Đặng Hữu Trung: Tưởng nhớ Nhà thơ Nguyễn Trọng Bính
[06.09.2012 19:28]
(Kính dâng linh hồn Đại tá, Nhà thơ Nguyễn Trọng Bính-Người bạn thân của tôi)
Xin gọi tên nhau như trước, Trọng Bính (1) ơi!
Mấy chục năm trời đã quen như vậy
Cùng sinh ra nơi quê nghèo, nắng cháy
Thạch Tiến - Thạch Minh, bãi cát trắng tinh.
Nhớ lần đầu gặp nhau xem phim Tuổi lớp bốn - trẻ con hiếu thắng Lý, Hồng với Đậu Đa, Bình, Bính Đùa vài câu nên suýt nữa đánh nhau Trung cùng đi, chứng kiến từ đầu Đứng giải hoà và biết nhau từ đó.
Như đàn chim chung cây làm tổ Ngọc, Tiến, Minh - ba xã một lớp Năm Lại gặp nhau dưới một mái đình Là lớp học cạnh hòn Núi Đất. Mặc nắng lửa, mưa dầm, gió bấc Đường sống trâu Thạch Ngọc vẫn coi thường! Mùa thu sau, đổi địa điểm trường Về cơ sở Miếu Nen, Thạch Tiến Tiếng phi lao rì rào trò chuyện Như chúng mình kết bạn tâm giao. Dịp Tết, Hè ta đến thăm nhau Ăn cá trích với bánh đa chợ Gát...
Vui học hành, thời gian thắm thoắt Tốt nghiệp cấp Hai, mỗi bạn một nơi Vào cấp Ba, cả lớp được ba người Trung, Bính, Kỷ cùng trường nhưng khác lớp. Hai chúng mình trọ nhà anh Cu Chước Cùng với Tam hai tấm phản nằm chung. Nhớ những đêm lạnh buốt mùa Đông Đắp chiếu mỏng ôm nhau như thìa úp Người nằm giữa được cho là "sướng nhất" Vì không lo chiếu kéo hụt một bên. Ngày cuối tuần "đến hẹn lại lên" Cuốc bộ đi - về ba mươi cây số Dép cao su vẹt mòn đường Quốc lộ Ruột tượng đeo sờn áo cả hai vai. Bữa ăn thường cơm độn sắn, khoai Đĩa muối vừng, bát canh rau muống Những bữa sang - bắt được dam(2) ngoài ruộng Hay cá ve chợ Tỉnh ế mua về. "Chuyện thật như đùa" rất nhiêu khê: Mua nồi nấu cơm nhầm ấm bù nấu nước (3) Thật buồn cười cho anh Cu Chước Tưởng vợ mình om nước chè xanh Đi làm về, gọi hàng xóm xung quanh "Mời bà con sang nhà tui uống nác!" Mở nồi ra giật mình, ngơ ngác Sao nước chè lại hoá ra cơm? Mọi người cảm thông, bảo đó chuyện thường Nồi các chú học trò có khác Cũng như ta uống nác chè bằng bát Các chú dùng ca nhựa đó thôi! Chiếc chõng tre tràn ngập tiếng cười Nhưng từ đó không ai còn nhầm nữa.

Tác giả viếng bạn
Nhớ một hôm quét lá tre nhóm lửa Đã quá trưa mà cơm vẫn chưa sôi Đói lả đi, tôi nằm vật bên nồi Anh đút rau vào mồm thì tỉnh lại. Càng khó khăn càng sẻ chia, thân ái Động viên nhau công tác, học hành Đèn dầu khuya luôn sáng góc nhà tranh Bóng đọc sách chập chờn bên bếp lửa Ôn luyện thi dưới cột đèn ngoài phố Nhờ ánh điện đêm, thoả sức học bài. Luôn nhắc nhau gian khổ chớ lùi Cố gắng học đáp đền ơn cha mẹ! Phan Đình Phùng, học sinh nhiều thế hệ Làm vẻ vang truyền thống của trường... Những tin vui dồn dập ở tiền phương Bình Giã, Núi Thành,...quân ta thắng lớn. Mỹ tăng cường ném bom Khu Bốn Xung quanh trường chi chít hố phòng không. Có nhiều đêm cùng bộ đội thức ròng Đào công sự, kéo pháo vào trận địa. Ngày Hai Sáu tháng Ba năm Ất Tỵ (1965) Cầu Phủ - Rú Nài giòn giã lập chiến công Năm giặc trời hóa đuốc lửa trên không Khi đến giội bom dàn Ra đa giả. Dân Hà Tĩnh hởi lòng hởi dạ Xứng quê hương Xô Viết anh hùng. Sau mít tinh mừng chiến công chung Thầy cùng trò lên đường đi sơ tán Rời Thị Xã về Thạch Xuân dựng lán Lớp học ẩn mình dưới bóng tre xanh. Anh và tôi ở nhà bác Cu Thanh Tuy đông con, nghèo nhưng tốt bụng Có cá, tôm bắt được từ ngoài ruộng Mớ khoai lang, rau muống bác đem cho. Thứ Bảy nào cũng mong học hết giờ Tranh thủ thời gian về nhà lấy gạo. Nhớ một lần lụt to, gió bão Nước ngập làng, ngập lán, ngập đồng Nhà trường cho nghỉ học, tránh phòng Hai đứa vẫn lao về Thạch Tiến. Cây cầu khỉ lung lay rung chuyển Nước dưới sông cuồn cuộn bất thường. Anh cầm que đi trước dò đường Bỗng tụt chân rơi tòm xuống nước Nhờ áo tơi mới trôi mấy thước Bám cành cây lội được lên bờ. Thoát nạn rồi nhưng vẫn thấy lo Sợ gia đình nặng lời trách mắng Nhưng mọi chuyện "sóng yên biển lặng" Trời hết mưa hai đứa lại tới trường. Thạch Xuân gần Thạch Điền, Thạch Hương Đoàn Thanh niên mở phong trào trồng sắn Khi thu hoạch, so công lao chẳng đáng Nhưng rất vui vì được "điểm thi đua". Rồi một ngày bom Mỹ giội bất ngờ Cháy mấy nhà dân, vài người thiệt mạng Bất chấp hiểm nguy, thầy trò không nản Vẫn ngày ngày giải toán, bình thơ. Mùa Thu đi, lại đến mùa Thu Kỳ tốt nghiệp lớp Mười đã đến Cả hai đều "Học sinh Tiên tiến" Cổng trường đại học đẹp như mơ...
Giấy báo tuyển sinh, rẽ đôi bờ Tôi ra nước ngoài, anh vào sư phạm. Ngày chia tay chuyện trò tới sáng Bịn rịn hoài chẳng muốn xa nhau Trong chiến tranh ai biết được đâu Nhưng vững tin ở mình ở bạn. Trải những ngày Đại học Vinh sơ tán Sau bốn năm anh tốt nghiệp loại ưu Được Nhà trường giữ lại dạy Ngữ văn Chúng mình gặp nhau, năm Bảy Mươi về phép Sau nghỉ hè tôi đi học tiếp Anh lại về với giáo án, giảng đường.
Vì Miền Nam – hai tiếng thân thương Xếp bút nghiên lên đường, cầm vũ khí Nhận thư anh từ chiến trường Quảng Trị Với tấm hình ngồi trên xe tăng. Ở chiến trường vẫn nối nghiệp văn Vũ khí-khẩu AK và cây viết Đời người lính đạn bom khốc liệt Anh đã từng vượt "Dốc Răng Cưa” (4) Đánh Thượng Đức tháng Tám, Bảy Tư (8.1974) (Có Nhật ký - thơ anh còn lưu giữ) (5). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Chiếm Long Thành, Cát Lái, Biên Hoà Trưa Ba Mươi Tháng Tư rợp bóng cờ, hoa Có mặt anh trong Dinh Độc Lập. Sang Phnôm Pênh diệt quân Pôn Pốt Trong đội hình Binh đoàn Hương Giang. Khi hoàn thành sứ mệnh vẻ vang Về đóng quân ở Cố đô mỹ lệ Chiều tối vui bên đàn con trẻ Giúp vợ hiền, bù đắp tháng năm xa. Nghệ Tĩnh tách chia, anh về Tỉnh đội nhà Là Đại tá - Nhà thơ - Nhà báo. Chúng mình lại như đôi chim sáo Thường cùng nhau trao đổi chuyện trò...
Những năm hưu, anh vẫn còn lo Mẹ ở Việt Xuyên, vợ con trong Huế "Một chốn đôi nơi" tính sao cho xuể? Ba trăm cây phóng xe máy đi, về... Rồi anh lâm bệnh nặng, ra đi Nghe tin dữ lòng tôi tê tái Thôi, mai đây chẳng còn gặp lại Người bạn thân từ thuở ấu thời Nghẹn lòng kêu hai tiếng "Bính ơi!" Trời nước Nga tuyết rơi như nhỏ lệ Nhưng ở quá xa (6) tôi không thể Tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Buổi trưa nay, tháng Sáu nắng như nung Đồi cây Phú Bài, gió Lào thổi rạc Nấm mồ anh phủ đầy sỏi cát Như ở quê đất khát, xã Việt Xuyên. Chén rượu nồng, hoa quả, thuốc... bày lên Xin thắp nén nhang viếng Người đã khuất Cầu cho anh linh hồn siêu thoát Lòng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa...
Trong nhớ thương viết mấy vần thơ Về Bạn tôi, Một Con Người Xứ Nghệ.
Huế - Hà Tĩnh, tháng 6 năm 2012
ĐHT
(1)- Đại tá, Nhà thơ Nguyễn Trọng Bính, nguyên giảng viên khoa Văn Đại học Vinh, sinh ngày 27.10.1947 tại xã Việt Xuyên (có thời gọi Thạch Minh), Thạch Hà, Hà Tĩnh; mất ngày 01.4.2010 (17.2 Al); đã in 9 tập thơ, 4 sách bút ký văn học và từng là phóng viên chiến trường, cán bộ tuyên huấn trong quân đội.
(2)- Cua đồng (tiếng Nghệ Tĩnh)
(3)- Đều là nồi đất nung, rất khó phân biệt nhưng ấm bù hình quả bù (quả bầu) có cổ dài hơn nên thường dùng để nấu và om nước chè xanh.
(4)- Ở Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế (trong bài thơ "Dốc Răng Cưa", 27.10.1972 của Nguyễn Trọng Bính).
(5)- Bài thơ Thượng Đức (7.8.1974) trong Trường ca "Nhật ký dòng sông" của Nguyễn Trọng Bính, Tập thơ chọn "Tôi ơi!" (NXB Hội Nhà văn, 2008).
(6)- Khi nghe tin anh Bính mất tôi đang công tác ở ĐSQ VN tại Mát-xcơ-va.
|