Triệu Lam Châu: Mùa trăng lại về trên đồi Nhạn Tháp, sao mình lại chạnh lòng buồn…
Song có một sự kiện đột khởi lạ lùng làm choáng váng, thảng thốt mọi tấm lòng yêu thơ trên mảnh đất Núi Nhạn – Sông Đà này. Đấy là vào một đêm trăng Rằm tháng Giêng (Năm 1981) lần đầu tiên trên đất nước Việt Nam hình chữ S thiêng liêng này, dè dặt xuất hiện và sáng lên ngọn lửa Đêm thơ Nguyên tiêu tại thư viện Hải Phú nhỏ nhắn và bình dị như lòng người dân nơi đây!
Rất may mắn Triệu Lam Châu tôi cũng được mời dự Đêm thơ Nguyên tiêu đầu tiên ấy tại thư viện Hải Phú như mờ xa lui vào sương khói mông lung - mà lại rực rỡ hiện về cùng với mùa trăng lai láng quyến rũ mê hồn thế này đó, bạn bè ơi!
Hồi ấy (1981) thư viện Hải Phú do anh Nguyễn Mai làm giám đốc, anh Dương Thái Nhơn quán xuyến mọi công việc chuyên môn, tác giả chính khởi xướng Đêm thơ Nguyên tiêu đầu tiên tại Phú Yên, chú nhà thơ Đoàn Anh, chủ nhiệm Hội những người yêu đọc sách Tuy Hoà, các cây bút thơ Trần Huyền Ân, Lê Khánh Nam, Nguyễn Tường Văn, Nguyễn Công Hoan, Triệu Lam Châu, Hữu Bình, Phạm Thị Hồng, Đào Giáng Vân… là lực lượng chủ chốt, tham gia rất nhiệt thành.
Từ năm đầu tiên tổ chức thành công Đêm thơ Nguyên tiêu ấy, đã thành lệ, cứ trước tết khoảng một tháng Ban tổ chức tập hợp bài vở và chọn những bài thơ sẽ trình bày tại Đêm thơ. Tác giả sẽ đọc thơ mình trong tiếng đàn và sáo phụ hoạ. Số khác thì mời diễn viên ngâm thơ trình bày. Bà con nô nức dự Đêm thơ đến tận đêm khuya trong ánh trăng ngân.
Tôi còn nhớ có năm kinh tế quá khó khăn (những năm 80 của thế kỷ 20. Hồi mùa hè năm 1988 tôi về thăm quê Cao Bằng, được biết nhà nước nợ lương các giáo viên trên ấy những năm tháng liền…) – Ban tổ chức không định làm Đêm thơ xuân như mọi lần nữa… Hoãn sang năm tới. Song bao nhiêu bạn đọc và bà con cứ đi tới đi lui hỏi sao thư viện năm nay chưa thấy rục rịch chuẩn bị Đêm thơ xuân?
Cuối cùng thể theo nguyện vọng cuả bà con, Ban tổ chức lại họp nhau bàn và tiến hành Đêm thơ Nguyên tiêu như thường lệ.
Rồi từ năm 1990 Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu trên Núi Nhạn thật hoành tráng. Tiếng lành đồn xa. Các thi hữu say thơ từ Huế - Đà Nẵng – Bình Định – Gia Lai – Khánh Hoà – Thành phố Hồ Chí Minh… hàng năm đều nô nức mang Rằm trăng cuả các miền quê thân thương ấy đến hội tụ và phát sáng tại Đêm thơ Nguyên tiêu trên Núi Nhạn Tuy Hoà long lanh…Thật vui mừng và hãnh diện biết chừng nào.

Đêm Thơ Nguyên tiêu Phú Yên trên Núi Nhạn năm 2013. Ảnh: Đào Tấn Trực
Không hẹn mà gặp nhau ở lòng yêu thơ vô hạn. Năm 1988 tỉnh Quảng Ninh tổ chức Ngày thơ Quảng Ninh.
Vậy là từ đó lòng yêu thơ của người Tuy Hoà gặp tri âm yêu thơ của người Quảng Ninh mỗi độ Rằm xuân lồng lộng lại trở về…
Từ hai đốm lửa sáng yêu thơ ấy ở hai miền Nam – Bắc của Tổ Quốc, Hội Nhà văn Việt Nam đã đề đạt với Nhà nước tổ chức Ngày thơ Việt Nam trên cả nước, bắt đầu từ mùa xuân 2003.
Vậy là Hội thơ xuân Rằm tháng giêng ở Tuy Hoà, đến nay đã tiến hành được 37 năm rồi. Biết bao kỷ niệm buồn vui gắn với cuộc đời mỗi người trên mảnh đất giàu chất thi ca này.
Mùa xuân 2010 Hội Văn học Nghệ thuật phú Yên xuất bản Tuyển thơ 30 năm Nguyên tiêu Phú Yên 1980 – 2010, thật sang trọng, dày 454 trang. Đó là thơ tuyển từ các tập thơ Nguyên tiêu hàng năm của hàng trăm tác giả của Phú Yên và các tỉnh bạn gửi về.
Vậy là hình tượng Hội thơ Nguyên tiêu Rằm tháng giêng trên Núi Nhạn Tuy Hoà và tình người Tuy Hoà – đã trở thành cảm hứng thi ca sáng giá trong lòng bao tác giả và bạn đọc cả nước.
Ngẫm lại bản thân Triệu Lam Châu tôi cũng góp một phần tâm huyết của mình vào đề tài đầy quyến rũ Núi Nhạn ảo huyền giữa mùa trăng say đắm mênh mang. Đó là các bài thơ:
- Đêm trăng đồi Nhạn Tháp (Mang chất trữ tình trẻ trung của Tuy Hoà)
- Người Pác Bó Về thăm Nhạn Tháp (Mang chất núi rừng biên cương Cao Bằng hoà với nắng gió đằm vị biển Tuy Hoà)
- Puskin trên Núi Nhạn đêm trăng (Mang nét thi ca Nga hoà với điệu dân ca Bài chòi của xứ Nam Trung Bộ Việt Nam xa xăm này)
- Chào anh Sêkhốp (Mang nét văn hoá Nga nói chung hoà với văn hoá Việt được cùng thề hiện trên Núi Nhạn Tuy Hoà)
- Nỗi lòng Xervantes (Mang chất phiêu du của Donki Hote, nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, Tây Ba Nha - liên quan tới Nhạn Tháp Tuy Hoà).
Về âm nhạc, Triệu Lam Châu có hai bài hát: Mùa trăng Núi Nhạn (Đã ghi âm) và Em là con chim thiên nga (Chưa ghi âm).
Vậy là khi làm thơ, Triệu Lam Châu đã chú ý thể hiện trong tác phẩm của mình, không những có chất Tuy Hoà – mà còn có cả chất núi rừng Cao Bằng và cả những yếu tố quốc tế nữa. Đó là nét văn hoá Nga và Tây Ba Nha cùng bay về phấp phới, hội tụ, chan hoà với văn hoá Việt Nam trên Núi Nhạn Tuy Hoà vào giữa mùa trăng đầy lấp lánh thiêng liêng, bên cửa sông Đà Rằng phập phồng như hơi thở nồng nàn của người thiếu nữ…
Rồi thời gian vèo bay. Loáng một cái, đã 37 năm trôi qua mất rồi…Mùa trăng Rằm tháng giêng Đinh Dậu (2017) này lại trở về. Mái đầu mình và bạn bè thanh xuân hồi xưa nay đã bạc. Phải rồi, mình cũng đã nghỉ hưu năm năm nay. Những thành viên tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu đầu tiên năm 1981 – nay kẻ mất người còn. Anh Nguyễn Mai đã lên Mường Trời hình như đã hơn hai chục năm qua. Chú Đoàn Anh theo con cháu lưu lạc tới chân trời góc bể nào… lâu lắm rồi mình không biết đang ở nơi đâu. Nếu còn sống hẳn chú ấy cũng đã hơn chín mươi tuổi rồi.
Bạn thơ, cô giáo Phạm Thị Hồng, tạm biệt Tuy Hoà năm 1984 ra Đà Nẵng dạy học… nay vẫn gặp nhau trên Sân Fây… Bạn vẫn khoẻ… vậy là mừng rồi. Ai cũng thành ông bà nội ngoại hết cả rồi – làm sao còn cái nao nức thanh xuân của Rằm tháng giêng Nguyên tiêu năm xưa đây? Vâng, lòng vẫn còn vương vấn đấy, nhưng lực bất tòng tâm…
Tích cực tham gia Hội thơ Nguyên tiêu những 37 năm ròng như Triệu Lam Châu đây, rồi cũng phải ngậm ngùi mà chia tay – để về lại cố hương Cao Bằng mờ sương núi xa xăm…Đành phải về thôi, thời gian không chờ đợi nữa rồi…
Hồi mùa xuân năm ngoái 2016 sau Đêm thơ Nguyên tiêu trên Núi Nhạn, Triệu Lam Châu có đến Hội Văn nghệ Phú Yên chuyện trò tâm sự với bạn thơ tri âm Huỳnh Văn Quốc (Nay là Phó Chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên). Anh Quốc lứa tuổi 46 – 47 đang sung sức.
Mình bùi ngùi tâm sự: Đêm trước mình lại được Ban tổ chức Hội thơ bố trí cho đọc thơ trước công chúng trên Núi Nhạn như bao lần…Vui và vinh dự thật đấy, nhưng ngẫm lại không hiểu sao vẫn chạnh lòng buồn rười rượi. Nhìn xuống phía dưới là những mái đầu xanh của các đồng chí lãnh đạo tỉnh tuổi 40 – 50 (Hồi năm 1981 hẳn còn là học sinh cấp 1 – 2 và 3). Hồi ấy hẳn họ và bao thính giả khác ở lứa tuổi ấy nữa, đã từng nghe Triệu Lam Châu đọc thơ rồi. Nay mình vẫn đọc thơ. Đành rằng mình tâm huyết, mình đọc thơ góp vui chung. Song mình thuộc lứa tuổi hết thời rồi… Thì đấy, bao bạn bè cùng lứa Triệu Lam Châu, người thì lâm bệnh, người yếu sức không trèo núi được nữa, người thì đã lạnh nhạt với thơ ca tự bao giờ…
Vậy mà mình còn ham hố đọc thơ, lấn sân lớp trẻ … thì còn vui cái nỗi gì nữa đây… Ngạn ngữ Tày có câu “Già không biết đường mà già” – Nghĩa người già phải sống đúng phẩm cách, phạm vi, và ứng xử chuẩn mực như xã hội đã hình dung một cách tôn kính về lớp người già…Ai đi chệch hướng chuẩn ấy – sẽ bị gán cái câu “Già không biết đường mà già”.
Anh Quốc cảm thông với tâm sự ấy của Triệu Lam Châu. Do đó năm nay 2017 anh định bố trí cho tôi đọc thơ tiếp trong Hội thơ Nguyên tiêu trên Núi Nhạn – song lại phân vân. Và sau khi biết là tháng 4/2017 này tôi dọn nhà về hẳn Cao Bằng, anh mới mạnh dạn mời Triệu Lam Châu đọc thơ lần cuối cùng trước khi về quê cũ. Vì vậy tôi đã nhận lời. Sang năm 2018 tôi sẽ dự Hội thơ Nguyên tiêu ở Cao Bằng rồi, không biết đến bao giờ mới trở lại Tuy Hoà được đây?
Ừ thì chạnh lòng buồn thật đấy. Song đây là một nỗi buồn trong veo như suối núi, như một áng Bài chòi mát rượi trên Núi Nhạn đêm trăng thơm mùi sóng biển đến nao lòng.
Mình sẽ mang Nguyên tiêu Tuy Hoà về quê hoà vào Nguyên tiêu Cao Bằng biên cương yêu dấu, có tiếng lượn sli mênh mang đằm ánh mắt cô gái Tày xao xuyến thiết tha…
Và… Đốm lửa Hội thơ Nguyên tiêu đầu tiên trên cả nước, từ Tuy Hoà đã lan toả đến biên cương và bao trùm khắp cả nước Việt Nam yêu quý này rồi!
Tuy Hoà, chiều 9/2/2017 (Tức ngày 13 tháng giêng năm Đinh Dậu)
Triệu Lam châu