1. Hiện trạng
Gần hai thập kỷ kể từ ngày Liên Xô tan rã, khoảng trống của văn học Việt Nam hiện lên rất rõ trên văn đàn Nga
Số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và công bố tại Maxcơva cũng như các thành phố khác chỉ được đếm bằng các ngón tay trên đầu một bàn tay. Không kể các bài khảo cứu, giới thiệu rải rác trên các báo và tạp chí, các tác phẩm dịch được công bố, xuất hiện hết sức khiêm tốn với số lượng không đáng kể mang tính lưu hành nội bộ. Tuy nhiên, dù ít ỏi nhưng nó cũng vô cùng đáng quý trong bối cảnh hiện nay. Đó là các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, bộ “Đại việt sử ký toàn thư” được các chuyên gia tại Viện IXXA và Trung tâm Việt Nam học thuộc trường ĐH Tổng hợp Maxcơva cho dịch và ấn hành. Ngoài ra cũng có thể kể đến các bài nghiên cứu về văn học Việt Nam được chen chân vào trong các sách nghiên cứu về văn hoá, lịch sử và du lịch Việt Nam; hoặc trong các chuyên luận thuộc khoa Phương Đông trường Đại Học Xanh-Peterburg, khoa Phương Đông trường đại học Tổng hợp Vladivostok, khoa tiếng Việt trường MGIMO và đặc biệt là Viện nghiên cứu Á Phi thuộc trường đại học Tổng hợp Maxcơva mang tên Lomonoxov
Những nhà Việt Nam học gạo cội đã nhiều năm gắn bó với Việt Nam, dành toàn bộ tâm huyết cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam như GS.TS Nhikulin, nhà văn - dịch giả Tkachov, dịch giả Antokonxki, nhà nghiên cứu Nubarov…đều đã quá cố. Còn các nhà Việt Nam học nổi tiếng như Kobelep, Xokolov… đều hướng về việc nghiên cứu lịch sử, điện ảnh và nghệ thuật. Đa phần những nhà nghiên cứu Việt Nam khác đang còn lại đều chuyên tâm vào việc giảng dạy tiếng Việt. Số lượng học sinh học tiếng Việt ở thời điểm này so với năm 1980 còn lại khoảng một phần tư; lúc ra trường họ chưa có đủ bề dày về thời gian, chưa có đủ điều kiện và sự từng trải trong nghề để dịch văn học Việt
Cuốn “Từ điển Nga- Việt” hai tập được in lần đầu tiên năm 1977 với số lượng ban đầu là 50 ngàn cuốn, sau đó được tái bản hai lần. Đến lần tái bản thứ ba chỉ còn số lượng 1000 cuốn, nhưng sức tiêu thụ hết sức chậm chạp. Còn cuốn “Từ điển Việt Nga” cũng không mấy khả quan hơn. Điều đó nói lên rằng mối quan tâm việc sử dụng tiếng Nga và tiếng Việt của học giả hai nước là đáng quan ngại.
Các cuộc hội thảo về Việt Nam học mang tính quốc tế trong hai chục năm qua được diễn ra hai lần, đó là Euro Việt lần thứ 5 tổ chức tại Xanh- Peterburg và Euro Việt lần thứ 6 tổ chức tại Hamburg cũng dừng lại ở mức gặp gỡ, trao đổi, in kỷ yếu và dự thảo phương hướng.
Từ năm 2002, nhân các Ngày văn hoá Việt Nam, ngày Văn hoá Hà nội, XUNHASABA và Tổng công ty Phát hành sách Hà Nội đều tham gia các hội chợ triển lãm sách Việt Nam ở Nga, nhưng những ấn phẩm được đưa sang triển lãm 100% được in bằng tiếng Việt chỉ phục vụ cộng đồng Việt và một số rất ít độc giả Nga biết tiếng Việt. Nó mang tính chất quảng bá , trưng bày ấn phẩm xuất bản.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: Châu Hồng Thuỷ
Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga là một Hội mang tính chất nghề nghiệp có nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả tên tuổi, song những tác phẩm của họ đều được viết bằng tiếng mẹ đẻ, các tác phẩm dịch đều được chuyển ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt, có thể nói vắn tắt là hàng Việt phục vụ người Việt.
Cùng với sự vắng bóng của điện ảnh và các tác phẩm nghệ thuật; cùng với việc các phương tiện truyền thông phản ánh một cách hãn hữu về Việt Nam, việc chuyển tải hình ảnh dân tộc, nhân dân Viêt Nam sang Liên bang Nga là hết sức hạn chế; nó càng tạo nên sự trống vắng của nền Văn học Việt giữa văn đàn Nga. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, độc giả Nga sẽ khó lòng biết đến một điều là trên thế giới này, ngoài những nền văn học khác còn có một nền văn học có bề dày hàng ngàn năm lịch sử là văn học Việt nam.
2. Thử tìm nguyên nhân
Thực ra văn học Việt Nam đã có một thời vang bóng trên văn đàn Nga. Vào những năm thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước, rất nhiều tác phẩm văn học bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết của các tác giả Việt Nam được dịch và giới thiệu ở Liên Xô với số lượng vài chục nghìn bản. Thời đó nhân dân Liên Xô, cả nhân dân Nga và các nước cộng hoà đều hiểu công cuộc vệ quốc và kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta qua điện ảnh, báo chí, truyền hình và đặc biệt là văn học. Các tác giả Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ, Xuân Quỳnh… khá trở nên quen thuộc với các độc giả Xô Viết. Nhưng đó là câu chuyện của ba mươi năm trước
Có nhiều nguyên nhân để lý giải hiện trạng này. Nhưng theo ý chúng tôi, việc sụp đổ của Liên bang Xô viết đã kéo theo cả dây chuyền với một loạt sự biến. Có thể dẫn lời Lev Tolxtoi trong tác phẩm Anakarernina là “tất cả đều bị đảo lộn và đang được sắp xếp lại”
Ngân sách đầu tư cho việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng nước ngoài và văn học nước ngoài sau khi Liên Xô sụp đổ đều nằm ở chỉ số thấp nhất. Việc mua sách báo từ các nước sang trong đó có Việt Nam của các thư viện, các trung tâm nghiên cứu đều chấm dứt. Những nhà nghiên cứu Văn học Việt Nam không có tác phẩm mới; đầu tư công sức dịch ra không được xuất bản; còn việc bỏ tiền ra xuất bản văn học Việt Nam là vô kế khả thi. Nhà văn dịch giả Tkachov đã dành rất nhiều năm để dịch những tác phẩm văn học cổ và văn học nôm Việt Nam tiêu biểu nhưng không có tiền để in ra. Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nga cũng đã thử sức nhiều lần xin tài trợ in ấn, nhưng những quyển sách của ông dịch vẫn chỉ nằm ở dạng bản thảo vì không tìm được nhà hảo tâm tài trợ. Còn các dịch giả khác thì lượng sức mình, không đủ điều kiện để bỏ công dịch một tác phẩm Việt Nam sang tiếng Nga nên họ chỉ đọc hoặc mức cao hơn là viết một bài phê bình giới thiệu điểm sách.
Rõ ràng là chúng ta chưa hề có một chính sách đầu tư, tạo ra các hợp đồng in ấn, thậm chí là xuất bản bù lỗ để các dịch giả Nga yên tâm và tin tưởng vào việc dịch và công bố Văn học Việt Nam. Trong lúc tại Nga các nước như Thái Lan, Indonexia, Nam Triều tiên và nhất là Trung Quốc có hàng loạt tác phẩm từ cổ điển đến đương đại được dịch và in ra với số lượng rất lớn thì chúng ta, kể cả những tác phẩm ưu tú nhất cũng chưa tìm cách để cất lên tiếng nói ở nước Nga. Theo chúng tôi được biết các dịch giả Nga khi dịch tác phẩm của các nước khác ra tiếng Nga đều được tạo mọi điều kiện về kinh phí, đi thực địa và những sự hỗ trợ khác. Chúng ta chỉ dành ra các cuộc thăm viếng xã giao cho các cán bộ quản lý, còn các nhà chuyên môn thì có thể nói thẳng ra rằng chưa hề được đầu tư. Một ví dụ rõ ràng nhất cách đây hai năm, khi tập nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được nhiều nước đầu tư dịch và xuất bản kịp thời, thì ở Nga, mảnh đất liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm nhắc đến rất nhiều trong tập nhật ký cũng không được một ai quan tâm tới.
Những người nghiên cứu, giảng dạy, học tập tiếng Việt không còn nhiều lắm cũng chỉ làm việc theo một quán tính, một sức đẩy còn sót lại từ thời Xô viết. Số lượng sinh viên Nga theo học tiếng Việt vừa ít đi, vừa chất lượng không cao do điều kiện học tập và phương thức đào tạo. Họ học tiếng Việt chủ yếu sau này ra phục vụ cho một công ty kinh doanh sử dụng tiếng Việt Nam, không ai mặn mà gì với việc tiếp tục nghiên cứu, dịch thuật tiếng Việt. Ví dụ, một nghiên cứu sinh người Nga xuất sắc thời sinh viên đã dũng cảm nhận đề tài về “Vũ trung tuỳ bút” của Phạm Đình Hổ, sau khi nhận bằng thì bỏ sang làm ở Việt Xô Petro, nơi có nhiều hứa hẹn.

Nhà Việt Nam học Rermatruc tham luận tại cuộc gặp gỡ các nhà Việt Nam học do ĐSQ Việt Nam tại LB Nga tổ chức 2008. Ảnh: Châu Hồng Thuỷ
Cơ chế xuất bản ở Nga từ năm 1994 đến nay là cơ chế tư nhân. Các nhà xuất bản chủ yếu hướng tới mục đích kinh doanh, họ chọn các tác phẩm nổi tiếng ở phương tây, những tác phẩm ăn khách, những tác phẩm được giải để dịch. Phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa có hoặc hiếm những tác phẩm như vậy. Văn học Việt Nam thiếu những tác phẩm lọt vào tầm mắt của họ. Đó cũng là lý do để giải thích tại sao trên các quầy sách văn học của nước Nga hầu như không có các tác phẩm văn học Việt Nam
Đã có nhiều cuộc họp của các cơ quan văn học lúc này, lúc khác đề cập tới việc truyền bá văn học Việt Nam sang nước ngoài nói chung và sang Nga nói riêng, nhưng đó cũng chỉ là ý tưởng.
Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên Bang Nga với mười lăm năm tồn tại đã có công rất lớn trong việc truyền bá văn học Việt Nam, văn hoá Việt Nam cho cộng đồng người Việt tại Nga và các nước khác. Những nhà văn nhà thơ và các dịch giả trong hội cũng từng đề xuất ra việc giới thiệu một số tác phẩm văn học Việt Nam đặc sắc cho công chúng văn học Nga. Nhưng Hội lực bất tòng tâm, thiếu đủ mọi điều kiện, trong đó điều kiên tiên quyết nhất là kinh phí. Những dự định này chỉ mới kịp đưa ra đã nhanh chóng lụi tàn.
Tại Maxcơva, hai năm qua có một số cuộc giao lưu với những nhà văn, nhà thơ, nhà báo nói tiếng Việt. Họ là những người có trình độ, có sự quan tâm đặc biệt tới Văn học Việt Nam. Tuy nhiên để giới thiệu một tác phẩm văn học Việt Nam trong bối cảnh bây giờ ở nước Nga, nếu không được đầu tư kinh phí dịch, xuất bản, phát hành sẽ biến thành điều không tưởng.
Khoa tiếng Việt của Viện Á Phi thuộc trường đại học Tổng hợp Maxcơva có một hình thức giới thiệu được đưa vào giảng dạy, đó là việc các giáo viên tiếng Việt yêu cầu sinh viên trích dịch những đoạn tác phẩm ra tiếng Nga, chọn những bản dịch xuất sắc in vào kỷ yếu. Nhưng cách này thực chất nó chỉ dừng lại trong phạm vi giảng đường, không đến được với công chúng rộng rãi.
Trên đây là những nguyên nhân giúp chúng ta hiểu rằng vì sao khoảng trống của văn học Việt Nam tồn tại từ rất lâu trên văn đàn Nga mà vẫn chưa hề san lấp được
3. Đâu là giải pháp
Nếu chúng ta có một mong muốn, một sự thôi thúc chính đáng là tiếp tục truyền thống thời Xô viết, truyền bá văn học Việt Nam, đưa văn học Việt Nam đến với công chúng Nga, buộc lòng chúng ta phải có một cách tư duy mới. Công cuộc hội nhập ngoài việc đầu tư, ngoài việc xuất khẩu hàng hoá, còn phải xuất khẩu văn hóa. Nền văn học viết Việt Nam có một vị trí rất đáng tự hào, không thua kém bất cứ một nền văn học nào ở Đông Nam Á. Vấn đề là chúng ta phải có một sự hoạch định, một sự đầu tư thích đáng. Trước hết phải có sự chỉ đạo thiết thực, không chung chung, không cần những lời lẽ đại ngôn mà đi sâu vào biện pháp. Chỉ cần mỗi năm chúng ta xuất bản được vài ba đầu sách có giá trị, thì chỉ trong vòng năm năm, sự trống vắng của văn học chúng ta trên văn đàn Nga sẽ được khoả lấp
Chắc chúng ta ai cũng nhớ rằng, từ năm 1963, Liên Xô rất chú trọng tới việc truyền bá nền văn học Xô Viết ra nước ngoài. Để thực hiện điều này, nhà xuất bản Tiếng Nga, nhà xuất bản Cầu Vồng, nhà xuất bản Thế Giới Mới đã bỏ ra ngân sách rất lớn không chỉ dịch những tác phẩm có hiện đại có giá trị mà còn dịch những tác phẩm cổ điển, những tác phẩm văn học dân gian ra nhiều thứ tiếng trên thế giới với số lượng cực lớn. Nhờ sự đầu tư thích đáng này, nền văn học Nga được nhiều dân tộc biết đến. Chủ nghĩa anh hùng Xô viết, tính cách Nga, những phẩm cách tuyệt vời của nhân dân Nga được phản ánh trong văn học Nga đã đến với bạn đọc khắp năm châu. Ở Việt Nam, có thể nói không một tác phẩm ưu tú nào của nền văn học Nga và nền Văn học Xô Viết lại không được dịch thuật, quảng bá và đưa vào giảng dạy, nhờ vậy văn học Nga có một vị thế xứng đáng trên văn đàn văn học chúng ta.
Như vậy, rõ ràng là chúng ta muốn quảng bá nền văn học Việt Nam sang Nga thì phải có một sự đầu tư đúng mức. Sự đầu tư này phải biết bỏ qua những sự cân đong đo đếm về kinh tế, nói đúng hơn là phải chịu lỗ, để chúng ta có được những sự thu hoạch về văn hoá. Chúng ta phải chọn những tác phẩm tiêu biểu trong văn học cổ điển, văn học cận đại, văn học đương đại dịch ra tiếng Nga một cách có hệ thống. Có thế, những người Nga hôm nay mới biết được bề dày về lịch sử giữ nước của dân tộc ta, biết được những giá trị và tinh hoa của dân tộc Việt. Điều này khó có một loại hình nghệ thuật nào thay thế được văn học. Nếu chúng ta không mạnh dạn, không có tầm nhìn một cách dài lâu chúng tôi tin chắc rằng hình ảnh Việt Nam khó được nhìn nhận một cách hài hoà và rõ nét đối với thế hệ trẻ nước Nga hiện nay.
Vấn đề tiếp theo là đào tạo. Hiện nay, chúng ta đã, đang và sẽ có những dịch giả xuất sắc sử dụng tiếng Anh, tiếng Trung Hoa, tiếng Pháp. Nhưng những dịch giả tiếng Nga đang dần dần mai một bởi cách tư duy hết sức lệch lạc, cho rằng tiếng Nga đã không còn vị thế. Đây là một quan niệm sai lầm, vì đối với thế giới văn minh, nước Nga luôn là một cường quốc văn hóa. Vì vậy vấn đề đào tạo, củng cố một thế hệ sinh viên mới yêu tiếng Nga, có trình độ tiếng Nga, đáp ứng được những yêu cầu cấp bách trong xã hội là một việc vô cùng cần thiết. Những dịch giả tương lai này sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt, mất cân đối mà trong hai thập kỷ qua chúng ta đã mắc phải.
Còn ở Nga, Viện nghiên cứu Á Phi thuộc trường đại học Tổng hợp Maxcova là nơi nghiên cứu về Phương Đông có uy tín nhất. Tại đây có bộ môn tiếng Việt, có trung tâm Việt Nam học. Kinh phí dành cho bộ môn tiếng Việt là vô cùng thấp. Chỉ một bộ phận rất nhỏ sinh viên học tiếng Việt là được đi thực tập tại Việt Nam; sách báo và các phương tiện học tập tiếng Việt rất nghèo nàn. Trong khi đó các bộ môn khác, sinh viên được đi thực tập thường niên, được hỗ trợ rất nhiều. Điều này là một lý do làm giảm đi lòng say mê học tiếng Việt của sinh viên. Đã vậy khi tốt nghiệp số sinh viên học tiếng Việt rất khó kiếm được việc làm, chỉ một số ít may mắn được nhận vào một công ty nào đó sử dụng tiếng Việt. Còn Trung tâm Việt Nam học, thời thịnh vượng nhất, năm 2000 đến 2004 nhờ sự hỗ trợ của một số Trung tâm Thương mại người Việt tại Nga, họ mới có những hoạt động dịch thuật, nghiên cứu, in ấn. Còn từ bấy đến nay nó rất khó hoạt động với lý do là không có kinh phí. Điều này rất đáng để cho những cán bộ lãnh đạo có tiếng nói quyết định về mặt ngân sách, tài chính suy nghĩ.
Chúng tôi được biết trong khuôn khổ festival Nguyễn Du – Puskin, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đang được xúc tiến dịch ra tiếng Nga. Đây là một việc làm hơi muộn nhưng đầy ý nghĩa. Không lẽ gì một quyển kinh Dịch của Việt Nam như Truyện Kiều đã từng được dịch và in ra khắp ba mốt nước trên thế giới lại chưa được giới thiệu bằng tiếng Nga. Chương trình Festival Nguyễn Du – Puskin sẽ tổ chức một cuộc thi lớn để tìm hiểu Nguyễn Du tại Nga, Puskin tại Việt Nam là một trong những hoạt động rất thiết thực đối với việc quảng bá, giao lưu văn học.
Trên đây là một số ý kiến mang tính chất đóng góp. Chúng tôi hy vọng khoảng trống của văn học Việt Nam sẽ được bồi đắp bằng những quyết định đúng đắn, bằng sự nỗ lực và đóng góp của những dịch giả Nga tâm huyết với văn học Việt Nam.
NHH