Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
[21.08.2009 04:41]
LTS: Tác giả Nguyễn Thiên Việt, tên thật là Nguyễn Đức Việt, sinh năm 1959 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học tổng hợp Kiev (Liên Xô cũ), Thạc sĩ Triết học, hiện là Biên tập viên Báo Nông thôn ngày nay. NBĐ xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai truyện ngắn của anh
NGÀY XƯA Ở NƯỚC NGA
Tặng H và C
" Có một mùa đông tuyết rơi đầy trước cửa". Không hiểu sao, hồi còn là sinh viên, tôi cứ thích câu văn đó. Tôi ước mơ sau này sẽ trở thành nhà văn và thiên truyện ngắn đầu tiên bắt đầu bằng những dòng đó. Nhưng quả thật cái mùa đông Matxcơva năm ấy vô cùng khủng khiếp và giá buốt; tuyết rơi đầy trước cửa, ngập mọi lối ra vào.
Mùa đông của những năm cải tổ khắc nghiệt.
Một trong những buổi sáng đó, ngày 25 tháng 12, thành phố âm 25 độ, rét như dao cắt thịt, tôi ra khỏi tù.
Khoác cái áo măng tô nhàu nát mà tối hôm qua đắp nó để ngủ, tuyết trắng xốp thơm mềm lạo xạo óng ánh dưới chân, trong túi không một đồng xu, tôi đi như chắp cánh. Hít căng lồng ngực, lòng nở hoa, khao khát hy vọng, khao khát sống. Sống mãnh liệt đến tận cùng tế bào.
Viên thiếu tá công an giọng ngọt ngào, tỉ mỉ hướng dẫn con đường ra bến xe. Vẻ mặt hắn sù sì thô cứng, nom có nét chất phát đôn hậu của những người mugic Nga năm 30, trong một thoáng lại có vẻ nanh nọc, hung dữ. Giống như kỹ xảo của thủ pháp điện ảnh hiện đại: Ở một cái chớp nhoáng này gương mặt rất hiền hậu, nhân từ; ở cái chớp nhoáng sau, cũng gương mặt ấy nhưng biến dạng đi, méo mó độc ác...
Tác giả Nguyễn Thiên Việt *** Tôi đang ngồi đọc sách trong phòng, bỗng có tiếng:
- Cạch, cạnh...
- Vâng, xin mời vào.
Sau cánh cửa, lấp ló một cô bé có mái tóc vàng rực.
- Chào anh, tôi là trưởng "ốp" ở đây, làm ơn cho xem hộ chiếu.
Tôi miễn cưỡng đưa cho cô ta cuốn "hộ chiếu" nhàu nát đã dùng sáu năm nay, chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.
- Hộ chiếu của anh đã hết hạn. Xin mời anh xuống phòng trực ban làm việc - con bé nghiêm khắc nói
Quả là hộ chiếu của tôi đã hết hạn sáu tháng nay, sau khi tốt nghiệp vào mùa hè vừa rồi.
Đúng ra tôi phải lên đường về nước từ lâu rồi cùng các bạn học đồng lứa. Nhưng tôi vẫn cứ lấn cấn ở lại với ham muốn làm ăn, kiếm thêm ít vốn. Vả lại đối với tuổi trẻ, châu Âu ngọt ngào quá. Nếu kiếm thêm được một ít, sẽ đỡ cho những năm sau này. Lẽ ra tôi phải tìm một cái "cửa" làm giấy tờ, xuỳ cho họ vài trăm "đô", sẽ có gia hạn ngay, nhưng tất cả vốn liếng còn ít quá. Nếu đóng vài "vé", lấy đâu ra vốn mà làm ăn, cho dù là cái vốn cò con ban đầu.
Trong phòng trực ban, cô gái nhắc máy quay số "Militsia" (công an). Mẹ, ú ớ chết với bọn này. Chạy bây giờ thì không kịp rồi. Con bé ngồi chắn ngay cửa ra vào. Mà tôi cũng không muốn chạy. Chẳng hoá ra mình là tội phạm ư?
Tôi mở cặp, điềm nhiên rút quyển tuyển tập thơ Iôxip Brôtski ra đọc. Chẳng hiểu sao, lúc ấy tôi có ý nghĩ ngớ ngẩn là nếu công an đến, thấy tôi đang đọc thơ, họ sẽ tha ngay. Chỉ có người lương thiện mới đọc thơ. Dưới ánh đèn điện, vàng vọt, từng dòng chữ khó hiểu lờ mờ nhảy múa. Thơ Brôtski không phải là thứ dễ đọc, huống chi là người nước ngoài. Hai bên bìa cuốn sách đã ố vàng, mép quăn lại do chuyền tay nhiều người. Ngoài bìa chân dung nhà thơ với vầng trán cao cương nghị, cái nhìn nhân ái, pha chút dò hỏi. Dường như ông đang chìm trong trầm tư suy nghĩ, cố gắng hiểu hết những bí ẩn của thế giới này, thế giới mà chúng ta cùng ông đang sống.
Nửa tiếng, rồi một tiếng trôi qua. Xe của "Ôpêrachivnhic" (đội đặc nhiệm xung kích) vẫn chưa đến. Nếu tôi là một thằng cướp thật sự thì không hiểu sẽ ra sao? Cô bé tóc vàng thở dài thườn thượt. Cho đến lúc tôi chán ngấy Brôtski thì những bộ quân phục màu tím xuất hiện. Nghe xong lời báo cáo của trưởng "ốp", tay sĩ quan nói gọn lỏn:
- Đi!
Tình hình đã không còn là một chuyện đùa nữa. Hai công an viên, áp sát vào cạnh sườn, tay họ đỡ lấy khuỷ tay tôi, để đề phòng chạy trốn. Chiếc "xít đờ ca" có những chấn song sắt to tướng dành cho tội phạm chuyển bánh, tôi ngồi lọt thỏm trong thùng xe, giữa hai chàng trai Nga lực lưỡng. Thế giới ánh sáng rực rỡ trẻ trung nhộn nhạo nơi ký túc sinh viên lùi xa dần. Chiếc xe chạy lúc lắc, chìm vào đám tối sền sệt hai bên đường.
Trong đồn viên thiếu tá công an hỏi tôi, giọng nhát gừng. Mặt lầm lầm, hắn thu hết đồ đặc tư trang của tôi rồi vẫy tay. Một người lính tiến lại ra hiệu đi theo. Hành lang ngoằn nghèo với ánh điện lờ mờ. Mùi ung ủng. Tay công an mở cửa một căn phòng, ẩn mạnh tôi vào. Tiếng ổ khoá lách cách sau lưng.
Phải mấy giây tôi mới định hình được. Trong phòng tối om, kín như bưng. Không cửa sổ, không đèn đóm. Cái cửa sắt cũng im ỉm. Vật duy nhất liên lạc với thế giới bên ngoài là một cái lỗ nhỏ bằng bàn tay, gắn trên cửa sắt. Qua đó, ánh sáng lờ mờ phả vào.
Đó là cái lỗ để công an quan sát từ ngoài. Giữa phòng sù sù một bục gỗ, trên nó ngổn ngang người nằm. Một cái xà lim thực sự. Bạn hãy tưởng tượng chúng ta đào một cái lỗ, bé xíu thôi, bắt con dế thả vào đó rồi đậy hòn gạch lên trên. Đấy là cảm giác của tôi trong những phút đầu tiên. Tôi đã rơi tụt vào một thế giới khác. Thế giới âm u và câm lặng. Bị lãng quên.
Ở đây không có ngày hay đêm, chỉ có màn đêm vĩnh cửu. Ở ngoài kia là cuộc đời, là sự sống, là ánh sáng reo chảy.
Kêu lên, khóc thét, hay quì thụp xuống. Trong một giây tôi có cảm giác như vậy. Vô ích. Kiệt sức vì sợ hãi, tôi im lặng mò mẫm một chỗ trống trên bệ, ngả lưng. Đầu óc mụ đi.
Đưa tay sờ thử vào tường, mặt tường ram ráp, lồi lõm đá. Giống tường phòng cách âm hồi đầu thế kỷ.
Một nguy hiểm nữa là khi bị giam, rất dễ ăn đòn của những tay lưu manh Nga. Từ lâu giới này rất ghét người Việt. Chúng không tiếc gì một cú đấm hay trái đá trong trường hợp hứng lên. Tôi đã có người bạn bị chúng đánh gãy xương sườn trong trại giam. Tốt nhất là im lặng. Nếu chúng có hỏi gì thì ăn nói từ tốn, lịch sự.
Đám người lố nhố nằm trên bục rì rầm nói chuyện. Phạm nhân, say rượu hay kẻ lang thang? Có lẽ tất cả.
Gã nằm sát tôi quay sang hỏi:
- Mày người nước nào, tại sao phải vào đây?
Tôi trả lời:
- Tôi người Việt Nam. "Pas" (Passport) hết hạn nên bị "túm".
Hắn há hốc mồm cười hô hố:
- Thế thì mày là "khách danh dự" của chúng tao rồi. Nói xong gã quay sang tiếp tục tán gẫu với đứa bên cạnh. Thôi, thế cũng may.
Không biết mấy tiếng đã trôi qua. Ở đây không có thời gian. Trong cái khoảng không mờ mờ nhầy nhụa đậm đặc này, ngày hôm qua, ngày nay hay ngày mai cũng thế thôi. Không có khoảng cách. Tương lai, quá khứ nhập làm một. Lâu lâu, cách cửa ngục mở đánh xoảng, một bóng đen khác, phạm nhân mới, được đẩy vào. Đám nằm trên bục ngỏng đầu dậy, lao xao hỏi:
- Katôrưi tras? (Mấy giờ rồi?)
Tay mới vào trả lời. Đấy là thời gian. Thời gian trong một khoảnh khắc lọt từ thế giới ngoài kia vào. Rồi sau đó lại đêm đen và im lặng. Có cái gì đè trĩu lên ngực. Cảm giác không thở được. Thoi thóp. Trên cái nhà ngục này là mấy tầng lầu nữa, mà sao nó đè nặng thế.
 Tôi nhớ đến Lan, cô bạn gái đã gắn bó với nhau ba năm ở bên này. Lan sang Liên Xô hợp tác lao động và ở cách tôi 600 kilômét. Những lần tôi giới thiệu Lan với các bạn bè Nga, tất cả họ đều tròn mắt, lè lưỡi, không thể hiểu tại sao chúng tôi lại có thể yêu nhau trong một khoảng cách xa như vậy. Ngày Lan lên đường về nước, em đứng bên cửa phòng chờ, dõi theo bóng tôi ở ngoài cho đến khi nhân viên hàng không ra giục mới chịu quay vào. Ngày ấy, chúng tôi đều nghĩ rằng thời gian xa nhau sẽ là rất ngắn, rằng tháng sau tôi sẽ bảo vệ luận án rồi tháng sau nữa sẽ bay về Việt Nam. Hôn lễ sẽ long trọng và linh đình.
Nhưng mới đây thôi, tôi đã viết một bức thư cho Lan xin lỗi. Biết bao giờ mới trở về kể từ khi chấp nhận “quăng thân vào gió bụi”. Đọc thư, chắc Lan buồn nhiều. Lan, nếu thoát được ra khỏi chốn này, anh sẽ vứt tất cả, những ước mơ giàu sang và khát vọng hão huyền, để bay về với em ngay lập tức dù chỉ có hai bàn tay trắng. Thôi, tốt nhất phải ngủ cho quên hết mọi chuyện. Chỉ trong mơ ta mới là của ta.
Được một lát có bàn tay đập đập, tôi không biết mình đã thiếp đi được bao lâu? Bên cánh cửa mở người công an vẫy tay, ra hiệu đi ra. Trong phòng làm việc, đồng hồ chỉ 8 giờ sáng. Như vậy là một đêm đã trôi qua. Sau khung cửa, ánh sáng màu tuyết hắt đùng đục, trời thấp u ám. Viên thiếu tá trao lại cái “Diplômát” cho tôi, thái độ ân cần mềm mỏng:
- Cậu muốn ở lại đây thì cũng được thôi, chỉ có điều là phải về nước, ra hạn hộ chiếu rồi quay lại. Nếu còn bén mảng ở khu ký túc xá sinh viên thì đừng trách tớ.
Thiếu tá đồn trưởng tiễn tôi ra cửa. Kiểm tra lại túi, tổng tài sản 300 USD của tôi đã không cánh mà bay. Còn vài rúp lẻ. Thôi, cũng được. Tự do mà mua bằng 300 USD cũng còn rẻ chán. Mới tối hôm qua, tôi hỏi đồn trưởng: “Bao giờ tôi được tự do?” Hắn bảo: “ Mày cứ việc ở sau cái “đabo” (chấn song sắt) này, cho đến khi có người đến đón”. Nghe mà ớn lạnh, tôi làm gì còn bạn bè, chiến hữu thân thích nào nữa để “đưa” với chả “đón”.
Ngã ba đường phủ đầy tuyết. Đi đâu bây giờ? Những dự định về Sài Gòn với Lan đêm qua tiêu tan đi đâu cả. Máu trong tôi sau một đêm đông cứng, nay chảy trở lại cuồn cuộn, mạnh mẽ.
Quả tim tôi đập từng nhịp, từng nhịp với một thôi thúc khát khao mãnh liệt: phải hành động, phải bắt số phận trả lại tất cả và hơn nữa.
Cái xe buýt màu vàng rì rì chạy tới làm tung toé đám tuyết xốp mỏng. Tôi chợt nhớ tới một địa chỉ người quen. Một thằng đượi. Tôi không thân gì hắn, thậm chí còn ác cảm là khác.
Giới làm ăn ở Matxcơva gọi hắn là: “Sơn râu” và phong cho danh hiệu: “Giám đốc sở nhà đất”. Thằng này có một biệt tài là dân Nga ai cho thuê “Kờ” (căn hộ) ở đâu, nó có thông tin ngay. “Sơn râu” đến mặc cả, đặt tiền trước cho chủ hộ. Nếu anh cần thuê nhà, văn phòng... hãy điện cho “Sơn râu”. Hắn sẽ đưa cho anh một danh sách các căn hộ: loại một phòng, hai phòng, ba phòng... trung tâm hay ngoại ô, sang trọng hay tầm tầm để tự chọn cái nào phù hợp. Tất nhiên kèm theo một món tiền phần trăm khá cao cho “giám đốc”. Hắn kiếm được khá bẫm trong những phi vụ béo bở này. Có một dạo, nhu cầu thuê “Kờ” của người Việt rất lớn.
Tôi “phôn” cho Sơn.
- A lô, tao vừa trong tù ra. Định ghé qua mày một chút.
Giọng ngái ngủ, càu nhàu trong ống nghe:
- Gọi gì mà sớm thế. Ừ, đến đi.
Sơn sống một mình trong căn hộ hai phòng tiện nghi sang trọng.Thằng này không có bạn mà chỉ có “đối tác”. Người ta đồn hắn không có nhu cầu về chuyện “ấy”. Mẹ, những thằng “pêđê” đi buôn bao giờ cũng trúng.
Sơn đợi tôi một cốc trà nóng. Cặp mắt lờ đờ ngái ngủ của hắn ánh lên những tia láu lỉnh, tinh quái khi nghe tôi kể câu chuyện bằng lời lẽ lộn xộn, ngắt quãng. Hình như nó đang cố gắng để khỏi phì cười.
Vẻ thông cảm, Sơn bảo:
- Thôi được rồi, tôi có một thằng bạn lang thang như ông. Nó cũng vừa bị “tai nạn”. Ông đến đấy sống cùng với nó rồi hai thằng dựa vào nhau mà chiến đấu.
Theo sự chỉ dẫn của Sơn, tôi mò đến tìm Hoàng – bạn Sơn. Hoàng trạc tuổi tôi và là phiên dịch của một đội công nhân xuất khẩu lao động. Đội của hắn đã về nước lâu rồi còn Hoàng lang thang nay đây mai đó. Hoàng sống trong một căn phòng nhỏ bé, cũ kĩ, đồ đạc lộn xộn, rèm treo cửa cáu bẩn vì lâu ngày chưa giặt. Nhưng đối với tôi bây giờ đó là cả một khách sạn lịch sự, sang trọng.
Nghe xong chuyện, Hoàng cười hì hì bảo:
- Thôi ông đã đến đây thì ở lại đây. Hôm nay ông gặp may đấy.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Hoàng kể:
- Tớ cũng mới thuê ở đây được một tháng. Chủ nhà phòng bên là một bà già về hưu. Bà ấy thì không sao nhưng mấy đứa con đều là lũ lưu manh, tù tội cả. Hôm trước có một đôi vợ chồng ở đâu đến ở trọ nhờ bên ấy. Đến bữa, thằng chồng sang phòng mình cầm cốc rượu bảo: “Hôm nay là ngày sinh nhật của vợ tôi, tôi muốn mời ông một cốc để chúc sức khoẻ và sắc đẹp của nàng”. Mình uống xong, mê man luôn. Khi tỉnh dậy thấy nằm trên giường, chỉ còn có quần áo lót. Tất cả đồ đạc, tiền nong, thậm chí cả đôi giầy thằng khốn kiếp cũng lấy đi hết. Hỏi bà cụ thì bà cụ trả lời ấm ớ: Khách trọ đã đi từ lúc nào. Mãi hôm qua, bạn bè biết, mới tiếp tế cho giầy dép, quần áo. Còn ít tiền lẻ đây, thôi ông nằm nghỉ đi. Tôi ra chợ kiếm cái gì về ăn.
Tôi cuộn tròn mình trong chăn, thiếp đi trong giấc mơ nặng nhọc, ám ảnh. Tỉnh dậy Hoàng đã nấu xong. Hắn tươi cười hỏi tôi ngủ có ngon không và bày lên bàn món bánh bột lọc luộc nhân thịt. Bây giờ tôi đã quên tên gọi bằng tiếng Nga của món đó, nhưng vẫn nhớ như in hương vị. Bột thơm thơm, dẻo quánh, quyện chặt vào chân răng và thịt băm bùi bùi, ngầy ngậy, nước suýt óng ánh. Sau khung cửa hoàng hôn đang tắt dần. Trên nền trời đọng lại một vài vệt đỏ ối. Con đưòng tuyết mờ xa buồn bã. Trong khi ăn tôi để ý thấy thấp thoáng bóng người qua lại hành lang, ánh mắt gian giảo. Hình như họ đang nhìn trộm. Một cái đầu bù xù lấc láo ngó vào, gương mặt xanh xao tàn tạ của một thiếu nữ:
- Ê, các chàng trai, có thuốc lá đấy không?
Cười hăng hắc.
Hoàng lắc đầu, ra hiệu không, bảo nhỏ:
- Con gái bà lão, tụ tập hút xách với đám đầu gấu suốt ngày.
Nguy thật, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Tôi thừa kinh nghiệm để biết những tay đầu đen, áo da đang ngồi tụ tập phòng bên là ai. Ăn xong tôi bàn với Hoàng hai việc. Thứ nhất phải tìm gặp tất cả anh em bạn bè để vay mỗi người một ít cho vốn ban đầu. Hai là không chậm chễ, dọn sang một chỗ khác. ở chung với tụi cướp không ổn. Tôi biết một chỗ cho thuê trong ký túc xá sinh viên của một trường nọ, ở đó ít nguy hiểm và có thể đổi “xanh”. Hoàng gật gù.
Mấy hôm sau, chúng tôi chuyển nhà. Bà cụ già khóc mãi. Bàn tay nhăn nheo, chấm những giọt nước mắt trong suốt. Cụ bảo:
- Các cháu đi thì nhà này chết đói mất. Thu nhập của gia đình hoàn toàn trông nhờ vào chỗ tiền nhà của các cháu. Bọn trẻ không chịu làm ăn gì, chỉ hút xách suốt ngày.
Hoàng phải nói dối: “ Chúng cháu đi công tác dăm bữa rồi sẽ quay về ngay”
Ở chỗ mới quả có dễ chịu hơn. Ngày ngày tôi và Hoàng ra chợ đứng bán quần áo. Quần bò, áo khoác, váy áo... tất tần tật. Tối về đổi “xanh”. Đổi “xanh” tức là đổi đô la thành rúp và ngược lại cho những ai có nhu cầu. Tiền lãi rất ít, thường chỉ đủ ăn. Buổi tối, chúng tôi thưởng thức mỗi người vài lon bia cho công lao động trong ngày, uống nhấm nháp, nghe nhạc, và bàn kế hoạch trở thành tỷ phú.
Tuy nhiên việc đổi “xanh” kéo theo rất nhiều nguy hiểm. Bọn trấn lột đã đánh hơi thấy. Bắt đầu lảng vảng những gương mặt lạ, rắn đanh, nhâng nháo. Chúng tôi phải qui định kiểu gõ cửa riêng để phân biệt khách quen hay khách lạ. Nếu gõ không đúng tín hiệu sẽ không mở cửa.
Đêm đêm tuyết một màu trắng mênh mông. Trời xanh thẫm lác đác vài vì sao. Chó hoang chạy từng đàn, tru thảm thiết. Ngoài hành lang vang lên tiếng giầy cồm cộp. Tiếng nện giầy oai vệ và có trọng lượng của một con người hiểu được quyền lực của mình, biết mình muốn gì. Và sau đó là tiếng gõ cửa mạnh mẽ, không đúng qui định.
Tôi bấm tay Hoàng ngồi yên. Mặc cho chúng gõ chán rồi bỏ đi.
Có lần, tiếng gõ cửa kéo dài đến 15 phút Hoàng không nén được bình tĩnh mồm lẩm bẩm: “Cứ mở ra xem chúng nó làm được gì”, mặt đanh lại, mắt toé lửa, tay hắn giật tung cửa. Tôi không kịp cản Hoàng lại hốt hoảng né sang một bên, đề phòng thằng cướp lao thẳng vào, tay quài ra sau theo phản xạ túm lấy cái vỏ chai bia.
Nhưng té ra lại là một gã da đen quen biết người Srilanca. Ông tướng ngoạc miệng cười, răng trắng nhởn, xin lỗi rồi đề nghị đổi mấy đô. Thằng cha này chắc chưa được phổ biến tín hiệu gõ cửa.
Thỉnh thoảng chúng tôi nấu bữa tươi, rủ anh em đến nhậu. Tôi ra chợ xách về chục con chim bồ câu. Xin nói là ở nước Nga vốn cấm ăn chim bồ câu. Bồ câu bay đầy đường, tối về ngủ lúc nhúc cả đống trên tầng thượng. Nhưng dạo này đói kém những chàng say rượu lén bắt mang ra chợ bán.
Chục con chim hết năm rúp. Tương đương với hai vé đi Metro. Hoàng được giao nhiệm vụ cắt tiết chim làm tiết canh. Nhìn những con chim nhảy lò cò, mắt trong veo ngơ ngác, nó sợ, bỏ vào buồng ngồi xem ti vi. Cuối cùng mấy ông khách được mời đến dự xoay trần ra làm. Vì chuyện này chúng tôi cười trêu Hoàng mãi. Nhưng riêng tôi, tôi biết nó là thằng dũng cảm. Tôi đã thấy ánh mắt của nó như thế nào đêm hôm trước.
Cả bọn ăn tiết canh chim bồ câu với Vốtca Nga. Rồi bia và cônhắc. Có một đôi vợ chồng văn sĩ trẻ cũng đến dự. Chúng tôi gõ cùi dìa vào bàn, hát “Ka –chu –sa”, “Chiều Mạc –tư – khoa”. Kỷ niệm vui thì nhớ mãi.
Vài tháng sau, nhóm kết nạp thêm một kẻ cơ nhỡ. Cường, nguyên là hoạ sĩ, sang Nga theo con đường du lịch với hy vọng đánh quả ở xứ người. Ở được hai tháng, tiêu hết tiền, đang lúc túng quẫn. Hoạ sĩ là một tay bán trời không văn tự, ranh như cáo, ăn nói có duyên, tán gái thợ và uống rượu như nước lã. Mỗi cái tội làm không bằng ai, nhưng vui chơi hơn người.
Tôi thu xếp thuê được một Kiốt ngoài chợ. Gặp đúng lúc “đôm 5” sập tiệm, nên các chủ hàng sẵn sàng đổ hàng “xu – khôi” (hàng bán xong mới thanh toán ) vào tơi tới. Hàng ngày Hoàng ngồi trông Kiôt, ghi chép vào sổ sách, thu chi, kết hợp với bán hàng. Tôi com lê, cavat trong vai cửa hàng trưởng, đi cùng Cường vai thư kí đến gặp những chủ lớn, mặc cả, thuyết phục, xong xuôi thuê xe chở hàng về Kiôt.
Được cái mặt mũi mình sạch sẽ, râu quai nón cẩn thận, ngay không ra ngay, gian không ra gian, nên ai cũng nghĩ là cửa hàng trưởng thực thụ. Thêm tài ăn nói dẻo của hoạ sĩ, chúng tôi thường lấy được hàng tốt, bán xong mới phải thành toán. Tiền lãi chi tiêu theo kiểu chủ nghĩa cộng sản. Có nghĩa là cho tất vào trong một ngăn kéo, ai có việc cần cứ lấy, tiêu bao nhiêu cũng được. Công việc đang tiến hành trôi chảy thì bất ngờ tai hoạ xảy ra.
Hàng ngày quần áo bán ra thu vào bằng tiền rúp. Đến tối phải chuyển ngay sang đô la vì đồng rúp mất giá từng giờ. Cuối tuần, phải thanh toán bằng đô la cho chủ hàng.
Buổi tối, Cường và Hoàng ở nhà tính toán sổ sách, nấu nướng. Tôi xách một ca táp đầy tiền đi vào những tụ điểm chuyên bán đô. Giá tôi cứ mua ở những cơ sở người Việt quen biết thì không có chuyện gì xảy ra; nhưng ở đó giá đắt vì qua khâu trung gian. Tuổi trẻ, ngông cuồng và hiếu thắng, đêm đêm tôi tìm vào tận hang ổ của dân chuyên nghiệp. Làm kiểu này giá rẻ nhưng đầy bất trắc. Cạm bẫy giăng khắp mọi nơi. Về khuya, tôi trở về nhà hả hê đắc chí với cái cặp đô la căng phồng, trong sự thán phục của bạn bè. Có gì đâu, tôi tự nhận là thuyền trưởng của con tàu cơ mà. Làm thuyền trưởng thì phải không có khái niệm sợ trong từ điển chứ. Bữa tối bắt đầu vào lúc 11 giờ. Từ ngày có thêm hoạ sĩ thì hôm nào cũng có rượu và đồ nhắm ngon. Chúng tôi ăn nhậu, trêu chòng nhau, cười hô hố và bàn công việc ngày mai.
Đêm. Thành phố ngủ yên tĩnh. Đèn đường vàng. Phía chân trời một quầng sáng mờ mờ. Có tiếng động cánh loạt soạt của loài ong ở đâu đó. Thoáng cái, tiếng nó vần vũ bay qua, gió động ào ào.
Tháng tư và những nụ hoa dẻ vàng óng đang chờ ở trước mặt.
Một sinh viên Apganhistan quen biết tìm đến, bảo:
- Hê lô, “môi brat” (ông anh tao) muốn làm việc với mày. Nó có nhu cầu thường xuyên đổi đô.
Ôkê! người Ap thì được.
“Luật” làm xanh tuyệt đối không dây với dân bản xứ, đặc biệt dân Kaf-ka-zơ. Họ thường là những khách hàng béo bở, nuôi cho những con mồi ăn no rồi “thịt”.
Tôi đến gặp Giaraph (anh của người Ap). Hắn sống trong một căn hộ sang trọng đầy đủ tiện nghi với hai cô gái Nga. Tự xưng là phó tiến sĩ. Hai cô bé trải đệm nằm ở dưới đất còn hắn ngự ở trên giường. Mặt mũi phệnh phạo. Gã này da nhuôm nhuôm na ná người vùng Nam Âu. Mắt đen xảo quyệt. Ăn nói thô lỗ. Chỉ có điều tôi hơi ngạc nhiên: tại sao Giaraph có những hai cô bồ Nga, hay là người phục vụ? Tôi ngờ ngợ. Một lần, qua máy điện thoại tôi ỡm ờ:
- Thế nào, các cô bé của cậu ra sao?
Giaraph chửi thề trong máy rồi nói:
- Việt, tao giết chết mày bây giờ. Đồ khốn kiếp.
Phó tiến sĩ gì nó, đầu mối của một đường dây buôn lậu chi đây.
Chúng tôi thoả thuận gặp nhau một tuần hai lần. Giá nó đưa ra rất đắt. Hầu như không còn lãi. Thôi, đành cố vậy.
Hai tuần sau, đồng rúp mất giá. Việc đổi đô ở chỗ Giaraph không còn lãi nữa.
Buổi trưa, tôi định gọi điện cho hắn để huỷ bỏ cuộc hẹn như thông lệ, nhưng quỉ quái, không tìm đâu ra điện thoại. Chiếc máy duy nhất trong Ki ôt đã bị hỏng.
Tối, Giaraph gọi điện thoại về nhà riêng, chửi tục tĩu về việc tôi đã sai hẹn để hắn phải chờ. Tôi xin lỗi, hẹn sống chết vào hôm sau. Cũng là hứa bừa thôi. Tính tôi vốn hay đùa nhả. Hai giờ trưa hôm sau, giá cả không thay đổi. Tôi lại bận việc gì đó và không muốn đến chỗ Giaraph.
Tám giờ tối, chuông điện thoại nhà riêng réo. Tôi nói Hoàng:
- Cậu ra cầm máy, nếu là thằng Giaraph hỏi, bảo Việt đi đâu từ sáng chưa về.
Tôi bỏ ra bếp đứng, thoáng lo. Không, việc gì mà tôi phải sợ?
Lát sau Hoàng vào. Mặt mũi tái mét. Linh tính cho biết là có chuyện. Hoàng chưa bao giờ biến sắc như thế kia trong những lần gặp nguy hiểm.
Ông bạn giọng đứt quãng, hốt hoảng kể:
- Việt, nguy rồi.Thăng Giaraph bảo rằng tụi mình lừa nó. Làm nó thiệt bao nhiêu tiền. Nó nói giọng kinh khủng lắm. Nó bảo giết chết cả bọn, chặt chân rồi vứt xác ra ngoại ô. Nó bảo: “Chúng mày sẽ là cái xác không chân. Chúng mày không biết tao là ai à mà dám đối xử như vậy?
Điều tôi lo ngại hình như đã tới. Có thể thằng này là “đại diện” của một băng nào chăng? Nó phải là loại thế nào mới có cuộc sống tiện nghi, và ăn nói hống hách như vậy. Nhưng nó là người nước ngoài cơ mà. Về nguyên tắc, “người nước ngoài” và “băng cướp” là hai khái niệm không giao nhau.
Chuông điện thoại đổ hồi liên tục.
Hoàng ra cầm máy. Tôi ngồi bên cạnh, nghe lõm bõm, nhìn vẻ mặt Hoàng cố đoán chiều hướng câu chuyện.
Hoàng đặt máy xuống, căng thẳng. Tôi nhìn vào mắt hắn, cố tìm vẻ thép lạnh của đêm xưa, nhưng không còn thấy đâu.
Hoàng kể lo lắng:
- Nó bảo muốn gặp ông. Tớ trả lời: Việt chưa về. Nó nói: Thằng Việt đang ngồi ở cạnh mày ấy, đưa ống nghe cho nó.
Tôi giật mình đánh thót. Giật mình không phải vì thằng Giaraph có khả năng nhìn xuyên qua hàng chục kilômet, biết tôi đang ngồi cạnh máy nghe, mà vì độ tinh quái của nó. Nó đi guốc vào bụng mình, chứ không ngốc như mình tưởng.
Mười giờ. Chuông réo liên hồi. Cả nhóm nhìn nhau. Vẫn một giọng hách dịch, mệnh lệnh:
- Thằng Việt đâu? Tao cần gặp thằng Việt.
Tôi miễn cường cầm ống nghe. Giaraph đổ vào tai tôi tất cả những lời chửi rủa thô tục. Tôi xin lỗi, kể lể một đống lý do vì sao sai hẹn, nhưng nó không nghe, một mực đổ cho tôi “chơi đểu”
Giaraph nói:
- Mày phải trả giá đắt vì chuyện này, mày không biết tao là ai à? Tao sẽ cho người chặt chân rồi vứt xác mày vào rừng. Cả thằng Hoàng của mày nữa.
Từ bé đây là lần đầu tiên tôi nghe có người nói chuyện giết tôi với giọng thản nhiên như vậy. Không hăm doạ. Không là trò đùa. Sự thực, đơn giản và dễ hiểu. Hoạ sĩ Cường ngồi yên lặng, đăm chiêu rít thuốc. Cái miệng hơi món mím lại, ria mép đụng đậy.
Tôi hỏi lại:
- Mày ở băng nào?
Giaraph, hình như đang cười khẩy đáp:
- Tao ở băng nào không quan trọng.
Lát sau hắn nói:
- Tao là Trerchensư. (người Trerchen)
Câu trả lời ngắn nặng nghìn cân. Tôi rùng mình. Trerchensư là đồng nghĩa với chết chóc.
Những năm 90, cả thành phố nằm trong sự hoành hành của các băng đảng Kafkazơ.
Mỗi sắc tộc quản lý một ngành. Người”Dệp” (Ajebaijan) – Thuốc phiện. Daghetan – Gái điếm. Grudia – thu thuế “công nghiệp buôn ô tô đen”... Trong giang hồ nổi lên hung hãn, tàn bạo nhất là bọn cướp vùng Tresnhia. Danh tiếng Trerchensư lừng danh không chỉ ở nước Nga mà còn lan sang tận Balan, Đức, Pháp... Có nhiều huyền thoại về khả năng võ nghệ cao cường, lòng hiếu khách đặc biệt cũng như tính dũng cảm liều lĩnh phi thường của thanh niên Tresnhia. Anh yên tâm khi anh là bạn và sẽ vô cùng nguy hiểm nếu anh là kẻ thù của họ.
Băng Trerchensư thường sống theo kiểu từng tổ ba người một. Mỗi nhóm trang bị “Kalatsnhicop” (tiểu liên Nga). Khi có chuyện, mệnh lệnh được phát qua điện thoại, chúng lên xe mang theo vũ khí và hành sự.
Tôi gọi điện cho tay người “áp” hỏi:
- Tại sao ông anh cậu lại là dân Tresnhia? Hắn không phải là người “áp” à? Bọn mình vừa có chuyện với hắn.
Tay sinh viên trả lời:
- Đó không phải là anh ruột, mà là anh kết nghĩa (Trời ạ - tôi nghĩ – ai mà biết được là Tây cũng có anh kết nghĩa). Anh ấy là một “uy tín” lớn. Giaraph đỡ đầu tôi. Nếu xảy ra chuyện gì tớ không “bảo lãnh” cho cậu được đâu.
Máy được đặt đánh cộc. Rõ rồi. Tôi im lặng và kể cho các bạn nghe rằng trong thời gian quan hệ với Giaraph tôi đã lỡ miệng để lộ địa chỉ Kiôt, nhà riêng. Nào ai biết được hắn là “đại diện” của một băng khủng khiếp như vậy. Tôi còn bốc phét rằng mình là cửa hàng trưởng một cửa hàng lớn, có số vốn quay vòng hàng chục nghìn đô trong ngày. Có thể chúng đã chú ý tôi từ dạo đó? Nếu Giaraph phát lệnh, có lẽ chỉ khoảng sau 20 phút bọn cướp trang bị vũ khí sẽ gõ cửa.
Hoàng trầm ngâm, di di mũi giày xuống sân nhà. Hoạ sĩ Cường đăm chiêu chòm râu trong đống khói thuốc mịt mù.
Mười một giờ, bọn cướp gọi điện thoại lại, đọc tối hậu thư:
- Việt, ngày mai đúng 9 giờ mày phải có mặt tại nhà tao. Tao sẽ “dạy" cho mày một bài học về cách sử xự:..
Tôi lúng túng tìm kế hoãn binh.
Giaraph bảo:
- Tao sẽ không gọi lại nữa đâu. Mười hai giờ đêm là hạn cuối cùng. Sau 12 giờ, nếu không trả lời, sớm mai, bọn tao sẽ cử hai phi đội đến. Lúc ấy, lại là chuyện khác.
Chúng tôi bàn bạc với nhau. Chạy thì không kịp rồi. Còn đống hàng hoá lù lù ở Kiôt tha đi đâu?
Cuối cùng Hoàng lì ra, mặt đanh lại. Hắn bậm môi, dằn giọng chém tay vào không khí:
- Được, ngày mai cứ đến xem nó làm gì. Tôi sẽ cùng đi với ông Việt. Tuỳ cơ ứng biến.
Cường thủng thẳng nói, như đã quyết định từ lâu:
- Đã là anh em thì cùng sống chết có nhau. Tuy mới nhập bọn, nhưng ngày mai cũng xin đi cùng hai ông. Có thêm người đỡ lo.
Hoạ sĩ nói xong tiếp tục nhả khói mù mịt mặt tỉnh bơ như không. Anh em nói thế tôi rất cảm động và cũng đỡ lo. Bạn bè những lúc khó khăn gian khổ mới hiểu lòng nhau.
Mười hai giờ, tôi gọi điện cho Giaraph:
- Ôkê, ngày mai tao sẽ tới.
Sau này, tôi biết Giaraph sử xự theo nguyên tắc Maphia Nga. Nghĩa là nếu cậu phạm “luật” cho dù là rất nhỏ và chỉ một lần cậu sẽ phải trả tất cả. Đêm đó, tôi không sao ngủ được. Nỗi lo lắng sợ hãi trĩu nặng, Gần sáng phải bấu mạnh tay vào người xem mê hay tỉnh.
Không, rõ ràng đây là sự thực. Lát nữa tôi sẽ phải đối mặt với thằng cướp. Hắn sẽ làm gì tôi? Đánh hay bắn?
Sáu giờ sáng, tôi trở dậy, tạt nước lạnh vào mặt cho tỉnh táo, gọi hai người bạn. Chúng tôi ăn bữa sáng qua quýt, ghé qua tiệm mua một chai Sâm banh và đi thẳng tới nhà Giaraph.
Tháng tư, tuyết đã tan hết nhưng trời vẫn se se lạnh. Thơm ngai ngái mùi bùn, mùi cỏ cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Tôi vẫn nhớ như in buổi sớm hôm ấy, chúng tôi đi bên nhau, im lặng, trang trọng. Gió xám ruổi dài từng cơn trên hè phố cô độc.
Người đi đường vắng vẻ.
Tôi đi ở giữa, bước không nhanh không chậm, trong tay chai sâm banh. áo quần lịch sự. Hai người bạn bám theo sát gót. Hoàng lầm lì căng thẳng, dáng điệu phong trần kiên nghị. Cường dửng dưng bình thản, huýt sáo miệng như buổi dạo chơi, ria vểnh đen nhánh.
Tôi ấn chuông. Giaraph mở cửa. Mặt hắn xám xịt bất động. Râu ria lởm chởm như thường lệ. Cặp mắt trợn tròn, long lanh. Hắn chỉ vào hai người bạn gườm gườm hất hàm hỏi:
- Những thằng nào đây?
- À, những người bạn.
- Hai thằng này ở lại ngoài này, còn mày vào đây. Giaraph ra lệnh sau một giây. Tôi theo hắn bước vào nhà. Cánh cửa sập lại.
Phòng khách vắng tanh, không thấy hai cô gái Nga đâu. Tôi rút trong túi ra chai sâm banh chìa cho Giaraph như một cử chỉ hữu nghị, miệng nói:
- Tớ xin lỗi cậu vì tất cả những chuyện hôm qua. Tớ không có ý định đánh lừa cậu, mà chỉ vì xảy ra vài chuyện bất ngờ nên sai hẹn. Cậu thấy đấy tớ có được lãi xu nào đâu mà cậu bảo là lừa cậu... Hôm nay tớ không mang theo tiền. Lần khác sẽ mang thật nhiều đến đổi cho cậu.
Vào cuộc tôi không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Đến đâu thì đến. Tôi nghĩ nếu có xảy ra chuyện gì, hai thằng bạn tôi chắc chắn sẽ trả thù cho tôi. Bởi vì nếu ở vị trí họ thì tôi cũng hành động như vậy. Vả lại, cái chính Giaraph cần ở tôi là tiền tôi đã khéo léo để lộ chi tiết không mang theo tiền thì “thịt” tôi cũng vô ích.
Thằng khốn kiếp lừ lừ: “Tao không uống”. Tay trái nó hất chai sâm banh, tay phải rút từ trong túi ra một khẩu rulô to tướng. Nó hơi hoa súng nửa vòng ra đằng sau, rồi dí khẩu rulô vào trán tôi, mắt long lanh miệng thì thầm lắp bắp:
- Mày có muốn cái này không?
Trong giây lát tôi không kịp suy nghĩ gì. Chỉ cảm thấy hơi thép mát lạnh toả ra từ miệng súng và con mắt trái Giaraph giật giật. Môi trên của hắn hơi thưỡn ra. Những sợi ria mép đen sì khẽ đụng đậy nom tởm tởm như râu con gián.
Chính lúc đó, ngoài cửa bỗng vang lên tiếng đánh xèng bằng những đồng xu Kapêch. Tiếng xu kêu leng keng.
Giaraph chợt như sực nhớ ra điều gì, hơi sững lại. Hắn đút khẩu súng vào túi, chạy ra cửa nhòm nhòm ra ngoài qua con mắt điện tử, vài giây sau quay trở lại.
Tên cướp quyết định khá nhanh, hắn đột ngột thay đổi thái độ, dịu giọng:
- Việt, lần này tao tha thứ cho mày. Lần sau không được làm như vậy. Nhưng với một điều kiện: Ngày nào mày cũng phải đến đây, đổi cho tao thật nhiều đô. Càng nhiều càng tốt.
Ôkê! hiểu rồi, Giaraph mày muốn chờ một dịp khác thuận tiện hơn chứ gì?
Tôi gật gù, tỏ vẻ đồng tình:
- Tưởng gì, chuyện ấy thì chính tụi này cũng cần. Được, ngày nào tớ cũng đến đây “làm việc” với cậu. Yên tâm đi.
Giaraph pha một ấm trà, lịch sự đưa tận tay tôi, dịu dàng bảo:
-Mày là người tốt, tao biết. Chúng mình sẽ là bạn thân của nhau. Nếu có ai xúc phạm đến mày cứ bảo tao. Tao sẽ trừng phạt hộ. Còn thiếu tiền làm ăn, bọn tao sẽ đưa cho. Không cần chứng từ hoá đơn gì cả. Nhưng mày cứ thử không đến đây nữa xem, sẽ biết tay ngay.
Giọng nó ngọt ngào, không lẫn đi đâu được cái âm gầm gừ của con sói.
Tôi đứng lên bảo: Xin cám ơn, khi nào cần tiền chúng tôi sẽ nói và bây giờ thì tạm biệt.
Ba ngày liên tiếp sau, sáng nào tôi cũng cầm đến cho hắn số tiền rúp tương đương một trăm đô và nhăn nhó:
-Hàng hoá dạo này ế quá, không bán được. Tao chỉ đổi từng này thôi. Vài hôm nữa chắc là khá hơn.
Giaraph đãi tôi chè đen Grudia pha trong cốc sành đặc biệt. Hắn dùng hai ngón tay mập mạp có những sợi lông hung hung xoăn tít, nhón lấy ít vụn chè, chậm rãi bỏ vào cốc. Nó đẩy cái cốc về phía tôi, nháy mắt cười hề hề:
-Hôm nọ tao nóng quá. Người anh em tha lỗi nhé.
Gã cướp hớp một ngụm chè. Mắt nhìn đi đâu đăm chiêu. Tôi biết là con sói đang tính toán.
Ngày thứ ba, ngày cuối cùng, tôi đến cười bảo:
- Giaraph, ngày mai có khả năng chúng tao sẽ cần đổi mấy chục “tờ”. Chuẩn bị nhé.
Hắn cũng cười, im lặng gật gật. Con ngươi long lanh.
Sau đó tôi không quay lại.
Lâu rồi, một thời gian dài sau, có lần tôi gọi điện hỏi tên cướp:
- Giaraph, mày có biết ai đang nói chuyện đây không?
- Đó là Việt – Hắn nhận ra ngay, giọng lơ lớ
- Mày vẫn tìm tao suốt từ dạo ấy đến giờ à?
- Ừ tao vẫn tìm mày từ hồi ấy, mày đang ở đâu, bọn tao đến ngay bây giờ – Giaraph vội vã nói, giọng âm ỉ cơn cuồng nộ vô hạn. Tôi khoái trá cảm giác mắt hắn long sòng sọc, bọt mép sùi ra li ti.
- Tao ở xa lắm, mày không thể tìm được đâu. Tôi trả lời và đặt máy.
Ba ngày hôm sau, trong lúc tôi đến gặp tên cướp, các bạn tôi đã tìm địa điểm mới cho nhà ở và Kios. Chúng tôi chuyển sang một chỗ khác kín đáo và an toàn hơn.
Sau này, trong một lần bù khú, Hoàng kể: “Hôm đó, tớ run lắm. Tưởng nó tra tấn Việt ở trong phòng. May nhờ ông Cường cứ rút mấy đồng xu, đánh leng keng trước cửa, nên đỡ lo”.
Tôi quay sang hỏi Cường:
- Ông vui lắm hả hay sao mà còn đánh xẻng?
Hoạ sĩ trả lời tỉnh bơ:
-Tôi làm thế để đánh động thằng cướp cho nó nhớ rằng luôn có anh em tụi tôi ở bên ngoài.
Cả bọn cùng cười. Tiếng xèng ấy đến bây giờ tôi vẫn còn nghe.
Thời gian sau, công việc làm ăn ngày một khó khăn. Chúng tôi sang Ba lan, vượt sông Ôđô qua Đức. Đến Franfurt Mainx xem nhà chọc trời, nghe tiếng chuông trầm hùng kiêu hãnh của tâm hồn Đức ở nhà thờ Cơ-lô-nhơ, thăm xóm nghèo Mông Mác Pari nơi xưa kia trọ chàng Mariúyt của Vichto Huygô.
Anh em tụ hội, rồi li tán. Kỷ niệm xưa không quên. Nhiều năm đã trôi qua, từ ngày ấy Hoàng giờ đây vẫn lưu lạc trời Âu. Cường đã trở về nhà, đi làm và lập gia đình. Thỉnh thoảng tôi có ghé. Hoạ sĩ rót từ trong chai có nút lá chuối một thứ nước trong vắt, sóng sánh cẩn thận đưa cho khách, cái miệng móm hơi mím lại như đang nhịn một nụ cười, hỏi:
-Từ sáng đến giờ đã uống ở đâu chưa?
Sau khung cửa, mặt hồ xanh biếc mây trắng cuồn cuộn. Mây trắng ở đâu hôm nay bay ra nhiều thế, hả Cường?
Tôi chợt nhớ một chuyện thủa còn đi bán quần áo.
Ở đâu lạc vào một cô gái Nga gốc Digan. Tóc đen như mun, da trắng, mát huyền dáng người óng ả với đường cong dậy thì. Nhìn cách ăn mặc giản dị, ánh mắt lo buồn thì rõ ràng cô ta có cuộc sống không mấy sung túc, nếu không nói là bươn chải. Cô Digan nằng nặc đòi mua chịu 10 bộ váy áo, mang về quê bán, tuần sau sẽ quay lại trả tiền. Tôi với hoạ sĩ Cường bấm bụng cười thầm. Thôi cô ả, thả gà ra mà đuổi à? Hoàng có vẻ trầm tư suy nghĩ, đăm chiêu ra dáng. Đến tối, khi tôi và Cường từ một công việc nào đó quay lại cửa hàng, đã thấy ông bạn điềm nhiên thông báo: cho con bé cầm hàng đi rồi. Nó bảo tuần sau trở lại.
Xong. Tôi và Cường đi từ ngạc nhiên đến bực bội, rồi chuyển sang cười phá ra. Cười lăn lóc đến chảy cả nước mắt.
Thằng cha này chắc từ trên trời rơi xuống. Ở đất này mà tư duy như thế hả? Tôi hỏi: “Thế ông có ghi địa chỉ hoặc tên tuổi con bé không?”
Hoàng bình thản đáp “không”. Thôi, coi như mất chỗ hàng. Phải vài tuần sau, khi câu chuyện đã bị quên khuâý, cô gái bất ngờ xuất hiện, và thanh toán tiền hàng đầy đủ. Vẫn bộ quần áo cũ kĩ, cô run run cám ơn, đôi mắt huyền lóng lánh cảm động. Người đẹp có vẻ khâm phục ra dáng lối làm việc rộng rãi của anh em.
Đêm ấy chúng tôi uống khá say.
Trong cốc rượu vang, sao trời rơi xuống lóng lánh.
Tôi hỏi Hoàng:
- Sao cậu biết con bé sẽ quay lại mà giao hàng cho nó?
Hoàng đáp vô tư:
- Không hiểu sao hôm ấy tớ có cảm giác như vậy. Cảm giác chắc chắn cô gái sẽ quay lại.
Hắn nói xong cười hiền, răng trắng loé.
Từ tầng 15 nhìn xuống, Matxcơva mờ mờ, nhấp nhánh huyền ảo. Khu chung cư nằm mơ giấc mơ yên tĩnh. Những chiếc xe điện hết giờ, ngổn ngang trống rỗng, sáng trưng yên lặng. Trên mặt đường từng khoảng sáng tối xen kẽ nhau tạo thành những mảng nhập nhoạng. Xuyên qua mảng nhập nhoạng, tắc xi trôi trong đêm, mơ màng và trầm lặng.
Thơm ngát đâu đây một loài hoa hồng muộn.
Bạn bè ơi! Thành phố ơi, giờ ở đâu rồi…?
N.T.V
2. TANHIA
Mùa thu, Tân nhớ nước Nga da diết, đất trời bàng bạc, mờ mờ sương khói. Trong màu lá vàng rực óng ánh, khí trời lãng đãng, mùi khen khét nồng nàn cỏ cây, tiếng trở mình của dòng Dơnhiev mênh mang, có cái gì như là xao xuyến, như là không yên. Ai dường như chờ ta ở đâu chăng? Dịu dàng, ẩm ướt cứ len lỏi thẫm đẫm vào tận ngóc ngách của tâm hồn.
Hằng đêm, Tân mơ thấy mình trở về Kiev, lang thang trong khu nhà xưa, gõ cửa từng căn phòng thân quen, rồi dừng lại trước cửa phòng em, Tanhia. Em ngồi đó, mắt dịu dàng rớm lệ. Giật mình, nghe tiếng còi Politsai choàng dậy, thấy vẫn nằm ở Berlin.
Ngày ấy, họ quen nhau ở phòng người bạn cùng học người Việt. Tanhia sống cùng phòng cô bé và cả hai đều chân ướt chân ráo vào năm thứ nhất trường Tổng hợp. Tân lúc đó đã học năm thứ năm và đang chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp. Sau vài giây giới thiệu với cô bạn, cả bọn vào chuyện râm ran. Tanhia có thân hình thon thả với bộ ngực chắc lẳn sau chiếc may ô lính thuỷ. Nụ cười tươi rói trên môi khoe hàm răng trắng sáng, cặp mặt xanh nước biển đôi lúc loé lên, nhấp nhánh. Với nụ cười như vậy, ta có cảm giác cuộc đời này chỉ tràn ngập những điều dễ thương và giản dị.
 Cô bé đến Kiev từ một làng quê thanh bình của Ucraia, nơi có dòng sông trầm mặc phơi mình bên hàng bạnh dương xanh mướt, đồng cỏ đẫm hương thơm mật ngọt thanh lương trà và phúc bồn tử. Tân đã trải qua thời gian này nên thừa hiểu niềm hưng phấn của các cô gái lần đầu vào trường đại học. Đối với họ cái gì cũng đáng ngạc nhiên và đượm màu thú vị. Để tán tỉnh thì chọn các cô như thế này là ngon ăn nhất. Lần đầu tiên họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, trái tim còn đập rộn điều chân thành và khát vọng tinh khôi. Cứ nhìn nụ cười tươi rói trên môi kia thì biết. Tranh thủ lúc cô bạn gái người Việt ra ngoài, Tân bắt đầu bài sơ đẳng: Tán chuyện về tử vi và xem bói chỉ tay. Bàn tay Tanhia năm ngón, mềm mại, ngoan ngoãn nằm im trong lòng bàn tay chàng. Những chiếc móng nhỏ với đường gờ trắng. Đến lượt cô bé xem tay cho Tân. Bất giác từ lúc nào cô bé đã chuyển từ ngôi “Anh”, “Tôi” sang “Cậu”, “Tớ” thân mật. Khi tán tỉnh chị em Nga, nói chuyện được ngôi “tưi” với nhau là báo hiệu một điềm lành. Chúng ta không còn xa lạ nữa. Tanhia mỉm cười, ranh mãnh ngước lên:
- Bàn tay cậu có nhiều vân nhỏ, cuộc đời cậu rồi sẽ vô số “khoảnh khắc” đấy.
Tân bảo:
- Ừ, hình như tớ có “Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân”. Có khoảnh khắc nào cho chúng ta không?
Cặp mắt xanh mỉm cười. Họ thân nhau từ dạo đó.
Những chiếc lá cuối cùng của mùa thu đã rụng xuống. Không khí trong ra, lạnh lẽo. Sớm sớm, dọc theo các nẻo đường bắt đầu xuất hiện những mảnh băng đầu tiên, trong veo, mỏng mảnh, lấp lánh dưới nắng ban mai, thoáng cái tan biến như những mẩu hạnh phúc đâu đó trên đường đời, mà ta chỉ nhận ra nó khi nó đã vĩnh viễn biến mất.
Tân thường xuyên ghé vào phòng Tanhia tán gẫu. Dần dần, sự viếng thăm đã trở thành thông lệ. Lâu không gặp thấy nhớ. Con trai Việt vốn “dát”, nhìn mắt xanh, tóc vàng, đi lại núng nính cũng thèm, nhưng không dám làm quen nơi công cộng.
Tân cùng cô gái Nga đi dạo, đi nhảy, đi thư viện, tụ họp bạn bè và nấu ăn theo kiểu Việt.
Học kỳ cuối của đời sinh viên thật ngắn. Làm luận án thì chỉ việc tìm tài liệu, đánh dấu phần quan trọng, chép lại và đem nộp cho thầy. Tất nhiên vấn đề là phải tìm đề tài về Việt Nam để thầy giáo có đọc cả chục lần cũng lắc đầu, không biết đâu mà lần.
Cùng với thời gian, quan hệ giữa Tân và Tanhia trở nên thân mật hơn. Có một lần, không hiểu vì lẽ gì, Tân không ghé vào chỗ cô bé. Tám giờ tối, đang tụ tập tán gẫu với bạn bè, chàng nghe có tiếng gõ cửa rụt rè. Tân lơ đãng ra mở cửa. Hắn hơi sững sờ. Gương mặt của Tanhia với nụ cười rạng rỡ. Còn lại hai người. Cô bé hai má đỏ au, ấp úng hỏi: “ Sao lâu không thấy cậu đến chơi?”. Theo tập quán người Nga, khi phụ nữ vào phòng con trai thì có thể hiểu là họ đã nhận lời tỏ tình. Vài giây lập cập. Một luồng hơi nóng ran chạy thốc từ dưới lên.
Tanhia mò đâu ra số phòng của tôi? Em có biết rằng em đang ở đâu không, cô bé khăn đỏ ngốc nghếch kia? Cái hôn đầu tiên hơi vội, đánh dấu một hiệp ước ký tắt. Môi Tanhia mềm, ấm và thoang thoảng mùi cỏ mật. Gáy, cổ, ngực, mềm mại, ấm sực. Ở đó là những cánh rừng bạch dương xanh mướt rì rào, đồng cỏ đẫm hương thơm, nơi con sông cuộn khúc dấu trong lòng trăm đợt sóng. Tân mê mải bơi theo con sóng trắng ngút đầu và nghe trong tóc cô gái tiếng thì thầm của buổi bình minh sơ khai. Môi chàng thấm đậm mùi lê táo,vị dịu ngọt anh đào, mùi hương nồng ấm của cơ thể phụ nữ.
Ngày ấy, Tân không hiểu mình có yêu Tanhia hay không? Có lần chàng hỏi cô: “Tưi menhia lưu bits?”, khi nghe cụm từ quen thuộc mà các đôi lứa trên hành tinh thường xuyên nhắc, cô bé mỉm cười, ranh mãnh lắc đầu. Riêng đôi mắt cứ xanh nhấp nhánh.
Hơn một lần, Tân thoáng nghĩ, hay đem theo Tanhia về Việt Nam. Câu trả lời đến ngay lập tức. Không thể được. Cô ta cần gì ở cái xứ sở ẩm ướt, xa lạ, đầy ắp giông bão của chúng ta. Vả lại chính chàng cũng đâu có hiểu rõ lòng mình.
Tiếng chuông của tiết học cuối cùng cho đời sinh viên reo lên lanh lảnh với những giọt nắng tháng 6 lấp lánh thả xuồng vòm cây trước cổng trường, Giờ chia tay gần điểm. Tân hối hả tìm dịch một cuốn truyện ngắn của Ivan Bunhin có tựa đề trùng tên “Tanhia” để kỷ niệm mối tình. Nhân vật nữ trong truyện khi vĩnh biệt người yêu thốt lên: “ Anh đi mãi mãi à?”. Trái tim Tân thắt lại khi chàng trai tưởng mai đây cô bé của mình sẽ lặp lại câu hỏi đó. Không biết chàng có đủ sức nhìn vào đôi mắt xanh đau đáu không, hay sẽ quì sụp xuống chân cô. Vĩnh biệt. Tân sợ cái ngày đó.
Tanhia vẫn hồn nhiên, nhảy chân sáo mỗi lúc đi dạo, gương mặt ửng hồng rạng rỡ.
Tháng 6 hoa táo nở trắng đường. Cho đến giờ Tân vẫn không hiểu tại sao lê, táo ở nước Nga lại nở nhiều đến thế. Cứ rực lên, bồng bềnh, cuồn cuộn tuôn trào trong nắng chiều biêng biếc. Vì lẽ gì mà mày nở hết mình, trổ hết hương sắc cho đời thế hả táo.
Có những đêm họ ngồi bên nhau, ngắm phố khuya. Lứa đôi về muộn. Vì sao nào thoáng rơi đâu đây. Đêm yên tĩnh, ấm áp. Ở đằng sau vòm trời xanh thẫm, ở sau những vì sao lấp lánh kia, ẩn chứa điều gì vậy? Tân băn khoăn mãi.
Tháng 7, Tanhia về quê nghỉ hè. Cô gửi thư cho Tân, mời về thăm gia đình. Kèm theo thư là bản đồ chỉ đường, giờ xe bus. Nghĩ đến chuyện phải gặp bố mẹ cô bé, chàng thấy ngài ngại. Cũng chẳng biết tại sao. Vả lại, công việc lút đầu.
Tháng 9, năm học mới bắt đầu. Tanhia trở lại, lúi tíu kể về những tháng hè đồng quê. Da dẻ cô săn chắc, ónh ánh đỏ, thoảng mùi nắng.
Nhưng cái kết cục chia tay đã không diễn ra như Tân tưởng tượng. Do tính chất công việc, chàng cần ở ký túc xá thêm thời gian nữa trước khi lên đường về nước.
Một lần, ngẫu nhiên Tân quen một nữ sinh. Cô ta tên là Helena. Dịu dàng, dễ thương và có một chút gì hoang dã. Đôi mắt như hai hạt cườm, trong veo, thăm thẳm, ngơ ngác; ẩn hiện trong đôi mắt là nỗi buồn diệu vợi. Gương mặt nàng thanh thoat, tinh tế đến nhậy cảm. Về sau, chàng mới rõ Helena đã mất cả bố lẫn mẹ. Cô chỉ còn bà ngoại là người thân nhất trong cuộc đời. Tân lui tới cô như là một người bạn bình thường trong đám bạn trai của cô. Có hôm, Helena bảo: “Này Tân, mỗi lần trông thấy cậu, tớ lại nhớ đến bố, cậu có nét nhang nhác giống ông ấy”.
Helena giải thích: Bố cô là người Xibiri nên có nét lai Châu Á. Lúc cô nói, Tân thấy mắt cô thẫm lại, dịu dàng hẳn. Hình như Helena mến chàng? Vì ký ức về bố, hay vì thái độ dửng dưng của Tân giữa đám bạn trai lau nhau vây quanh tán tỉnh cô? Lâu dần thành quen. Vài lần, Tân giả vờ vô tình, khẽ vuốt mái tóc bù xù vàng rực như lửa. Helena im lặng mỉm cười, khoé mắt long lanh.
Một cái gì tươi mát, mới mẻ ở Helena làm hắn thinh thích. Cô bé nói chuyện rất có duyên. Cứ như hút. Thỉnh thoảng họ cùng đi chơi, tay trong tay và cặp mắt biết nói của cô đằm thắm, nửa như e ấp, nửa như giục giã. Tính ngạo mạn, lòng hiếu thắng, khát vọng chinh phục, súc hút của thế giới hoa thơm cỏ lạ khiến Tân tiếp tục trò chơi với hy vọng ngốc nghếch là hai cô không biết gì về nhau.
Họ ở cùng một “ốp” nhưng khác tầng. Giờ đây, việc hẹn hò với Tanhia trở nên tẻ nhạt, nặng nề. Hắn nhàm chán thân thể cô.
Một chiều, hoàng hôn nhập nhoạng, Tân và Helena sóng đôi trong vườn, bất chợt từ xa Tanhia xuất hiện. Trong một thoáng, hình như cô sững sờ, và mỉm cười với Tân nụ cười yếu ớt. Hắn cau mày giả bộ lơ đễnh quay mặt và kéo Helena sang hướng khác. Cho đến bây giờ, Tân cũng không hiểu tại sao mình đã hành động như vậy. Hắn hy vọng là Tanhia sẽ không nhận ra hắn chăng?
Ngày hôm sau, Tân thử ghé vào phòng Tanhia. Gương mặt nàng xanh xao, đôi mắt thâm quầng. Hắn giả là như không có chuyện gì, hỏi:
- Hôm qua, em mất ngủ à?
-Vâng, đến 5 giờ sáng mới chợp mắt được.
Và bất chợt nàng từ từ ngẩng mặt, không một chút cáu giận hờn dỗi, đơn giản là sự bình thản, mệt mỏi, vô cảm pha chút lạnh lùng của tâm hồn đã khép kín, đôi mắt trong suốt, em nói:
-Tân ạ, trò chơi đã kết thúc rồi.
Thế thôi, không một lời nào nữa. Bản án ngắn gọn. Nàng đã hiểu tất cả. Cặp mắt trống rỗng, không còn xanh nhấp nháy, nhìn đi đâu đó của Tanhia chặn lại mọi lời cầu xin, phân bua mà Tân định nói. Không còn là cô bé của hôm xưa. Hắn hiểu. Thế là hết. Tân quay ra. Những cánh hoa táo rơi nghiêng trên mặt đất, tiếng chân lạo xạo của buổi dạo chơi đêm tháng 6, mùi hương hoa táo thấp thoáng, hắn tự dưng mệt bã. Mồm miệng đắng ngắt.
Cùng ngày, Helena kéo Tân ra, bảo: “Từ nay tốt nhất là cậu đừng nên ghé vào chỗ tớ nữa. Vì sao thì cậu tự hiểu lấy”. Cô ta nhìn hắn một cái đầy ngụ ý rồi khinh khỉnh bỏ đi.
Mấy hôm sau, đầu óc rối bù, Tân vẫn chưa hình dung ra cách xử lý vụ việc ra sao thì có việc đột xuất phải đi xa gấp không kịp gặp hai cô trước chuyến đi.
Sau bốn tháng, nhân dịp lễ, Tân mới có chút thời gian quay lại thành phố cũ. Rời khỏi ga, hắn hối hả rảo bước. Tim run rẩy trong lồng ngực. Em sao rồi, Tanhia của tôi? Hắn tưởng tượng sẽ ghì chặt nàng, hôn lên khắp mặt, ngửi mùi da quen thuộc, đọc thấy niềm hạnh phúc vô biên trong đôi mắt xanh trìu mến. Tấm thân Tanhia ấm áp, mềm mại làm sao. Phố xá yên tĩnh, trầm ngâm trong chiếc áo choàng mầu trắng. Tuyết lóng lánh.
Vừa đến cửa “ốp”, một người bạn cũ báo cho Tân biết Tanhia đã có bồ mới – một gã da đen nào đó và khuyên hắn tốt nhất đừng nên ghé vào đấy. “Quên nó đi” – tay bạn bảo.
Tân sững sờ, đất dưới chân như sụp xuống. Hắn không thể tin. Sao vội thế em ơi?
Nhưng rồi gặp nhau ở hành lang, Tanhia chỉ khẽ gật đầu chào, vẻ buồn buồn, ánh mắt lảng tránh của người có lỗi pha chút sợ hãi. Trả lời đề nghị mời đến chơi, cô ta lúng túng xin lỗi, nói là đã có hẹn. Tất cả đã rõ. Trong một thoáng, mọi vật xung quanh Tân mờ đi, xa vợi. Trời đất tối sầm. Tức ngực. Nghĩ đến cảnh Tanhia ngồi trong lòng gã da đen, âu yếm, hắn thấy lòng dạ như có lửa. Tân thẫn thờ, bước vô định.
Đi đâu? Ngoài kia, tuyết rây bột. Rơi, rơi, triền miên vô cảm. Im lặng quá. Trắng. Hình như không một tiếng động. Từ lúc nào hắn đã đứng trước phòng của Helena. Cộc, cộc…
Cái đầu có mái tóc vàng rực lửa ló ra, nụ cười khanh khách:
-Ồ, cậu biến mất hút đi đâu từ dạo ấy thế?
Đêm đó, Tân nghỉ tại phòng Helena. Không hiểu sao, rượu buổi tối hôm đó chua và đắng ngắt. Thuốc lá khét lèn lẹt. Nằm ở đây mà ý nghĩ của hắn cứ bay đi đâu. Bóng đêm trên đỉnh đầu đặc quánh lại, tưởng có thể xắn ra từng khúc. Sáng hôm sau, trở dậy, Tân bải hoải, trống rỗng. Helena hiểu cả. Tiễn hắn ra đi, cô nói: “ Thôi anh cũng đừng trách Tanhia. Không ai có lỗi. Cô ấy là một phụ nữ tốt và tự trọng. Chúc anh may mắn”.
Năm năm trôi qua từ ngày ấy. Tân vẫn giữ bên mình bức thư cuối cùng của Tanhia viết cho chàng, nét chữ tròn trĩnh nắn nót:”Dẫu sao, mọi lỗi lầm thuộc về em. Hãy tha thứ cho em vì đã không thể quay trở lại với anh. Cuộc đời em giờ đây như con tàu chạy sang hướng khác. Mọi ký ức của em về anh, mãi mãi tươi đẹp và trong sáng. Mong anh hạnh phúc. Vĩnh biệt”
Tanhia , cô bé mắt xanh, em đâu có lỗi. Chỉ có điều, mỗi khi thu sang, mây trắng bay về phương ấy, cứ thấy trong lòng không yên. Trong sương sớm, khí trời lành lạnh, thoảng tiếng vịt trời kêu đâu đây./.
N.T.V
|