Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ hai,
27.03.2023 01:04 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 3
Số truy cập: 1668400
Tin tức > Sân khấu - Điện ảnh > Xem nội dung bản tin
Phim TH Việt: Bắt chước mà không tới
[30.09.2007 20:45]
Xem hình
Ngọc Diệp và Huy Khánh trong Hoa dã quỳ
Trên màn ảnh phim Việt từ đầu năm đến nay, điểm qua những bộ phim từng được “kỳ vọng” như Ván cờ tình yêu, Ghen, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu, Hộ chiếu vào đời, Mùi ngò gai, Nhật ký Vàng Anh... người quan tâm không khỏi băn khoăn: tại sao phim truyền hình bị chê nhiều thế!

Thực ra với khán giả ở ta, chỉ cần một bộ phim truyền hình dài tập có cốt truyện hay, nhân vật có sức hút, diễn viên diễn xuất tốt, trang phục và bối cảnh đẹp là đã đủ thuyết phục họ “chia” giờ với phim Hàn, phim Đài Loan... tràn ngập trên các kênh truyền hình. Nhưng những yếu tố đủ để “cạnh tranh” với phim ngoại này lại đang là điểm yếu của chính những bộ phim Việt có đề tài hướng đến khán giả trẻ, mà ta có thể tạm gọi là phim “thần tượng” Việt.

Chuyện phim nhạt, nhân vật thiếu sức hút...

Tuy có những tình tiết na ná như phim điện ảnh Những cô gái chân dài, như câu chuyện cổ tích thời hiện đại của nàng “lọ lem” Hằng và chàng “hoàng tử” Hải, cộng với dàn diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất khá, bối cảnh và trang phục đẹp... bộ phim Tuyết nhiệt đới đã thổi được “làn gió” mới lên màn ảnh nhỏ, khi người xem đã quá nhàm chán với phong cách dàn dựng của phim truyền hình Việt.

Tiếp sau Tuyết nhiệt đới, đã có thêm nhiều phim truyền hình dài tập hướng tới người xem số đông là sinh viên, công nhân viên chức, trí thức trẻ... Những tên phim như Ván cờ tình yêu, Ghen, Hoa dã quỳ, Mảnh vỡ, Xin lỗi tình yêu, Hộ chiếu vào đời, Linh lan trắng, Sóng gió cuộc đời, Gọi giấc mơ về... thoạt nghe người xem đã cảm thấy thích vì quá hấp dẫn. Vẫn là mô típ quen thuộc kiểu Tuyết nhiệt đới, nay được “biến hóa” thêm ít nhiều.

Chẳng hạn môi trường sống và nghề nghiệp của các nhân vật trong phim hầu hết là các nghề “thời thượng” như: người mẫu thời trang, ca sĩ, phóng viên, MC, nhân viên kinh doanh, doanh nhân trẻ, nhân viên thiết kế thời trang, quảng cáo, tư vấn hôn nhân... Chuyện phấn đấu cho nghề nghiệp, chuyện tình yêu, hôn nhân, quan niệm sống của các nhân vật trẻ, của các gia đình trẻ... toàn những điều thiết thực, gần gũi với số đông người xem.

Nhưng trái với mong đợi, sự đón nhận của người xem với những bộ phim này lại chê nhiều hơn khen. Phim phát sóng, bước đầu khán giả đã “choáng” ngay trước dàn diễn viên đẹp, cảnh quay đẹp, khung cảnh nên thơ của Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu... nhưng chỉ sau vài tập đầu người xem thờ ơ dần.

Lý do bởi câu chuyện phim nhạt, kéo dài lê thê với quá nhiều chi tiết vô lý, thiếu lô-gíc. Điều này bộc lộ ở nhiều khía cạnh, nhưng thấy rõ nhất là ở cách xây dựng nhân vật trong phim thiếu sức thuyết phục. Nhân vật nữ được đẩy lên cao trong các phim và đều được “tô vẽ” rất tuyệt vời, song lại quá ít hình ảnh, chi tiết đắt và phù hợp để làm nổi bật cá tính của nhân vật. Chuyện thành đạt hay hạnh phúc của các “nàng lọ lem” được thể hiện quá dễ dãi, áp đặt một cách khiên cưỡng hay chỉ qua vài câu thoại sơ sài...

Chẳng hạn, người xem khó lòng tin được, nhân vật Ánh Nguyệt trong phim Hoa dã quỳ là một cô gái đáng thương và đáng yêu, chỉ thấy gờn gợn khó chịu về một cô gái ăn mặc thì không thể ngắn, không thể mát mẻ hơn, nói năng ngổ ngáo, đi đứng nghênh ngang, đấm đá như ... đàn ông!

Rồi tính cách và bãn lĩnh của một cô gái như Đan Thanh trong phim Xin lỗi tình yêu liệu có đủ sức hút đồng thời hai người đàn ông trẻ tuổi, thành đạt, cực kỳ điển trai, sẵn sàng vứt bỏ tất cả công danh, gia đình, tiếng tăm để tranh giành bằng được trái tim người đẹp này? Trong hầu hết các bộ phim truyền hình phát sóng từ đầu 2007 đến nay, đều thấy rõ dụng ý của các tác giả là đẩy nhân vật nữ lên, để gây chú ý giống như trào lưu làm phim đề cao “nữ quyền” trong phim Hàn, phim Đài Loan...

Song kiểu nhân vật như Đan Thanh hay Ánh Nguyệt... có gì xuất sắc để được đề cao? Chưa kể, từ cô nàng tiểu thư Mây Trắng – phim Hoa dã quỳ đến một số nữ nhân vật chính trong các phần của Ghen, của Sóng gió cuộc đời... được đặt vào thông điệp “vượt qua nghịch cảnh” mà chỉ thấy xuất hiện trong hình ảnh ủ rũ, khóc cười héo hắt, khổ đau và gào thét.

Trong khi đó thật “tội nghiệp” cho các nhân vật nam xuất hiện như một thứ trang sức, quá lép vế trước các nàng. Từ các chàng trai trong phim Mùi ngò gai, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu, Ghen, Hộ chiếu vào đời... đều có một mẫu số chung là đẹp trai, ga lăng, giàu có đem lòng yêu thương, muốn giúp đỡ một “nàng lọ lem” nhưng không được đáp trả, khi nàng yêu người khác, nhưng vẫn chung thủy và sẵn sàng “hy sinh” tất cả, kể cả tình yêu và hạnh phúc với người con gái khác để chạy theo nàng...

Không ít lần, trên các diễn đàn bình luận về phim Việt, khán giả kêu ca, sao vẫn những mô típ “cổ tích” thời hiện đại như phim Việt mà những bộ phim truyền hình của Đài Loan, Hàn Quốc lại hấp dẫn như thế. Có không ít ý kiến đổ lỗi rằng, phim nhạt và nhân vật thiếu sức thuyết phục là tại vì phim ta “bắt chước” họ mà không tới.

Không oan uổng chút nào, khi nhiều bộ phim thời gian qua nhạt nhòa sắc Việt mang hương Hàn, hương Thái... và sự “Việt hóa” chưa chuẩn đối với kịch bản mua từ nước ngòai. Phim nhạt, nhân vật thiếu thuyết phục một phần do kịch bản, nhưng một phần quyết định nữa lại bởi diễn xuất của diễn viên... không thuyết phục!

Diễn viên đẹp - diễn xuất nhạt...

So với phim Hàn, phim Đài Loan, Trung Quốc, diễn viên trong phim Việt đâu có thua gì về nhan sắc và độ “hot” (xin mở ngoặc là độ “hot” này đã có sẵn ở lĩnh vực khác trước khi đóng phim, như người mẫu, ca sĩ...).

Thử làm một danh sách liệt kê về các diễn viên đang chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ hiện nay: Duy Tân, Huy Khánh, Đức Tiến, Phi Hùng, Minh Đạt, Trung Dũng, Đức Hải, Huỳnh Đông, Bá Thắng... rồi Hà Kiều Anh, Helen Thanh Đào, Ngọc Nga, Bảo Anh, Thùy Lâm, Ngọc Diệp, Ngọc Quyên, Bảo Trân, Thanh Hằng, Đinh Y Nhung, Minh Hằng, Lã Thanh Huyền... vóc dáng và sắc đẹp thật khỏi chê. Và thật sự là khi xem không ít bộ phim, khán giả cứ xuýt xoa vì cô diễn viên này hay anh diễn viên nọ quá đẹp. Từ đầu năm 2007 đến nay, trừ chút “xôn xao” với Tuyết nhiệt đới chọn diễn viên đẹp mà “hợp vai”, thì vẫn chưa có thêm bộ phim truyền hình nào khác được như vậy.

Diễn xuất đơn giản và một chiều xảy ra với khá nhiều diễn viên truyền hình hiện nay. Khi được biên kịch - đạo diễn “đo ni đóng giày” gần với ngoại hình, tính cách thật ngoài đời thì thành công chút ít, nhưng khi đa dạng tính cách và số phận nhân vật thì không tròn vai. Ngọc Quyên từng được khen khi đóng một vai phụ tính cách đanh đá, táo bạo trong phim Tuyết nhiệt đới, “thế mạnh” này được phát huy tối đa trong vai Ánh Nguyệt của Hoa dã quỳ, nhưng những đoạn diễn nội tâm thể hiện nỗi buồn đau, bất hạnh, day dứt thì cô nàng bị “đuối”.

Nửa đầu phim Ngọc Diệp thể hiện được hình ảnh một tiểu thư Mây Trắng hồn nhiên, trong sáng, nhưng nửa phần sau người xem chỉ nhớ rằng cô bé này thật đẹp, khóc vẫn rất đẹp. Ngọc Diệp không thể hiện được sự chuyển biến tâm lý khi Mây Trắng rơi vào trạng thái bất ổn khi biết được sự thật đau buồn về tấn bi kịch của gia đình mình. Còn cách diễn cứng nhắc, cùng cái kiểu “cau có” luôn hiển hiện trên gương mặt của Quách An An trong Xin lỗi tình yêu... càng khiến nhiều khán giả khó tin, một cô gái như Đan Thanh lại có hai anh chàng như Chánh Khiêm và Công Huy mê mệt đến thế! Chưa kể, so về “nhan sắc” rõ ràng Phi Hùng và Đức Tiến “trội” hơn hẳn.

Tận dụng các “tiểu xảo” như ăn mặc gợi cảm, kiểu cách đi đứng, trang điểm và phục sức đẹp... để khỏa lấp sự yếu kém về diễn xuất không hiếm trong giới diễn viên trẻ tay ngang hiện nay. Có những cảnh diễn viên và nhân vật trên phim khóc tức tưởi, đau khổ cùng cực... nhưng người xem phim lại bật cười, vì không cảm thấy xúc động khi nhìn biểu hiện của diễn viên trên màn ảnh, có khi lại vì chiếc áo mà cô diễn viên mặc quá gợi cảm, không phù hợp với hoàn cảnh.

Nhân vật chính diện Chánh Khiêm của Đức Tiến trong phim Xin lỗi tình yêu... thực sự không gây được chút ấn tượng nào về diễn xuất, so với những vai phản diện trước đây của anh. Có chăng chỉ là chất “manly” đã được khai thác triệt để qua hình ảnh một anh chàng đào hoa, đa tình... Nguyễn Phi Hùng (phim Xin lỗi tình yêu), Minh Đạt (phim Mùi ngò gai), Trung Dũng, Hứa Vĩ Văn (phim Ghen), Huy Khánh (phim Hoa dã quỳ, Ván cờ tình yêu)... cũng có vẻ “đi lùi” so với các vai diễn trước, bởi nhân vật quá mờ nhạt, không có đất để “dụng võ”.

Các ca sĩ trẻ đang được yêu thích của khán giả teen như Nguyên Vũ, Đoan Trang (phim Ghen), Thùy Lâm, Yến Trang (phim Hộ chiếu vào đời), Thanh Ngọc, Hoàng Hải, Mỹ Dung, Cao Thái Sơn (phim Nhật ký Vàng Anh) từng gây được chút “xôn xao” khi mới nhận vai, rồi “biến mất” khá nhanh theo các tập phim mà không tạo được “làn gió” mới nào, cũng chẳng để lại ấn tượng gì về diễn xuất. Thêm nữa, một số đạo diễn “sính” mượn tiếng của các người mẫu, hoa hậu, ca sĩ đã “cố ý” khai thác từ vẻ đẹp ngoại hình, chân dài đến những bộ cánh thời trang mà ít chăm chút đến chiều sâu của nhân vật...

Thay lời kết


Bộ phim Tôi là ngôi sao với câu chuyện chính xoay quanh vinh quang và cay đắng của các MC (thông qua talkshow Tôi là ngôi sao trong phim) sẽ phát sóng.

Năm 2006, dư luận quan tâm đến phim truyền hình Việt bằng một cái nhìn đầy thiện cảm cho những nỗ lực đột phá và học hỏi với hy vọng những nhà làm phim tăng tốc, có đề tài mới mẻ, hấp dẫn người xem.

Năm nay, số lượng phim, số nhà sản xuất và giờ phát sóng cho phim truyền hình, những điều kiện cần thiết để cho phim truyền hình phát triển, đều được cải thiện và tăng thêm khá nhiều. Công nhận chê nhiều thấy xót ruột thật! Nhưng có chê, có khen sôi nổi trên các diễn đàn, đó là dấu hiệu tốt, chứng tỏ rằng người xem đã quan tâm và xem phim Việt nhiều hơn. Có yêu, có quý thì mới để ý kỹ, săm xoi và “vạch lá tìm sâu”, với mong muốn những bộ phim sau sẽ hay hơn, tốt hơn.

Sau hàng loạt phim chỉ có lời chê, thời điểm này bộ phim Gọi giấc mơ về đang phát sóng trên HTV lại được các khán giả trẻ đón xem. Không nổi trội về nội dung hay diễn viên so với những bộ phim đã phát sóng trước đó, Gọi giấc mơ về ít ra là có câu chuyện, cách thể hiện và diễn xuất gần gũi với đa số khán giả teen.

Trung tuần tháng 10 tới, bộ phim Tôi là ngôi sao với câu chuyện chính xoay quanh vinh quang và cay đắng của các MC - những ngôi sao thực sự của truyền hình và thế giới nghệ sĩ (thông qua talkshow Tôi là ngôi sao trong phim) sẽ phát sóng. Phim có một dàn diễn viên rất “hot” với Quách An An, Đức Hải, Đức Tiến, Thanh Hằng... và một chiến dịch PR “độc chiêu”. Được “hưởng” những điều kiện cần thiết cho một phim thần tượng, nhưng liệu Tôi là ngôi sao có làm nên chuyện ?

Trong khi đó, một loạt phim đang và sắp quay như Acapella (đạo diễn Mỹ Khanh) mời 4 anh chàng của nhóm AC&M và một số người mẫu xinh đẹp, Kiều nữ và đại gia có diễn viên chính là ca sĩ Thùy Lâm, người mẫu Đinh Y Nhung; Đam mê (đạo diễn Đinh Đức Liêm) các diễn viên chính có Khương Ngọc, Cao Thái Sơn, Mỹ Uyên; Cô gái xấu xí (đạo diễn Nguyễn Minh Chung) với dàn diễn viên chính: Ngọc Hiệp, Chi Bảo, Bình Minh, Phi Thanh Vân, Minh Thuận; Bỗng dưng muốn khóc (đạo diễn vũ Ngọc Đãng) mời cặp nam nữ diễn viên đang ăn khách Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải... đều hướng tới đối tượng khán giả từ 16-30 tuổi.

Giấc mơ đẹp về những bộ phim truyền hình thật hay và đủ sức cạnh tranh với phim ngoại dường như vẫn phải chờ câu trả lời ở phía trước, ít nhất là trong thời điểm này.

Phúc Thiện - Ái Minh



(Theo Tin tuc Online)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Diễn viên Diễm Hương ngày ấy - bây giờ
Tiếng thơ ngâm bậc nhất nhì Hà Thành
Cải lương miền Tây Nam Bộ có thoi thóp hay không?
Trịnh Hội yêu Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhất ở lòng nhân
Nguyễn Huỳnh trắng tay vì ma túy
Minh Phụng: Một ngôi sao sân khấu cải lương đã tắt
NSƯT Minh Phụng từ trần
Đất nước đứng lên - một bộ phim giả tạo
Kiều Thanh chưa chán vai lẳng lơ
Nghệ sĩ Phùng Há và những cuộc tình buồn - Phần 2: Chuyện hợp tan và đoạn kết một cuộc tình
 
 
 
Thư viện hình