Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ sáu,
31.03.2023 08:51 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1669883
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
[23.07.2010 00:21]
Xem hình
Nhà văn Phạm Thuận Thành nguyên là sĩ quan quân đội, cán bộ giảng dạy môn chính trị ở trường sĩ quan lục quân 1, đã từng đi lao động xuất khẩu tại thành phố Kazan từ năm 1988 đến 1990. Trong thời gian lao động tại đây, anh đã ghi nhật ký, đánh dấu mốc một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mình, cũng như những suy nghĩ của anh về thời cuộc. NBĐ xin trân trọng giới thiệu cùng đọc giả

>>> Nhật kí Cadan (Phần 1)

Phần 2

Ngày 1/1/1989

Tôi và 3 người cùng phòng rủ nhau đi phố chơi, tiện thể sắm thêm quần áo rét. Mặc trời lạnh 30 độ âm chúng tôi cứ đi. Anh Hồng bị rơi đồng hồ phải quay lại tìm. Tới bến xe anh Xuân bị ngã dập một bên má vì trượt chân, đường đóng băng rất trơn. Lần đầu ra phố như chim ra ràng tập bay, như thú non rập rình cửa hang, chúng tôi không dám đi xa, chỉ đi đến 5 sao cách nhà chừng 2 km thôi. Chúng tôi vào tất cả các cửa hàng để nhìn ngó và tránh rét. Cảnh tết ở đây không có gì mới. Mà cảnh sống ở đây cũng vậy. Người ta đã bị gốt (tiêu chuẩn quốc gia) hoá mấy chục năm rồi. Cuộc sống tập trung trong những căn hộ kín đáo tựa như thú ngủ đông vậy.

Đường trơn, bài học anh Xuân bị ngã còn nóng hổi, chúng tôi đi dò dẫm rất buồn cười. Vào cửa hàng thể thao thấy bày xe Minkhơ khiến chúng tôi phần nào củng cố được hi vọng mong manh.

Lúc về thì bị lạc.

Trước khi đi đã được anh Thụ tư vấn kĩ rồi mà vẫn bị lạc.

Tôi biết tiếng Nga khá nhất bọn. Hồi ở nhà tôi mê tiếng Nga vì đây là tiếng của Lênin, tôi tự học, dịch được sách, vậy mà bây giờ phải bó tay. Hỏi ai người ta cũng đáp nhedờnaiu ulitxa Minxkaia. Cách nhau có một đoạn đường mà người ta không biết phố Minxkaia nơi chúng tôi ở có lạ không. Kinh nghiệm lạc không nên đi xa chỗ đứng chân thì hỏi mới dễ hơn, mới không đi xa hơn chỗ ở của mình. Nhưng nếu đi xe buýt thì sao? Cứ ngồi mãi khắc tới bến, hoặc nhờ lái xe chỉ giúp. Lên xe buýt mới thoát được giá rét. Dù xe đi ngược đường rồi cũng phải về bến Min. Chờ đúng xe số 71 chúng tôi lên xe. Cửa kính bị tuyết phủ chẳng nhìn thấy gì. Nhà cửa phố xá gốt hoá hết, giống nhau như đúc. Tên biển hiệu cơ quan, cửa hàng cũng giống nhau, khó nhận điểm chuẩn vô cùng. Được sự giúp đỡ của lái xe, chúng tôi về đến nhà ngay chuyến xe ấy. Về đến nơi ở rồi mới thấy ghê sợ cái rét Nga. Chả trách Napôlêông, Hitle nối nhau gục ngã trước cái giá lạnh Nga. Chúng tôi còn hơn khối người đi chơi cũng bị lạc, phải cuốc bộ về mới sướng chứ. Số này lúc đi sợ lạc đã lấy một ống khói chưa nhả khói gần nhà làm chuẩn, thế là về được đến nhà. Có điều khi về thì chân không còn là của mình nữa.

Buổi tối họp đội lao động.

Các tổ chức trong đội được thiết lập và kiện toàn. Môn đồ của Lênin mà, ở đâu cũng cần có tổ chức. Hãy cho tôi một tổ chức, tôi lật đổ cả trâth tự thế giới này.

- Chi bộ đảng gồm 21/50 người, tỉ lệ lãnh đạo khá cao đấy nhỉ. Anh Thiệp 47 tuổi, đội trưởng là bí thư. Tôi và anh Y là chi uỷ viên.

- Công đoàn gồm 50 đoàn viên. Anh Định phiên dịch là thư kí, anh Chân và anh Định B là uỷ viên.

Đảng thì không ai dám động đến, nhưng vấn đề công đoàn thì khác. Mọi người thắc mắc rằng chưa ai kết nạp sao đùng một cái thành đoàn viên công đoàn. Nguyên tắc tổ chức không cho phép làm thế. Có hoạ là công đoàn Đoàn Kết thì mới làm ăn như vậy.

- Chi đoàn do Hồng là bí thư. Nguyên và Tá là uỷ viên.

Đội lao động chia làm 4 lớp học tiếng. Cờva 26 và 27 là 1 lớp do tôi là lớp trưởng.

Lớp cũng là tổ công đoàn do anh Y là tổ trưởng.

Mỗi cờva có 1 cờva trưởng, tôi lại bị bầu là cờva trưởng cờva 27.

Toàn ốp có Hội đồng kí túc xá thì tôi lại được cử vào Hội đồng. Có nghĩa là tôi khá nhiều chức. Chưa kể chức phiên dịch hộ chuyên đi giúp bạn bè nữa.

Buổi tối cờva làm quen với nhau. Cờva 27 có 7 người:

 - Tôi, Phạm Văn Thành, thượng uý, 27 tuổi, quê Hà Bắc, 1 vợ 1 con gái 2 tuổi.

- Phạm Mạnh Xuân, 35 tuổi, đại uý, chủ nhiệm pháo binh e102 f308, quê Thắng Lợi - Hạ Giáp - Thường Tín - Hà Sơn Bình, 1 vợ 2 con.

- Đào Quân Y, 33 tuổi, đại uý, bí thư đoàn cơ sở trường sĩ quan lục quân 1, 1 vợ 2 con, vợ đang có chửa đứa thứ 3, quê Diễn Nguyên - Diễn Châu - Nghệ Tĩnh.

- Quế Đình Hồng, 30 tuổi, đại uý, c trưởng cao xạ f308, quê Diễn Phong - Diễn Châu.

- Nguyễn Thức Hiền, 23 tuổi, bộ đội, quê Tam Anh - Núi Thành - Quảng Nam Đà Nẵng.

 - Lâm Văn Nam, 25 tuổi, bộ đội, quê Xí nghiệp may Hội An - Quảng Nam Đà Nẵng.

- Trần Việt Đức, 24 tuổi, bộ đội, quê Tam Xuân - Núi Thành - Quảng Nam Đà Nẵng.

Về gia cảnh thì tôi và anh Y có khó khăn kinh tế. Nam thì bố mất sớm. Hồng bố mẹ già, nhưng có em gái mới ở Liên Xô về. Đức ham học. Chỉ có anh Xuân máu làm kinh tế nhất.

Về câu hỏi Vì sao chúng ta sang đây? thì thật khó trả lời.

Theo tôi thì thế này:

Liên Xô là thiên đường, là ưu việt nhất trong mọi ưu việt, là mô hình, là mẫu mực của chủ nghĩa xãhội đã tiến sát sàn sạt chủ nghĩa cộng sản. Ở Liên Xô cực sướng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Hàng hoá thừa thãi ê hề, dạt dào gần như không khí. Được đi Liên Xô là vinh dự tự hào hơn bất cứ phần thưởng nào với mọi đảng viên ưu tú. Sang Liên Xô chỉ đi nhặt của rơi của vãi của bỏ đi cũng đủ giàu nứt đố đổ vách. Ở bộ đội gian khổ nhiều, chia li lắm mà suốt đời vẫn cứ nghèo. Lương thấp. Trượt giá nhanh. Không đủ tiền hút thuốc. Không đủ tiền vá quần lót. Quân đội chiếu cố sự cống hiến cho đi Liên Xô thật là cơ hội hiếm có ngàn năm có một với những sĩ quan hạ sĩ quan ưu tú. Nó còn là niềm vinh dự bất ngờ, là niềm hi vọng và tự hào của cả nhà cả ổ nữa. Đi để biết thế nào là đi máy bay. Đi để biết một vùng đất mới, một dân tộc mới mà vùng đất này, dân tộc này đang là lí tưởng của mỗi đảng viên, là ước mơ của mỗi tâm hồn cộng sản chủ nghĩa. Đi còn để biết thế nào là băng là tuyết. Đi để chiêm ngưỡng thành quả văn minh hàng đầu thế giới, tuyệt đỉnh văn minh nhân loại, đó là văn minh Xôviết. Đi để củng cố niềm tin cộng sản chủ nghĩa. Đi để học và nâng cao tay nghề sau này về phụng sự đất nước. Đi để cứu nhà, để đổi đời. Đi để biết mùi tây. Đi để đại tu sức khoẻ.
 
Ngày 2/1/1989

Bắt đầu từ ngày hôm nay chúng tôi được hưởng chế độ gà rán chín, tức là cấm trại nội bất xuất ngoại bất nhập 3 tháng. Để miễn dịch tuyệt đối trước khi tiếp xúc với đất và người Xôviết. Ba tháng vô trùng. Chứng tỏ ở Việt Nam dù ưu tú đến đâu vẫn bị nhiễm khá nhiều vi trùng phong kiến thực dân. Ba tháng này cũng là 3 tháng học tiếng, bước chuẩn bị cần thiết trước khi học nghề, học chuyên môn để sống và lao động 6 năm dài phía trước.

Chỉ bở cho số cán bộ. Họ thả cửa mua hàng của anh em rồi đi bán giá cao hơn nhiều lần.

Anh Thụ đến chơi, hỏi mua bộ quần áo bò. Anh nợ ai đó giờ cần mua để trả nợ. Tôi hồ hởi giúp anh, bán giá 220 rúp, rẻ 30 rúp theo thời giá chung ở ốp lúc đó. Người quen nên anh mới mua giúp là quý hoá lắm rồi.

Hoá ra ở Cadan đã có đông người Việt Nam, xin phép từ nay gọi là cộng cho đúng từ thuần Việt ở bên này.

- Trường sĩ quan kĩ thuật có vài chục cộng sĩ quan.

- Phố Narimanôp có ốp nữ 250 cộng làm nghề may, sang tháng 11/1987.

- Phố Thực Vật có ốp nữ 100 cộng quê Hà Bắc làm nghề lông thú, sang tháng 6/1988.

- Phố Phuxich có ốp nữ 750 cộng làm nghề may, đến tháng 11/1988.

Cảnh sống biệt đãi này làm tôi thêm một lần nữa mở to mắt nhìn cho rõ cái thiên đường trần gian này.

Ngày 17/1

Tết cộng.

 Ốp ra tờ báo tường Người xây dựng số 2 chào mừng năm mới. Anh Thụ là Tổng biên tập. Tôi phụ trách nội dung. Vì chúng tôi trong Hội đồng kí túc xá. Xin nhớ, Hội đồng nghĩa là Xôviết, là chính quyền đấy.

Tôi viết bài Người mơ lên thiên đường. Nội dung đại khái:

Một người lính mãn hạn về nhà đúng dịp 23 tết. Anh suốt đời vất vả đói kém, nay rượu say nằm lăn quay ra ngủ, được Táo công cho cưỡi nhờ con chép IL - 86 lên chơi thiên đình. Không ngờ mải đi ngó nghiêng bị Táo công bỏ rơi, Ngọc Hoàng cho ở lại chờ năm sau Táo công lên thì về. Tưởng ở thiên đình sướng lắm, ai dè đồ ăn thứ gì cũng nhàn nhạt, luật lệ thì hà khắc. Lại nhớ nhà. Một ngày dài bằng một năm trong nỗi nhớ. Anh muốn về mà chẳng còn đường về.

Đây chính là ảnh hình của chúng tôi. Bây giờ ai đó có muốn về cũng chẳng được nữa. Đành phải gielai (mơ ước) thôi.

Anh em rất khoái bài viết này.

Chúng tôi đón tết cố gắng theo phong vị quê nhà. Có cành đào giả. Có bánh chưng, nem rán, măng nấu và một số món khác.

Có điều lòng dạ chúng tôi ngổn ngang như thuyền mất lái giữa đại dương. Cảnh tuyết trắng bên ngoài càng làm lòng dạ chúng tôi lạnh giá hơn. Cánh trai trẻ say khướt, nhảy nhót lung tung. Cánh có vợ chụm đầu tâm sự và ... khóc thổn thức. Đội trưởng, bí thư Thiệp mắt mờ, tóc bạc, đã 3 lần ở Liên Xô, lần này là ăn cái tết thứ 6 ở đây mà khóc to nhất, nhiều nhất.

Cuộc sống sa đoạ của người lao động bắt đầu đập vào mắt vào tai tôi. Tôi sợ và cố xa lánh cuộc sống ấy. Tôi muốn làm Khuất Nguyên trong cộng đồng cộng nơi đây. Nhưng cuộc sống sa đoạ kia cứ nần nẫn trong suy nghĩ của tôi. Tôi sơ bộ đưa ra kết luận: Cuộc đời người lao động xuất khẩu là đày đoạ và sa đoạ.

Cô giáo dạy tiếng tổ chức cho lớp tôi kết nghĩa với lớp cô dạy ở trường trung học để tăng hiểu biết lẫn nhau và tăng kết quả học tiếng. Các em lớp 10 (lớp cuối cấp) tuổi chừng 17, tuổi xinh tươi nhất của con gái Nga và khá chững chạc, rất có cảm tình. Các em có học thật khác xa với đa số trẻ ở ngoài đường cốc láo du côn du đồ. Không biết các em có ấn tượng thế nào về chúng tôi. Trong buổi tối giao lưu có nhảy disco. Mấy chàng trai trẻ miền Nam được dịp trổ tài. Cánh lạc hậu chúng tôi cũng được mời nhảy. Tôi nhảy đôi với Enmira. Tôi ôm eo, em khoác tay dìu tôi lượn theo nhạc. Sau vài bước bỡ ngỡ tôi đã nhảy tạm được. Dư vị ngọt ngào của thân thể em làm tôi mê mẩn mụ mị đi. Tôi nhớ đến Natasa hồn nhiên trong trắng. Đến Hitle cũng ngã gục trước vẻ đẹp của gái Nga mà thôi.


Chúng tôi thử ăn các món kiểu Nga nhưng nuốt không trội. Thật là những con người yêu nước kiên định. Tôi kết luận Cơm muôn năm và trở lại ăn kiểu cơm. Nghĩa là phương nam đã được thượng đế định đoạt ăn hạt rồi thì cứ vui theo sự thiên định ấy. Nhưng ăn hạt ở vùng ăn bột thì thực phẩm khó kiếm, cách rách lắm. Nhất là đang ở cái thời tem phiếu này. Mà thực phẩm cũng chả có thứ gì ngon, cái gì cũng nhạt phèo không hương vị. Trong tất cả các thứ ăn được tôi thấy chỉ có táo là hay hơn cả. Ăn hạt còn bị thiếu chất chống rét. Tôi bổ sung bằng món trứng. Trứng rất rẻ, chỉ 7 cốp 1 quả. Xơi chục quả một bữa thì trứng nhạt hơn bánh đúc. Chả bù cho con gái ở nhà, quả trứng trưng mặn ăn dè làm 2 bữa. Thương con mà không gửi trứng cho nó ăn chán được. Còn nhớ, dù chưa biết nói nhưng hễ bữa nào có trứng là nó lại vỗ tay ầm ĩ và ăn cơm ngon lành chẳng cần dỗ dành gì.

Tin liên quan:
Phạm Thuận Thành: Miếu con đĩ (17.02.2014 03:12)
ĐÊM CUỐI Ở CÔN SƠN - Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành (11.01.2013 16:40)
Tập thơ Thiên Thai - Phần 1 - của Phạm Thuận Thành (30.10.2012 01:58)
Giãi với trời xanh - truyện ngắn Phạm Thuận Thành (30.10.2012 00:53)
Đũa tre - Phạm Thuận Thành (24.01.2011 04:23)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
Hoa Pion
Nhật kí Kadan (Phần 8) - Phạm Thuận Thành
 
 
 
Thư viện hình