Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 17:48 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1697309
Tin tức > Nghiên cứu-Phê bình-Chân dung > Xem nội dung bản tin
Thơ là để sống mới
[30.08.2009 01:51]
Xem hình

Nguyễn Văn Thọ

Cầm một tập thơ của một người đã khuất, nhờ bạn bè, hôm nay nó thành tập sách trên tay, không chỉ còn sức nặng vật lí. Từ tay bạn văn Thuỵ Anh - một người đại diện cho Hội VHNT Việt Nam tại liên bang Nga - những người Việt xa xứ tặng cho, tập thơ Võ Thị Thu Trang trở nên trĩu nặng, níu tôi suốt hai đêm.


Võ Thị Thu Trang đến với nhân gian ngày 6, tháng 6, xa lìa bạn bè nhằm ngày 6. Tháng 4. Ở Châu Âu, đây khoảnh thời gian đẹp nhất trong năm. Tháng 4 mới là thời khắc chạm xuân, những đọt hoa Forsitchia tách ra khỏi thân cây, những đoá hoa xuyên tuyết (Snouwdaop) đầu tiên chọc qua tuyết bỏng... Một người sinh ra, diễn tiến sinh - bệnh - lão - tử, đấy là quy luật chung. Và, có thể mất đi không dấu vết, còn những thi sĩ, dù mất rất trẻ, vẫn để lại, hôm nay là thơ Trang, cho chúng ta, rất nhiều người chưa từng gặp chị, biết có một con người trên cõi nhân gian này, tên là Võ Thu Trang, sinh ra ở Quảng Bình, đã sống và yêu sống ra sao. Chúng ta có thể thấy từ tập thơ hôm nay Một mùa Trang vẫn đang cựa quậy, như thể mùa xuân vẫn sinh sôi ở tấm lòng người yêu thơ và cuộc sống.

1

Sau năm 1975, lịch sử sinh ra, có một dòng văn học tiếng Việt ngoài Việt Nam. Cho tới tận hôm nay, thơ và văn của nhiều người trong họ, vẫn là tiếng thở dài bi luỵ, buốt thót lạnh, bay tới tận đỉnh trời xanh. Những sáng tác văn học như vậy, ngay ở các nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam như Du Tử Lê, muốn thoát ra cũng phải lâu lắm. Thơ ấy, văn đấy… dầu nói lên một phần nhớ nước thương nòi, song cũng là dạng hết sức cá nhân, tiếc thương dĩ vãng. Nó làm thoả mãn cái tôi dừng lại, và như vậy, tôi cho rằng, nó không giúp gì cho cộng đồng hay phản ảnh tâm hồn cộng đồng, cái hồn của Cuộc sống vốn luôn cuồn cuộn chảy. Cái tâm hồn đang quẫy đạp trong đời sống cuồn cuộn, đấy mới là cái Tôi nhân loại!



Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đọc bài viết về thơ VTTT ngày 28/8 tại TTVHNNĐT. Ảnh: Nguyễn Anh Nông

Xa nước hai chục năm, thơ trong tập thơ Khoảng trời xưa hầu hết sáng tác ở nước Nga xa xôi, cũng có khi nhớ nhà vời vợi, nhưng Trang là số ít người thoát nhanh ra cái Tôi dĩ vãng, cố quốc nói trên. Buồn đấy. Song chỉ là sự nhớ thương, không phải tới tan nát, lệ chảy sùi sụt như nhiều bài thơ di dân khác:  Chiều nay ra phố một mình/ bâng khuâng nhìn giải mây Tần xa xa./Quê nhà xuân mới đơm hoa/Quê người đang độ la đà tuyết rơi…(Bâng khuâng)

164 bài thơ của Võ Thị Thu Trang là những nốt khắc của một mùa sinh sôi Võ Thị Thu Trang. Ở trong đó, những nốt nhạc thầm kín trong tâm hồn một người đầy nữ tính ngày ngày hồn hậu rung lên, rồi lan ra làm trái tim bè bạn xốn xang. Dù khi cô viết về mùa nao, về sông, về hoa, về cha hay về mẹ….hay về tình yêu, lẫn cái chết, thì thơ của Trang vẫn ăm ắp sự suy cảm để sống chứ không để tàn lụi. Năm 2004, khi Trang ý thức được tình trạng sức khoẻ, cô nói chuyện với Thần chết. Cuộc đối thoại sòng phẳng mà không thấy sự run rẩy đớn hèn.  Thần chết trong nhân gian thực đáng sợ, còn với Trang, lão ta thật thảm hại: Xó đường thần chết ngồi/ Vắng vẻ người qua lại/ Đất trời đang vào xuân/ Mọi người vui trẩy hội. Và cô nói: Thần chết ơi – chờ nhé/ Ta còn năm mươi năm/ Con ta mà lớn khôn/ Được phép ta- người đến.

Cái nhìn về cuộc sống, cần những con người luôn là cái nhìn đi tới, đứng dậy trên đôi chân của mình, chiến thắng cả định mệnh.  Trang viết: Đấu tranh cùng bệnh tật/ không một chút ngã lòng/ Hôm nay còn mùa đông/ Nhưng mai là nắng ấm. Tôi nghĩ, những bài thơ như vậy, hay tương tự như vậy trong tập, ở nhiều thể tài khác nhau, sinh ra, là Tinh thần chủ đạo trong thơ Trang. Nó không chỉ cho riêng tôi, nó có thể cho ai đó cùng cảnh ngộ. Giống như khi Trịnh Công Sơn viết: Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, ấy là khi ấy ông viết cho riêng ông, nhưng khi tới bạn đọc, nó đã giúp ít ra người viết dòng này, và triệu triệu con người, cảm thấy cần phải vượt lên trên hoàn cảnh mà vui sống.

Đọc Trang, tôi chợt nhớ tới cố thi sĩ Bế Kiến Quốc, nhớ tới hoạ sĩ Trịnh Long, người bị liệt hoàn toàn vẫn vẽ những bức tranh đầy mơ ước khát vọng. Bế Kiến Quốc gần tới năm ra đi, cho tôi đọc một bài thơ đã lâu, linh ứng viết: Tôi phải đi khi một ngày đã tận/ Yêu đã xong ân oán cũng xong rồi…../ Có thương tiếc xin đừng thương tiếc quá/ Buồn đủ buồn như mọi cuộc chia li…

Thật ra, cuộc sống của các thi sĩ, nhà văn hay người làm nghệ thuật nói chung, dù tài giỏi tới đâu, cũng có khi rơi vào những hoàn cảnh nghiệt ngã. Đi hết cái Tôi trong lòng, khi anh bứt lên, thì tới với vạn vạn cái tôi bè bạn và có thể chạm tới cái Tôi nhân loại. Sự hội nhập văn minh thế giới hôm nay cần điều ấy, nó là giao thoa của văn hoá nhiều sắc tộc.

Nhìn chung giá trị tư tưởng thơ  Võ Thị Thu Trang là vượt lên mà yêu sống. Nó tràn ngập lấp lánh, rất rõ trong nhiều bài thơ và câu thơ, như: Người con gái có đôi mắt buồn/ Nhìn vào đâu trong chiều đang đến/ Cô muốn như cánh chim lao vào đau đớn/ Để có thể lời ca trong vút ngọt ngào

Hay ngay cả khi nằm viện tại Moscou, người đàn bà kế cận tử thần, vẫn  nói với chồng: Rồi chúng mình sẽ có vạn ngày xuân/Tay trong tay vui hồng trào hạnh phúc/ Anh yêu Em mà thêm phần nghị lực/ Em yêu Anh chiến thắng mọi niềm đau.

Toàn tập thơ 164 bài thơ có thể tìm thấy nhiều ý tứ như vậy. Nó từng ngày một, khắc hoạ một niềm riêng mà vẫn vượt lên vui sống. Ở một nghĩa nào đó, thơ là để sống mới, dù nó là cõi riêng, hướng nội, song trong sự lan toả nó có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

2

Hơn một thập kỉ qua, nhiều người làm thơ trong nước và nước ngoài vẫn cố đi tìm một hình thức mới cho thơ. Những cụm từ như Tân hình thức, Hậu hiện đại có tháng và tuần được nhắc liên tục, kể cả trên báo Văn nghệ trẻ. Song thật đáng buồn là rất ít người tới được thơ, trên con đường tìm kiếm mà hình thức là bước dạo đầu tiên. Hiện tượng Vi Thuỳ Linh thực chất sự thành công không phải trong sự đi tìm hình thức là bước đầu tiên, mà cho tới nay, thơ Linh vẫn nóng và mới nhờ cái cảm xúc vô bờ dào dạt chảy ra của Linh. Thơ của Võ Thị Thu Trang, hầu hết được diễn tả, như đồng nghiệp Thuỵ Anh, cũng là người sống ở Liên bang Nga nhận xét: chất liệu trong thơ chị vẫn là cuộc đời chị… Chị không tìm kiếm cho mình một giọng thơ mới lạ, không lên gân, không tìm tòi câu chữ mới…

Người đọc có thể sẽ đồng ý với ý kiến của ThụyAnh khi đọc 164 bài thơ tuyển chọn của Võ Thị Thu Trang. Nhưng cũng nhận ra rằng, hồn hậu và đầy nữ tính, dù không lên gân câu chữ, là hình thức biểu hiện rất rõ ở thơ Trang. Nhưng cũng thấy ở đây, một thế hệ đàn bà trí tuệ. Như Đỗ Bạch Mai, hôm nào viết, làm nhà thơ đàn anh Phạm Tiến Duật giật mình: Người đàn bà diệu kì bằng trái tim minh triết đã tạo ra tình yêu lẽ phải, niềm vui/ Chị đã yêu từ một ngàn đêm trước hay chỉ yêu từ đêm ngàn lẻ hai… Người đàn bà dẫn dắt người đàn ông đi qua đêm tối bằng trái tim minh triết… thì ở Trang, nữ chủ nhân của những câu thơ: Giấc mộng Nam Kha trôi trong chật hẹp/ Em tháo tung để rộng lối anh về/ Cả loài người đang ngụp lặn đê mê/ Vì có anh, em bỗng nhiên sáng suốt. Xin nhớ rằng, chủ nhân câu thơ trên, trước đó dõng dạc tuyên ngôn: Em làm thơ cho sắc đẹp cúi đầu! Tôi cho rằng, đây cũng là cách nói trí tuệ, minh triết một cách kín đáo hơn của những người phụ nữ xác lập vị trí của họ.

Đọc thơ Trang, khá nhiều bài chữ nghĩa cô quánh và sự quan sát tinh tế. Bài Không đề 5, viết: khi Nghe gió mùa se se lạnh/ Thổi ngang qua những vầng trán buồn…Thương mẹ lưng còng đi cấy/ Giẻ mạ loang bùn se tay…Có ai chia sẻ với Trang không? Gió mùa se se thổi làm khô ngay bùn trên tay mẹ và trên giẻ mạ, mẹ cấy xuống bùn ruộng lạnh mà thương.

Thơ trước hết phải tải cái tình. Nó phải từ trong nhịp đập hôi hổi ở trái tim con người mới có sức lan toả tới trái tim bạn đọc, và như thế có thể có những bài chưa hay nhưng có những câu thơ lơ ngơ hay, nâng đỡ cứu rỗi được cả bài thơ:

- Một người không có tuổi/ lòng sông làm viên đá cuội… ( Ảo giác)
-Em nhớ anh như hổ buồn nhớ núi/ Như bướm ong nhớ mật ngọt mùa say…( Em nhớ anh)

-Enh thương anh người đàn ông khờ dại
Anh thương em cũng thế dại khờ( Anh và em)

-Dẫu thiên thần cũng sống một vòng đời…/Một hai người đó tiếc thương tôi (Tự trào)

Trong cả tập thơ 164 bài của VTT Trang, hầu như không có sự quẫy đạp, trừ một bài rất lạ. Nó thoát ra khỏi những vòng lệ. Nói như lời bạt của Nguyễn Huy Hoàng, thơ chị nhiều cách điệu, mầu mè ước lệ, thì bài thơ Bắc cầu có 7 khổ rất lạ. Lạ hồn nhiên và cho ta nhiều tứ thơ rất gợi. Tiếc là thi sỹ ra đi quá sớm và có thể vì vậy, con đường mới dừng lại…

Viết về một tập thơ là quá sức với một người viết văn xuôi như tôi. Xin chỉ ngần ấy ý góp vào đêm ra mắt sách này.

Vĩ thanh

Cầm một tập thơ của một người đã khuất, nhờ bạn bè, hôm nay nó thành tập sách trên tay, không chỉ còn sức nặng vật lí. Từ tay bạn văn Thuỵ Anh - một người đại diện cho Hội VHNT Việt Nam tại liên bang Nga - những người Việt xa xứ tặng cho, tập thơ Võ Thị Thu Trang trở nên trĩu nặng, níu tôi suốt hai đêm.

Như nhiều bài viết trong cuốn sách giới thiệu, VTTT làm thơ 20 năm nay. Tập thơ này, cố thi sĩ viết  hầu hết ở nước Nga. Như vậy có thể nói, tập thơ muộn mằn này thuộc dòng văn học di dân, xếp nó tạm như vậy, để phân định tương đối về mặt lịch sử văn học nước nhà hiện đại. Xin bầy tỏ lời biết ơn tới các bạn ở Liên bang Nga đã tuyển tập thơ này, trong lưu cảo của thi nhân, để hôm nay chúng ta tham dự lễ ra mắt nó.

Song cũng thú thật, trong tập còn để sót những bài thơ chưa tinh, hay là mới là môt bản nháp của một bài thơ. Cách đặt tựa đề cũng chưa hẳn hay. Võ Thị Thu Trang sống hai mươi năm với thơ, với cuộc sống thường ngày chủ đạo, chứ đâu chỉ sống với Khoảng trời xưa?

Nhưng bằng tất cả những gì nồng ấm của một Con người thơ đọng lại, Khoảng trời xưa sẽ là một gương mặt đóng góp trong dòng chảy văn học di dân, hoà thêm vào dòng chảy lớn văn học đương đại Việt Nam nói chung trong những thập kỉ này. Cái mảng mà bấy nay, dường như ít ai quan tâm chú ý, đang cùng nhau họp thành một dòng chảy quay về nguồn, nơi sinh ra một ngôn ngữ có tên là Việt Nam yêu dấu.

Tháng hè Hà Nội

NVT

* Bài này, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đọc trong Lễ ra mắt tập thơ "Khoảng trời xưa" của nhà thơ Võ Thị Thu Trang tại Hà Nội ngày 28/8/2009

Tin liên quan:
Khoảng trời xưa (Phần 9) thơ Võ Thị Thu Trang (26.04.2010 02:41)
Khoảng trời xưa (Phần 8) thơ Võ Thị Thu Trang (07.04.2010 03:46)
Hội VHNTVN tại LB Nga tổ chức gặp mặt nhân ngày giỗ lần thứ hai của nhà thơ Võ Thị Thu Trang (07.04.2010 03:12)
Thư Hà Nội báo tin về Lễ ra mắt tập thơ “Khoảng trời xưa” của nhà thơ Võ Thị Thu Trang (29.08.2009 03:36)
Khoảng trời xưa (7) - Thơ Võ Thị Thu Trang (28.08.2009 04:34)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Lặng lẽ Nguyễn Thành Long
Hoàng Đức Lương - Quan niệm thi học và thơ
Nguyễn Bảo Sinh-nhà thơ dân gian có chất “Bút Tre”
Tượng đài người lính Điện Biên (qua bài thơ “Giá từng thước đất” của Chính Hữu)
Lần theo mối tình Chí Phèo - Thị Nở
Nhà thơ Việt Phương: “Nhân chi sơ, tính…phức tạp”
CHÂU HỒNG THUỶ: Nếu tôi là Puskin
Trí khôn nhà văn ở đâu?
Một người Việt làm thơ bằng tiếng Nga
Phê bình văn học - Trường hợp Trương Tửu
 
 
 
Thư viện hình