Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ hai,
27.03.2023 00:21 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1668385
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Quán Vi Miên: Trại hè Artek trên sông Akhtuba - Bài dự thi về Volgagrad
[14.08.2013 02:12]
Xem hình
Hồi ấy là trung tuần tháng 6/1986, tôi có chuyến Thực tập sư phạm ở Trại hè “Artếk trên sông Akhtuba” – một nhánh đổ vào sông Vônga, phía trên Đập thuỷ điện sông Vônga hùng vĩ. Tâm trạng của tôi rất háo hức. Đây là dịp hay để ra khỏi thành phố, hoà mình vào với thiên nhiên Nga tươi đẹp, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt ở trại hè của thiếu nhi Liên Xô – niềm mơ ước của trẻ em nghèo trên thế giới lúc đó.

Buổi sáng, thành phố Vôngagrát lấp lánh dưới ánh nắng hè. Tôi đến bến xe Công viên Zerzinxky, bên cạnh Quảng trường “Người thợ luyện kim” ở phía Bắc thành phố. Tại đây, trên Quảng trường, các em học sinh đã tập trung đông đủ. Các em mặc đồng phục, quàng khăn đỏ, đeo huy hiệu “Thiếu niên Cách mạng tháng Mười”. Các bậc phụ huynh đi tiễn học sinh, tay xách những giỏ hoa quả nặng trĩu, tụ tập từng nhóm. Thấy chúng tôi – những sinh viên Việt Nam – đến, một người phụ nữ Nga xinh đẹp, tóc màu hạt dẻ, chủ động đến chào hỏi và tự giới thiệu là Irina Nhicalaievna, Trưởng trại hè. Cô phân công chúng tôi lên xe với học sinh. Phụ huynh hôn, tạm biệt các con. Xe chuyển bánh, ra khỏi thành phố. Đầu xe nào cũng phần phật lá cờ đỏ “Đội thiếu niên Cách mạng tháng Mười”. Dẫn đầu và áp tải đoàn xe là xe của Cảnh sát giao thông. Mọi người thích thú nhìn ra xung quanh. Phong cảnh thật là đẹp. Những cánh đồng lúa mì xanh ngắt. Những làng quê Nga yên bình với ngôi nhà gỗ truyền thống. Những ngôi nhà thờ chóp nhọn “củ hành”. Những khu rừng bạch dương…Xe đi qua cầu Vônga, sang bờ Đông. Chúng tôi ngắm nhìn Nhà máy Thuỷ điện trên sông Vônga – công trình chào mừng “Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô”. Xe qua thành phố Vônxky nhỏ xinh, rồi ngược lên phía Bắc, đi vào một khu rừng. Cuối cùng xe dừng lại bên bờ sông Akhtuba. Dòng sông này to cỡ bằng sông Lam, nước trong vắt, mát lạnh, hai bên bờ cây cối um tùm. Và ở một nơi bờ sông thoai thoải, bãi cát trải dài, người ta đã xây dựng thành nơi nghỉ mát.

Một phần của khu nghỉ mát là Trại hè Artếk dành cho thiếu nhi, được xây dựng bởi quỹ phúc lợi xã hội của nhà máy sản xuất máy kéo Zerzinxky, nơi mà trong Đại chiến 2, xe tăng Hồng quân được sản xuất và lao thẳng ra trận địa. Các em học sinh đi nghỉ ở đây là con em của cán bộ công nhân viên nhà máy. Các em đi nghỉ không phải trả tiền. Học sinh được chia thành từng lớp, mỗi lớp có 3 người phụ trách. Tôi phụ trách lớp “Đại bàng”, cùng với Natasa Kharcôva – cô sinh viên cùng lớp, và Anhina Tôrianhicôva – nữ giáo viên cấp 1 trường Zerzinxky. Chúng tôi dẫn học sinh về nhà ở. Nhà nghỉ là nhữn ngôi nhà cấp 4 nấp dưới bóng những cây sồi già, tường màu trắng, cửa sổ sơn xanh, mỗi nhà ngăn làm 3 phòng. Chúng tôi bố trí cho học sinh nam ở phòng giữa, do tôi quản lý, và học sinh nữ ở 2 phòng 2 bên do Natasa và Anhina quản lý. Các phòng nhận đồ cấp phát như chổi, nệm, vải ga trải giường, gối, v.v. Tôi cho học sinh quét dọn, xếp lại giường, cho đồ vào tủ. Lát sau, những chiếc giường sắt đã được xếp thành 2 dãy ngay ngắn, có lối đi ở giữa. Những cái nệm êm cùng với những tấm vải ga trắng muốt đã được trải lên trên những cái liếp giường bằng lò xo. Và ở đầu giường đã có những cái gối bông trắng tinh, thơm ngát.

Đến giờ ăn trưa, chúng tôi cho học sinh xếp thành 2 hàng, đi xuống nhà ăn. Trước cửa nhà ăn có 2 em học sinh đứng làm nhiệm vụ trực nhật. Các em này có nhiệm vụ kiểm tra xem có ai tay bẩn không; ăn mặc đã sạch sẽ, gọn gàng chưa; có ai đưa đồ ăn vào không; hay là có ai đem đồ ăn ra khỏi nhà ăn không, v.v. Tôi báo cáo là lớp “Đại bàng” đã có mặt, số người là…xin được bố trí bàn ăn. Một trong 2 em nhanh nhẹn chỉ cho chúng tôi vào ngồi 2 dãy bàn ở góc trong cùng. Có lớp đang ngồi ăn. Có lớp tiếp theo  chúng tôi, đứng chờ để vào cửa. Trên bàn, tất cả đã được dọn sẵn đầy đủ, trông thật ngon lành: Những miếng bánh mì và bơ; những cốc sữa, miếng giò, khúc cá, thịt xay; những lát cà chua, dưa chuột và bát xúp khoai tây nấu với thịt, v.v. Khi cả lớp ăn xong, chúng tôi cho học sinh đồng thanh hô: “Cảm ơn các nhà đầu bếp!”. Rồi ai cũng tự dọn lấy bàn ăn của mình bỏ vào thùng cho nhà bếp rửa, và đi ra cửa theo lối quy định, tránh đi ngược chiều với những lớp khác. Chúng tôi lại cho học sinh tập hợp làm 2 hàng, đi về nhà ở, bảo các em xuống nhà vệ sinh rửa ráy, đánh răng, rồi về nghỉ.

Buổi trưa, không khí trong lành, mát mẻ, yên tĩnh. Tôi đặt lưng xuống giường, hình dung ra những hoạt động của lớp trong 1 tháng hè ở đây, từ việc lập danh sách học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh, sức khoẻ, khả năng, hứng thú của các em, đến việc lập ban cán sự lớp, tổ, cho học sinh đăng ký tham gia các nhóm hoạt động theo năng khiếu, v.v. Phối hợp hoạt động của lớp với hoạt động của trại, nội quy của lớp với nội quy của trại. Kế hoạch ngày thứ 1, thứ 2, …rồi tuần thứ 1, thứ 2…cho đến hết tháng. Đó là nhiệm vụ thực tập sư phạm của tôi. Tôi sẽ bàn và thống nhất kế hoạch đó với Natasa và Anhina. Người nhận xét và đánh giá vào phiếu thực tập của tôi là Anhina.

2 giờ chiều, tôi đánh thức các em dậy, rửa mặt, xuống ăn điểm tâm giữa buổi. Bữa ăn có bánh ngọt, bích quy, sữa, nước táo. Trở về, chúng tôi cho học sinh chơi xung quanh nhà ở. Ban phụ trách họp, bàn và thống nhất kế hoạch, rồi tập trung học sinh phổ biến cho các em nắm được để chấp hành. Cô Anhina cũng giới thiệu về môi trường tự nhiên xung quanh trại, lưu ý các em không được tự tiện đi ?khám phá’, tránh lạc đường hoặc chết đuối. “Trước trại là sông. Sau trại là rừng. Trong rừng có hồ và bãi cỏ. Phía nam là con đường về thành phố Vônxky và Vôngagrát…”, cô nói.

Sáng hôm sau, ăn sáng xong, toàn trại tập trung đầu tuần. Hàng trăm học sinh tụ tập trên một cái sân rộng. Cô Irina Nhicalaievna, Trưởng trại, phổ biến kế hoạch. Sau đó, các lớp đưa học sinh đi tắm. Sông Akhtuba rộng cỡ như sông Lam của ta, nước xanh trong. Bãi cát rộng, rất mịn. Bãi cát đầy người nằm phơi nắng, hoặc chơi bóng chuyền, tụm 5 tụm 3 đắp cát chơi. Dưới nước đầy người tắm, bơi lội, vẫy vùng. Ngoài xa có xuồng máy cứu hộ lướt lên lướt xuống nhắc nhở mọi người không được bơi ra quá ranh giới quy định. Các lớp chờ theo thứ tự để xuống tắm. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi hướng dẫn cho các em khởi động cho nóng người, bằng bài thể dục tay không, chơi bóng chuyền, rượt đuổi nhau. Đến lượt, chúng tôi dẫn học sinh xuống tắm, quản lý các em chỉ tắm trong vùng nước cạn, dây đã khoanh. Nước sông mát lạnh. Nhiều em không biết bơi, vì là học sinh thành phố. Nhưng các em rất thích xuống nước, quẫy đạp, khoát nước, la hét, tỏ ra rất khoái chí, vui vẻ. Tôi phải hướng dẫn cho các em tập bơi, canh chừng các em kẻo bị chìm. Khoảng được nửa tiếng thì chúng tôi gọi tất cả lên bờ phơi nắng, dành chỗ cho lớp khác tắm. Buổi chiều, chúng tôi cho các em chơi quanh nhà ở: ngoài sân, trong vườn, dưới bóng cây. Các em chơi đu, bập bênh, bóng chuyền, cầu lông, cờ vua, vẽ, nặn, lắc vòng, uốn dẻo, dùng những qủa thông, quả dẻ gắn làm các con vật, đồ vật, v.v.- theo từng nhóm sở thích, năng khiếu. Trong nhóm chơi cờ, tôi chú ý đến em Arxana – một cô bé lớp 3 béo mập, má đỏ, chơi cờ mà đầu óc như để đâu đâu, chuyên đi lỗi nước. “Em muốn trở thành bác sĩ – Arxana nói với tôi – để sang Afganixtan phục vụ chẳng hạn. Ở đó quân lính Liên Xô…”. Tôi nói: “Muốn vậy thì ngay bây giờ em phải học tập cho tốt”…

Tối hôm đó, đống lửa Trại được đốt lên trong tiếng nhạc và tiếng hò reo. Mọi người bị cuốn vào vòng nhảy; Cán bộ phụ trách và học sinh; những đầu bếp; thợ điện và thợ cung cấp nước; người gác cổng và nhân viên bảo vệ; y, bác sỹ…Tôi nhận ra cả một đoàn học sinh Tiệp Khắc (Séc và Xlovakia bây giờ) nữa.

Hôm sau, chúng tôi đánh thức các em dậy đúng giờ; tập thể dục buổi sáng, vệ sinh cá nhân, rồi đến dự lễ chào cờ đầu tuần, nghe kế hoạch trong tuần. Ăn sáng xong, chúng tôi đưa các em vào chơi trong rừng. Dọc đường, các em hái nấm, hái những quả dâu đỏ mọng trên cây. Các em hái những bông hoa ở những vạt cỏ trong rừng, tết thành “vương miện” rực rỡ, đội lên đầu cô y sĩ xinh đẹp Laritxa Chikhilova. Qua khu rừng già, chúng tôi gặp một cái hồ thật đẹp. Các em học sinh tranh nhau câu cá. Cô giáo Anhina cho đốt lên một đống lửa nhỏ và nướng khoai tây mang theo. Cô bạn Natasa và nữ y sĩ Laritxa kéo tôi đến một chiếc thuyền đang đậu ở bờ hồ, mái chèo buông thõng như chờ đợi ai. Trưa, chúng tôi ăn ở bên hồ, cạnh đống lửa. Bữa ăn có khoai tây, cá nướng, bánh mì, giò chả, dưa chuột và cà chua. Thật là một “bữa tiệc” ngon lành, khó quên…

Trong suốt cả một tháng trời, mỗi tuần, mỗi ngày đều có chủ đề sinh hoạt riêng. Nào là tuần “Hữu nghị”, “Hợp tác”, “Môi trường”,… Nào là ngày “Kiến thức”, “Trò chơi và đồ chơi”, “Sức khỏe”, “Khăn quàng đỏ”, “Ngày sách báo”, …Tất cả đều rất hấp dẫn đối với các em. Để giáo dục tư tưởng, chính trị - đạo đức cho học sinh, chúng tôi tổ chức trao đổi theo chủ đề “Trước bản đồ thế giới”, “Những điểm nóng trên hành tinh”, “Ngày hòa bình”, “Nhà cách mạng lão thành sống cạnh chúng ta”,…Tổ chức cho học sinh hoạt động công ích theo chủ đề “Hạt giống nhỏ”, thu nhặt những hạt giống của cây rừng. Tổ chức cho học sinh sưu tầm giống cây thuốc ở trong rừng nhân ngày “Hiệu thuốc xanh”. Tỏ chức cho học sinh găph gỡ phụ huynh, theo chủ đề “Nghề nghiệp của phụ huynh tôi”. Nói chuyện theo chủ đề “Trại hè của chúng ta giá trị biết bao nhiêu”, “Yêu và giữ gìn thiên nhiên theo nguyên lý Leninnit”, “Chúng ta bảo vệ và giữ gìn rừng cây và dòng sông”, “Tờ báo của rừng”, “Bản đồ sống của tự nhiên bên cửa sổ”, “Cây ăn quả và nấm”, …Chúng tôi cũng tổ chức đi du lịch theo chủ đề “Chúng ta đi trên những con đường rừng”, “Chim muông trong rừng quê ta”, “Cuộc sống của sinh vật dưới nước”, “Động vật và thực vật ở quanh Trại hè”; tổ chức những ngày hội “Cây bạch dương Nga”, “Ngày hội của hoa”, “Theo dấu chân Rôbinxơn”, …

Để tổ chức giáo dục, rèn luyện sức khỏe cho học sinh, chúng tôi cho các em chơi các trò chơi và thi đấu thể thao mang tên “Điểm xuất phát”, “Nổi trống lên”, “Hãy sẵn sàng”, “Gan dạ và khéo tay”, “Chúng ta biết và chúng ta làm được”, Điểm xuất phát của hy vọng”; tổ chức các Câu lạc bộ những người bơi lội “Neptun”, “Cá heo vui”; những người chơi bóng – “Quả bóng da”; những người chơi cờ - “Quân cờ kỳ lạ”; …

Để giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, chúng tôi tổ chức cho học sinh dậy sớm đón bình minh, theo chủ đề “Buổi sáng thanh bình của Tổ quốc”; tổ chức cho học sinh vẽ, nặn, ghép hình theo chủ đề “Từ viễn tưởng tới viễn tưởng”, “thế giới tuyệt vời của chúng ta”; mở các triển lãm “Thiên nhiên và tưởng tượng”, …

Tháng hè trôi qua nhanh chóng quá! Hôm nay tôi đưa các em đến phòng khám kiểm tra lại sức khỏe trước lúc rời trại. Ngày mai, chúng tôi sẽ trở về thành phố rồi. Tôi vui mừng vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thực tập sư phạm. Trại hè để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp. Xã hội Xôviết đã dành cho thiếu nhi điều kiện nghỉ ngơi, giáo dục tốt nhất. Còn bao nhiêu trại hè như thế trên đất nước Liên Xô vĩ đại này? Tôi chạnh lòng nghĩ tới quê hương Việt Nam. Tôi cũng bùi ngùi vì sắp phải chia tay với các em ở đây. Trong một tháng hè, chúng tôi đã nói với nhau bao nhiêu chuyện về đất nước Xôviết, về Việt Nam xa xôi, và nhứng câu chuyện khác. Tôi nâng niu tấm ảnh kỷ niệm trong tay.

Một cánh chim màu vàng bay vụt qua trước mặt…

1986, 1990.

Quán Vi Miên

Địa chỉ: 23/3 Phạm Huy, Quán Bàu, Vinh, Nghệ An; Đt: 038.3531.991 / 0915.235.128; Email: quanvimien@gmail.com

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
Hoa Pion
 
 
 
Thư viện hình