>>> Nhật kí Kadan (Phần 7)
Phần 8
Ngày 16/1
Hôm qua tôi đã kể đôi điều về đại bản doanh. Hôm nay thiết nghĩ cũng nên kể vài nét về bộ óc của Đại bản doanh.
Mikhain Uxunop là phó giám đốc phụ trách đào tạo của KĐCK, là người có toàn quyền giải quyết mọi việc đối với các công dân Việt nam làm việc ở KĐCK. Đồng thời Mi còn là cấp trên của tất cả những người Liên Xô làm ở ốp Hoa Sen, tên chính thức của ốp chúng tôi, cộng lại gọi là ốp Min theo tên phố. Anh em ta gọi Mi đơn giản là ốp trưởng. Mi mới là người có thực quyền ở ốp này, là người đứng trên tất cả mọi tổ chức, mọi cá nhân của phía Việt Nam, kiểu chức danh toàn quyền của nước mẹ bên cạnh và bên trên chức vua thời Pháp ở nước ta.
Mi chưa đến 40 tuổi, khoẻ mạnh, tác phong dứt khoát, kiên quyết như một quân nhân chứ không phải là một cán bộ dân sự. Mi là nỗi sợ hãi của 250 người Việt Nam ở đây. Trong tay Mi luôn có cuốn sổ Nam Tào dán ảnh đủ 250 người Việt Nam. Có tin Mi thực ra là thiếu tá an ninh Xôviết, chức phó giám đốc chỉ là chức hờ che đậy công việc thật. Phía Liên Xô sợ anh em Việt Nam làm tình báo nên phải xuất Mi ra phụ trách ta. Tinh thần cảnh giác cách mạng của những người cộng sản quốc tế khiếp thế đấy.
Mi có vợ là Sura. Họ có con anh con em không có con chúng ta. Con anh đã 14 tuổi và đã có bồ. Con em còn nhỏ. Thế nhưng anh em ta tin rằng tất cả bọn gái tây làm ở ốp Hoa Sen đều phải qua tay Mi, và hàng ngày vẫn qua tay Mi nếu Mi thích. Mà quái quỉ, bọn gái tây làm ở đây toàn hạng không chồng cả mới buồn cười chứ. Tuổi thì đã sề, từ 26 đến 35 cả rồi. Nom không đến nỗi nào. Có khi chính bọn gái này ngứa nghề thèm Mi chứ đâu phải Mi thèm chúng. Gần đây Mi kết Irina, cô quản giáo thứ nhất, cũng người của ngành an ninh, kết thắm thiết khiến Sura phải ghen, phải khóc sưng mắt.
Mi làm việc tích cực, nghiêm túc, nhưng đến nay kiểm lại thì chẳng có đầu việc nào đáng giá vì tất cả 250 người cộng sản theo chủ nghĩa quốc tế anh em chúng tôi đều yên phận nô tày để hi vọng đổi đời, chẳng có ai có gan hoặc biết cách làm tình báo cho chủ nghĩa đế quốc.
A, cái tài và cũng là đầu việc đáng giá đáng kể của Mi là đã dựng lên được một vùng trưởng tuyệt đối trung thành như ông cò Hà Nam và một Đại bản doanh cũng rất rất trung thành như thế.
* * *
Sura là vợ của Mi và coi như phó cho Mi. Chức danh chính của Su là quản giáo trưởng của ốp Hoa Sen. Một tay Su giữ tất cả chìa khoá các phòng, các cờva và có quyền ra vào bất kì nơi nào Su muốn trong ốp. Su là người thông minh, hồi ban đầu giúp được nhiều việc cho Mi. Nay Su già đi trông thấy, tóc đã có sợi bạc. Vì Mi yêu người khác. Từ ngày đó Su mất đi vẻ đôn hậu, thay vào là bộ mặt ngơ ngác, gắt gỏng.
* * *
Dưới Su là các quản giáo, gồm Phargat, Rita, Ira và Nadia. Trong số đó Ira quan trọng nhất, trực tiếp cùng Mi quản lí về mặt an ninh quốc gia 250 cộng. Như đã nói, cả 3 nữ quản giáo đều không chồng. Rita và Nadia thường cặp kè với nhau đi lang thang các cờva, chừng xem có cộng nào kết không vì cộng lắm tiền. Phiên dịch Thanh chẳng đã kết con bé học sinh trung học gốc Ba Lan là gì. Quả nhiên Ri đã cặp bồ với một cộng thật, đó là kết quả của những buổi la cà mời mọc. Ri trẻ hơn Na nên đến bờ bến mới trước Na.
* * *
Dưới các quản giáo là các quản giám làm nhiệm vụ canh gác và giữ chìa khoá hai cửa ra vào ốp. Họ là người già, đã nghỉ hưu nay đi làm thêm. Ngoài ra còn có một số người khác như y tá, người quét dọn, người đổi đệm, người sửa đường ống...
Ngày 17/1
Buổi chiều đi làm về tôi lên nhà anh P. chơi. Thấy 3 cô tuổi ngoài băm ngồi đó rồi. Nhận ra ngay là người ốp mới. Vì có cô đã dự ngày giỗ 1 năm. Anh Đ vừa trúng bí thư chi bộ ngồi cạnh cô A., anh K. đảng viên ngồi cạnh cô L., anh P. đảng viên ngồi cạnh cô K. Ba cặp ngồi thành thế chân kiềng, không cặp nào xâm phạm cặp nào, hệt như thế tam quốc. Tôi giả đò có việc cần anh P. giúp, xin anh xuống nhà vài phút. Đến phòng tôi truy liền:
- Đã có vợ phải không? Sao không cưới hỏi cho đồng hương biết. Có từ bao giờ biết điều khai ra ngay.
P. chối. Anh Xuân ngứa tiết phang liền:
- Còn oan à. Mì ăn liền đấy ông Thành ạ.
Biết càng chối càng lòi đuôi chuột, anh P. cười cười vẻ thoả mãn đáng ghét rồi kể cho tôi biết câu chuyện mì ăn liền như thế nào.
Dạo giỗ 1 năm, thằng cha K. cùng cờva thế quái nào lại tăm được em L. Hay là tụi ốp mới sợ hết hay sao mà lại phải đi vơ cả hãng Bút Thép thế không biết (K. có cái đầu nhọn hệt nhân vật Bút Thép báo Thiếu niên tiền phong). Bên nhà L còn mấy cô tuổi ngoài băm còn tân nghiêm đang cần, thế là K và L rủ sang đây chơi có bạn, ý muốn dành cho tôi và bí Đ. Nhưng vẫn sợ bí Đ gương mẫu. K và L nói riêng cho tôi và bí Đ: cô A dành cho bí Đ, cô K dành cho P đó, ưng chưa. Thực tình tôi không muốn vì cái cô K ấy hơi bị eo thùng. Nhưng đòi cô A thì chẳng hoá tranh nhau với bí thư à. Bí thư dù sao cũng có chức có tước, lại có dáng người khá hơn tôi. Đành cười trừ chẳng ra ừ chẳng ra chối. Các cụ chẳng bảo tắt đèn nhà ngói cũng như nhà gianh đấy à. Bí Đ thì cười mủm mỉm hiền lành như tính anh ta vốn thế. Cái tính hiền ai cũng ưa đủ đưa anh vào chức bí thư chi bộ.
Chẳng biết Bút Thép và 3 ả tố nga đã thoả thuận trước chưa mà mặc trời tối muộn các cô vẫn bình chân như vại. Tôi đành hỏi trống không:
- Về hay ngủ lại? Nếu ngủ lại thì tôi xuống quản giám lấy pơrôput.
Cả 3 cô đều e thẹn cúi đầu im lặng. Biết ý các nàng thật lòng tôi xuống quản giám làm việc. Mỗi giấy phải nôn ra 2 rúp. May mà gặp bà quản giám dễ tính. Lấy được giấy tôi mang về lẳng lặng chia của ai nấy giữ.
Bút Thép tắt đèn. Hắn quen việc rồi nên chủ động.
Từng đôi dìu nhau lên giường, cùng làm một lúc. Trong gian phòng chật hẹp có 3 cặp cùng làm tình, thể hiện rõ tính đoàn kết nhất trí, tính kỉ luật cao của thời sĩ quan còn thấm đẫm từng lỗ chân lông mỗi người. Lạ một điều là cả ba em cùng rên một lúc, em nào cũng rên to hết sức mái thoải.
Nghe kể xong tôi hét lên:
- Thế mà trước đây từng giao hẹn ai có vợ trước phải khao, bây giờ định quỵt hả?
- Khao chứ. Khất đến chủ nhật nhe.
Đột nhiên P vỗ vai tôi nói vẻ quan tâm:
- Này đồng hương, nếu cần tớ cho mượn một đêm đấy.
Ngày 20/1
Bí Đ định triệu tập họp chi bộ bàn việc tổ chức tết nguyên đán. Tất cả đảng viên chi bộ đội 5 đều quan tâm tới địa điểm họp chứ không quan tâm nội dung bàn. Thảo luận khá rôm rả trên công trường sơn trát. Nếu vẫn họp ở phòng tư lệnh Hoàng Tích như mọi lần thì phiền phức cho các đảng viên quá. Bí Đ bực quá hét lên kiểu Trần Thủ Độ:
- Bí thư ở đâu thì tổ chức họp ở đó, có vậy thôi mà cứ bàn mãi không thông. Thằng nào không đến họp thì mặc.
Các đảng viên đều tán thành quyết định sáng suốt của bí thư. Địa điểm anh quyết rất tiện lợi vì nó ở trung tâm nơi cư trú của các đảng viên. Theo thống kê nhanh, chi bộ có 25 đảng viên được phân bố như sau:
- Tại ốp mới có bí thư và 2 đảng viên.
- Tại ốp Hà Bắc liền kề có 1 cấp uỷ viên và 3 đảng viên.
- Tại ốp Tucai có 6 đảng viên. Từ đây về ốp mới gần được nửa đường so với về ốp Min, lại tiện tàu xe hơn.
- Tại ốp Phuxich có 10 đảng viên, trong đó có 1 cấp uỷ viên. Từ ốp này đến ốp mới còn gần hơn từ ốp Tucai về ốp mới. Nếu so với đường về ốp Min thì tương đương, nhưng tiện tàu xe hơn.
- Tại cơ quan ở ốp Min chỉ còn 2 đảng viên. 2 vị chịu khó một chút. Nếu không cứ vắng mặt cũng được, chi bộ vẫn tính có mặt, kể cả không tính có mặt thì chi bộ vẫn thừa sức đủ điều kiện tiến hành họp không sợ sai nguyên tắc tổ chức theo điều lệ đảng quy định.
Sau khi nghe phân tích như trên tất cả các đảng viên đồng thanh nói:
- Đại hội chi bộ vừa qua của chúng ta thật chất lượng, chúng ta đã bầu được đồng chí bí thư thật là anh minh. Chi bộ chúng ta nhất định là chi bộ lá cờ đầu trong 5 chi bộ của đảng bộ Kadan.
Ngày 21/1
Tối hôm nay công đoàn đội 4 đã kiên quyết tiến hành đại hội lần thứ nhất ngay trước thềm năm mới. Đại hội thành công rực rỡ, bầu ra được ban chấp hành mới, gồm anh Chân, anh Định và tôi. Thằng tôi hay to mồm đấu tranh nên hễ bầu gì là bị đề cử và bị trúng cử. Anh Định tuy mất chức thư kí công đoàn được chỉ định hồi ban đầu mới sang nhưng may mắn vẫn giữ được chân uỷ viên trong ban chấp hành mới.
Tại sao anh Định thấy điều này là may mắn?
Anh Định đã ngoại tứ tuần, vốn là giáo viên tiếng Nga trường đại học giao thông. Anh đã từng đi tây thực tập 3 tháng ở viện Puskin. Anh gốc người Hà Sơn Bình, nhưng bây giờ ở tại khu tập thể của trường và coi như là dân Hà. Sang đây với chức phiên dịch, nhưng thực tế anh còn được giữ nhiều chức vụ khác nữa: Phó tổng thư kí công đoàn cụm (toàn Kadan), thư kí công đoàn đội 4, phó chủ tịch Hội đồng chuột, tư lệnh mặt trận hướng Xờmu 4, thành viên Đại bản doanh, tổng thủ quỹ ban đóng hàng trực thuộc tổng tư lệnh Đại bản doanh. Tiếc rằng anh chỉ là quần chúng ưu tú chứ không phải đảng viên ưu tú, nếu không nhất định anh còn kiếm được nhiều chức vụ béo bở khác. mà điều này lại quyết định đến tính cách và năng lực công tác của anh.
Do có học, do địa vị và tầm hiểu biết sâu rộng khiến anh trở thành người bảo thủ, luôn coi thường ý kiến của người khác.
Do anh là dân Hà nên anh sống đúng với tính cách của dân phố xá là chỉ biết mình, chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình, còn mọi người thế nào anh không cần biết.
Do xác định sang đây là làm kinh tế nên anh chỉ biết đến lợi nhuận, chỉ dành mọi thời gian để truy lùng và mua bán.
Do chỉ là giáo viên quèn nhiều năm, chưa kinh qua công tác tổ chức nên anh nắm nguyên tắc tổ chức rất lơ mơ, rất lúng túng vụng về trong công tác tổ chức mà anh là tư lệnh mặt trận hướng Xờmu 4.
Do chỉ là giáo viên ngoại ngữ dạy ở trường không chuyên ngữ nên khả năng nghe nói tiếng Nga hơi bị kém. Bù lại anh giỏi đọc hiểu và ngữ pháp. Mỗi khi phải sử dụng đến chức phiên dịch thì thường có công nhân hoặc bạn trong Đại bản doanh làm trợ lí phiên dich ngoài biên chế cho anh. Ở Xờmu 4 anh luôn gặp may vì có phiên dịch mất chức Thanh gỡ bí cho.
Do tuổi cao nên anh cũng có tính ngại việc.
Ngoài ra anh có một số ưu điểm nữa là tính thù vặt, tính tiểu nhân, tính khoe mẽ.
Hồi mới sang anh được chỉ định là thư kí công đoàn nhưng thực tình anh chẳng hiểu gì về tổ chức công đoàn, chẳng biết chức thư kí công đoàn thì phải làm gì. Lại bị nếp sống tiểu thị dân thâm căn cố đế nên anh có bao giờ quan tâm đến người khác đâu mà làm tốt chức trách thư kí công đoàn chuyên lo đời sống và quyền lợi cho người lao động. Quyền lợi của ai thân người ấy tự lo. Vì thế anh em chẳng ai tín nhiệm anh. Anh biết thế nên đến kì đại hội anh định làm tuế toá cho xong, ai dè chẳng ai bầu anh nên phải làm đi làm lại cái đại hội. Lần thứ nhất có cả tổng thư kí công đoàn cụm dự, lái đại hội bảo vệ anh đến mức đồng chí tổng nói văng mạng. coi thường hết cả nguyên tắc tổ chức, vậy mà không xong. Làm lại. Lí do là chưa đại hội chi bộ nên chưa có đường lối hoạt động. Lần thứ hai anh triệu tập đại hội xong lại không thành. Lí do lần này là anh chưa chuẩn bị kĩ công tác tổ chức và nhiều công đoàn viên đòi hỏi phải có quyết định kết nạp là đoàn viên công đoàn. Anh cẩn thận vác sổ đi gặp từng người đăng kí là đoàn viên công đoàn, ai đăng kí mới đủ tư cách tham gia đại hội. May mà chỉ có 5 người cương quyết đòi phải có quyết định kết nạp, nếu không anh trở thành thư kí công đoàn một đoàn viên là anh.
Cuối cùng đại hội vẫn diễn ra, anh vẫn trúng ban chấp hành.
Sau anh đi tìm hiểu nguyên do vì sao anh vẫn được tín nhiệm thì được biết anh em thương tình anh đã làm thư kí 1 năm, lại đang là phó tổng thư kí công đoàn cụm, nếu không trúng ban chấp hành thì bẽ mặt quá. Anh dù sao cũng là người khá tiếng Nga hơn nhiều người, ra công trường vẫn có thể yêu sách tây hộ anh em được ít nhiều. Anh cười thầm một mình, thì ra họ cần mình thì vẫn phải bầu mình, mặc dù mình chẳng cần họ và chẳng làm được việc gì cho họ.
Ngày 27/1
Hôm nay là mồng 1 tết ta. Phong cảnh trời tây chẳng có một chút gì gọi là tết cả. Khắp nơi trắng băng tuyết lạnh và băng giá. Cây cối trụi thùi lụi và cũng phủ đầy tuyết trắng. Chỉ ở trong các ốp cộng không khí tết mới cảm thấy được. Ở mùi hương trang nghiêm phảng phất. Ở bàn thờ trang hoàng phong vị tết. Ở tiếng nhạc ầm ầm khắp các tầng. Ở sự đi lại dập dìu hơn hẳn ngày thường, nhất là ở sự tấp nập của các cặp vợ chồng đêm nào cũng là đêm tân hôn.
Cái tết thứ hai này lòng tôi càng lạnh giá hơn.
Người buồn, cảnh buồn, còn gì ảo não hơn.
Chợt nghĩ vợ con mình ở quê nhà bây giờ ra sao, có được vui như tết hay cũng buồn chấu cắn như mình. Nếu không quá yêu Lênin và quê hương cách mạng thế giới như lão nông thời xưa mơ nước Nga thì bây giờ vợ chồng, cha con đang quây quần bên nhau ấm cúng, hạnh phúc nào bằng. Thế là bỗng dưng tôi giàn giụa nước mắt. Những giọt nước mắt cô đơn. Những giọt nước mắt thương thân, thương kiếp nghèo. Không biết những giọt nước mắt của tôi có cùng độ mặn như những giọt nước mắt của Nariman không.
* * *
Bỗng có mệnh lệnh của ai đó vang vang ngoài hành lang kêu gọi tất cả mọi người mau xuống đường chiến đấu bảo vệ quốc thể. Tôi vơ vội gói ớt bột lao ra ngoài. Người từ các cờva tạm dừng các cuộc vui ùn ùn kéo ra. Tay ai cũng cầm một vật gì đó có thể làm vũ khí chiến đấu được. Tinh thần xả thân vì nước sục sôi. Còn cái lai quần cũng đánh. Nhiều người đang ăn chạy ra, tay vẫn cầm cốc cầm thìa. Có người tay phải nắm thịt bò, tay trái nắm nem cuốn. Đa số mặt phừng phừng hơi men. Ai chưa uống thì mặt cũng đỏ gay vì lòng căm giận, lòng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Chạy đến tầng một tôi thấy người quản giám đóng chặt cửa, mặt mày tái mét run như cầy sấy. Anh Chân án ngữ không cho ai phá cửa vào. Bên cạnh là anh Khánh đang kêu khóc và vùng vẫy cố thoát khỏi hai người đang ôm anh đòi ra ngoài chiến đấu bảo vệ quốc thể. Thì ra anh Khánh bị say quá nên anh em không cho anh ra ngoài, sợ phải cảm. Ngoài cửa Chi vừa đi vừa ngã, áo sơ mi phong phanh dưới trời tuyết xông thẳng tới. Dãy xe công an tây vừa triển khai đội hình chiến đấu. Hai người khác chạy theo ghì lại khá vất vả.
Phía ngoái cửa ốp có chừng một trung đội công an dã chiến tay mang khiên che kín người, tay cầm dùi cui, vai khoác súng AK báng gấp ken hàng. Khoảng một tá sĩ quan công an tay cầm súng ngắn tay cầm máy bộ đàm đứng cạnh trung đội dã chiến. Hai đầu ốp số xe công an vẫn đang kéo đến ngày một nhiều.
Tình thế căng như dây đàn.
Cuộc chiến bảo vệ quốc thể rõ ràng là không cân sức. Đầu rơi máu chảy như chơi. 250 anh hùng ưu tú của dân tộc anh hùng tay không vũ khí làm sao chống được hệ thống quân đội cảnh sát nước siêu cường thế giới ngay trong lòng đất nước họ.
Tổng tư lệnh và các tư lệnh mặt trận không thấy đâu. Chẳng biết họ say, hay họ không biết, hay họ đang dở làm với gái, hay họ sợ mà không có mặt để chiến đấu, hoặc chỉ huy chiến đấu, hoặc để hoà giải.
Anh Chân là công nhân, vừa trúng cử chức thư kí công đoàn đội 4, đã 44 tuổi, tóc điểm sương, lấy uy tín cá nhân can anh em:
- Anh em không được để đổ máu trong ngày mồng một tết thiêng liêng này. Tất cả hết sức bình tĩnh. Chúng ta sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng nếu họ tấn công ốp chúng ta trước. Còn bây giờ hãy dừng lại, một mình tôi sẽ ra nói chuyện với họ.
Mọi người ùn lại ở cửa ra vào, lòng đầy căm phẫn. Khánh và Chi vẫn vẫy vùng kêu khóc đòi được ra ngoài xả thân vì nước.
Anh Chân đi thẳng tới toán sĩ quan công an. Anh nhận ra viên thượng uý công an phụ trách khu vực nên đi tới nói:
- Các anh cần phải rút quân ngay, tuyệt đối không để xảy ra xô sát. Hiện nay anh em chúng tôi đang phẫn nộ cao độ. Nếu các anh còn dàn quân ở đây thì thể nào cũng xảy ra đổ máu không cần thiết. Chúng ta sẽ bình tĩnh giải quyết sự việc sau. Nếu các anh không nghe tôi để xảy ra sự cố gì thì các anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Anh Chân không giỏi tiếng Nga, vừa nói vừa ra hiệu, cố thể hiện bằng những từ tối giản. Vậy mà họ rút quân thật. Chẳng biết họ sợ chất anh hùng dũng sĩ của quân ta hay họ sợ làm hoen ố trang sử hữu nghị hai nước đang đà thắm thiết nữa.
Phải thừa nhận tính thường trực sẵn sàng chiến đấu và tính cơ động cao của cảnh sát Nga là khá thật.
Thì ra anh em làm ở Xờmu 6 có mời đồng nghiệp đến ăn tết. Xong tiến bạn ra tận bến xe buýt. Trên đường đi gặp mấy tên du côn Nga giật cướp đồng hồ đeo tay. Anh em chống lại và kêu cứu. Viên cảnh sát khu vực chạy đến, cứ dùi cui mà nện anh em mình như nỗi tức giận cố nén lâu ngày bây giờ mới có dịp xổ ra. Bạn làm người Nga can cũng bị dùi cui nện. Rồi xe cảnh sát đến bắt đi 2 người mình, một chạy thoát về cửa ốp kêu cứu. Một xe cảnh sát đuổi theo đến tận ốp nhưng không bắt được người đó.
Và thế là tất cả anh em ta đứng lên sẵn sàng chiến đấu như thế đó.
Cảnh sát Nga đã làm hỏng mất ngày mồng một tết thiêng liêng của anh em mình.
Khi xe cảnh sát rút hết, anh em mới buông Khánh và Chi ra. Khánh chạy ra đến cửa thì ngã không dậy được. Còn Chi chạy được ra ngoài sân mới ngã.
Ngày 28/1
Tôi sang chúc tết mấy người đồng hương ở ốp Phuxich. Người các thành phố đi thăm người quen, thăm đồng hương nhau vào dịp này. Tôi làm quen với mấy sĩ quan của đội quân tự do. Qua cuộc nói chuyện này mà tôi hiểu nhiều về đời sống lênh đênh của họ.
Ốp tôi đã có Cường và Nam nhập ngũ vào đội quân tự do, nhưng tôi chưa gặp lại nên chưa biết rõ về đội quân đặc biệt này của người lao động mà chỉ nghe kể về những chiến công huyền thoại của họ.
Ngày tết dông dài, tôi xin kể đôi nét về đội quân này.
Đội quân tự do xuất thân từ người lao động mà ra nhưng không chiến đấu vì người lao động mà chiến đấu vì chính bản thân mình.
Ban đầu binh sĩ của đội quân này là người lao động bình thường, sau vì nhiều lí do, trong đó lí do kinh tế là chủ yếu, khiến họ buộc phải nhập ngũ. Có người mải làm ăn quá mà không mua được tây chấm công cho, nên phải chịu kỉ luật về nước, thế là nhập ngũ. Có người làm ăn không chính đáng như nấu rượu bị bắt, phải về nước, thế là nhập ngũ. Có người đánh bạc thua hết tiền, có người bị tây lừa hoặc bị tây trấn hết tiền, thế là nhập ngũ. Có người buôn bán lớn chẳng may bị tây bắt thu hết tiền và hàng, thế là nhập ngũ. Có người đi làm chăm chỉ nhưng lương chẳng đủ ăn hoặc đủ ăn nhưng không thể có tiền gửi về giúp nhà, thế là nhập ngũ. Có người buộc phải tự vệ chính đáng đánh lại tây vì danh dự cá nhân hoặc vì danh dự dân tộc nên bị kỉ luật, thế là nhập ngũ... Tất cả bọn họ chưa thể về nước vì chưa giúp được nhà cho nên phải lên đường tòng quân.
Quan hệ của quân, người của đội quân tự do, với dân, người lao động, là quan hệ cá nước. Quân phải dựa vào dân để có chỗ ăn chỗ ở, chỗ đi lại mua bán và chỗ gửi hàng về nhà. Họ thực hiện đặc biệt tự giác và nghiêm túc kỉ luật dân vận, đi dân nhớ, ở dân thương. Họ giúp đỡ một cách hào phóng những cơ sở cách mạng của họ.
Ban đầu khi mới đi bộ đội, những cơ sở của họ thường là người nhà, người quen, bạn mua bán. Sau đó họ tìm tới những cơ sở chắc chắn hơn, thú vị hơn, đó là người tình của họ. Người có nhu cầu là người tình của họ có vô số. Đó là mối quan hệ biện chứng hữu cơ chặt chẽ với nhau, hai bên cùng có lợi, mà là lợi đơn lợi kép cả về tình cảm cả về vật chất. Thực ra ở đâu cũng như nhau cả thôi, thế nhưng ở Liên Xô có những thành phố nổi danh hơn về mức truỵ là: Barnaun (thủ phủ vùng Antai), Traicopxki (thuộc nước cộng hoà tự trị Utmurchia). Nếu ai cần cơ sở là trai thì hãy đến thủ đô của các thủ đô Mát hoặc đến thành phố Ulianop và thành phố Toliatchi. Ở Mát truỵ hơn cả nhưng khó tạo được cơ sở lâu dài vì dân hạng siêu quen xài của mới, tức thời trên cả mì ăn liền, đến mức chưa kịp biết tên thì càng tốt vì nếu có biết tên thì họ cũng quên ngay, ai có ý định nhớ cũng không tài nào nhớ nổi. Điều day dứt nhất của dân Mát là ở điểm đó. Họ không quên điều gì cả, mỗi tên các người tình ở các thành phố khác đến là họ không nhớ nổi.
Chuyện kể rằng, đi làm về thấy có gái trong phòng, họ chẳng cần chuyện trò gì, làm quen gì, cứ làm đã rồi mọi sự tính sau. Chống cự hả, vậy mời đi chỗ khác. Chỗ khác cũng không khác gì, việc đầu tiên của mọi việc là làm việc trên cả làm thân ấy trước đã rồi muốn nói gì làm gì mới nói mới làm. Với người đang máu thì muốn đi chỗ khác cũng được, nhưng trước hết phải làm xong đã. Cự không cự được, kêu không kêu được thì cự làm gì, kêu làm gì cho mất cả hảo ý.
Cách thức làm ăn của quân cũng như cách mọi người dân vẫn làm, có điều quân thích làm ăn lớn được ăn cả ngã về không hơn. Vì họ tự do thích đi đâu thì đi. Đời sống lênh đênh trên tàu xe rất mạo hiểm, nhất là trong điều kiện xã hội Nga xuống cấp, nạn du côn mọc lên như nấm hiện nay. Thừa nhận họ rất tài, tiếng Nga họ nắm nhanh, ở đâu họ cũng lọt, kể cả sứ, cả công an, cả hải quan... Bí quyết của họ không có gì quá đặc biệt, đó là các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Dân Nga nói chung là túng tiền, lại sính hàng ngoại nên quân càng có điều kiện lập chiến công dễ dàng.
Đội quân tự do chia thành quân chủ lực và quân địa phương.
Quân chủ lực là những người thoát li hoàn toàn khỏi ốp của mình.
Quân địa phương là những người tuy đã đi bộ đội nhưng hàng ngày hoặc vài ngày vẫn đi về ốp của mình. Tài sản có khi vẫn để ở đó. Nếu phía tây yêu cầu thì có khi họ vẫn đi làm, tất nhiên đi làm theo ý thích của họ.
Hệ thống cấp bậc của đội quân tự do tương tự như các quân đội khác, có điều niên hạn thăng hoặc kỉ luật hạ quân hàm không do một tư lệnh hoặc tổng tư lệnh nào ban ra mà căn cứ vào số tiền mà họ kiếm được. Đại khái:
- Binh nhì 100 rúp.
- Hạ sĩ 300 rúp.
- Thiếu uý 1.000 rúp.
- Đại uý 7.000 rúp.
- Thiếu tá 10.000 rúp.
- Đại tá 20.000 rúp.
- Thiếu tướng 30.000 rúp.
- Đại tướng 200.000 rúp.
- Đại nguyên soái 1.000.000 rúp.
Quan hệ cấp trên với cấp dưới tương đối bình đẳng. Quyền lực chi phối khá rõ nét nhưng lời nói của cấp trên với cấp dưới không phải là mệnh lệnh buộc cấp dưới phải thi hành.
Tất cả sĩ binh toàn quân luôn hăng hái lập công. Họ thích lập những kì công hiển hách để có khi hôm nay còn là lính trơn ngày mai đã thành tá thành tướng rồi. Cũng không ít người gặp hạn đang là tướng là tá bỗng chốc trở thành lính trơn tay trắng.
Hiện nay đã có nhiều người mang hàm cấp tướng. Hình như họ còn có cả soái thì phải. Những người này quan hệ chặt chẽ với sứ, việc về nước thăm nhà dễ như bỡn với họ.
Phái dân sự gồm cán bộ ngoại giao, lưu học sinh, người du lịch, người lao động... tuỳ theo số tiền của từng người cũng được phong cấp chức quân dự bị tương đương cấp chức quân chính quy. Thông thường quân dự bị đông tướng tá hơn. Số nguyên soái, đại nguyên soái phần lớn ở sứ. Họ có thực quyền chi phối về kinh tế toàn thể người Việt Nam ở Liên Xô. Những sĩ quan dự bị siêu cao cấp này lại còn có cách gọi theo kiểu dân sự là địa chủ nhỏ, địa chủ vừa, địa chủ lớn, đại địa chủ, tư sản, đại tư sản. Cấp tá dự bị là địa chủ, hoặc phú nông, cấp uý dự bị là người khá giả hoặc trung nông.
Đã nhiều lần phía Liên Xô truy quét quân tự do. Có khi kết hợp cả phía Việt Nam, nhưng không thể diệt sạch cá được. Nước mà không có cá thì là thứ nước trong, nước suông, buồn chết đi được.
Một nguyên nhân chính yếu việc truy quét không tuyệt diệt quân tự do là do tây không hiểu được nguồn gốc quân tự do, cách chiến đấu ra sao, quyền lực của họ thế nào.
Nếu tôi là người ăn lương tây để truy quét quân tự do thì tôi chỉ cần đề xuất thế này:
- Hoặc là không còn người lao động
- Hoặc là phải có nhân quyền, bình đẳng, đồng lương tương xứng với sức lực của người lao động, làm cho họ luôn muốn là người lao động
(Còn nữa)