Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ tư,
29.03.2023 04:29 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1669105
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Nhật ký Kadan (Phần 11 - Kết) - Phạm Thuận Thành
[01.11.2010 01:03]
Xem hình
Nhà văn Phạm Thuận Thành
Nhà văn Phạm Thuận Thành nguyên là sĩ quan quân đội, cán bộ giảng dạy môn chính trị ở trường sĩ quan lục quân 1, đã từng đi lao động xuất khẩu tại thành phố Kazan từ năm 1988 đến 1990. Trong thời gian lao động tại đây, anh đã ghi nhật ký, đánh dấu mốc một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mình, cũng như những suy nghĩ của anh về thời cuộc. NBĐ xin trân trọng giới thiệu cùng đọc giả

>>>Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành

Nhật ký Kadan (Phần 11 - Kết)

Ngày 8/7/1990

Đi chơi Kadan tôi được đọc nhiều áp phích tờ rơi của đảng dân chủ Nga mới biết đảng này do ông Enxin lãnh đạo và đang hoạt động mạnh. Ông Enxin từng là Uỷ viên Bộ chính trị đảng cộng sản Liên Xô, Bí thư thành uỷ Mát. Trước khi sang đây tôi đã được biết Enxin bị khai trừ đảng vì tội mê rượu, vi phạm lệnh cấm uống rượu của nhà nước Liên Xô. Cán bộ trường lục quân hồi đó bình luận xôn xao về trường hợp này và coi ông Chốp là thánh sống, kể cả khi ông ấy làm luôn cả chức tổng thống, điều chưa từng xảy ra từ khi lập quốc đến lúc ấy. Sang bên này đọc báo Nga lại thấy dè bỉu Enxin mê rượu mọt rượu thế nào khi sang thăm nước Mĩ. Kẻ nghiện rượu nặng thế mà lập được đảng riêng, điều cũng chưa từng có trong lịch sử chế độ cộng sản ở bất cứ đâu. Một khi có đảng mới, dân chúng có nơi bày tỏ nỗi niềm mà đảng cũ không bày tỏ được thì khác nào nước dồn về chỗ trũng. Đảng cầm quyền còn quyền trên danh nghĩa, chứ thực tế dân chúng đi mất rồi.

Đảng dân chủ Nga ra đời là sản phẩm của cuộc đấu tranh giữa các trường phái chính trị muốn đưa đất nước đi lên bằng những con đường mới, không gốt hoá từ năm nảo năm nào nữa. Nó cũng là sản phẩm của sự phẫn nộ dân chúng đối với chính thể Xôviết đã bao năm nay bóp nghẹt nhân quyền, dân chủ.

Chúng ta đều biết, trong đại hội 27 đảng cộng sản Liên Xô, vấn đề dân chủ mới được chú ý và ông Chốp nhấn mạnh: mở rộng dân chủ. Nghĩa là trước đây dân chủ bị bó hẹp. Thế thì ngay trong nội bộ người Nga cũng có mâu thuẫn nghiêm trọng.

Ngày 20/7

Bỗng chúng tôi phát hiện ra một vấn đề không thể nói là không nghiêm trọng: Kadan đang lâm vào tình trạng cạn kiệt thuốc lá. Tôi biết điều này quá muộn do tôi không hút thuốc.

Đầu tiên tôi nhận ra là từ anh Xuân, Không thấy anh hút mấy loại thuốc tây rẻ tiền, khét lèn lẹt nhãn hiệu Axtra, Xirxa mà chuyển qua hút loại cao cấp của cộng mà tôi vẫn bán. Cứ tưởng anh ăn nên làm ra và cũng bắt đầu xài sang. Dù sao hút thuốc cao cấp cũng tiện hơn vì thuốc có sẵn ngay tại phòng ở rồi.

Đi đường cứ thấy tây chìa tay xin thuốc tôi liên tục. Chẳng lẽ bọn tây hết cả tiền mua thuốc hay sao. Tôi trả lời:

 - Xin lỗi, tôi không hút. Sao không vào cửa hàng mua?

- Nhet tu. Nhi stô nhẹt. (Không có thuốc bán. Không có gì bán cả).

Họ lại nhún vai, rụt đầu vẻ chán ngán. Chán vì chết thèm chết nhạt khói thuốc và chán luôn cả cái chế độ không lo nổi thuốc hút cho dân này.

Về ốp tôi nói chuyện không hiểu sao lắm người tây xin thuốc thế. Mọi người cười ồ lên:

Kadan hết thuốc hàng tháng nay rồi.

Hỏi tây thì được nghe rằng nhà máy thuốc lá Kadan đóng cửa vì công nhân nghỉ phép hết (!)

Ở các nơi đông người bọn tây đầu đen đứng bán thuốc lá dấm dúi nhan nhản. Giá cắt cổ mà tây vẫn mua.

Hôm chủ nhật vừa rồi dân Kadan đã biểu tình vì nạn thiếu thuốc. Tất cả các loại tàu điện, xe buýt không hoạt động.

Bạn tôi ở Xibia viết thư đến cũng bảo ở đó đang bị thiếu thuốc, xin tôi gửi tới đó một ít cấp cứu.

Cộng ta tự hào hiện nay chỉ người Việt là còn thuốc hút. Riêng tôi vớ bở vì luôn có thuốc dự trữ để bán lẻ tại ốp. Giá thuốc lên hàng ngày. Bao thuốc Gollin từ 1,5 rúp lên 2 rúp, đến chiều đã 2,5 rúp, rồi 3 rúp, 5 rúp và 10 rúp. Tình trạng có tiền không mua nổi thuốc xảy ra cục bộ ở vài nơi.

Liên Xô rối loạn vì thiếu khói thuốc bay lên.

 Nghe nói:

Mấy nước sản xuất thuốc nguyên liệu ở Trung Á không nhập cho Nga để phản đối chính sách bao vây kinh tế đối với Litva.

Cũng nghe nói:

Liên Xô không nhập thuốc từ tất cả các nước để tiết kiệm ngoại tệ, để định hướng tiêu dùng cho nhân dân và để hưởng ứng phong trào không hút thuốc do Liên hợp quốc phát động nhằm giữ gìn sức khoẻ toàn dân.

Ngày 15/8

Tình trạng thiếu thuốc lá vẫn kéo dài.

Tôi được Mi thông báo không còn vé về Việt Nam trong năm nay. Vậy là đường về của tôi bị tắc.

Tôi nhớ ngay tới anh lính thú trong bài Người mơ lên thiên đình tôi viết hồi mới sang đây. Tôi giống anh lính ấy ở chỗ chưa được đi thì mong đi, chưa được ở thì mong ở, ở rồi thì mất đường về. Anh lính còn đợi được đến cuối năm chờ Táo quân, còn tôi có ông Táo nào giúp đâu? Vậy tôi phải chờ đến bao giờ mới có đường về.

Số người làm đơn về và bỏ việc để về tăng lên vùn vụt. Hầu hết số người ở đội vô chính phủ đã bỏ. Số đông ở đội lưu vong cũng vậy. Số người chán ghét Liên Xô và hết hi vọng kiếm ăn xin về nhiều là lí do hết vé chăng. Đội 4 của tôi có 21/49 người coi như bỏ việc hẳn để đòi về. Trong số này có cả vị đội trưởng già nua, bệnh tật và đáng kính của chúng tôi. Và vì phía tây không lo được vé nên số người này nghiễm nhiên trở thành một dạng bộ đội địa phương, toàn hạng lính trơn, trơn đến mức thiếu cả tiền ăn chờ ngày về.

Ngày 22/8/1990

Tôi gặp em Dung ở ốp Phuxich vừa đi Mát về. Em kể việc xảy ra ở sân bay quốc tế mà chính em chứng kiến khi đưa người yêu về phép Việt nam. Cảnh tượng rất khủng khiếp. Vẻ khiếp đảm còn hiện rõ trong đôi mắt ngơ ngác, trong bộ mặt thẫn thờ run rẩy của em. Em nhắc đi nhắc lại rằng:

- Ối giời ơi, may mà em đã về đến đây. Có mà mời em đi phép em cũng vái. Cảnh sát gì mà cứ như hùm như sói ấy anh ạ. Gặp ai là người Việt là giương dùi cui nện tới tấp vào đầu vào mặt người ta.

Tôi không tin hỏi lại:

- Mình là người nước ngoài đời nào họ đối xử thế? Mới lại mình đi có đủ giấy tờ sao họ lại đánh?

- Biết đâu đấy. Anh lên đấy mà hỏi. Trước ống kính quay phim họ còn chẳng sợ nữa kia. Mình là cái thá gì, có mà là người nước giời họ cũng chả tha đâu.
  
Ngày 2/9/1990

Hôm nay là ngày quốc khánh của ta. Thế mà KĐCK quên không tổ chức kỉ niệm, quên cả phép lịch sự của tình hữu nghị và quên luôn việc trao tặng phần thưởng cho những người xuất sắc.

Anh em chúng tôi tự tổ chức kỉ niệm lấy. Nhân tiện ngày mai là ngày rằm tháng 7, ngày xá tội vong nhân, chúng tôi làm bữa tiệc nhỏ. Có rượu tự nấu, bất chấp lệnh cấm nấu rượu nghiêm khắc ở đây. Ngồi quây quần trong căn phòng lắp ghép rộng hơn cái chuồng cọp nhưng thường mất nước này chúng tôi ngắm nhau, thấy ai cũng gầy hơn, khắc khổ hơn mà cám cảnh.

- Nào chúc mừng ngày Quốc khánh. Nếu không có ngày này năm ấy thì chúng ta làm gì có ngày hôm nay.

- Nước có Quốc khánh, còn chúng ta chưa có độc lập tự do, nào chúc mừng ngày độc lập tự do của chúng ta đang đến gần.

Rượu tự nấu mà mạnh hơn cả Vôtca hun đúc lòng yêu tổ quốc của chúng tôi. Tất cả rưng rưng nước mắt nghĩ về quê hương. Rồi đây chúng tôi phải làm gì để quê hương giàu mạnh lên, để mãi mãi chấm dứt kiếp đời nô lệ của chúng tôi, của con cháu chúng tôi.

Ôi Việt Nam, người mẹ nghèo nhưng đầy kiêu hãnh.

Những đứa con rơi của mẹ tuy sống lầm than ở xứ người nhưng luôn hướng về mẹ với tấm lòng trìu mến và luôn ngẩng cao đầu tự hào vì có mẹ, mẹ Việt Nam ơi.

Tái bút

Đến cuối tháng 10/1990 tôi mới được về. Tôi đã chứng kiến cảnh ghê sợ ở sân bay Mát, đúng như em Dung đã kể. Cảnh sát Nga cứ gặp người Việt là đánh không biết vì lí do gì. Rồi bị đuổi ra khỏi nhà chờ. Ra ngoài là chịu sự tra tấn của cái lạnh phương bắc. Có một ông già sang thăm con về bị rét run lên vì không chuẩn bị áo rét. Lại thêm cái khổ vì cuộc chiến Irac, đường bay bị cấm mấy ngày. Khối người không mang phòng tiền rúp phải nhịn đói. Chỉ khi lên máy bay rồi mới tin là mình sống sót, mình thoát chết.

Về nước tôi thu xếp lên đơn vị cũ ngay để liên hệ công tác tiếp. Được gội nước lạnh, lạnh hơn cả nước tuyết tan: Đã chuyển quân số về bộ. Mời đến 51 Cửa Đông làm việc. Tôi đến thăm nhà chị Băng, quà đi tây cho chị chỉ là cái khăn voan mỏng, cho cháu chỉ là mấy cái bóng bay. Không biết chị nghĩ gì về món quà của bạn đi tây ấy. Anh Nguyễn Anh Nông có nhận được thư tôi gửi về, có biết hoàn cảnh sống mòn của chúng tôi và có viết tặng bài thơ Tha hương in trong tập thơ Bàn tay lá cỏ của anh. Có vẻ chị Băng thông cảm khi nói Anh về được là mừng rồi. Cứ như là nhà cách mạng tháng chạp trở về từ Xibia vậy. Chị lấy tặng tôi tập thơ của chồng. Xin rút bài thơ tặng tôi chép ra đây.

Tha hương

Thân tặng Thành

Một bước ngỡ tới đâu
Ngàn vạn bước chưa tới mình
Ta như kẻ tập đi với đôi chân bé bỏng

Đường đời dài rộng
Đường tình chông chênh
(Phận mình lênh đênh)

Thăm thẳm trời mây
Hun hút gió
Đăm đắm bàn tay lá cỏ

II

Niềm cực lạc vinh quang đâu tá
Bao ngựa xe gục ngã ven đường
Ta - một kẻ tha hương

Kẻ tha hương lầm lỗi
Giá áo cơm đổi nửa cuộc đời
Nay, trở về - bái vọng quê hương

Ôi, buồn nhất
Người ta ngoảnh mặt
Đời tha hương ngay ở trái tim mình.

Đến 51 Cửa Đông tôi được trung tá Thắng trao ngay quyết định phục viên tính từ ngày 1/1/1991 với số tiền được lĩnh 640.000 đồng. Lúc đi bảo được tính thời gian liên tục, xong nhiệm vụ lại về đơn vị cũ công tác, nay Bộ ấn cho quyết định phục viên với số tiền rất ít kia mà thấp cổ bé họng không kêu thấu trời được.

Thì về vườn. Đi thồ gạch mướn, ngày công cao hơn đi tây, yên tâm lắm. Bạn thồ tưởng dở hơi, làm gì có chuyện đi thồ gạch công cao hơn đi tây. Họ không thể hiểu nổi.

Viết nhật kí không ai nghĩ sẽ trở thành nhà văn mà chỉ ghi lại những sự việc liên quan tới mình và suy tư cá nhân về những sự việc ấy. Nhưng tôi muốn được công bố để bạn thồ hiểu công thồ gạch mướn thực sự cao hơn công đi tây. Lúc này ông Chốp và Liên Xô đang là vùng cấm, vậy mà tôi có những nhận định khác thường về vùng cấm, trong đó có cả nhận định Liên Xô nhất định tan vỡ thì ai dám cho in cuốn nhật kí này.

Mười năm sau, nhiều nhận định của tôi đã chính xác, nhưng vấn đề Liên Xô vẫn còn nhạy cảm, nhật kí chưa in được. Tôi chuyển qua viết cuốn tiểu thuyết Nước mắt của tuyết trắng dựa vào vốn đi tây của mình, nhưng khi đem nộp bản thảo, có biên tập viên vẫn còn khuyên tôi nên gửi cho nước nào sắp đánh Việt Nam thì người ta sẽ in cho. Tôi lại quay sang viết truyện ngắn, được  mấy cái truyện, trong đó truyện Chuyện tình xứ tuyết được in ở Văn nghệ quân đội. Năm 2004 nhà xuất bản Hội nhà văn đã cho in cuốn tiểu thuyết Nước mắt của tuyết trắng, và được hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng đánh giá tốt trong bài viết Sách như là cuộc đời. Bài viết được in ở nhiều báo, sau được in trong cuốn Nghệ thuật ngày thường của ông.

Bây giờ đã là sau 20 năm và đang có hội chứng nhật kí, với những cuốn nổi lang làng nước như Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, Nhật kí Nguyễn Văn Thạc và người viết đã được gọi là nhà văn. Không biết cuốn nhật kí của tôi đã đến lúc in ra được chưa hay vẫn còn ở vùng nhạy cảm. Nhưng tôi luôn tin nhất định cuốn Nhật kí Kadan sẽ in được. Sự thực trần trụi luôn là món khó xài. Nói thật thì trật lỗ tai, sự thật mất lòng mà. Nhân đây tôi cũng giới thiệu mấy cái truyện của tôi để bạn đọc hiểu thêm cuộc sống người lao động xuất khẩu được hình tượng hoá bằng văn học, gồm các truyện: Chuyện tình xứ tuyết; Giấy đổi màu; Tấm vải dù phòng không.

LTS: Nhật ký Kadan của Phạm Thuận Thành kết thúc tại đây. Các truyện ngắn mà anh định giới thiệu với độc giả, chúng tôi sẽ đăng trong các số tới

(Theo Bản tác giả gửi NBĐ)
Tin liên quan:
Phạm Thuận Thành: Miếu con đĩ (17.02.2014 03:12)
ĐÊM CUỐI Ở CÔN SƠN - Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành (11.01.2013 16:40)
Tập thơ Thiên Thai - Phần 1 - của Phạm Thuận Thành (30.10.2012 01:58)
Giãi với trời xanh - truyện ngắn Phạm Thuận Thành (30.10.2012 00:53)
Đũa tre - Phạm Thuận Thành (24.01.2011 04:23)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
Hoa Pion
 
 
 
Thư viện hình