúng tôi từng người, từng người lầm lũi đi dưới mưa. Bên cầu kín đặc người, xúm xít xem đàn cá nhởn nhơ bơi lượn...
Im lặng.
Thi thoảng Thuỵ Anh nói với ông Likhanov về một vài chi tiết liên quan đến nơi mà chúng tôi đang đứng. Toàn những điều tôi mới nghe lần đầu. Mà điều này cũng chả quan trọng, vì có khối điều cần thiết khác quan trọng hơn, tôi cũng có biết đâu.
Muốn chụp một bức ảnh hai bố con nhà văn trước lăng mà không thực hiện được. Người ta không cho phép. Chả cứ chụp ảnh, ngay như có bó hoa cúc mới mua khi sáng cũng không biết đặt vào đâu. Cầm đi rồi lại cầm về. Ngay như những bài hát bấy lâu nay bạn ngỡ là có thể hát trong lúc ngẫu hứng, vui vẻ, thậm chí Quốc ca, lúc này, lúc khác, nơi này, nơi kia vào dịp này, dịp nọ người ta cùng nhau hát; ai cũng có thể hát, ai cũng có thể thuộc, không ít thì nhiều vừa được cơ quan quản lý cấp phép. Hoá ra từ khi thành lập nước đến giờ, toàn dân hát "chui". Từ quan đến dân, từ các tổ chức Nhà nước đến Hội, Đoàn đều vi phạm pháp luật mà cứ hồn nhiên, không biết. Chỉ đến khi Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ ra, mọi người mới té ngửa ra vì thế...
Thời gian không có nhiều, vả lại ông Likhanov cũng thấm mệt nên đề nghị chúng tôi đưa ông về khách sạn nghỉ ngơi thay vì thăm Văn miếu và Hồ Hoàn kiếm.
Tôi không rõ ông đã phải ký bao nhiêu sách để tặng người hâm mộ. Tôi nhìn ông ái ngại. Đành rằng việc giao lưu với bạn đọc, nhất là bạn đọc ở một đất nước có nhiều duyên nợ với nước Nga quê hương ông, với văn học Nga mà ông là một tác giả là cần thiết và mang lại niềm vui cho ông. Tôi vẫn thấy có một cái gì hơi thái quá, nhưng tôi không biết gọi tên nó là gì.
Theo chân Likhanov chúng tôi đến thăm "Câu lạc bộ đọc sách cho con" của nhà thơ Thuỵ Anh. Tôi từ ngạc nhiên đến thán phục cách tổ chức, đón tiếp và sự nhiệt tình của các bạn trẻ nơi đây. Tôi không nói về chuyên môn. Tôi nói về tình người, cái mà theo tôi là quan trọng và cần thiết hơn tất thảy. Nhất là trong thời buổi bây giờ, tình người nhạt như nước ốc. Likhanov đảo qua một vòng dưới sự giới thiệu tỉ mỉ của Thuỵ Anh. Thi thoảng ông tiến lại giá sách rút ra quyển này, quyển nọ, quan tâm, hỏi han đôi điều. Chắc ông ngạc nhiên lắm khi văn học Nga không những được bạn đọc Việt Nam ở mọi lứa tuổi quan tâm, yêu thích, mà còn có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Thậm chí bạn đọc nhỏ tuổi. Chỉ có một chi tiết nhỏ làm tôi chưa thích, đó là ánh sáng. Nó làm những bức ảnh của tôi như được phủ một lớp sơn màu vàng. Cái chưa thích của tôi cũng dễ hiểu. Bệnh nghề nghiệp. Tôi ưa sự trung thực của những bức hình.
Sau bữa ăn trưa, tôi vội vàng chia tay bố con nhà văn Albert Likhanov và Thuỵ Anh vì đã thấm mệt. Hẹn gặp lại ông vào buổi giao lưu với bạn đọc của ông sáng hôm sau tại Thư viện Hà Nội. Sau trận ốm, tôi cảm thấy người không được khỏe lắm. Cũng có thể mệt do dính tí nước mưa ban sáng.
Mặc dù nhà văn Likhanov chưa đến nhưng trong phòng đã khá đông người. Những phóng viên, biên tập viên, quay phim, nhiếp ảnh của các tờ báo, các hãng thông tấn và truyền hình đang tích cực chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, ghi hình. Thụy Anh cũng đang chuẩn bị tinh thần cho các bạn đọc nhỏ tuổi tiếp xúc, giao lưu với nhà văn. Trông cô hoạt bát, vui tươi. Cô tự tin vì tôi biết cô đã quá quen với việc dẫn chương trình, thậm chí ở cả những sân khấu lớn và truyền hình.
Khi nhà văn xuất hiện, tôi chỉ kịp đưa mắt, gật đầu chào bố con ông và tranh thủ lúc mọi người quây xung quanh phỏng vấn, ghi hình tôi chụp vội ông vài tấm ảnh. Mọi cái làm tôi có cảm giác như mình đang tác nghiệp ở mặt trận. Mỗi khoảnh khắc mỗi khác, mỗi cú bấm máy mỗi may rủi. Tôi không kịp cả xem lại bức ảnh vừa chụp. Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng, tôi vẫn nói với đồng nghiệp của mình như thế...
Tôi không ra sân bay tiễn ông về nước. Mọi việc đã có Nhà xuất bản Kim Đồng và người hâm mộ lo. Tôi không phải là fan hâm mộ ông. Tôi cũng không xin ông một chữ ký nào. Chỉ cách đây vài ngày thôi, tôi còn chả biết ông là ai. Thật đấy. Mặc dù tôi rất yêu quý nước Nga, yêu quý và kính trọng những người bạn Nga, nhất là những người làm văn học nghệ thuật, nhưng cũng không thể nói những điều mà tôi không có...
Vậy là Albert Likhanov đã rời Việt Nam, đem theo những kỷ niệm đẹp về sự mến mộ của người đọc Việt để trở lại với công việc thường ngày còn nhiều bề bộn. Tôi không rõ, và chưa kịp hỏi ông về cảm giác khi lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Tôi cũng không kịp tặng ông một món quà, dù là nhỏ nhất như ông đã tặng tôi. Ngoài vài bức ảnh bấm vội, tôi chả có gì cả. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, cả ông và tôi đều biết chúng tôi đã và sẽ mãi là những người bạn tốt của nhau.
Hà Nội hoe hoe nắng. Liệu tôi có nên báo trước cho ông những dự định của tôi không nhỉ ?!
Hà Nội 22/5/2017
FB Thanh Minh Le