Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 17:25 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1697298
Tin tức > Phỏng vấn - Trao đổi - Bình văn > Xem nội dung bản tin
Mệnh lệnh của tổ tiên - PGS-TS Trần Hữu Tá
[18.12.2012 00:14]
Xem hình
Trong những ngày “rất nóng” hiện nay, có lẽ bất cứ người dân Việt nào vốn nặng lòng với sự an nguy của dân tộc và trong tâm khảm vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm trực tiếp hoặc gián tiếp, rất hào hùng về ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, đều dõi theo đầy cảnh giác nhất cử nhất động của người láng giềng khổng lồ phương Bắc – người đã và đang theo đuổi giấc mộng “siêu cường, đại bá” rất ngông cuồng và đầy hoang tưởng. Cuộc sống hòa bình và nền độc lập tự chủ không chỉ của Việt Nam, mà còn của các nước Philippin, Malaysia, Inđônêxia, Hàn Quốc, thậm chí cả các cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản… đang bị thử thách nghiêm trọng.

 Chính tình thế nước sôi lửa bỏng này buộc chúng ta nhớ lại lời nhắc nhở nghiêm trang của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ, tiếng nói hiệu triệu toàn thể quân dân đầy khí phách của Hoàng đế Quang Trung trước khi bắt đầu trận quyết chiến chiến lược với 29 vạn quân Thanh, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đầy xúc động của chủ tịch Hồ Chí Minh 66 năm trước.

Và đương nhiên chúng ta không thể quên bản Di chúc của vị Hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần, người đã 2 lần lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông – thế lực xâm lược hùng mạnh nhất thế giới nửa cuối thế kỉ XIII, mà vó ngựa của chúng đã từng san phẳng các thành quách của nhiều nước từ cực Đông châu Á (ven bờ Thái Bình Dương) đến chân núi Oural (châu Âu). Đã có quá nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến tài năng, phẩm hạnh cao vời của vị minh quân này. Trong bài viết ngắn dưới đây, chỉ xin nhắc đến một ý đặc biệt quan trọng trong bản Di chúc mà Người để lại trước khi băng hà (mùa đông 1308) một cách lặng lẽ, thanh thản ở am Ngọc Vân trên núi Yên Tử. Tài liệu vô giá này đã được từ điển bách khoa Wikipedia tiếng Việt trân trọng ghi lại. Bằng kinh nghiệm sâu sắc của một người cả đời gắn bó máu thịt với vận nước, chỉ đau đáu quan tâm đến nền độc lập của dân tộc và  quyền sống tự do của nhân dân, Người đã dặn dò Hoàng đế đang tại vị Trần Anh Tông cũng như dặn dò toàn thể quân dân những lời hết sức sáng suốt và vô cùng gan ruột:

“…Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo”. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy sinh trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ đến chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang sơn của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”

Phật hoàng Trần Nhân Tông

Đọc lại những dòng tâm huyết trên đây của con người có tầm nhìn xuyên thiên kỉ, ta thấy bất cứ ý nào cũng đáng khắc ghi vào đáy sâu tâm khảm của mỗi người dân Việt hôm nay. Hoàng đế Trần Nhân Tông đã chỉ ra bản chất xấu xa của nhũng tập đoàn lãnh đạo nước láng giềng phương Bắc không chỉ hơn 7 thế kỉ trước mà ngay cả bây giờ cũng không thay đổi “Họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo”, nghĩa là nói thì rất hay, có vẻ chí tình chí nghĩa, nhưng thực chất chỉ là những lời “đầu môi, chót lưỡi”. Còn làm? Lại toàn những điều bậy bạ, trái đạo”.

Vị minh quân đã chỉ ra những thủ đoạn sâu hiểm của các thế lực phong kiến Hán, Đường, Tống, Nguyên. Người như cũng đã tiên đoán,  “đi guốc vào bụng” các triều đại Minh, Thanh về sau và cả những ai đó ở Trung Nam Hải đang ôm mộng bá chủ thế giới. Đó là “luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta thì gặm nhấm ta”. Trần Nhân Tông đã mượn một hình ảnh không thể ấn tượng hơn để vạch trần ý đồ nham hiểm của thế lực bành trướng phương Bắc, đó là “lâu dần họ sẽ biến giang sơn của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích”.

Nhìn lại tình hình bang giao mấy chục năm gần đây giữa Trung Quốc với tất cả các nước láng giềng Đông – Tây – Nam –Bắc, có vô số những chứng cứ hiển nhiên: họ nuốt chửng Tây Tạng vào đầu những năm năm mươi của thế kỉ trước. Sau đó không lâu, họ thôn tính mấy ngàn cây số vuông của Ấn Độ. Qúa tham lam đến mức mất tỉnh táo, họ đã gây hấn với Liên Xô (cũ) hòng chiếm một phần đất ở Sibêri rất  giàu tài nguyên, để rồi bị một trận u đầu bươu trán, làm trò cười cho toàn thế giới. Giờ đây, khi đã mạnh lên về kinh tế, quân sự, tham vọng bành trướng lãnh thổ lại càng sục sôi trong tâm trí không ít người đang lãnh đạo quốc gia này  Họ ỷ lớn hiếp nhỏ, tự đặt ra đường lưỡi bò chín khúc để độc chiếm biển Đông. Họ thường xuyên gây căng thẳng với Nhật Bản, Hàn Quốc, hòng chiếm các vùng biển đảo vốn không phải của họ.

PGS - TS Trần Hữu Tá

Nói riêng, với Việt Nam, năm 1974, “thừa nước đục thả câu”, họ ăn tươi nuốt sống quần đảo Hoàng Sa đang do chính quyền Sài Gòn quản lý. Năm 1979, họ huy động đại quân tràn vào toàn bộ biên giới phía Bắc nước ta. Sau đó ít lâu (năm 1988), họ ngang nhiên chiếm thêm một số đảo trong quần đảo Trường  Sa, trong khi họ không ngừng ra rả nhắc đến “quan hệ 4 tốt và 16 chữ vàng” có vẻ rất chí tình nhưng thực ra rất đậm sự giả dối, lừa mị.

Song song và xen kẽ với những “cú đấm” vỗ mặt như thế, họ có trăm phương ngàn kế để làm suy yếu nước ta về mọi phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Phương kế của họ thiên biến vạn hóa, có khi cực lớn có khi hình như nhỏ bé; có khi lộ diện, có khi giấu mặt mượn tay người khác gây họa cho ta. Từ 1975 đến 1978, họ dùng bọn đồ tể Pôn Pốt – Iêng Xary làm lính xung kích gây bao tội ác ở miền Tây Nam bộ nước ta. Và mấy chục năm nay họ liên tục xúi bẩy một bộ phận đồng bào dân tộc ít người gây ra tình trạng bất ổn ở vùng cao phía Bắc.

Học mẹo của Triệu Đà, họ tung không phải một mà rất nhiều Trọng Thủy vào khá nhiều vùng lãnh thổ nước ta. Số người này khoác vỏ công nhân hoặc ngư dân chất phác tìm cách định cư hoặc tạm trú ở những điểm cực kỳ xung yếu về mặt quân sự từ Bắc chí Nam: vùng than Quảng Ninh, bauxite Tây Nguyên, cảng Vũng Rô (Phú Yên), cảng Cam Ranh (Khánh Hòa)v.v…Lợi dụng thái độ vô trách nhiệm của quan chức một số địa phương, họ mua rừng ở biên giới phía Bắc, thậm chí mua hàng ngàn hecta ở Bình Thuận (Nam Trung Bộ). Họ thực hiện những chiêu trò tỉ mẩn, thoạt nhìn có vẻ như “lẩm cẩm, dở hơi” nhưng xét cho kỹ lại thấy rất hiểm như kiểu tổ mối nhỏ, hi vọng dần dà phá nát những con đê lớn: họ tung những biệt kích khoác áo thương lái có vẻ hiền lành, len lỏi vào các hang cùng ngõ hẻm để đánh lừa những người nông dân Việt Nam chân chất. Bọn này trả giá “trên trời” để mua những thứ tầm thường, thậm chí không hiểu để làm gì: rễ tre, móng trâu bò, đỉa (ở nhiều nơi), gỗ sưa (ở Quảng Bình), rừng trâm cổ thụ (Quảng Ngãi), khoai lang tím (ở Vĩnh Long), nghêu (ở Gò Công), dừa (ở Bến Tre)v.v… một dúm bà con được hưởng lợi ban đầu, nhưng sau đó chúng lặn mất tăm, kéo theo biết bao hệ lụy vô cùng tai hại: sản xuất bị đình đốn, hệ sinh thái bị tàn phá, trật tự trị an trở nên rối loạn, một bộ phận dân bị tha hóa, nếp sinh hoạt đầm ấm tình làng nghĩa xóm bị xâm hại nghiêm trọng. Nếu không giải quyết mạnh tay thì những suy thoái của nhiều địa phương gộp lại, đương nhiên đúng như lời cảnh báo của Trần  Nhân Tông, giang sơn của ta đang đàng hoàng, hoành tráng như cái tổ đại bàng, không mấy chốc có thể sẽ xác xơ, teo tóp như tổ chim chích.

Lấy gì đảm bảo viễn cảnh nước Việt Nam chúng ta không trở thành chư hầu của đại quốc Trung Hoa”, mỗi vùng đất nước ta không là một tỉnh Tam Sa?… Dám lắm chứ, nếu toàn dân tộc không kết thành một khối, trên dưới một lòng, duy trì và phát triển truyền thống Diên Hồng (thời Trần), Tân Trào (thời đại Hồ Chí Minh), tiêu trừ tận gốc các bệnh nan y như tham nhũng, quan liêu, cơ hội chủ nghĩa. Dám lắm chứ, nếu chúng ta quên đi lời di chúc của vị Hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông – lời di chúc cho muôn đời con cháu: “một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt tay kẻ khác”.

Ngẫm ra, sống sao cho khỏi có lỗi với nhân dân, khỏi có tội với tổ tiên, quả là rất khó. Nhưng suy cho cùng, đó là bổn phận, trách nhiệm, là đạo lý hôm nay của bất kỳ người dân Việt lương thiện bình thường nào. Vì thế bất cứ lúc nào, chứ chẳng riêng gì ngày kỉ niệm cuộc tổng khởi nghĩa lịch sử 19/8, lời Di chúc của Trần Nhân Tông luôn được chúng ta coi là mệnh lệnh thiêng liêng của tổ tiên.

T.H.T

(Theo bản tác giả gửi NBĐ)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Choáng váng truyện sex trẻ em
NGƯT Vũ Thế Khôi: Không có đạo thầy trò thì đừng nói đến giáo dục
Tưởng nhớ thầy Trần Quốc Nghệ - Người thầy siêu giỏi
Vì sao tôi dịch lại thơ Đường?
Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?
Khoảng trống của văn học Việt Nam trên văn đàn Nga
Nỗi xấu hổ của dịch giả Ruồi Trâu
Cụ Vũ Đình Hoè, cựu Bộ trưởng tư pháp kể chuyện về luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại phiên toà xét xử ông cố vấn Vĩnh Thuỵ
Người viết trẻ có còn mơ vào Hội Nhà văn?
Kết nạp hội viên Hội Nhà văn - chuyện dài kỳ
 
 
 
Thư viện hình