Vuông Chiếu (VC): Trong cơ duyên nào bà đã đến với người bạn đời của mình? Và trong chiều dài thăng trầm của cuộc sống, bà có thể giới thiệu một kỷ niệm buồn, vui?
Nguyễn Thị Kim Anh:
Hồi đó đất trời còn mới lắm
Lòng thênh thênh sông núi rộng muôn trùng
Nên “cô bé” ở trong trường Sư phạm
Cũng phải lòng người trên núi Chư Giung.
Anh xuống núi đi về miền châu thổ
Rất một mình từ lúc có thêm em
Anh nhớ trong này, em chờ ngoài nớ
Tình chúng mình phải dán rất nhiều tem.
Chưa có dịp đưa em về thăm làng Bình Thạnh
Mà biển quê anh đã pha lẫn nước sông Hàn
Anh lận đận suốt miền phù sa
Sông chia chín nhánh
Nhánh sông nào cũng chảy tới Hòa Vang.
Chút tinh nghịch đã làm nên tình sử
Từ hai phương trăm suối đợi mưa nguồn
Dẫu cuộc chiến nặng lòng cô giáo nhỏ
Nhưng tình mình khẳng hứa Ngũ Hành Sơn
Em tình tứ rủ anh về Cẩm Lệ
Thuốc lá Gò Mô khói quyện râu rồng
Trời xứ Quảng cũng chìu lòng thi sĩ
Chảy ân tình bát ngát một vàm sông.
Phới phới lòng ta xanh cây bén rễ
Thương đôi chim quyên ăn trái nhãn lồng
Đó là phần đầu bài thơ “Hạnh Phúc Chúng Mình” của nhà tôi, anh Thiếu Khanh, trong đó anh vừa cho biết tôi quê ở Cẩm Lệ, thuộc Quận Hòa Vang (Quảng Nam – Đà Nẵng) nơi ngày xưa có thuốc lá Gò Mô nổi tiếng, anh là người (làng) Bình Thạnh, (Quận – nay là Huyện – Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận); và vừa “tiết lộ” cơ duyên đã khiến chúng tôi đến với nhau: do một “chút tinh nghịch” học trò.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh
Đầu năm 1967, tôi đang học năm thứ hai tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Hồi đó tất cả giáo sinh sư phạm đều ở nội trú. Phòng tôi có 12 giáo sinh người Quảng Nam ở chung. Tôi trong số đó. Một hôm, không nhớ là do sáng kiến của ai, 12 đứa chúng tôi chọn thêm một bạn nữa người Huế cho được con số 13, cùng quyết định đăng báo “tìm bạn bốn phương”. Chỉ là đùa giỡn nghịch ngợm kiểu học trò thôi. Cho nên thay vì nêu tên mình trong mục tìm bạn, chúng tôi bốc thăm chọn mỗi người một con số đại diện. Tất nhiên từ số 1 đến số 13 cho 13 người. Tôi bốc trúng số 11. Mẩu “tìm bạn” này được gởi đăng trên một tờ tuần báo ở Sài Gòn.
Lúc bấy giờ anh Thiếu Khanh là lính. Đơn vị anh đang thụ huấn bổ túc chiến thuật tại Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ, Ninh Hòa. Một hôm từ trên núi Chư Giung ở Dục Mỹ, anh nhận được tờ báo biếu có đăng thơ của anh, và có cả mục “Tìm Bạn Bốn Phương” trong đó có đăng mẫu tin tìm bạn của “13 đứa con gái trường Sư Phạm Qui Nhơn”. Sau này anh cho biết trước đó anh không bao giờ đọc mục này trên báo, nhưng ở trên núi không có gì đọc cho nên anh đọc hết tờ báo không chừa mục nào. Thấy “các cô tú” ở Trường SP tìm bạn có vẻ thú vị, anh chọn một người để viết thư. Và anh chọn số 11. Anh “luận” rằng số 11 là hai lần số 1. Một “cô bé” tự cho mình là “hai lần số 1” hẳn phải là “ghê” lắm đây. Thật ra thì… oan. Người mang số 11 là đứa nhỏ nhất và có lẽ non dại nhất (chưa có người yêu) trong số “13 đứa con gái trường Sư Phạm Qui Nhơn” này. Chẳng qua số mệnh nhét con số duyên nợ ấy vào tay mình thôi. Và “Chút tinh nghịch đã làm nên tình sử” là vậy. Tự nó đã là một kỷ niệm vui nhất trong đời rồi.
VC: Nhiều người thường quan niệm rằng: các ông bà tác giả, dù sinh hoạt ở bộ môn nghệ thuật nào, cũng thường có tính lơ là đối với những công việc gia đình. Theo bà, nhận xét này đúng được bao nhiêu phần trăm? Và riêng ông nhà thì sao?
Nguyễn Thị Kim Anh: Nhà tôi là nhà thơ vừa là dịch giả. Cái dịch giả có lẽ… “thật” hơn là nhà thơ, cho nên chuyện này tôi cho là không đúng hoặc có lẽ chỉ đúng phần nào thôi. Vì công việc của dịch giả là… dịch thật, cho nên tuy do một hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều việc tôi không làm được nhưng khi anh làm việc thì tôi không dám “nhờ” ảnh giúp gì hết. Dù vậy lúc nào anh cũng rất nhiệt tình giúp tôi khi tôi cần đến anh. Thật ra thì ngoài công việc dịch thuật, khi rỗi rảnh ảnh có thể làm rất nhiều việc trong gia đình, kể cả anh có thể lắp đặt toàn bộ hệ thống điện, nước trong nhà. Ngoài ra, vào một giờ nhất định trong ngày tôi phải “kéo” ảnh ra khỏi cái máy tính cho ảnh đi bộ. Đó là cách vận động duy nhất có lẽ phù hợp với ảnh.
VC: Ngoài những môn sở trường, xin cho biết ông nhà còn thích hoạt động giải trí thêm với những bộ môn nào khác?
Nguyễn Thị Kim Anh: Nhà tôi cho công việc của mình là một thú vui, cho nên ảnh… giải trí bằng công việc. (Hôm nào điện cúp, không làm việc được – bằng máy tính – anh ấy bứt rứt khó chịu lắm.). Làm việc, anh ấy nói, cũng là một cách thể dục cho trí óc ở cái tuổi “thiên hạ thiếu gì” này. Khi không có việc làm thì anh ấy đọc sách hay làm những việc lặt vặt gì đó trong nhà, kể cả chăm sóc mười chậu hoa hồng để hàng ngày có hoa nở. Nhưng điều anh thích nhất là chơi với các cháu nội ngoại. Gia đình các con của chúng tôi đều ở riêng cách xa nhau trong thành phố, thường thì hàng tuần chúng đều đưa con về thăm ông bà. Anh ấy vui lắm. Chúng tôi giữ lại một đứa cháu ngoại (vừa được ba tuổi) để chăm sóc và nghe nó nói líu lo, như một niềm vui có sẵn bên mình. Thỉnh thoảng anh ấy viết một bài luận văn gì đó gởi đăng trên một vài trang web. Anh ấy nói là cho vui với bạn bè. Dường như chúng tôi chẳng có thú vui nào khác.
VC: Xin cho biết một ít thói quen của ông nhà trong lúc sáng tác?
Nguyễn Thị Kim Anh: Với công việc dịch thuật, dường như nhà tôi không có thói quen nào đặc biệt. Thói quen trong lúc sáng tác, có chăng, là khi anh ấy làm thơ. Nhưng… dường như tôi chưa thấy anh “làm thơ” bao giờ, nếu hiểu làm thơ là một công việc cụ thể, biểu hiện ra hoạt động bên ngoài như khi anh ngồi vào bàn dịch sách. Thật ra, anh ấy có thói quen làm thơ… trước khi ngủ. Anh không bao giờ ghi nháp bài thơ ra giấy và chuốt lời sửa ý cho hoàn chỉnh, mà chỉ nhẩm trong đầu, nhất là trước khi ngủ. Anh ấy nói, trước khi thiếp vào giấc ngủ anh ấy suy nghĩ rất nhiều về đề tài cho đến khi ngủ quên. Phần còn lại… để cho tiềm thức lo. Tôi nói cái dịch giả của anh ấy “thật” hơn cái nhà thơ là vì vậy. Vài năm gần đây anh ấy giành nhiều thì giờ hơn cho công việc dịch thuật, và… chơi với cháu; gần như không có bài thơ mới nào, (tuy là đêm đêm vẫn… ngủ!)

Vợ chồng nhà thơ Thiếu Khanh
VC: Bà đã từng có những đóng góp vào công việc sáng tác của ông nhà?
Nguyễn Thị Kim Anh: Có. Nhiều lắm chớ. Tuy là hầu hết thời gian trong ngày anh ấy ở trong phòng làm việc trên lầu, còn tôi lục đục ở nhà dưới với đứa cháu ngoại. Nhưng sự có mặt của tôi trong nhà, tức là luôn bên cạnh anh, anh nói, là cần và đủ cho anh làm việc.
VC: Bà có những nhận xét tổng quát nào về toàn bộ tác phẩm của ông nhà đã được giới thiệu rộng rãi trong quần chúng?
Nguyễn Thị Kim Anh: Tôi thuộc gần hết thơ của anh ấy, cả những bài thơ chưa hề đăng ở đâu, mà không phải nỗ lực gì cả. Có thể coi đó cũng là một cách thay cho nhận xét tổng quát chớ? Khi đến với nhau, anh ấy là người làm thơ mà. Dịch giả chỉ là mới sau này.
VC: Xuyên qua việc phát hành, phổ biến các tác phẩm nghệ thuật của ông nhà, bà có những nhận định gì về tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay tại hải ngoại?
Nguyễn Thị Kim Anh: Trong bài viết “Một bài thơ bị lãng quên” đăng trên tờ nguyệt san Tân Văn ở Mỹ trong năm nay (2011) tôi không nhớ khoảng tháng nào, và được vài website đăng lại, tác giả Trần Trung Thuần viết về nhà thơ Thiếu Khanh:
“Đây là một nhà thơ…hỏi nhiều người “biết không?” đều nghe đáp “không!”. Quả thật vậy…vì Thiếu Khanh “tự mai một” mình kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975, Thiếu Khanh chuyển qua sống âm thầm, dịch sách chữ Anh sang chữ Việt và sách chữ Việt sang chữ Anh. Hơn ba mươi năm nay, Thiếu Khanh làm công việc phiên dịch / chuyển ngữ, Thiếu Khanh lấy lại họ tên cúng cơm của mình: Nguyễn Huỳnh Điệp. Thiếu Khanh có làm thơ. Theo tôi, thơ Thiếu Khanh thuộc “nhóm” thơ Hay. Nhưng thơ Thiếu Khanh không phổ biến nên những ai quan tâm đến văn học không cần phải tìm tòi làm chi cho…mệt.”
Thực ra thì sau biến cố tháng Tư 1975, chúng tôi còn tiếp tục dạy học một năm nữa. Năm 1976, chúng tôi tự ý bỏ dạy học để lên rừng núi Phương Lâm (tỉnh Đồng Nai) làm rẫy, canh tác một vườn cây ăn trái. Và có một thời gian sau năm 1990 anh ấy trở lại dạy học tại thị xã Bảo Lộc – nhưng chỉ thuê trường mở lớp dạy tiếng Anh cho người lớn thôi, trong khi tôi buôn bán thêm. Chỉ đến năm 2000, khi các con chúng tôi, đứa đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, đứa còn học đại học ở thành phố, mỗi đứa ở trọ một nơi, chúng tôi mới chuyển về Sài Gòn để “gom các con về một mối”. Anh Thiếu Khanh chỉ bắt đầu công việc dịch thuật và trở thành một dịch giả chuyên nghiệp từ đó. Chỉ mới hơn mười năm nay thôi – chớ không phải từ sau ngày 30 tháng Tư 1975 như tác giả Trần Trung Thuần đã viết. Thời gian làm nông dân của nhà tôi dài gấp đôi thời gian anh ấy làm công việc dịch thuật, và chiếm hết khoảng đời tuổi trẻ của anh ấy.
Còn việc “hỏi nhiều người “biết không?” đều nghe đáp “không!” thì… có lẽ không sai. Nhà tôi vốn rất thờ ơ trong việc phổ biến tác phẩm của mình, đến nỗi nếu tôi không thúc giục lắm, có lẽ chỉ có các bạn thân của anh biết Thiếu Khanh làm thơ thôi. Ngay cả lúc này, khi anh có thêm một số các bằng hữu mới điều hành các diễn đàn rất nghiêm túc và uy tín như nhà thơ Luân Hoán (Vuông Chiếu), nhà thơ Bắc Phong (Sáng Tạo), anh Từ Vũ (Newvietart), anh Lại Như Bằng (Chim Việt Cành Nam), nhà thơ Trần Yên Hòa, (Bạn Văn Nghệ), nhà thơ Chinh Nguyên (Văn Thơ Lạc Việt) vân vân và nhiều nữa, đã từng đăng tác phẩm thơ văn của Thiếu Khanh, nhưng nếu các anh ấy không nhắc thì dễ chừng cả năm anh Thiếu Khanh cũng không nghĩ tới chuyện gởi bài! Mới đây, anh Châu Hồng Thủy của của website Người Bạn Đường của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, báo cho biết đã tìm được và đăng lại nhiều kỳ toàn bộ tập thơ Trong Cơn Thao Thức của anh và nhắc anh gởi thêm bài, thế mà ông chồng nhà thơ dịch giả của tôi vẫn đang ì ạch, không sốt sắng gì cả.
Ngoài ra còn có một chuyện này. Cách đây mấy năm, anh cho tôi biết, nhà văn Trần Hoài Thư đề nghị để Thư Ấn Quán của anh ấy tái bản tập thơ Trong Cơn Thao Thức của Thiếu Khanh (Da Vàng xuất bản tại Đà Nẵng năm 1971), và đã nhờ người làm bìa mới cho tập thơ (bìa lần in trước đã mất). Nhưng khi biết nhà văn Trần Hoài Thư tự bỏ tiền túi và công sức ra in thơ cho mình để mình… tặng bằng hữu, trong khi anh ấy đang làm một công việc rất có ý nghĩa và cần thiết là phục hồi và bảo tồn nền văn học Miền Nam, thì anh Thiếu Khanh thấy không yên tâm. Anh từ chối nhã ý của anh Trần Hoài Thư vì nghĩ nếu anh Trần Hoài Thư dành tiền bạc và công sức đó in giúp tác phẩm của một bằng hữu khác kẹt lại trong nước, không có điều kiện in tác phẩm của mình thì có lợi hơn; vì dù sao, Trong Cơn Thao Thức đã được in một lần rồi. Chắc là chuyện này ít nhiều có làm mất lòng nhà văn Trần Hoài Thư. Anh Thiếu Khanh luôn tự nhận mình vụng về trong giao tiếp, không nhanh nhẹn bằng tôi, nhưng lại không muốn để tôi … làm thư ký cho anh. Ngay cả trong công việc giao dịch dịch thuật cũng vậy.
Đầu năm ngoái, 2010, mặc dù không là hội viên Hội Nhà Văn VN, anh Thiếu Khanh được Hội Nhà Văn VN mời tham dự một hội nghị Quốc tế về giới thiệu văn học VN ra nước ngoài tại Hà Nội trong một tuần lễ, với tư cách dịch giả khách mời. Vậy là cái dịch giả lại… thật hơn một nhà thơ thật rồi.
VC: Cá nhân bà đã và đang sinh hoạt trong lãnh vực nào? Những sinh hoạt đó có gây trở ngại hoặc hỗ tương trong việc sáng tác của ông nhà?
Nguyễn Thị Kim Anh: Như đã nói ở trên, bản thân tôi được đào tạo để làm một nhà giáo, và đã dạy học gần mười năm, từ 1967 đến 1976. Từ năm 1976, sau khi bỏ dạy học, tôi cũng làm đủ thứ công việc để hỗ trợ nhà tôi nuôi các con khôn lớn.
SV,VC: Nếu có thể được, xin bà vắn tắt cho đôi dòng tiểu sử của ông, những tác phẩm của ông ấy, và đôi dòng về cá nhân bà, đại khái quê quán, hoài bão...
Nguyễn Thị Kim Anh: Nhà tôi, nhà thơ dịch giả Thiếu Khanh, tên thật là Nguyễn Huỳnh Điệp, tuổi Nhâm Ngọ (1942), quê quán làng Bình Thạnh, Quận (nay là Huyện) Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Ngoài tập thơ Khơi Dòng in chung với các nhà thơ Thu Lâm và Nguyên Thi Sinh ở Canada năm 1968, Thiếu Khanh-nhà thơ có in được một tập thơ khác: Trong Cơn Thao Thức, (Ông Hoàng Khanh, chủ nhà xuất bản Da Vàng, Đà Nẵng, rất vui khi biết sau bốn mươi năm tập thơ vẫn còn… sống!).
Thiếu Khanh-dịch giả đã có khoảng hai chục tựa sách dịch, tiếng Việt và tiếng Anh, xuất bản trong nước, trong đó có một số tập thơ của các nhà thơ trong nước (nhà thơ Vi Khuê ở nước ngoài), và có một quyển Từ Điển Cụm Từ Việt Anh.
Bản thân tôi, tên họ quê quán, thì đã được nói ở phần đầu rồi. Tôi là cựu học sinh Trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng (vào Đệ Thất 1959), Sư Phạm Qui Nhơn khóa IV. Chúng tôi có bốn con, hai trai hai gái, đều tên Phương cả: Nguyễn Hoàng Đông Phương, Nam Phương, Yến Phương, và Vĩnh Phương. Đủ… bốn phương. Các con chúng tôi được học hành tới nơi tới chốn; ngoài thằng út, ba đứa lớn đã có gia thất. Chúng tôi có hai cháu nội, ba cháu ngoại – nay mai có thêm cháu ngoại thứ tư. Tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Nếu có mơ ước nào nữa ở tầm hoài bão, thì đó là về đất nước mà thôi.
Nguyễn Thị Kim Anh