Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ ba,
28.03.2023 21:55 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1668986
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
[30.09.2016 22:38]
Xem hình
Những dòng này tôi dự định viết từ gần hai chục năm trước, nhưng nghĩ không biết sẽ in ở đâu cho phù hợp, rồi công việc bận rộn cứ cuốn đi, lần lữa mãi đến tận bây giờ.

Hôm qua nhận được thư của Văn Giá từ trong nước gửi sang, nhắn là Bạch Hải (cô em gái thời sinh viên những năm 1988-1989 chơi rất thân với nhóm Cao học khoá 12 chúng tôi) kêu gọi anh em gửi gấp những kỷ niệm sâu sắc thời sinh viên để in trong Kỷ yếu 65 năm của Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội 1 (1951-2016). Thế là có cớ để viết ra những dòng này.

Khoá 1972-1976 khoa Ngữ văn của chúng tôi rất đông sinh viên, có tới 8 lớp (A B C D E G I H). Lớp tôi là lớp C. Tổ chức sinh hoạt thì riêng, nhưng học chung với lớp D của bạn Lã Nhâm Thìn trên cùng một giảng đường.

Bạn Lã Nhâm Thìn lúc đó hình như không phải là lớp trưởng, nhưng tôi nhắc đến lớp D là nhắc đến bạn, bởi bạn là sinh viên giỏi nổi tiếng của lớp D, và là nhân vật trung tâm của câu chuyện tôi sẽ kể.

Mùa Xuân năm 1974, sau Tết, sinh viên năm thứ 2 chúng tôi được bố trí đi thực tế một tháng. Hai lớp C và D chúng tôi đi thực tế thành phố Việt Trì, vào các nhà máy và một số trường phổ thông cấp 2 (năm thứ 3 và thứ 4 mới được đi kiến tập, thực tập ở cấp 3).

Đứng giữa thành phố Việt Trì mà chúng tôi còn ngơ ngác hỏi thành phố ở đâu. Gọi là thành phố, nhưng nó giống như làng quê. Đường phố là đường đất, lúc nào có gió cuốn là bụi mù mịt. Có lẽ vì công nhân của 5 nhà máy (Nhà máy Hoá chất, Nhà máy Điện, Nhà máy Đường, Nhà máy Giấy và một nhà máy gì đó tôi không nhớ) và các làng xung quanh gộp lại đủ số lượng cư dân theo quy định, nên Việt Trì được gọi là thành phố.

Đi vào thực tế cuộc sống, tiếp xúc với công nhân, với học sinh, chúng tôi có nhiều cảm xúc mới mẻ, viết lên những vần thơ tươi mới, tin yêu vào cuộc sống… Sau đợt thực tế, mỗi lớp chúng tôi ra một tờ báo tường. Đọc tờ báo của hai lớp, chúng tôi cảm thấy vui vui vì sản phẩm của mình được công bố. Có điều, mấy bài thơ tôi viết ở Việt Trì giờ chẳng nhớ câu nào. Có lẽ nó dở nên không in sâu vào tâm trí. Vả, nếu có nhớ thì cũng ngượng vì những vần thơ non nớt vụng về, hô khẩu hiệu thời ấy.

Đọc hai tờ báo tường, chúng tôi chẳng thấy có vấn đề gì để thắc mắc. Bỗng một hôm, các anh trong Chi bộ Đảng gọi tôi và Ngô Xuân Huệ (bạn học cùng lớp) thông báo, bài thơ của Lã Nhâm Thìn trên báo tường lớp D có vấn đề về tư tưởng, các anh giao nhiệm vụ cho chúng tôi đọc kỹ bài thơ và viết bài phê phán.

Tại sao bài trên báo tường lớp D lại giao cho chúng tôi ở lớp C tham gia phê phán? Bởi tuy hai lớp sinh hoạt khác nhau, hai chi Đoàn khác nhau, nhưng lại chung một chi bộ Đảng. Thời ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang hồi cao trào, Đảng với tuổi trẻ chúng tôi là thiêng liêng, thần thánh. Thi môn Chính trị và Triết học, tôi có thể trích dẫn hàng trang  trong sách “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng…” của TBT Lê Duẩn mà mình đã thuộc lòng. Các anh đảng viên trong chi bộ đối với chúng tôi là thần tượng, bởi họ vừa trải qua sinh tử trên chiến trường trở về như những anh hùng.

Thời chiến, khoá chúng tôi đa số là nữ. Con trai cả hai lớp gộp lại chỉ có khoảng chục thằng là học sinh phổ thông vào đại học, còn lại hơn hai chục anh là bộ đội có thành tích chiến đấu, hoặc bị thương, được tuyển vào học Trường Bổ túc văn hoá Trung ương rồi được cử về học Đại học Sư phạm. Trong buổi gặp gỡ trước khi về học ĐHSP, Thiếu tướng Lê Chưởng, thứ trưởng Bộ Giáo dục lúc ấy, gọi họ là những hạt giống đỏ, sẽ được đào tạo thành cán bộ quản lý tương lai của ngành Giáo dục. Đó là các anh Ngô Xuân Tiết, Lê Hiệp Tố, Tô Văn Thơ, Nguyễn Văn Sáu, Trần Văn Tuệ, Nguyễn Văn Thịnh… (lớp C), Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Đình Khôi… (lớp D). Đã hơn 40 năm, tôi không còn nhớ chính xác họ của các anh, và cũng không nhớ trong số ấy ai chưa phải là Đảng viên. Họ đáng tuổi cha chú, nhưng hàng ngày tôi vẫn gọi họ là anh cho gần gũi, trẻ trung. Trong số đó, anh Ngô Xuân Tiết là người tôi thân thiết nhất, bởi anh là người cùng quê, từng là bộ đội đánh trận chống càn của Pháp nổi tiếng diễn ra ở ngay làng tôi khi tôi chưa sinh ra, rồi chỉ huy đại đội pháo binh thời chống Mỹ, làm tôi rất kính nể. Anh là người trung thành tuyệt đối với Đảng, ai động đến anh, có thể anh nín nhịn, nhưng động đến Đảng là anh nổi xung, sẵn sàng đụng độ với người đó. Tính anh cương trực, không chịu quỵ luỵ ai, giống như cái tên Tiết mà cha mẹ đặt cho. Tin tưởng anh, Ba tôi uỷ thác cho anh “rèn cặp” cho tôi nên người. Vì thế, anh ảnh hưởng rất lớn đến tôi trong 4 năm thời sinh viên. (Từ một chàng trai suốt đời chiến trận, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, lạc quan yêu đời, sau này ra trường, tiếp xúc với đời thường, anh thất vọng, trở thành người bi quan và yếm thế. Tôi sẽ viết về anh trong một dịp khác).

Tác giả Châu Hồng Thuỷ

Được các anh trong chi bộ phân tích sai lầm trong bài thơ của Lã Nhâm Thìn, chúng tôi như bừng tỉnh, và hăng hái nhận lời viết bài phê phán. Tôi không còn nhớ chính xác ai là Bí thư chi bộ lúc đó. Cũng không nhớ là khi tổ chức cuộc tổ chức phê phán, các anh lãnh đạo chi bộ có báo cáo với thầy chủ nhiệm lớp, Ban Chủ nhiệm Khoa, Đảng uỷ của Khoa hay không. Chắc là có. Bởi một hoạt động đấu tranh tư tưởng “lớn” như thế không thể không báo cáo. Hồi đó các đảng viên sinh viên tuổi tác ngang hàng với các thầy, họ có chút nào đó tỏ ra “công thần” nữa... nên tiếng nói của họ khiến các thầy trong khoa nhiều khi cũng phải “e dè, kiêng nể”.

Bài thơ của Lã Nhâm Thìn tôi không còn nhớ đầu đề, cũng không nhớ toàn bộ nội dung của nó, bởi đã hơn 40 năm rồi, (gần đây, bỗng dưng tôi quên rất nhiều tác phẩm mà thời trai trẻ tôi đã từng thuộc làu làu), nhưng khổ đầu bài thơ tôi còn nhớ:

“Tôi đến đây
Không gặp những vườn hoa
Không thấy những công viên
Chỉ thấy những con đường đỏ bụi
Ông mặt trời cũng ho lên vì khói
Đất như nghèo chỗ ngồi cho những cặp tình nhân...”
Cái cớ để bài thơ bị “đánh” là ở khổ thơ này.

Trong bài phê phán Lã Nhâm Thìn, tôi so sánh với bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần để khẳng định Thìn có hơi hướng của Nhân văn Giai phẩm:
“...Tôi bước đi
Không thấy phố
                       không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
                      Trên màu cờ đỏ...”

Hồi ấy, sinh viên năm thứ 2 chưa được học về vụ Nhân văn Giai phẩm. Tôi chỉ đọc được đôi ba bài truyền miệng của các tác giả như Trần Dần, Lê Đạt..., còn lại là ăn theo, nói leo theo các bài kết án về họ đăng trên các báo gần hai chục năm trước đó. Để tăng sự thuyết phục cho bài phê phán và khoe sự “uyên bác” của mình, tôi viện dẫn đến các Tính Đảng, Tính Giai cấp, Tính Nhân dân.... rồi Phương pháp sáng tác Hiện thực Xã hội chủ nghĩa một cách hùng hồn. Vì bây giờ không nhớ những khổ thơ sau của Lã Nhâm Thìn, nên tôi cũng không nhớ mình phê phán phần sau của bài thơ như thế nào. Sau này, các bạn có dịp gặp Lã Nhâm Thìn, có thể hỏi anh ấy đọc cho nghe bài thơ, chắc là tác giả không thể nào không nhớ bài thơ đã gây nên tai nạn cho cuộc đời mình.

Hôm tổ chức hội nghị phê phán, thành phần dự nghe là toàn bộ sinh viên hai lớp C và D. Nhưng do sự ồn ã nổi tiếng về vụ này, các bạn ở các lớp cùng khoá và các lớp khoá trên cũng tò mò đến nghe. Cùng viết bài phê phán Lã Nhâm Thìn, có Ngô Xuân Huệ (lớp C) và hình  như  có  cả  bạn Quý con (Lớp D có 2 bạn nữ tên Quý, bạn Quý bé nhỏ gọi là Quý con để phân biệt với chị Quý béo lớn tuổi). Xin lỗi bạn Quý con, nếu tôi nhớ nhầm là bạn có được phân công viết bài. Còn một vài bạn nữa lớp D cũng viết bài, tôi không nhớ tên. Cũng chẳng nhớ họ phê phán những gì. Bởi lúc đó tôi chỉ nghĩ bài của mình là nhất, nhất về tính chiến đấu, nhất về kiến thức, nhất về cách diễn đạt hùng hồn...  Lúc đó tôi nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ”.  Tôi luôn kiêu ngầm vì khi vào năm thứ Nhất, học môn Cổ văn, tôi nghĩ mình đã viết chữ Hán cổ đẹp hơn cả người Tàu, dám lôi cả Kinh Thi ra dịch, được thầy Liệu giao cho làm cán sự bộ môn, phụ đạo cho các bạn trong lớp trước các kỳ thi, rồi có bài thơ “Con mắt phía Tây thành phố” được các thầy và các bạn khen ngợi (Bài thơ viết về Đại đội tự vệ trực chiến của Khoa Văn, được Bộ Tư lệnh Thủ đô tặng cờ Quyết thắng vì thành tích chiến đấu trong đợt 12 ngày Đêm bảo vệ Thủ đô chống B52 của Mỹ năm 1972). Sau buổi hội thảo phê phán, tôi nghe một số bạn nữ bảo: “Có người ghét bạn, vì trong hội thảo bạn phách lối quá”. Kệ, tôi đâu có thèm hỏi tên ai là người đã ghét mình.

Còn nhớ, trước đó, tôi và Ngô Xuân Huệ đã có lần tự ái khi Lã Nhâm Thìn bảo: “Các ông làm thơ Tình cảm kiểu Tố Hữu, còn mình làm thơ Trí tuệ kiểu Chế Lan Viên” (Huệ kể lại với tôi như thế). Bùi Văn Thắng (lúc đó hình như trong BCH chi đoàn lớp D, bạn cùng quê với Thìn, sau này là Chủ tịch tỉnh Ninh Bình) được Thìn tin tưởng cho xem những bài thơ trong sổ tay. Thắng đọc cho tôi và Huệ những bài thơ của Thìn, trong đó có câu: “Anh viết tên em ngang hàng tên lãnh tụ...”. Hồi đó, viết được câu thơ như thế quả là độc đáo, tài hoa, và tư duy rất mới. Nếu câu thơ này lọt ra ngoài vào thời điểm ấy, thì còn nguy hiểm cho Thìn gấp bội lần bài thơ đăng trên báo tường. Huệ và tôi bảo Thắng: Chúng mình chỉ phê phán bài thơ của Thìn trên báo tường, không lôi những bài thơ trong sổ tay của Thìn ra để phê phán (vì bạn đã tin tưởng Thắng). Lúc đó, cả ba chúng tôi rất “tự hào” là mình đã xử sự “quân tử”. Sau này ra đời, ngẫm lại, tôi thấy phần nào mình còn giữ được nhân tính khi ra quyết định đó.

Hồi đó, tôi không để ý tinh thần tiếp thu của Lã Nhâm Thìn về các bài phê phán thế nào trong buổi đấu tranh hừng hực ấy. Cũng không để ý thái độ của Thìn những ngày sau đó đối với tôi, với Huệ và các bạn tham gia viết bài “đấu tố” mình ra sao. Cuối năm ấy, Thìn phải đi bộ đội. Từ sau vụ đó đến nay, đã  42 năm rồi, tôi chưa một lần gặp lại Thìn, phần vì ra trường, đi Tây Bắc xa xôi, rồi hơn một phần tư thế kỷ xa đất nước. Chắc giờ bạn đầu cũng đã bạc như tôi… Không biết bạn sẽ nghĩ gì khi có người nhắc đến tên Trần Quý Phúc? Không biết bạn có hận hoặc căm ghét mình không???

Khi giảng dạy phần Văn học Việt Nam hiện đại ở Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, đọc lại Nhân văn Giai phẩm tôi mới dần tỉnh ngộ và ân hận. Thử đặt mình vào địa vị của Thìn, một chàng trai mới ở tuổi 20 như chim non mới ra ràng, bị đánh đòn hội chợ tơi bời như thế, không hiểu Thìn sẽ đau khổ như thế nào, có mất niềm tin vào cuộc đời hay không, liệu có thui chột tài năng sáng tạo hay không... Sao hồi đó mình vô tâm đến thế? Sao mình có thể độc ác một cách “hồn nhiên” như thế?

Giả sử như Thìn đi bộ đội rồi hy sinh, hoặc sau này Thìn trở thành một công chức bình thường, một người an phận thủ thường không có nghị lực vươn lên sau “tai nạn” đòn hội chợ tuổi 20, thì tôi sẽ ân hận biết chừng nào. Cũng may là Thìn vẫn đứng vững trước giông tố cuộc đời và trưởng thành hơn. Qua bạn bè, tôi biết Lã Nhâm Thìn đã quay trở lại học tiếp Đại học, vẫn phát huy được tài năng của cậu học trò đi thi học sinh giỏi văn Miền Bắc từ thời cấp 3, rồi được giữ lại trường làm cán bộ Giảng dạy, có thời kỳ làm Trưởng  Khoa Ngữ văn.

Ngẫm lại thưở đó, tôi thấy mình như “chiếc xe tăng mù”. Tích cực đấu tranh phê phán Lã Nhâm Thìn, thứ nhất là bởi tôi hăng hái bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng. Các anh trong chi bộ hai Lớp C-D hồi đó chỉ đạo cho chúng tôi tổ chức Hội thảo phê phán, không phải họ ghét bỏ gì Lã Nhâm Thìn, mà là do nhận thức tư tưởng lúc đó là như thế, họ làm với động cơ hết sức thành tâm bảo vệ tư tưởng văn nghệ của Đảng. Ngay từ trước khi vào Đại học, chúng tôi đã được học về nền văn học cách mạng, coi những bài thơ Bức tranh sinh hoạt (Minh Tiệp), Viếng bạn (Hoàng Lộc)... là thành tựu cao của Văn học kháng chiến, bài thơ Ngói mới của Xuân Diệu hay tiểu thuyết Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm (Đào Vũ)... là đỉnh cao của văn học xây dựng XHCN, coi Tây Tiến (Quang Dũng), Ngày về (Chính Hữu) còn rơi rớt tư tưởng Tiểu tư sản cần phê phán... Nói đến Thơ Việt Nam hiện đại, Tố Hữu là số 1. Hầu như năm nào Đề thi Tốt nghiệp cấp 3, Thi Đại học,  thì 90% rơi vào Thơ Tố Hữu. Vì thế, vào năm 1974, thầy Nguyễn Đình Chú trong một cuộc nói chuyện riêng với tôi, bảo Trường ca “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa trên tài một bậc so với Trường ca “Theo chân Bác” của Tố Hữu về mặt nghệ thuật, lúc ấy tôi rất ngỡ ngàng và không tin thầy lắm. Ra trường, dạy thơ Trần Đăng Khoa cho sinh viên Khoa văn CĐSP Tây Bắc, đọc lại, tôi mới hiểu điều thầy nói là đúng.

Thứ hai là vì lúc đó tôi “ngộ chữ”. Chúng tôi học thuộc lòng như con vẹt đủ các thứ tính trong Văn học, đặc biệt là Tính Giai cấp và Tính Đảng. Trong các bài giảng văn, chúng tôi thường chú ý khai thác mâu thuẫn đấu tranh giai cấp hơn là phân tích cái hay cái đẹp về mặt Nghệ thuật. Chính chúng tôi đã góp phần làm cho học sinh chán học môn Văn. Chúng tôi cũng thuộc nằm lòng rằng Phương pháp sáng tác Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là phương pháp tốt nhất, là kim chỉ nam cho các nhà văn. Sau này, gặp nhà thơ Cao Xuân Sơn tại Đồng Nai (Sơn là ng ười cùng huyện Lý Nhân, học cấp 3 và ĐHSP sau tôi nhiều năm), Sơn bảo Chủ nghĩa Hiện thực XHCN là cái quái thai, tôi vẫn còn nghi ngờ Sơn nói thái quá.

Khi được trường Viết văn Nguyễn Du cử sang Nga học trường Viết văn Gorki, được sống trong cái nôi sản sinh Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa, được biết cách đánh giá về nó của các nhà văn Nga đương đại, được thầy Phạm Vĩnh Cư nói về các tác phẩm văn học Nga – Xô viết một thời được đề cao, nhận hết các giải thưởng này nọ, giờ thành của rởm..., chúng tôi càng thấm thía hơn cái ách lý thuyết đè lên vai chúng tôi cả một thời tuổi trẻ.

Giấy mời dự kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội (1951-2016)

Trước hết, phải cảm ơn chính núi rừng Tây Bắc đã thay đổi đời tôi.

Khi tốt nghiệp, tôi viết đơn xung phong đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần đến. Nghe thì to tát vì lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ, nhưng thực chất là do tôi có chất lãng du từ trong máu, muốn được đi xa cho thoả chí, mặc dù có thông tin Khoa Ngữ văn  muốn giữ tôi ở lại làm cán bộ giảng dạy. Trước khi viết đơn, tôi hỏi ba tôi, con nên xin đi đâu, ba tôi không trả lời cụ thể, chỉ đọc cho tôi nghe hai câu: “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi hăm hở vác ba lô lên đường. Tôi được phân công về Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, đóng ở Thuận Châu, thủ phủ của Khu tự trị Thái Mèo ngày xưa (sau đổi là  Khu tự trị Tây Bắc). Thời ấy, nghe hai chữ Tây Bắc,  nhiều người sợ vì là nơi “rừng thiêng nước độc”, có một người xung phong đi, thì có nhiều người mừng mình đã thoát nạn.

Tôi đã từng vác ba lô lang thang khắp các bản làng vùng biên giới Việt Lào, Việt Trung để sưu tầm văn học dân gian dân tộc Thái, dân tộc Mảng… Thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng và hùng vĩ. Tôi đã từng sững sờ khi gặp phong cảnh đẹp ngỡ như chỉ có trong thần thoại, cổ tích… Con người Tây Bắc hồn hậu và chân chất. Tôi được đắm mình trong những đêm uống rượu cần, được nghe hát dân ca, cùng nắm tay múa Xoè và tham gia Hội Tung còn, cùng “tắm tiên” với các cô  gái  Thái… Tất cả những vẻ đẹp ấy đã đưa tôi rời xa tất cả những lý thuyết, những chủ nghĩa đã từng đặt áp lực một thời. Tôi cũng thoát khỏi sự “rèn cặp” chân tình nhưng cứng nhắc của các bậc đàn anh kính  mến  thời sinh viên. Con người thực, bản tính đích thực của tôi được khơi gợi và bộc lộ. Tâm hồn tôi thấm đẫm chất lãng mạn đầy nhân văn của dân ca Thái, của Trường ca Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu - khuyết danh), Khun Lú Náng Ủa (Chàng Lú Nàng Ủa - khuyết danh), Tản chụ xiết xương (Tiếng hát tâm tình -có pha chút cạnh khoé trách móc - của nhiều tác giả Thái hiện đại). Khi cầm bút viết những vần thơ, những truyện ngắn sau những chuyến đi thực tế, tôi chẳng hề nghĩ đến các thứ tính, các chủ nghĩa…mình đã từng thuộc làu làu thửa trước. Tôi chỉ viết theo cảm xúc của con tim.

Năm 1988, về học Sau Đại học, tôi được gặp lại Thầy Nguyễn Đình Chú, thầy Chủ nhiệm lớp tôi năm thứ 3 hồi Đại học. Cách đây hơn chục năm, nghe tin Thầy sang Matxcơva theo lời mời của con trai, tôi tìm đến thăm thầy. Mỗi lần gặp, tôi thấy thái độ của thầy với tôi có khác, ngày càng có thiện cảm hơn, cởi mở hơn. Tôi biết hồi đại học, thầy không có thiện cảm với tôi sau vụ đấu tố Lã Nhâm Thìn, nhưng Thầy vẫn công tâm khen sức học và khả năng làm thơ của tôi. Thầy từng đọc và khen bài thơ “Từ sân đất này” tôi viết sau khi về thăm Làng Sen của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 1975, nhưng gạch chân dưới câu: “Nao nao gà gáy trời  trưa/ Hàng râm bụt đỏ vẫy đùa khách thơ” và phê: “Đến thăm quê Bác với tư cách khách thơ ư? Nghe nó thế nào ấy.” Tôi hiểu thầy phê phán tính tự kiêu của mình, và đã sửa lại thành:”Hàng râm bụt đỏ vẫy đùa trẻ thơ”.

Thầy đã bao dung, độ lượng và quý mến tôi, khi biết tôi đã đổi thay… Gần đây, Thầy thỉnh thoảng ghé qua Facebook của tôi, động viên và chia sẻ khi tôi gặp chuyện buồn hoặc không may…

Qua Nguyễn Hùng Phong con trai thầy kể lại, tôi mới biết là thầy đánh giá những năm Tây Bắc đã biến đổi con người tôi theo chiều hướng tốt, khôi phục lại bản tính thiện mà trước kia mấy năm sống giữa những người lính đã nhiễm tinh thần chiến đấu thái quá, cứng nhắc làm cho lệch lạc đi.

Không có điều kiện về dự 65 năm Hội Khoa được, từ nước Nga xa xôi, tôi kể lại kỷ niệm buồn này, để trước hết xin lỗi bạn Lã Nhâm Thìn, sau là xin lỗi bạn bè hai lớp C và D cùng khoá, xin lỗi các thầy cô về sai lầm một thời nông nổi khờ dại của mình. Viết ra được những dòng này, tôi thấy lương tâm bớt phần day dứt và ân hận đã đeo đẳng mình mấy chục năm trời.

Những kỷ niệm đẹp thời sinh viên của tôi về các bạn, về các thầy có rất nhiều, xin dành để dịp Hội Khoa lần sau sẽ kể…

Matxcơva ngày 13 – 26 tháng 8 năm 2016

Châu Hồng Thuỷ*


*Tên thật Trần Quý Phúc. Sinh viên Khoa Ngữ Văn 1972-1976. Học Cao học khoá 12 (1988-1989). Tốt nghiệp Trường viết văn Macxim Gorki - Matxcơva 1994. Tốt nghiệp Trường Thánh Kinh “Lời sự sống” - Matxcơva 2009. Hiện là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, Tổng biên tập Tạp chí Người Bạn Đường.

Tin liên quan:
KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY CÔNG DIỄN VỞ KỊCH “SÁNG MÃI SAO KHUÊ” (05.11.2020 20:47)
Thơ Châu Hồng Thủy trong Thơ Bạn Thơ 9 (02.11.2018 21:26)
Châu Hồng Thuy: HOA GƯƠNG HÌNH MẶT TRỜI - Truyện ngắn song ngữ Việt - Nga (08.09.2018 18:22)
Châu Hồng Thuỷ: NHỚ TẾT QUÊ HƯƠNG (26.01.2017 20:43)
Châu Hồng Thủy: Trò chuyện cùng Elena (20.03.2016 15:36)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
Hoa Pion
Nhật kí Kadan (Phần 8) - Phạm Thuận Thành
 
 
 
Thư viện hình