Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 12:57 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1697196
Tin tức > Trang Văn trong nước > Xem nội dung bản tin
Phạm Thuận Thành: Miếu con đĩ
[17.02.2014 03:12]
Đã nhiều năm tôi cô đơn ở đây, ngay đầu Bãi Dứa làng Khả Tiết. Thời hợp tác thỉnh thoảng có bọn trẻ trâu ghé vào hóng mát hoặc chơi bi chơi đáo ở mảnh sân rộng bằng cái chiếu một. Buồn hiu hắt. Qua thời hợp tác trâu bò đi vào nồi hết, nhà tôi càng buồn hiu hắt hơn. Được cái cây lan trở nên vâm váp, hoa nở trắng nửa sào đất, thơm nhức óc đủ sức mời gọi đám đàn đàn bà con gái đến nhặt hoa thắp hương ngày sóc ngày vọng cũng đỡ quạnh hiu.

Thời mở cửa này dân làm nhà tiến ra sát cả cái Bãi Dứa này. Có người là có niềm vui có sự sống. Quả nhiên buổi sáng đẹp trời hôm ấy nhà tôi có khách. Mặt trời vừa lên khỏi ngọn cây lan thì nàng đến. Ngồi phệt xuống sân. Cái mông bè ra hết quá nửa khoảng sân gạch rụng đầy hoa. Giơ hai tay lên ngang đầu kêu to: “Trời ơi, sao ngày nào má ma cũng chỉ cho một són xà phòng không đủ lên bọt thì giặt quần áo sạch làm sao được”. Rồi nàng khóc ồ ồ vô tư như đứa trẻ. Tôi nhìn xuống cái áo váy nàng đang mặc nhận ra ngay cái màu cháo lòng đặc trưng của việc giặt nước giếng chưa qua lọc cát. Khóc chán nàng đứng dậy nhìn vào nhà tôi. Nàng tròn mắt đọc chữ ngoài cửa rõ to: “Miếu con đĩ”. Tim tôi đau thắt lại vì có người nhắc đến cái danh từ miệt thị ấy. Càng đau xát lòng hơn khi nhìn rõ dung nhan nàng. Khuôn mặt y hệt me tây Macta. Tròn trịa. Đầy đặn. Mắt tròn xanh lét. Tóc hung hung xoăn lò xo. Cái cổ trâu bự. Hai trái núi áp trên ngực lồ lộ khỏi cái cổ áo váy quá rộng khoe khoảng thung lũng sâu hun hút tầm mắt đàn ông. Nàng nhăn mặt lẩm bẩm: “Tàn tạ quá”. Tôi chẳng hiểu nàng bảo cái gì tàn tạ. Sắc đẹp của nàng hay sự quá quắt của má ma nào đó không cấp đủ xà phòng cho nàng giặt quần áo. Chứ nhà tôi không thể gọi là tàn tạ được. Bởi hàng xóm làm gì có ngôi nhà ngói sân gạch nào. Chưa kể cây lan đã cổ thụ đầy hoa thơm quyến rũ.

Nàng lạch bạch quay về. Cái lồng bàn ngang người sóng lên sóng xuống đúng kiểu me tây Macta.

Sáng hôm sau nàng lại đến khóc về chuyện xà phòng giặt đúng cữ mặt trời lên khỏi ngọn cây lan. Nhưng lần này nàng mang theo cây thông nhựa và cái phất trần sợi tổng hợp có mấy cái lông gà trống đỏ đỏ đen đen ở cuối. Khóc ngắn hơn hôm qua. Rồi dùng phất trần quét mạng nhện, bụi bặm trong nhà. Mấy sợi mạng nhện trả thù bị nàng phá bám vào đầu nàng. Con nhện bụng tròn căng co người thu lu lại trong đám mạng ấy. Quét xong nàng đặt cây thông nhựa xanh lẹt vào giữa nhà. Trên cây còn sót lại một quả cầu đỏ chữ vàng “Xờ nố vưm gốt đơm”. Đoạn nàng mắc lên cây thông sợi dây đèn nhấp nháy. Nàng quấn vòng nọ vòng kia cầu kì như trang trí tháp Ép phen ngày tết vậy. Mặc dù dây đèn nhấp nháy không có điện thì nào có tác dụng gì. Vừa làm nàng vừa hát điệu Kalinka véo von. Dường như con đĩ tôi là chỗ thổ lộ tâm sự không nói ở nhà với ai của nàng. Trang trí xong nàng đứng lùi ra nheo mắt ngắm nghía. Rõ ràng có cây thông Nô en ngôi nhà nom có vẻ bắt mắt hơn, sang trọng hơn.

Nàng thân tôi. Và kể cho biết cái mối tình hợp tác quốc tế đưa nàng đến làng Khả Tiết này.

Nàng tên Liuba. Quê ở thành phố Mengielin xinh đẹp vùng thượng Kama nước cộng hòa Tarta. Thành phố trẻ tự hào là nơi sản xuất máy kéo hạng nặng và nhà máy thủy điện lớn cấp điện cho cả nước. Cha nàng làm công nhân nhà máy máy kéo. Mẹ làm lao công ở cửa hàng thể thao. Gia đình nàng được cấp căn hộ ở tầng năm khu dân cư Tukai. Tukai là tên nhà thơ dân tộc Tarta, người quê ở huyện Mengielin. Tên ông được đặt cho nhiều địa danh, nhiều nhà trường, nhiều viện bảo tàng. Tượng cũng đặt ở nhiều nơi, tại nước Tarta có lẽ chỉ thua Lenin. Khi mẹ sinh em bé Vera thì cha bỏ rơi ba mẹ con, nghe nói theo một cô gái trẻ người Balan về thủ đô Cadan sinh sống. Đồng lương của mẹ chắt chiu chỉ đủ nuôi sống ba mẹ con ở mức tối thiểu. Đồ dùng gia đình không mua sắm nổi. Tất cả những thứ đang dùng chủ yếu do cha sắm, trong đó cái tủ lạnh Xaratop mua trả góp chưa trả hết nợ. Cái đài đĩa cũ quá không ai buồn mở. Quần áo cũng toàn đồ dung dúc mẹ sắm từ trước. Thỉnh thoảng mẹ có ra chợ hoặc cửa hàng đồ cũ chọn mua lại vài thứ đồ còn dùng vầy vậy. Liuba lớn lên mỗi năm cũng chỉ một lần được mua áo váy. Mãi năm học lớp mười mẹ mới mua cho nàng cái áo vét mới làm đồ lễ phục mỗi khi có dạ hội. Thằng bạn trai Xaxa tặng một thỏi son nội màu phơn phớt hồng ngà ngày sinh nhật. Con gái lớp mười đứa nào cũng có bạn trai rồi. Xaxa cao, trắng, tóc hung, ít nói và có vẻ hơi ngờ nghệch. Từ khi tặng son, lần nào lớp có dạ hội là anh chàng lại mời nàng nhảy đôi. Lúc ấy nàng vui lắm, chân nhảy như có rượu nâng, người nhẹ bẫng lướt đi như bay. Thậm chí Xaxa còn bảo nàng giống hệt nàng Natasa của Tonxtoi vậy.

Ngày lễ Cách mạng tháng Mười nhà có khách. Cậu Phargat đưa người bạn Trung Á đến chơi. Tay Trung Á đúng là một con quạ đen: mũ đen, áo đen, quần đen, giày đen, tóc đen, mắt đen. Lại cao như cây sậy cớm nắng. Cậu làm ở Vongagrat nhưng vài năm mới ghé qua nhà chơi một lần. Bữa ăn tối có khách mới thấy cái túng thiếu. Mở tủ lạnh ra mà ngao ngán. Tủ rõ to mà chỉ có một ít kẹo trái cây, bánh quy, chai sữa chua. Thịt, bơ, táo không có. Mẹ dốc túi đưa cho nàng hơn một rúp đi mua Xmetana. Bữa dọn ra chỉ có nồi mì nấu chỏng, ít bánh mì và số sữa đó. Nàng và Vera ăn nhiệt tình. Mẹ giục đavai vẻ thẹn thùng. Lòng hiếu khách có thừa, chỉ thiếu đồ đãi khách thôi. Cậu Phargat thật tuyệt. Trong ba lô có sẵn nửa cân bơ, gói phomat, túi nho khô và cả miếng dăm bông ngỗng. Khách Trung Á góp túi thịt nướng thơm phức. Bữa tối lập tức trở nên thịnh soạn. Có lẽ cả đời bé Vera chưa được ăn ngon như thế.

Nàng đặc biệt chú ý tới người khách vì vẻ ít nói đến kín đáo và hễ nói là ngấp ngứ mãi mới nói được, cứ như nghĩ ra từng từ, cân nhắc đúng sai rồi mới nói vậy.

Lúc đi ngủ mẹ có ý nhường cái giường đôi cho cậu và khách. Khách từ chối, bảo đàn ông cần dành cái tốt đẹp nhất cho phái nữ. Hai người tự trải đệm ngủ ngay dưới chân giường. Nàng thấy cậu và khách cũng rất ít nói chuyện. Bạn bè gì mà lạnh nhạt với nhau thế nhỉ. Trong lúc mơ màng nàng nghe như có tiếng nói chuyện. Tiếng mẹ hỏi thăm cuộc sống của cậu. Và hỏi cả về người khách Trung Á ít nói. Cậu bảo cũng chỉ mới làm quen khi đợi xe buýt. Trời đã tối mà người khách vẫn tha thẩn như không biết về đâu. Hỏi thì biết anh ta làm ở thủ đô Cadan, ngày nghỉ lễ tìm đến đây chơi, nay nhỡ xe về mà chưa biết tìm chỗ nghỉ ở đâu. Xe buýt đến. Anh ta nhảy lên theo. Và xin được ngủ lại ngay trên xe ở bến đỗ. Ô kìa, xe chạy thì động cơ mới làm ấm trong xe được, chứ klhi đỗ thì lạnh chịu sao nổi. Tài xế lắc đầu vẻ không hiểu lời đề nghị kì cục chưa từng xảy ra trên đời ấy. Cậu cảm thông sự cơ nhỡ của khách đề nghị về nhà chị qua đêm. Khách đồng ý ngay. Do khách ít nói nên chính cậu cũng chưa biết mấy về anh ta.

Sáng hôm sau cậu ra bến tàu sớm để kịp về Vongagrat. Khách cũng dậy chuẩn bị ra bến xe. Mẹ chỉ dẫn đi xe số bao nhiêu, đổi xe ở đâu. Đoạn hỏi lại cho chắc chắn: “Cậu có hiểu không?” “Hiểu. Tôi biết rồi”. Mẹ trách sao là người Udơbec hay Tatgic mà nói tiếng Nga kém thế. Khách bật cười: “Không, tôi là người Việt Nam. Chị vinh dự lần đầu được đón khách Việt Nam nghỉ qua đêm đấy nhé”. Mẹ cười. Nàng cũng bật cười. Anh chàng quạ đen này hóa ra không phải bạn cậu Phargat, cũng không phải người Trung Á. Khách xưng tên là Phạm Tú Thanh, tự chuyển sang tiếng Nga là Phamin Tutanop. Kỉ niệm lần đầu làm quen khách tặng mẹ một hộp son Mĩ đẹp lộng lẫy, thơm nức nở cả đời mẹ chưa thấy bao giờ. Rất nhiều màu son. Cả phấn, bút kẻ mi, gương soi. Đắt lắm. Mẹ kêu to từ chối. Phamin cứ dúi vào tay mẹ nói có đáng gì đâu. Liuba lớn rồi cũng có quà như mẹ. Vera bé thì càng có quà thích hợp. Phamin tặng em bé con công nhựa mềm màu sặc sỡ như thật, quả địa cầu nhỏ rất xinh xắn. Kèm theo tờ trăm rúp. Mẹ hốt hoảng nhắc em trả lại tiền. Phamin nói: “Chị đừng từ chối. Tôi hiểu hoàn cảnh ba mẹ con mà. Người Việt Nam có câu một ngày nên nghĩa. Chị cầm lấy cho cháu có miếng thịt ăn. Nếu chị cho phép thỉnh thoảng tôi lại đến chơi”. Phamin cho địa chỉ, số điện thoại nơi ở. Mẹ cũng ghi cho Phamin địa chỉ của nhà. Đột nhiên Phamin hỏi: “Chị bảo làm ở cửa hàng thể thao thành phố à?” Mẹ gật đầu xác nhận. Phamin dặn: “Khi nào cửa hàng có xe Minxk và pedan xe đạp bán thì chị nhận mua tất cả và tìm mọi cách báo cho tôi ngay. Chị giúp được việc này thì sẽ đổi đời ngay đấy”. Nàng nghe mà lòng đầy nghi hoặc. Mỗi cái xe Minxk những bốn trăm rúp, một đợt xe về hàng trăm chiếc anh ta lấy đâu ra lắm tiền thế. Quả nhiên mẹ cũng nghĩ vậy nên hỏi lại. Phamin bảo kể cả hàng nghìn chiếc cũng đủ tiền mua. Lời nói của người có tiền chắc như đinh đóng cột. Phamin còn dặn mua hộ thuốc kháng sinh, bàn là điện, quạt điện, nồi áp suất, tủ lạnh Xaratop. Cái gì cũng mua nhiều, mua tất cả đợt hàng. Toàn những thứ hàng ế ẩm mấy năm không có người mua. Vậy mà Phamin cần mua nhiều thế để làm gì nhỉ.

Duyên số trời xe đố ai biết trước. Ngay tuần sau cửa hàng thể thao nhập mấy chục xe Minxk. Bữa tối mẹ khoe xem nàng có thái độ gì về lời dặn của Phamin không. Cả nhà đang ăn thịt bằng tiền của anh nên nàng giục mẹ liên lạc điện thoại xem có được không. Nếu không thì gửi ngay thư. Thư trong nước cũng chỉ hai ngày là đến nơi. Gọi cầu may. Mà được. Ngay trong đêm anh đi taxi đến. Đi taxi. Hơn trăm rúp đấy. Đi xe buýt chỉ có năm rúp thôi. Đúng là người lắm tiền. Dân nghèo như mẹ con nhà Liuba có mơ cũng không dám mơ được cầm nhiều tiền vậy. Phamin vừa nói vừa ra hiệu đường trơn, xe đi vội liên tục bị trượt trên đường như làm xiếc, vậy mà đến nơi an toàn. Cười.

Phamin đến thẳng phòng cửa hàng trưởng nói chuyện thế nào đó, lát sau đã có giấy xuất kho toàn bộ sáu mươi chiếc xe Minxk. Bình thường số xe này phải bán vài năm chưa chắc đã hết. Lần này nhờ có Phamin mà cửa hàng đã lập được thành tích xuất sắc. Phamin nhờ nàng đưa đến hãng vận tải thuê xe. Mọi chuyện hoàn thành chóng vánh. Tiếng Nga kém vậy mà Phamin quan hệ thông suốt kì lạ. Nàng được Phamin ủy nhiệm trông coi việc giao hàng, còn anh tức tốc đáp taxi về Cadan đón nhận ngay.

Chủ nhật tuần sau Phamin đến chơi thông báo kết quả trận đánh hàng lớn vừa rồi. Chắc là quân ta đại thắng. Anh tặng nàng cái áo lông linh điêu màu trắng nõn quý phái. Nàng đọc đề can biết giá những ba ngàn rúp. Trời ơi, cả một núi tiền thực sự. Anh khoác ngay lên người nàng rồi thốt lên: “Y hệt nàng Natasa của Tonxtoi”. Nàng biết mình đang tuổi dậy thì như hoa hồng hàm tiếu đẹp nhất đời người con gái Nga. Nay được choàng cái áo lông này thì càng đẹp kiêu sa hơn. Mừng quá nàng ôm chầm lấy anh dìu đi một điệu khiêu vũ. Anh chàng chỉ biết ôm ghì lưng nàng và những bước nhảy vô điệu dẵm lên chân nàng liên tục. Nhưng nàng vẫn ngất ngây. Cha mẹ sinh ra nàng nhưng anh mới là người làm cho nàng đẹp và hạnh phúc. Nàng vật anh ra giường, kéo ghì anh vào bầu ngực đang độ căng tròn một cách vội vã, gấp gáp.

Từ đó chủ nhật nào anh cũng đến Mengielin. Chỉ với cái túi xách nhỏ. Giao hàng ở cửa hàng đồ cũ, nhận tiền số hàng tuần trước. Sang các cửa hàng một vòng. Thường mua được vài thứ hàng gì đó. Mua đồ ăn về nhà nàng. Toàn những thứ ngon nhất Mengielin có. Đúng là đổi đời. Trong tủ lạnh lúc nào cũng chất ngất thịt bò, thịt cừu, thịt thỏ, giăm bông, bơ, phomat. Anh còn kiếm được các loại thịt hộp sao chổi không bao giờ thấy bày ở các cửa hàng thực phẩm.

Một lần anh thuê taxi rủ nàng đi chơi thành phố Trixtopon. Nàng bảo đi tàu thủy cho đỡ tốn. Anh bảo đi tàu thủy thì không kịp về làm. Đi taxi đắt nhưng xắt ra miếng, tiền kiếm về sẽ gấp nhiều lần số tiền bỏ ra. Lần đầu tiên nàng được ngồi taxi đi chơi xa. Nàng cứ ôm chặt anh suốt chuyến đi dài. Đến nơi hai người vào cửa hàng quần áo. Anh mua một ô tô quần dài màu xanh. Nàng cứ nghĩ người Việt Nam thích mặc loại quần dành cho nông dân trồng bắp cải vùng sâu vùng xa này nên không hỏi han gì. Tôn trọng ý kiến người khác là cách cư xử có giáo dục nàng được dạy ở nhà trường. Anh chưa về ngay mà kéo nàng vào cửa hàng lưu niệm. Toàn đồ vàng ngọc quý nàng chưa bao giờ đặt chân đến. Anh mua cái nhẫn dát ngọc hồng gần một ngàn rúp đeo vào ngón tay nàng. Anh thì thầm: “Ngón tay nữ hoàng của lòng tôi phải đeo nhẫn này mới xứng”. Rồi nói thêm: “Thưởng cho chuyến đánh hàng này đấy. Nếu em từ chối chuyến đi chơi này thì làm gì có chiến thắng này”. Anh từng là sĩ quan nên nói chuyện thích dùng những từ ngữ chiến tranh chứ không thích dùng những từ hòa bình.

Phamin trở thành người đàn ông trụ cột của gia đình. Đồ dùng liên tục được cải cách. Ti vi Nhật hình trong suốt. Radio Nhật tiếng thanh không chút gợn tạp âm. Nước hoa Pháp dùng thoải mái. Son phấn Mĩ mỗi người luôn có một hộp trong túi xách tay. Gian bếp trở thành xưởng lao động của anh. Một góc là các can nhôm 20 lít đựng đồ chế biến rượu. Một góc anh mải miết mài tẩm màu cải tạo số quần xanh mua ở Trixtopon thành quần bò. Mua có mười rúp, mài xong thành quần bò bán những năm trăm rúp. Mẹ quyết định gả nàng cho anh.

Nhưng Xaxa không phục. Cậu ta theo đuôi bọn lêu lổng vô học cắt trọc đầu. Đó là những thành viên tổ chức phát xít mới ở địa phương. Nàng lo sợ Xaxa trả thù nên báo cho anh biết để cảnh giác. Anh giơ cái côn gỗ ra bảo nàng đừng lo, dăm bảy thằng đầu trọc cũng không thể động tới chân lông anh được. Nàng không tin. Gầy lẻo khẻo thế kia chịu sao được những cú đá giầy đen vào ngực của những thằng đầu trọc to bò mộng.

Biết chiều thứ bảy anh sẽ đến tiểu khu Tukai, Xaxa và lũ đầu trọc tổ chức đón đánh ở ngay lối vào các toà nhà, cách bến xe buýt hơn trăm mét. Thời gian nhá nhem tối vừa vắng vẻ vừa dễ tẩu thoát.

Phamin dễ dàng nhận ra ba bốn đứa choai choai đã khá cảnh giác. Nhưng cùng xuống xe còn có một thanh niên dáng vẻ có học, dễ mến nên yên tâm. Không ngờ khi ba tên choai tiến ra chặn đầu thành thế bao vây thì kẻ đi cùng đã bất ngờ ôm nghiến anh từ phía sau lưng. Hắn chính là Xaxa. Anh nào đã biết mặt tình địch. Hai cánh tay hộ pháp ôm gọn đối thủ tạo thành hai cánh kìm thép. Phamin không thể nhúc nhích nói gì đến việc rút cặp côn trong bụng ra chiến đấu. Một tên choai thủng thẳng giơ nắm đấm tống thẳng vào mặt con mồi. Xaxa hét to cổ vũ: “Đavai, đavai”. Nhưng khi quả đấm trúng đích là tiếng Xaxa rống lên đau đớn. Phamin đã lựa thế đạp mạnh gót giày vào ống đồng Xaxa khiến hắn hơi lỏng tay để kịp né đầu tránh quả đấm. Quả đấm tông thẳng vào họng Xaxa. Phamin bồi tiếp cú đánh vào hạ bộ, coi như loại bỏ được một đối thủ. Cây côn rút ra đánh liên tiếp vào mặt kẻ vừa đấm. Một kẻ khác thừa cơ lao đến từ phía sau nhưng Phamin kịp thời lăn về phía trước tránh đòn, khi bật dậy cây côn đã quất tới tấp vào mặt kẻ hụt mồi lỡ đà. Phamin không ham đánh ba tên đã dính đòn mà tiến về phía tên còn lại. Tên này thấy đồng bọn bị đánh đau như trong phim công phu Kitai thì hoảng sợ ù té quyền. Phamin nhân đó cũng ù té quyền vào chung cư, tránh rắc rối với công an khu vực.

Tôi biết rõ về Liuba thì lẽ nào nàng không biết rõ về tôi. Gia đình tôi dòng dõi khoa bảng, vốn chữ nghĩa là tài sản gia truyền. Đến đời thầy tôi khoa cử đóng cửa, ông chuyển sang học chữ tây đến hết sơ học yếu lược, trở thành hương sư làng Khả Tiết. Theo lệ làng ông được liệt vào hàng thân sĩ, người có vai vế ở địa phương. Tuy ông không tham gia cướp chính quyền nhưng uy tín cá nhân được chính quyền mới mời làm chủ tịch Liên Việt xã. Kháng chiến bùng nổ ông lại trở về nghề dạy học. Chính quyền cách mạng chuyển hoạt động bí mật, chính quyền theo quốc trưởng Bảo Đại hoạt động công khai với sự bảo vệ của hệ thống đồn bốt dày đặc. Quận trưởng đóng đồn ở chợ tổng Khả Phong, cách Khả Tiết một cánh đồng. Là bạn đồng môn nên dăm bữa nửa tháng quận trưởng lại đến thăm thầy tôi. Có lần quận trưởng dẫn theo phó đồn Lomey. Lomey phụ trách an ninh, thường chỉ huy càn quét bắt bớ, tra tấn và chỉ huy màng lưới chỉ điểm. Dân vừa sợ vừa ghét tên tây mũi lõ mắt quạ này. Vô phúc lọt vào tay hắn thể nào cũng phái tặng lại vài cái xương sườn để rõ là Việt Minh hay không. Tuy là đến chơi xã giao nhưng trong câu chuyện Lomey chỉ hỏi về an ninh. Hắn còn yêu cầu thầy tôi đứng ra kêu gọi những học trò cũ từ bỏ chỗ tối, từ bỏ cuộc sống của loài chuột lẩn lút bụi cây, hang hốc về với ánh sáng quốc gia. Thầy tôi ngọt nhạt đáp việc dạy học không dính dáng gì tới việc quốc gia đại sự, với lại Việt Minh rút hết lên núi rừng Việt Bắc rồi thì kêu gọi làm sao được nữa. Lomey chỉ cười mũi, bảo rồi thầy giáo sẽ sáng mắt ra.

Mấy hôm sau Lomey đột nhiên chỉ huy lính vây làng từ tờ mờ sáng. Đến Miếu Bà Cô ở cuối làng thì xảy ra nổ súng. Bí thư nông hội Bùi Đắc bị bắt. Ông là chú họ tôi. Lomey cho lính giải về sân đình. Lát sau lính giải đến gần mười người nữa. Lomey gật gù hài lòng. Hắn bắt lí trưởng chỉ rõ ai là Việt Minh. Lí trưởng vã mồ hôi ấp úng bảo chỉ có Bùi Đắc trước là nông hội, sau bỏ nhà đi buôn không biết về từ bao giờ. Lomey chỉ ba toong vào mặt lí trưởng nói: “Ông lí là Việt Minh nòi từ bao giờ vậy”. Đang lúc khó xử thì quận trưởng đến giải nguy cho: “Ngài quan hai nên thông cảm cho chỗ khó nói của ông lí. Mời các ông đến nhà thầy giáo Bùi làm chuyên trà nóng cho hạ hỏa đã nào”. Lomey nghe theo.

Vừa đến nhà Lomey đã dằn mặt thầy tôi ngay: “Thưa ông giáo, có phải ông ăn lương chính phủ mà vẫn bí mật giữ chân chủ tịch Liên Việt thì phải”. Thầy cũng đã ngghe tin Lomey vừa bắt được chú Bùi Đắc, tính mạng chú nguy kịch đến nơi rồi. Quận trưởng kéo thầy ra góc sân thì thầm: “Ngài quan hai kết con Cúc nhà ông, nếu ông bằng lòng gả thì tôi đứng ra làm mối, và món quà ra mắt chính là ngài làm phúc thả hết số người đang bị bắt ở ngoài đình”. Thầy giật mình. “Không được, nếp nhà tôi đâu cho phép con cái làm đĩ lấy tây được”. Quận trưởng không nản: “Tôi biết ngài quan hai lần này định bắt cả ông, nhưng tôi can để giữ thể diện cho ông đó. Lấy tây là để cứu nhân độ thế thì dân làng và cả Việt Minh không trách đâu. Con Cúc thì coi như có khẩu tây, sống sướng như bà hoàng, ông bà chả phải lo lắng gì về đường tương lai của nó”. Thầy không biết nói sao, xin được bàn với u. U chỉ khóc. Tôi thì chỉ biết nghe lời thầy u đặt đâu ngồi đấy. Đang lúc cả nhà chưa biết quyết định thế nào thì ông lí vào buồng bảo sẽ thay mặt dân làng bảo đảm việc tôi lấy thằng Lomey là ân nhân của cả làng, sau này nếu có mệnh hệ gì thì dân làng sẽ lập miếu thờ. Được lời cam kết này thầy u tôi nhẹ lòng.

Ít ngày sau đám cưới được tổ chức. Tôi vào ở hẳn trong bốt quận.

Việc đầu tiên trước giờ động phòng là tôi yêu cầu Lomey thả hết những người bị bắt giam trong đồn. Lomey cự: “Cô là vợ tôi thì phải giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ chứ, sao lại đi với phe đối địch thế”. Tôi cãi: “Ông lí cam kết với tôi việc ngài thả hết những người bị bắt là món quà ngài dành cho tôi để dân làng thấy lợi ích lấy chồng tây của tôi. Nếu ông phản lại lời hứa thì tôi thà chết chứ không cam chịu làm vợ ông đâu”. Lomey bực tức nói: “Con nhà có giáo dục mà chống đối chồng thì lạ thật”. Nói vậy nhưng có lẽ cơn thèm khát vẻ đẹp trinh trắng của tôi lâu nay sắp thành sự thực, Lomey miễn cưỡng sang gặp đồn trưởng và quận trưởng. Tôi thấy tên lính gác nhà giam mở cửa liền đi đến tận nơi kiểm tra. Có hơn chục người. Tôi dặn nếu Lomey giả vờ thả rồi bắt lại thì mọi người cứ kêu to lên tôi sẽ đến can thiệp.

Việc làm của tôi có người lính bếp biết. Thì ra anh là nội tuyến. Anh nhờ tôi dò hỏi các cuộc càn quét để báo ra ngoài. Hai chúng tôi hợp tác góp phần phá vỡ nhiều cuộc càn của Lomey. Lomey có lần quỏ trách tôi vẫn âm thầm giúp đỡ Việt Minh. Tôi cãi trắng, vì lần nào về thăm thầy u hắn cũng đi cùng.

Sống ở quận ít lâu tôi gặp ngay phiền phức từ phía mụ me tây Macta, vợ quan ba đồn trưởng. Cứ gặp là mụ lườm nguýt rủa ráy tôi là đồ đĩ vô loài, bám vào con quỷ sát nhân Lomey để hút máu đồng bào. Những chuyện nhà nho chửi xỏ bà Tư Hồng mụ Macta thuộc vanh vách áp vào tôi. Mụ còn dùng cà chua, trứng thối ném vào người tôi như kiểu dân tây biểu tình phản đối ai đó bên trời tây. Thấy tôi vóc hạc mảnh mai, Macta còn công khai chỉ trích: “Ôi cái ngực thảm hại chưa kìa, không biết anh chàng Lomey thích thú gì ở chỗ bãi đất phẳng thế kia nhỉ”. Tôi vừa tức vừa xấu hổ. So ngực tôi với ngực Macta thì có gì để nói. Mỗi bên vú mụ dễ có dư yến thịt chứ bỡn.

Về sau qua bà quận trưởng tôi được biết sở dĩ Macta căm ghét tôi mụ mất nhân tình. Ngài đồn trưởng không đủ gãi ngứa nên Macta phải súc miệng thêm Lomey mới tàm tạm đủ bữa mỗi ngày.

Nhưng chính mụ Macta đã phát hiện ra mối quan hệ giữa tôi và anh bếp. Mỗi khi anh bếp ra ngoài là hôm sau trận càn của Lomey lại thất bại. Trận Lomey bị du kích xã phục kích ở chùa Ngòi suýt bắt sống khiến hắn rất tức tối. Nhưng hắn là tên cáo già, đã giăng bẫy với tôi. Buổi tối hắn soạn kế hoạch vây bắt cuộc họp của cán bộ xã ở chùa Ngòi cố ý cho tôi xem. Hôm sau hắn hoãn và lầm bầm với tôi về chuyện tình báo sai, đêm nay mới có cuộc họp này. Tôi liền tìm cách báo với anh bếp. Nhưng anh bếp cũng vừa mới điều đi lên tỉnh. Đành kiếm cớ về thăm nhà. Lomey chỉ dặn đừng ở chơi lâu nhỡ gặp Việt Minh trả thù thì khổ. Tôi đâu biết tình báo của Lomey chính là tên Thử chuyên trộm cắp vặt ở cạnh nhà tôi. Thử từng được tôi xin thả hôm đám cưới. Có lẽ Lomey chẳng tin tưởng gì tôi mà cài sẵn mối chỉ điểm này. Nhờ tin báo của tôi mà cuộc họp ở chùa Ngỏi được chuyển về Miếu Bà Cô. Tên Thử tinh ranh nắm hết sự tình bí mật báo lại cho Lomey biết.

Đêm hôm đó lực lượng kháng chiến địa phương bị thiệt hại nặng nề. Xã đội trưởng Phạm Việt bị bắn chết khi rút chạy. Tiểu đội trưởng du kích xã và hai thôn đội trưởng bị bắt. Lomey cố ý khen tôi tài trí giúp chồng lập nên chiến công này cho ba người bị bắt biết. Vậy là tôi có đủ bằng chứng làm hại cách mạng mà không thể bào chữa trong suy nghĩ của ba cán bộ du kích. Từ ba người này ắt tin tức sẽ về đến lực lượng kháng chiến.

Phần tôi cũng bị phòng nhì bắt về tỉnh tra khảo cùng anh bếp hòng tìm ra đường dây tình báo quân sự. Nhưng tôi có biết ai đâu mà khai. Mụ Macta ép Lomey đồng ý xử tử tôi. Tên thực dân bẩn thỉu hiện nguyên hình là con quỷ dâm dục và độc ác, xuống tay với cả vợ mình. Nhưng độc ác hơn, hắn bày ra trò đánh ghen, vu cho tôi tằng tịu với đồn trưởng, gây chia rẽ kỉ luật và làm thiệt hại sức mạnh quân đội Pháp. Chính tên đồn trưởng dẫn toán lính đi hành hình tôi. Không xử bắn, không buộc đá ném sông mà dùng cọc tre nhọn xuyên người bêu ở Bãi Dứa. Đồn trưởng còn cẩn thận viết giấy treo trước ngực tôi: “Hình phạt nghiêm khắc dành cho con điếm làm hại quân đội Pháp”.

Ông lí trưởng là người giữ chữ tín. Chính ông cho xây ngôi miếu nhỏ này. Còn biển “Miếu con đĩ” do tên Thử treo lên. Quê tôi danh xưng đĩ chỉ con gái, cu chỉ con trai. Khi con gái đến tuổi trưởng thành thì có danh xưng gái. Có chồng có con lại đổi danh xưng mẹ đĩ hoặc mẹ cu. Danh xưng đĩ là tối miệt thị dành cho những kẻ lẳng lơ, đĩ thõa, quan hệ trăng gió gái trai quá mức. Cái tiếng để đời ghê gớm như vậy hỏi thầy u tôi làm sao chịu đựng nổi.

Vận số đời người lúc lên voi lúc xuống chó là thường. Khi Liuba sinh con gái Phạm Hòa Bình thì Liên Xô tan vỡ. Cuộc sống đảo lộn tơi bời. Nạn phát xít mới hoành hành. Phamin không thể làm ăn nổi. Cảnh sát địa phương cũng luôn tìm cách ăn tiền gây khó dễ cho việc cư trú. Ngay nội bộ người Việt cũng đầy mưu hại. Phamin chung vốn với anh bạn thân cùng phòng đi đánh hàng ở Balan nhưng lại bị chính anh bạn này thông đồng với lực lượng khác trấn lột hết sạch. Chưa bị thủ tiêu là may. Phamin quyết định hồi hương. Nhờ đại sứ quán can thiệp mà Liuba và con gái được nhập quốc tịch Việt Nam. Cả gia đình họ về làng Khả Tiết. Ban đầu còn chút vốn liếng nên cuộc sống chưa có va chạm xảy ra. Khó nhất là công ăn việc làm. Những nghề Phamin tài giỏi ở Nga không thể áp dụng ở quê. Còn Liuba chỉ biết việc nội trợ, nay phải mưu sinh thì không biết làm gì. Miệng ăn núi lở. Bà mẹ chồng nhận ngay ra nguy cơ túng đói. Bà nói với con trai: “Con chó béc ăn ngon hơn cả chủ nó nhưng nó còn biết trông nhà, còn con vợ mày ăn kém gì con béc mà lại chẳng làm nên tích sự gì, mày mau tống khứ đi thôi”. Phamin chống chế yếu ớt: “U thử xem cả nước mấy ai diễm phúc lấy được vợ tây như con không. Lấy được vợ tây thì cuộc sống phái khác ta ít nhiều chứ”.

Bà mẹ áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Bà bảo buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện. Bà cấp cho con dâu mét vải màn, hướng dẫn cắt ra thành từng vuông nhỏ làm vệ sinh cá nhân. Dặn xong phải giặt sạch cất đi dùng cho lần sau. Phamin thương thỉnh thoảng lén lút dúi cho hộp Diana. Bà mẹ như thần giữ của tịch thu lại đem gửi bán. Bà mắng, ăn cơm ta phải sống cuộc sống ta, cha ông bao đời sống được lẽ nào nó không sống được. Liuba cắn răng chịu đựng. Nhưng muốn giặt sạch phải có xà phòng. Mẹ cho một nhúm giặt không nổi bọt thì sạch làm sao được. Liuba tủi thân chạy ra miếu khóc than thân. Miếu con đĩ. Con đĩ còn được thờ sao người còn đang sống lại đày đọa nhau đến thế.

Trời ơi, liệu tôi có trở thành người Việt được hay không hả trời.

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh

(Theo Bản tác giả gửi NBĐ)
Tin liên quan:
ĐÊM CUỐI Ở CÔN SƠN - Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành (11.01.2013 16:40)
Tập thơ Thiên Thai - Phần 1 - của Phạm Thuận Thành (30.10.2012 01:58)
Giãi với trời xanh - truyện ngắn Phạm Thuận Thành (30.10.2012 00:53)
Đũa tre - Phạm Thuận Thành (24.01.2011 04:23)
Nhật ký Kadan (Phần 11 - Kết) - Phạm Thuận Thành (01.11.2010 01:03)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Me tây
Thung Lam
Chùm truyện ngắn Mini của Vũ Thanh Hoa
Nguyễn Huy Hoàng - Tìm con, chăm bạn, làm thơ
Lần đầu bên nhau ( phần 1)
I am đàn bà
Truyện ngắn mini - Đỗ Ngọc THạch
Lần đầu bên nhau (phần 3)
Lần đầu bên nhau (phần 2)
Tình qua tin nhắn
 
 
 
Thư viện hình