Vài nét về tác giả: Tên thật Đặng Hữu Trung. Các bút danh khác: Đặng Hiếu Trung, Hiếu Trung, Hồng Lĩnh, La Hồng. Sinh năm Kỷ Sửu tại Hà Tĩnh.Tốt nghiệp Đại học và bảo vệ Tiến sỹ tại Ba Lan. 1973-83: Cán bộ giảng dạy Bộ môn Địa Vật lý, Khoa Dầu khí, ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội.1983-97: Công tác tại Bộ ĐH và THCN (nay là Bộ GD-ĐT). 1997 lại nay: Công tác tại Ban CSĐNN. Đã công tác tại các Đại sứ quán VN ở Ba Lan, Hoa Kỳ và hiện là Tham tán ĐSQ VN tại LB Nga. Thơ tuyển trong: Việt Nam quê hương tôi, NXB Văn học, Hà Nội, 2000.Thơ đăng ở các báo: Văn Nghệ , Nhân Dân Cuối tuần, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Quê Hương.CZ và trên các Tạp chí: “Đất nước”, “Người Bạn đường”, Đoàn Kết”, VTV4 Online.

Nhà thơ Đặng Hữu Trung. Ảnh: Châu Hồng Thuỷ
LỜI TỪ BIỆT
Từ biệt nhé!
Vác-sa-va, từ biệt!
Tiếng còi hú, cánh cửa tàu đã khép
Đưa ta về với Tổ quốc, quê hương.
Chào thầy cô, chào bè bạn thân thương
Chào Ba Lan và chào tất cả!
Dầu đã hẹn, mà vẫn xao xuyến lạ
Con tàu đi, lòng neo lại mái trường.
Bao kỷ niệm ngọt ngào tuổi trẻ sinh viên
Hoa nở sang Xuân, Đông dày băng tuyết
Người bạn gái mái tóc vàng, mắt biếc
Lòng thầm mơ, chưa dám ngỏ một lần.
Những con đường, phố cổ tiếng chuông ngân
Trên mặt nước Vít-xoa(1)dào dạt sóng
Cả điệu kèn Nhà thờ Maria(2)lay động
Nhắc nhở Cố đô(3) một thiên sử bi hùng.
Vang muôn đời những bản nhạc Sô-panh(4)
Văng vẳng vần thơ Mi-skiê-vich(5)
Bao thế kỷ thăng trầm, Quo Vadis ?(6)
Tôi biết, xa rồi sẽ nhớ lắm, không quên!
Tàu rời ga mang nặng nỗi niềm riêng
Ở phía trước là chân trời quê mẹ.
Sẽ trở lại, nơi in dấu một thời tuổi trẻ
Hàng bạch dương dần khuất phía lưng đồi.
Ba Lan, tháng 3.1973
(1). Sông Vít-xoa (Wisla): Còn gọi Vistula chảy qua Kraków, Warszawa.
(2). Hàng ngày, đúng 12 giờ trưa, trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Mẹ Maria ở Kraków lại có người đứng ra thổi kèn (Heynal Mariacki), song tiếng kèn đang ngân vang thì bị ngắt sau một phút mới được nghe tiếp (phỏng theo truyền thuyết, vào năm 1241 Kraków bị quân Tacta (Mông Cổ) tấn công, người lính đang thổi kèn báo hiệu để đóng cửa thành bị giặc bắn vào cổ nên không thể thổi hết hồi kèn).
(3). Thành phố Kraków (nơi tôi học đại học) là cố đô của Ba Lan (1038-1596), có nhiều di tích lịch sử và nhà thờ lớn, lộng lẫy, đẹp nhất nhì châu Âu
(4). Quo Vadis (Ngài đi đâu): Cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng (xuất bản năm 1895) của Henryk Sienkiewicz (1846-1916), nhà văn Ba Lan được giải Nobel 1905.
(5). Adam Mickiewicz (1789-1855): Đại thi hào của Ba Lan.
(6). F. Sopanh (1810-1849): Nhạc sĩ thiên tài của Ba Lan, danh nhân văn hóa thế giới.

Mùa thu 2009 ."Một ít vàng trong nắng trong cây" - Ảnh tác giả cung cấp.
DÒNG SÔNG THƯƠNG NHỚ
Em ơi, dòng sông La
Xanh xanh như giải lụa
Ánh chiều buông sóng vỗ
Xao xuyến cả đôi bờ.
Ơi sông La, sông La!
Dù bão tố phong ba
Dù bom rơi đạn nổ
Vẫn trong mát, hiền hòa.
Trải đôi bờ phù sa
Mùa lúa, ngô trĩu hạt
Lưới chài khua khoan nhặt
Thuyền xuôi mái, triều lên.
Ơi câu ca ví dặm,
Điệu phường vải, đò đưa
Mang khí thiêng sông núi
Nguồn mạch những hồn thơ.
Em ơi, dòng sông La
Bao dung như lòng mẹ
Vẫn lặng lẽ âm thầm
Ngàn năm xuôi về bể.
Ơi sông La, sông La!
Ơi con sông Xứ Nghệ
Dù chân trời, góc bể
Vẫn chảy giữa lòng ta.
Em ơi, người sông La
Mong nhớ người đi xa
Như sông dài thương nhớ
Như mối tình đôi ta!
Hà Tĩnh - Vácsava, Thu 1995
BỨC TƯỜNG TƯỞNG NIỆM
Hai bức tường đá cẩm thạch đen*
Trong công viên không xa tòa Bạch Ốc
Trên mặt tường chi chít những hàng tên
Tưởng niệm vong hồn người đã khuất.
Chiều cuối Thu nắng nhòa nhạt tắt
Không gian vàng xao xác lá bay
Giữa lặng lẽ, trang nghiêm, cô tịch
Bao bàn chân dừng lại trước nơi này
Có cụ già chống gậy đến tìm con
Có người mẹ tay run lần hàng chữ
Người vợ góa mắt đỏ hoe, nức nở
Bên đứa con, chưa thấy bố bao giờ…
Dòng lịch sử mãi trôi về phía trước
Lửa chiến tranh tàn nguội ở đằng sau
Giá không có mưu đồ xâm lược
Thì chẳng còn những bức tường chữ -V- ngược
thế này đâu!
Washington, DC., Thu 2004
* Bức tường bằng đá đen hình chữ V ngược tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Oa-sinh-tơn Hoa Kỳ (Vietnam Veteran’s Memorial Wall) cao 3 m, dài 75m mỗi bên, khắc tên hơn 58200 lính Mỹ chết hoặc mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Nhà thơ Đặng Hữu Trung trong rừng cây ngoại ô thành phố Tver. Ảnh: Châu Hồng Thuỷ
MẸ ƠI
Mẹ sinh con nơi quê nghèo, đất khát
Chắt chiu từng hạt gạo nuôi con
Gánh rau lang phiên Chợ Cày, Chợ Gát
Mấy mươi năm, chân cứng, đá mòn
Con lớn lên theo dòng đời xuôi ngược
Khi đó đây, khi phiêu bạt xứ người
Bưng bát cơm ngồi nghẹn lòng nhớ mẹ
Có ai bên, lúc“trái gió trở trời” ?
Nay con về mái nhà tranh vắng mẹ
Một nấm mồ trên cát trắng mênh mông
Có phải gió mang linh hồn Mẹ
Thành khói hương man mác thổi trên đồng?
Tiết tháng ba, mưa phùn nhòa lệ
Người đi về í ới buổi chợ phiên
Da diết lòng con thương nhớ Mẹ
Gánh rau lang, chân cứng, đá mềm…
Washington DC - Hà Tĩnh, tiết Thanh Minh 2005
Đ.H.T