Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ ba,
30.05.2023 13:46 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Năm 2023
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 31        
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1694267
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Nhật kí Kadan (Phần 9) - Phạm Thuận Thành
[17.09.2010 22:45]
Xem hình
Nhà văn Phạm Thuận Thành nguyên là sĩ quan quân đội, cán bộ giảng dạy môn chính trị ở trường sĩ quan lục quân 1, đã từng đi lao động xuất khẩu tại thành phố Kazan từ năm 1988 đến 1990. Trong thời gian lao động tại đây, anh đã ghi nhật ký, đánh dấu mốc một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mình, cũng như những suy nghĩ của anh về thời cuộc. NBĐ xin trân trọng giới thiệu cùng đọc giả

>>> Nhật kí Kadan (Phần 8) - Phạm Thuận Thành


Nhật kí Kadan (Phần 9

Ngày 2/2

Ngày tết tôi chưa sang thăm ốp Quê Hương, hôm nay mới sang chơi được. Ở bên này tôi được nghe mọi người hết lời ca ngợi một người tận lòng thủ tiết với chồng con ở quê nhà. Đó là TD. Đây chính là một bông sen rực rỡ và đầy kiêu hãnh.

TD năm nay 26 tuổi, cái tuổi đầy sức sống hừng hực nhất của thời con gái. Nàng tầm thước, cân đối. Đôi mắt đa tình, đắm đuối. Ngắm nàng từ xa, từ gần đều thấy hấp dẫn, gợi cảm. Có thể ngắm mòn con mắt không chán. Nàng nói có duyên, hóm hỉnh, miệng như đoá hoa tươi. Nước da trắng hồng. Nàng là mẫu người phù hợp với bất kì chàng trai nào. Ấy vậy mà nàng chẳng đa tình, chẳng lẳng lơ mới tệ chứ.

Chính ở ốp Quê hương này có những người như em H khao khát điên cuồng đến mức chấp cả thế gian. Chính ở ốp này có chị T nói thẳng với tôi về chuyện bồ bịch một cách khẳng khái: Tôi không bao giờ, tôi không như người ta. Vậy mà ngay sau mấy ngày chị đã có anh chồng đêm nào cũng là đêm tân hôn. Thì ra những lời nói to kia chẳng qua chỉ để át đi nỗi trống trải trong lòng khi chưa có đến với chị để chị được như người ta.

Tôi là một Khuất Nguyên hiện đại nên thường có những nỗi nhớ khủng khiếp do đó tôi rất hiểu nỗi lòng của TD và càng khâm phục nàng. Chính sự thù tiết của nàng giúp tôi lấy lại được niềm tin vào con người.

Nàng cứ âm thầm, nhẫn nại chịu đựng nỗi nhớ dày vò. Có khi như mộng du, đôi chân cứ tự đi đến nơi có tiếng đàn ông. Nàng hoảng sợ chính bản thân mình, luôn cảnh giác với chính bản thân mình. Nghĩ đến thời hạn chịu đựng nỗi nhớ những 4 năm mà muốn bạc tóc. Mỗi ngày trong 4 năm này như ngày trên thiên đường dài bằng một năm ở quê nhà. Cũng có lúc nàng muốn nhắm mắt đưa chân như người ta, vừa được thoả mãn tuổi xuân sung mãn, vừa có người đỡ đần công kia việc nọ. Nhất là ở môi trường tôn trọng tự do cá nhân ở mức tuyệt đối này. Nhưng nàng bị người ta ca ngợi, bị tôn lên như một biểu tượng của lòng trinh tiết mất rồi. Nàng lại âm thầm chịu đựng nỗi nhớ dày vò vậy. Nỗi nhớ tích tụ trong nàng thành khối thuốc nổ bom tấn đủ phá tan mọi thứ giáo lí đạo đức trên đời. Nàng tự ví mình với quả pháo giải nhất ở hội thi pháo quê nàng. Khối kẻ săn đón luôn tự nguyện quỳ dưới chân nàng nhưng nàng cho đội mũ phớt hết. Nàng chỉ yếu đuối lúc đêm về thôi. Nghe tiếng làm tình tra tấn nàng thấy như muốn tan ra. Như người ta thì thời gian 4 năm lại quá ngắn, chỉ như giấc mơ thoáng qua mà thôi.

Ôi, thật là kinh khủng.

Ta chịu đựng nỗi nhớ này liệu có được gì không? Tiếng gái đi tây liệu chồng con ở nhà có hiểu cho không? Liệu sau này về nước rồi ta có bị oan như người ta hay không?

Ôi, thật là tan nát.

Tôi thấy nàng lúc nào cũng có việc trên tay. Lắm lúc công việc rất vô nghĩa. Nàng cứ quét đi quét lại một góc nhà, nơi có bàn chân một người đàn ông đứng nhìn đăm đắm nàng lúc trước. Quét mãi mà bàn chân vẫn còn đó không mờ không hết. Rồi nàng xê đi dịch lại mãi những món đồ ở góc khác. Những món đồ này còn in mãi vết tay người đàn ông khuân chuyển giúp từ dưới nhà lên lúc nãy. Ngày nào nàng cũng lao đi các cửa hàng chỉ để tiêu tán vợi sức lực đi đồng thời xem có mua được thứ gì đó có thể gửi về sau này chăng. Không lúc nào nàng cảm thấy mệt thấy mỏi. Nàng sợ thời gian buổi tối dài không biết làm gì, sợ cả khi phải nằm xuống chiếc giường lò so trải ga trắng muốt. Êm ái quá, ấm cúng quá mà sao trằn trọc quá. Ban đêm nàng còn bị tra tấn thực sự vì những tiếng động rất đặc trưng của những cặp vợ chồng đêm nào cũng là đêm tân hôn cuồng nhiệt. Tiếng giường, tiếng thân người cọ sát, tiếng thở hổn hển, tiếng rên dù cố kìm nén vẫn phả ra đầy sự mê hoặc của sự thoả mãn cực khoái. Nàng bịt chặt tai nhưng vẫn nghe thấy rõ như chính mình đang làm vậy. Vô thức nàng cũng từ từ nâng bổng người lên theo tiếng rên của giường bên, tấm ri đô quá mỏng không che nổi ngăn nổi tiếng rên cứ vọng sang. Ban ngày thì nàng sợ ngày chủ nhật, cái ngày quỷ quái không cửa hàng nào chịu mở cửa cho nàng tiêu bớt sức lực. Nàng ra bán chợ giời, cố tình về thật muộn, nhưng phần ngày nghỉ vẫn dài lê thê. Và từng cặp, từng cặp khoác tay nhau đi dạo cứ lướt qua tâm khảm nàng dù nàng chỉ hơi đánh mắt nhìn lúc đi đường. Nàng đi như chạy trốn về phòng. Lại quét dọn, lại sắp đặt. Và giành lấy việc nấu nướng cho cả phòng. Nàng mong có một đứa nhỏ để bế bồng chăm bẵm cho vợi nỗi nhớ đi nhưng ông nhà nước không cho phép. Để bây giờ lúc nào nàng cũng cảm thấy thừa ra trong nhịp sống mọi người.

Nàng tự biết không thể ở Kadan trọn 4 năm theo hợp đồng được. Nàng cố chịu ít ngày nữa chờ đóng hàng gửi về nhà xong là nàng làm đơn xin về trước thời hạn. Tuy nhiên từ nay đến lúc đó còn nhiều đêm đông bắc cực với nàng.

Tôi thực lòng mong nàng thủ tiết trọn vẹn đến ngày đoàn tụ với chồng con. Ngày ấy tôi nhất định làm riêng một cái huân chương thủ tiết để chồng nàng tặng cho nàng.

Thật là bái phục nghị lực nơi nàng chứ không phục gì 2 thùng hàng nàng gửi về một lần. Hai thùng hàng ấy chỉ là hệ quả cuộc chiến với nỗi nhớ một cách tuyệt vọng của nàng mà thôi. Hai thùng hàng ấy cũng như số thóc xay qua đêm của các bà thủ tiết thời xưa.

Bây giờ nói tên nàng ra đã được chưa hay là còn quá sớm hả các bạn? Có lẽ tốt nhất là ta cứ chờ đã cho chắc. Các cụ chẳng đã nói khôn ba năm dại một giờ là gì. Trong khi chờ đợi sự thủ tiết toàn thắng chúng ta cùng làm tấm huân chương danh dự dành riêng cho nàng, bông sen duy nhất của chúng ta cho đến lúc này.

Ngày 9/2

Tuyết vẫn mênh mông, vẫn làm bá chủ xứ này. Đêm đêm tuyết rơi phủ lớp này chồng lớp khác lên mọi vật. Nhưng đã giảm đi những cơn bão tuyết khốc liệt và nếu có bão tuyết thì cũng đã giảm đi tính khốc liệt của nó. Trời lại có nắng nên nhiệt độ chung đã ấm lên, đạt 15 độ âm, chứ không cóng lạnh 30 độ âm như mấy ngày trước. Trời này có thể đi làm ăn được rồi. Tôi quyết định ra nhà ga đáp tàu hoả đi Mengiêlinxcơ. Nơi đây tôi đã đặt được mối quan hệ làm ăn khá chắc chắn hồi nghỉ phép cuối năm ngoái.

Ngày 11/2

Kỉ niệm về chuyến đi làm ăn đầu năm mới ngày hôm qua ru êm giấc ngủ ngày chủ nhật của tôi. Khi dậy tôi ghi vào sổ nghe thấy kỉ niệm này, nhan đề: Ấn tượng hai chiều.

Tôi nhớ mãi lần đi Mengiêlinxcơ.

Xếp hàng mãi mới đến lượt thì người bán vé tàu từ chối bán cho tôi. Tôi hỏi tại sao thì được nghe trả lời: Tại vì không bán cho, thế thôi.

Tôi đành cứ ra tàu tìm cách mua vé chui, quả nhiên chui lọt thật. Luật pháp là cái mạng nhện chỉ bắt được ruồi muỗi chuồn chuồn, còn tôi đang là địa chủ Kadan thì cái mạng nhện kia là cái đinh gỉ gì.

Lên tàu yên chỗ, thấy trời còn sớm tôi giở quyển thơ Tukai ra đọc và chọn bài dịch ra tiếng Việt. Tukai sinh năm 1886, mất năm 1913, thọ 27 tuổi, là nhà thơ lớn nhất của dân tộc Tacta, được ví như Puskin của dân tộc Nga hay Nguyễn Du của ta. Tất nhiên giá trị thơ văn và tầm vĩ đại của Tukai không thể sánh với hai thi hào kia được.

Toa tàu đông khách dần. Quanh tôi là các thiếu niên mặt mũi sáng sủa, hiếu động, nom có vẻ là một đoàn học sinh đi có tổ chức. Tôi chủ động bắt chuyện làm quen với mấy em ở gần. Rồi nhiều em quây lại nói chuyện. Các em thật đáng mến, xứng là những chủ nhân tương lai của dân tộc Tacta thân thiện. Các em đúng là học sinh thật. Các em là học sinh trung học, thuộc huyện Tukai, bây giờ đang là kì nghỉ đông, được nhà trường tổ chức về tham quan thủ đô 3 ngày và đang trên đường về nhà. Đây là lần đầu các em được về thủ đô. Các em rất vui. Được biết tôi đang dịch thơ Tukai, các em liền đề nghị tôi đọc thơ Tukai bằng tiếng Việt cho nghe. Tôi nói các em không hiểu được thì đọc có ích gì, nhưng có lẽ quá yêu Tukai và quá mến tôi nên các em cứ đề nghị khẩn khoản. Tôi chiều ý các em, chọn đọc bài Tiếng quê, bài thơ hay nhất của Tukai người Tacta nào cũng thuộc. Các em vỗ tay phấn khởi. Tôi đọc say sưa như đọc cho các thiên thần nghe và tin rằng các em cũng hiểu được lời Việt vậy. Khi chọn dịch bài này tôi quyết định dịch theo thể lục bát vì coi Tukai như thi hào dân tộc mình.

Tiếng quê

Tiếng quê tiếng của mẹ cha
Dạy ta khôn lớn dạy ta nên người
Mẹ ru ta lúc nằm nôi
Cha dạy ta bước vào đời ra sao
Tiếng quê ta nói lời đầu:
- Xin trời ban phúc cho nào chúng sinh.

Tiếng quê theo suốt đời mình
Cùng bao vui sướng ân tình, - Tiếng quê.

Vừa dứt lời cả toa tàu run lên tiếng vỗ tay. Tôi thật cảm động. Mặc dù đi tàu dịch chơi thôi, nhưng theo tôi, bản dịch này đã bám sát và lột tả được cái hay nguyên bản và do đó là bản dịch thành công. Cũng may tôi cũng vừa dịch xong để có cái đọc cho các em nghe. Chừng như các em còn muốn nghe nữa nhưng xung quanh mọi người đã đi ngủ nên tôi chỉ đọc thêm một bài thơ Việt để các em so sánh nhịp điệu thơ. Tôi cũng chọn thơ lục bát, bài của Nguyễn Bính:

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn núi cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy anh đừng thương em.

Tôi dịch nghĩa bài thơ này ra tiếng Nga để các em hiểu nội dung và cái hay cái tài của bài thơ này. Sau đó các em từ biệt và chúc tôi ngủ ngon.

Tôi nằm và nghĩ mãi về Tukai và lớp con cháu của người. Ai được học hành thì lịch sự, lễ độ như các em học sinh đây. Ai không được học thì khác nào du côn cả lũ. Mà cũng thương cho các em, sống cách thủ đô có trên 200 km mà lớn thế kia mới được về thăm. Đồng thời với những ấn tượng đẹp về các em học sinh huyện Tukai, tôi cứ nhức nhối mãi cái kỉ niệm để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi về lũ du côn vô học kia.

Lần ấy tôi và Tuấn, Hiền bị đám choai choai bám theo. Chúng nhạo báng, cướp giật đồ, chửi bới và thỉnh thoảng xông vào đấm đá trộm suốt quãng đường từ bến xe trung tâm tới bến xe khách của thành phố Nab Trennư. Dân chúng chứng kiến cũng không ai tỏ thái độ can ngăn hoặc mắng mỏ chúng. Vừa làm nhục cả bằng lời cả bằng hành động vừa lục soát người và túi xách của chúng tôi. Kể ra tôi và Tuấn thừa sức đập chết bọn này, nhưng sợ làm hỏng tình hữu nghị Xô Việt, sợ tiệt đường làm ăn lâu dài nên tôi nháy Tuấn và Hiền cố nhẫn nhịn. Bản lĩnh sĩ quan hoàng gia giúp tôi có thái độ bình tĩnh như vậy. Lúc lên xe khách về Kadan, có một ông khách to béo, ăn mặc lịch sự, dáng vẻ là cán bộ lãnh đạo hỏi tôi:

 - Bực mình lắm hả?

Tôi đáp:

 - Không. Chúng còn trẻ. Lỗi tại các ông giáo dục con cháu không tốt mà lại không can ngăn khi chúng làm điều sai trái, bất lịch sự hỗn láo ngay trước mũi các ông. Hôm nay chúng bắn súng lục vào chúng tôi, ngày mai chúng bắn đại bác vào chế độ xã hội của các ông đó.

Một năm ở Ka dan. Ảnh tác giả tự chụp

Ngày 17/2

Ngày này 11 năm trước quân đội Trung Quốc tấn công biên giới nước ta. Ngày ấy tôi là trung đội trưởng thông tin tiểu đoàn 134 huyện Tiên Yên - Quảng Ninh. Sau một đêm nghe súng pháo nổ rền phía biên giới, ngày hôm sau tiều đoàn tôi lập tức hành quân lên đường ra phía có tiếng súng pháo đó, hướng Bình Liêu. Cả tiểu đoàn hành quân một hàng dọc kéo dài lê thê. Khi qua đập tràn Đồng Và, tôi ngoái đầu nhìn lại thấy cảnh quân đi thật khí thế, cứ như tranh sách truyện Tam Quốc vậy. Nhưng mang vác nặng, đi chưa được nửa đường, chưa qua dốc Bò Đái tôi đã rã rượi cả người. Anh em khác cũng chẳng hơn gì. Chỉ mấy thủ trưởng tiểu đoàn là đi như không. Các vị làm chỉ huy có khác, tuổi thì cao mà vẫn rắn rỏi kiên cường thế. Cuộc chiến chống Mĩ đã tôi họ thành thép rồi. Đại uý Xuyền, tiểu đoàn trưởng, tay trái bị thương khòng khòng, dáng thư sinh trắng trẻo mà đi như không biết mệt mỏi là gì. Còn hôm nay đây tôi vẫn trong biên chế quân đội nhưng làm nhiệm vụ đặc biệt, đó là lao động trừ nợ tiếp viện kháng chiến cho Liên Xô, mà khi trước quân ta tưởng cho không, dùng không tiết kiệm dè sẻn, tếu lên còn bảo nhau “Cô chú cứ phá”. Chính ngày hôm nay mấy anh em từng tham gia đánh Tàu suýt lại phải chiến đấu vì danh dự dân tộc trên công trường. Nói suýt vì khi chúng tôi quyết định tấn công thì thằng tây bỏ quyền ông chủ nợ chạy tháo thân mất. Chuyện thế này:

Tôi, Y, Dũng, Trung (quê Thanh Hoá, trung uý cục vũ khí đạn) bị cử đi bốc một bãi to tướng những khung cửa lắp sẵn lên xe Kamaz. Những việc nặng nhọc kiểu này bọn tây đều đùn chúng tôi đi, mặc dù tây khoẻ hơn chúng tôi nhiều. Bốc xong thì đã gần đến giờ nghỉ làm. Đáng lẽ đi rửa ráy để nghỉ thì tây lại bắt chúng tôi theo xe bốc xuống. Quá mệt mà vẫn phải đi. Hạ hết xe khung cửa đã quá giờ nghỉ vậy mà tây lại bắt chúng tôi khênh đi khá xa và xếp gọn gàng. Để làm cho nhanh, chúng tôi lao khung cửa xuống đất ngổn ngang rồi khênh đi sau. Đang làm hăng thì có một thằng tây chừng 30 tuổi ở đâu xuất hiện đến hạch sách quát nạt chúng tôi ầm ĩ. Thằng tây này lạ hoắc, chẳng biết cấp bậc gì ở KĐCK nên chúng tôi cứ đội mũ phớt. Hắn túm lấy Trung giằng giật. Trung quát lại bằng thứ tiếng Nga giả cầy:

 - Mày là ai? Cút đi để chúng tao làm.

Hắn chừng như hiểu bị đuổi liền vung ra một mớ khui, bờlẹt, pidờđa. Dũng hỏi vẻ từ tốn:

 - Mày có quyền gì mà chửi chúng tao?
 Hắn vênh mặt lên:
 
 - Tao là người Nga, tao có quyền chửi chúng mày, đồ làm trả nợ.

Dũng hét lên:

- A, nó bảo nó là người Nga thì nó có quyền chửi. Đánh bỏ mẹ thằng Nga lợn này đi xem nó có quyền chửi nữa không.

Mỗi người vớ lấy một thanh gỗ quây lấy hắn. Hắn không có dũng khí của Lã Bố để chiến với tứ anh mà vội vàng lủi mất. Hắn chạy trên tuyết nhanh hơn chúng tôi nên chúng tôi chưa kịp dạy cho cái thằng là người Nga thì có quyền chửi người Việt ấy một bài học.

Ngày 1/3

Bắt đầu từ tháng này ở Kadan bán rượu và vang theo tem phiếu. Những ai tuổi từ 21 trở lên mỗi tháng được mua một chai rượu trắng và hai chai vang. Chúng tôi đều mừng, vì có bán theo tem phiếu thì cộng ta mới mua được thứ chất cay thần tiên này. Trước đây bán tự do năm thì mười hoạ mới có và chúng tôi không thể chen với tây để mua thứ hàng này được. Vào ngó các cửa hàng thực phẩm quả nhiên thấy bày la liệt các loại rượu và vang trông thật hấp dẫn.

Vậy là ở Kadan đến nay hệ thống tem phiếu gồm các mặt hàng sau: thịt, đường, xà phòng, bơ, và bây giờ là rượu.

Đến công trường công nhân Nga nói đùa với chúng tôi:

- Bây giờ chỉ còn con gái là mua không phải tem phiếu.

Tôi đùa lại:

- Tem phiếu là phát minh vĩ đại nhất của ông Gorbachop trong sự nghiệp perextroica có phải không?

Tất cả cười ồ tán thưởng những câu nói tường là đùa mà không đùa ấy.

Buổi chiều đi làm về niềm vui say sưa của chúng tôi sớm chết cứng vì thông báo do đích thân ốp trưởng Mi nói ra: Phiếu rượu không cấp cho công nhân lao động Việt Nam.

Thì ra chúng tôi là hạng người không được quyền uống rượu. Vậy mà đến tận bây giờ nhờ đi tây, nhờ tây khai hoá văn minh chúng tôi mới biết được điều sơ đẳng ấy. Thế mới biết tư tưởng lệ thuộc Pháp bị di truyền mấy thế hệ chưa hết, đó là cái tư tưởng say sưa do Pháp đặt ra bắt dân ta phải uống rượu mà Bác Hồ đã phải bóc trần trong Bản án chế độ thực dân Pháp.

Thật cám ơn các ông Nga đã triệt để gột rửa sạch bong cái tư tưởng nô lệ chất men say sưa kia cho chúng tôi, nói theo thuật ngữ Nga là: Dân An nam không được quyền uống rượu.

Nếu có khách khứa, nếu có lễ lạt hội hè gì thì cứ ra toalet, nhớ vặn khoá nước màu xanh, đừng vặn khoá nước màu đỏ, tha hồ mà ních chặt bụng này bụng khác, vừa sạch vừa mát vừa vệ sinh vừa văn minh không hại gì đến tinh lực cả.

Ngày 3/3

Tôi lại vi vu trên xe lên đường làm ăn. Bây giờ tôi đã dài vốn nên vừa kí côm vừa đánh hàng tây. Và tích cực chuẩn bị cho việc đóng hàng sắp tới. Hiệu quả cuối cùng là gửi hàng về. Làm ăn cỡ nào không cần biết, thước đo là số hàng ở nhà nhận được có giá bao nhiêu. Đa số chúng tôi chỉ ước có được hai cây là đời lên tiên rồi, là đổi đời mấy chục mạng người thân rồi. Biết vậy nên tôi dự định liên tục gửi hàng 10 kg qua đường bưu điện. Mỗi lần gửi được một cái quạt đế nhựa, một cái bàn là, một nồi áp suất và hơn chục mét vải lót bọc hàng, tương đương hơn 3 tạ thóc giúp nhà. Các em gái đồng hương sốt sắng may túi và đi gửi giúp. Nhưng người tính không bằng tây tính. Mới gửi gói hàng thứ hai thì có lệnh cấm không cho người lao động gửi hàng bằng đường này. Ở cái chế độ quản lí nhà nước, quản lí con người rất duy ý chí này mọi sự đều có thể xảy ra chỉ cần bằng một quyết định. Tôi chuyển qua gửi quai nón bằng thư. Mỗi thư tôi gửi một cái quai nón. Vợ bán mỗi cái được 2.000 đồng, đủ tiền mua thức ăn vào loại sang cho con một ngày. Vậy là tôi lăn vào chiến dịch gửi thư. Ngày nào cũng gửi dăm thư. Đó là tôi gửi cả tiền tem cho vợ gửi thư sang tâm sự nữa. Chiến viết thư sang có lần chỉ nửa tháng đã nhận được, bảo anh Bích bưu tá xã ngày nào cũng phải mang nửa túi thư cho nhà tôi, sao có anh chồng lắm tình cảm thế. Chiến dịch gửi thư này phần nào giúp giảm áp lực khó khăn cho vợ con ở quê.

Dạo trước tôi đã kể sơ bộ các cách thức làm ăn của cộng ta, nay xin kể kĩ hơn một chút về từng cách thức làm ăn một để người ở quê dễ hình dung cuộc sống của chúng tôi ra sao.

*   *   *

Như đã nói, ở đất này dẫu là hòn đất cũng biết buôn bán.

Trước hết buôn bán để tự cứu mình. Sau đó mới có hi vọng cứu nhà. Ai ngắn vốn thì đi bán chợ giời. Bán chợ giời quay vòng vốn nhanh. Người ta mang các loại hàng cộng (đồng hồ điện tử, son, phấn, bút chải mi, chì kẻ mắt, lịch tàu, áo phông...) đi các chợ, các bến xe, các nơi tập trung đông người, cứ cầm tay mà bán. Gặp nơi chưa có hàng cộng kí côm thì rất trúng, mỗi ngày lãi vài trăm rúp. Nếu có cửa hàng côm hoặc có nhiều cộng bán tất nhiên lãi suất giảm nhưng thu vẫn còn khá chán. Ngay từ cuối xuân cộng ta đã đi chợ nườm nượp. Mùa chợ kéo dài tới cuối thu khi trời đã lạnh không thể đứng ngoài trời lâu được. Cộng ta rất sáng tạo trong cách bán. Bán trao tay ngay tại nơi làm. Bán trong khi đi truy hàng tây trong các cửa hàng. Bán trên tàu trên xe. Cứ có người mua là bán. Bán một thỏi son gió cũng đủ ăn một ngày. Điều thuận lợi là hàng cộng bán tây không có lại rất chuộng. Nhiều người vốn lớn rồi vẫn tranh thủ đi bán. Nàng TD bông sen của chúng ta đi bán chợ giời rất giỏi vì nàng sợ ngày nghỉ ở nhà phải chứng kiến cảnh âu yếm thái quá của những cặp vợ chồng hợp tác. Nhưng đi chợ giời cũng có sự nguy hiểm riêng của nó. Bởi ở Liên Xô không cho phép bán chợ đen. Kinh tế tư nhân vô kế hoạch làm thoái hoá chủ nghĩa xã hội nên công an truy quét người bán chợ giời rất quyết liệt. Ai bị bắt coi như gặp hạn, bị tịch thu hàng, tiền trong người và bị phạt nặng nữa. Mối nguy hiểm thứ hai và đáng sợ hơn là nạn côn đồ. Cộng ta sức yếu thường bị bọn côn đồ quây lại cướp giật, trấn lột. Đứng đông thì không bán được nhiều hàng, đứng lẻ bán thì hay bị trấn lột cướp giật. Có cộng bị đánh hộc máu còn may, không ít cộng bị đánh đến chết. Thấy dễ ăn, nhiều kẻ vốn không phải là côn đồ cũng dễ dàng trở thành côn đồ. Như ngày 11/2 tôi đã kể lại cảnh tôi, Tuấn, Hiền bị bọn du côn hành hạ ở Nab Trenư. Nạn côn đồ mới chính là nỗi sợ của người đi chợ giời nói riêng và tất cả cộng ta nói chung.

Để đối phó, cộng ta đi chợ thành hội, có người chuyên canh chừng bảo vệ và giữ hàng một chỗ. Người đứng bán chỉ cầm tay một ít hàng. Bán cho ai phải cầm tiền trước mới giao hàng, thực hiện đúng tiền trao cháo múc.

Tiến lên mức cao hội bán hàng chi cho công an từng buổi chợ, coi như chợ phí để công an không bắt hàng và giữ an toàn khỏi nanh vuốt bọn côn đồ.

Bán chợ giời là hình thức kiếm ăn nhanh và tương đối chắc chắn. Ở Kadan cộng ốp Phuxich thường kéo nhau đi chợ giời hàng đoàn. Các chợ và nơi đông người ở Kadan, ở Nab. Trennư, ở Đônxcơ xanh... đều gặp chị em ta bán hàng.

*   *   *

Kí côm là cách thức kiếm ăn chắc chắn nhất, lâu bền nhất. Không ít người thành địa chủ bằng cách này. Tất cả các loại hàng cộng đều có thể kí côm được, từ thứ rất đắt như viđêô Nhật đến thứ rất rẻ như con công nhựa, chì kẻ mắt.

Theo thiết kế gốt, tất cả các thành phố, thị trấn đều có cửa hàng côm. Kí côm là hình thức bán hàng hợp pháp qua tay hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa bậc cao sát sàn sạt chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Ưu điểm rõ rệt nhất là không tốn thời gian, không lo bị bắt bị cướp giật, không phải đứng bán chồn chân ngoài mưa nắng. Nếu là hàng mới lạ hoặc thị trường mới, nếu vào dịp lễ lạt của địa phương và của thế giới thì hàng côm rất chạy, lãi cũng rất lớn. Thật là chỉ ngồi mà hưởng lợi.

Cách thức kí côm thông thường là:

- Giao hàng cho bộ phận nhận hàng.


- Từ đây hàng được đưa ra quầy bày bán.

- Bán được hàng thì đến bộ phận kế toán làm giấy tờ.

 - Cuối cùng mang biên lai đến thủ quỹ nhận tiền.

Rồi lại dùng tiền đó cất hàng đi kí, thứ nào chạy thì lấy nhiều hơn. Nguồn hàng cộng tương đối ổn vì ở các ốp có những người chuyên đi chạy hàng từ nơi khác về.

Người kí côm phải nộp lãi suất theo tổng số tiền bán ra, đó là quy định của bộ nội thương Liên Xô, có nơi lấy 7%, có nơi lấy 10%. Hàng gì bán không chạy thì theo một thời hạn quy định cửa hàng tự hạ giá theo một tỷ lệ quy định của nhà nước. Nhưng cộng ta khôn ranh thường rút ra trước thời điểm hạ giá để mang đi kí nơi khác, hoặc sau đó một thời gian kí gửi lại.

Vì cửa hàng côm thì cố định, cách kiếm ăn lại chắc chắn lâu dài nên cộng ta lao vào kí côm rất đông. Sinh ra cạnh tranh nhau. Và bị nhân viên cửa hàng côm bóp mạnh. Qua tất cả các khâu cộng ta đều phải vi thiềng bằng quà hoặc bằng tiền. Nếu không sẽ bị làm khó dễ, bán được hàng mà lỗ và không thể làm ăn dài lâu được.

*   *   *

Nguồn hàng cộng tập trung chủ yếu ở Mát. Hàng từ Ba Lan đổ về. Hàng từ Việt Nam sang. Và từ đây chuyển về các thành phố khắp Liên Xô có cộng ở. Nơi chạy mặt hàng gì thì hàng đó lập tức chạy về. Ai có cơ sở ở Mát thì chuyên đánh hàng cộng. Hoặc người từ Mát trực tiếp mang hàng cộng đi các thành phố khác. Cách thức này cũng nhàn và chắc. Người ta thông tin bằng đường điện thoại công cộng, cuối tuần đi lấy hàng đã dặn. Do là trung tâm phân phối toàn liên bang nên dân Mát có điều kiện sống truỵ. Không em nào đến Mát mà không được các anh quan tâm, dù già hay trẻ, dù xinh đẹp hay không sạch nước cản lắm. Các em vừa không sợ bị mòn, vừa thoả mãn sự hãm, vừa lấy được hàng nên rất tích cực đi. Chả cần phải kết bồ kết bịch gì rách việc. Nếu khéo kết hợp được cả hàng lên thì càng tốt. Người đi chợ, người đi kí côm lấy hàng quen, giá cả tương đối gốt nên người chạy hàng cộng về đến nhà vừa bán vừa la vẫn đắt hàng. Cái khổ của họ là phải thức đêm, phải ngủ tàu, có khi phải nhảy tàu khó khăn. Nhưng đã là thợ thì rồi sẽ quen.

*   *   *

Nghề chạy đỏ (buôn vàng) lên nhanh nhất mà xuống cũng nhanh nhất. Xuống không nhiều nên đông người lao vào, nhất là cánh dài vốn. Giá đỏ cao cần người dài vốn. Nhàn. Vì đi thì mang tiền, về thì mang đỏ nhẹ nhàng. Có điều lúc nào cũng lo ngay ngáy vì số tài sản lớn trên người. Bị bắt, bị trấn là mất sạch. Chưa kể bị lừa mua phải hàng giả. Hiện nay tây làm vàng giả rất tinh vi, lại kết hợp với cửa hàng để lừa khiến nhiều người gặp khốn. Bị lừa cũng không thể kêu kiện nổi, vì chính mình đang phạm luật. Phải tự tinh thông và gan dạ vậy thôi. Thợ giỏi luôn móc sẵn với nhân viên bán hàng, cứ hàng về là lấy được. Nhân viên bán hàng nhờ có cộng mà lên cũng nhanh. Bởi ngoài số quà cáp quý giá như đài Nhật, quần áo bò, đồng hồ Citizen... cộng còn trả thêm vài giá so với gốt để vi thiềng.

Cộng đánh đỏ ở Kadan có mấy người đã bị mắc lừa rất đau. Có người mới vào nghề nhờ tây mua cho, nó mua vài lần, sau nó lủi mất. Có người bị phản báo công an thu trắng. Có người bị chính nhân viên lừa trao hàng giả cho.

Tuy nhiên, thua keo này bày keo khác, mặt trận đánh đỏ luôn sôi nổi và hấp dẫn mọi người.

*   *   *

Do tây rất chuộng quần áo bò, váy áo bò mà nguồn từ Việt Nam sang không đáp ứng nổi do đó từ lâu cộng ta có nghề may và đánh quần áo bò. Hiện nay nổi tiếng về nghề này là ở các thành phố Tôliatchi, Nôvôxibir và Barnaun. Cộng mua quần bò Ấn Độ hoặc quần bò Nga may sẵn, cỡ to, về dùng hoá chất đánh thành các loại bò loang, bò cào... rồi đem đi bán với giá cao gấp nhiều lần so với giá ban đầu. Nếu không có quần áo bò may sẵn thì lùng mua vải bò, vải xanh dầy may thành quần áo rồi đánh và thêu hoa bằng chỉ màu, bán cũng rất lãi. Người may, người đánh, người thêu, người chạy nguyên liệu, người bán hàng khá bận rộn. Cách kiếm ăn này chắc chắn, an toàn, lại vô cùng chân chính, hợp pháp.

Thật tự hào những bàn tay vàng và khối óc nhanh nhạy của dân Việt ta.

*   *   *

Những người làm các nghề trên sẽ ít có điều kiện mua hàng tây để gửi về. Do đấy có nhu cầu rất lớn về loại hàng này. Nghề đánh hàng tây có đất phát. Người nhiều vốn, ít vốn đều có thể đánh hàng tây được. Gặp may thì chỉ một hoặc vài ngày là nên người. Như tôi hồi tháng 11 năm ngoái đã mua được lô xe máy lập tức từ lính trơn lên thẳng cấp tá ngay. Nếu không gặp may người đi đánh hàng tây cần phải cơ động, đi được càng nhiều cửa hàng càng tốt. Do đặc điểm phải đi lại, phải bốc vác nặng nhọc, nghề này phù hợp với cánh đàn ông.

Có thể đi xe buýt tới một địa điểm nào đó tìm xem có hàng gì ưng ý thì mua, nếu không lại đi tiếp đến một địa điểm khác. Hoặc có thể thuê riêng tắc xi đi theo ý mình. Đi như thế gọi là đi toạ độ.

Người đánh hàng tây sành sỏi thường làm quen được với nhân viên cửa hàng, cửa hàng có kế hoạch trước do đó họ hẹn ngày nhập hàng để đến cất ngay sau khi nhập kho.

Do hàng tây chiến lược rất khan hiếm nên đi truy lùng thường bị lỗ tiền tàu xe. Chưa kể khi gặp hàng lại không mua nổi vì tây bắt đầu có ác cảm với cộng do cộng thường mua nhiều, mua hết ngay một lúc những loại hàng chiến lược. Trong những trường hợp này phải linh hoạt tặng quà, lót tiền hoặc nhờ dân Nga mua cho. Lãi ít hơn. Hàng chiến lược luôn được bổ sung nên cũng cần nắm được chắc thông tin từ bên nhà đưa sang.

Đi truy lùng ở các thành phố mới cộng có thuận lợi là kiến trúc gốt của dân Nga. Các thị trấn có mô hình xây dựng tương đối giống nhau, có các cơ quan, cửa hàng giống nhau.

Cửa hàng đồ điện, dụng cụ gia đình bán nhiều mặt hàng ta cần là: tủ lạnh, nồi áp suất, quạt điện, bàn là, xoong nhôm, bơm nước, xà phòng giặt...

Cửa hàng văn hoá thể thao có các loại hàng ta cần là: xe máy, xe đạp, pê đan, loa đài, đồng hồ...

Hiệu thuốc có các loại thuốc tây gồm sâm, nhung, Eritromicin...

Cửa hàng tổng hợp có cặp số, khăn voan, vở học sinh...

Cũng có thị trấn tách quầy đồ điện, một phần đồ thể thao thành cửa hàng kĩ thuật, hoặc tách phần loa đài và đồng hồ thành cửa hàng văn hoá phẩm.

Do phải cơ động nhiều, đi cả vào những vùng xa xôi hẻo lánh trong điều kiện nạn côn đồ đang mọc lên như nấm hiện nay phải nói là cực kì nguy hiểm. Mặt khác, ở Liên Xô không có hàng quán như ở nước ta nên cộng đi đánh hàng có khi phải nhịn đói. Lại có khi gặp may mua được hàng nhưng không cóp phương tiện chuyên chở đành phải bó tay mà tiếc đứt mắt.

Gần đây ở Kadan không bán nhiều loại mặt hàng chiến lược cho người Việt Nam, gồm: tủ lạnh, tủ đá, máy giặt, máy hút bụi, máy khâu, ti vi. Chỉ bán theo giấy đặt hàng của các cơ quan, xí nghiệp. Do vậy giá các loại hàng này trong cộng đồng người Việt có khi đội lên tới 5 lần giá gốc.

Cũng cần cảnh giác kẻo bị lừa. Vừa rồi có người ốp Min tham ăn to đưa những 14.000 rúp cho tây nhờ mua 18 chiếc tủ lạnh và 9 xe máy, sau bị mất dấu vết đành chết cay chết đắng mà kéo cày trả nợ. Tây làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, muốn mua đồ gì hơi có giá là phải mua dạng trả dần, trừ thẳng từ lương, thế mà đưa cho số tiền khổng lồ tây chưa bao giờ dám mơ tới kia hèn gì mà chẳng bị lặn mất tăm.

*   *   *

Ngoài ra có một số làm dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của anh em mình cũng cho thu nhập khá. Người thì bán thuốc lá, người thì mua bia về về bán lại, người lại chuyên thu mua vỏ chai bán lại cho cửa hàng thực phẩm, người chế miến và phồng tôm... Cộng xài sang, chỉ hút thuốc cao cấp như Galant, Gollin... do cộng ta chạy từ Ấn Độ tới. Tôi ít đi ngủ lang nên anh em đề nghị bán thuốc lá phục vụ cho tiện, tôi bằng lòng. Thêm được nguồn thu khá. Anh Xuân không vốn, cậy sức chuyên thu mua vỏ chai. Anh phải rửa lại cho sạch, rồi mỗi ngày một lần còng lưng cõng túi vỏ chai như núi trên lưng ra cửa hàng, cũng có đồng ra đồng vào. Tiền công một túi vỏ chai to như thế cũng chỉ bằng tiền lãi hai bao thuốc tôi bán thôi. Cộng ta hay uống bia, mà mang thì nặng nên có người chuyên đi mua về bán lại. Anh Phong có lẽ là người đầu tiên làm nghề này. Nhưng từ ngày có vợ lại phải nhờ tôi bán hộ. Tôi bán hộ thì không sợ hao hụt vì tôi không thiết chất cồn. Có hôm anh bị bí Đ kích động bỏ bia ra uống thi. Anh uống hết 25 chai nửa lít loại bia có độ cồn cao 16%. Thắng cuộc nhưng vẫn phải chi tiền bia vì anh chính là người bán bia, coi như đãi anh em cùng phòng. Buôn thế thì lấy đâu ra lãi.

 *   *   *

Tất nhiên còn nhiều cách làm ăn khác, tôi chỉ kể ra vài nghề chính của cộng ta trong sự nghiệp hợp tác vĩ đại Việt Xô. Nó cũng là nguồn gốc gây bất hoà giữa người Việt và người Nga. Nhưng cội nguồn của nó lại là do lương quá còi không đủ nuôi thân và càng không thể giúp gia đình.

(Còn nữa)

(Theo Bản tác giả gửi NBĐ)
Tin liên quan:
Phạm Thuận Thành: Miếu con đĩ (17.02.2014 03:12)
ĐÊM CUỐI Ở CÔN SƠN - Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành (11.01.2013 16:40)
Tập thơ Thiên Thai - Phần 1 - của Phạm Thuận Thành (30.10.2012 01:58)
Giãi với trời xanh - truyện ngắn Phạm Thuận Thành (30.10.2012 00:53)
Đũa tre - Phạm Thuận Thành (24.01.2011 04:23)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
Hoa Pion
 
 
 
Thư viện hình