Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 2)
[13.09.2007 01:20]
 |
Natalya Goncharova - vợ thi hào Nga Puskin |
Puskin không ghen với những người hâm mộ vợ mình khi mọi chuyện chỉ là "kính nhi viễn chi". Puskin còn có phần cảm thấy thích thú khi người vợ trẻ nhưng đã có 4 con của mình vẫn được sùng tín thế. Trong một lá thư gửi Natalia, Puskin viết: "Hãy cứ mãi thanh xuân, vì em còn trẻ và hãy trị vì vì em tuyệt mỹ!... Anh yêu tâm hồn em còn hơn cả gương mặt em…".
Năm 1831, bá tước Vladimir Sollogub ghi lại ấn tượng của mình khi đến chơi nhà Puskin trong một ngày cuối thu đầu đông: "Cha tôi đưa tôi tới chơi với Puskin - nhà thơ sống trong một ngôi nhà khá khiêm nhường; chủ nhân ông đi vắng nên tiếp chúng tôi là người vợ mỹ nhân của nhà thơ. Tôi đã nhìn thấy trong đời mình vô số phụ nữ đẹp, có những người còn rạng rỡ hơn cả vợ Puskin, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai đã kết hợp được ở trong mình sự hoàn mỹ của những nét mặt cổ điển với thân hình như thế… Vóc dáng cao ráo, eo thon nhỏ không thể nào tưởng tượng được, vai rộng và ngực tròn căng, mái đầu bé bỏng của nàng như bông hoa huệ trên cành, chuyển động ngoạn mục và duyên dáng trên cổ thon dài; tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một dáng người hoàn mỹ đến thế. Rồi còn cả làn da, đôi mắt, hàm răng, đôi tai nữa… Đúng, đó thực sự là một người phụ nữ đẹp và không ngẫu nhiên mà tất cả những mỹ nhân khác đều trở nên mờ nhạt đi mỗi khi nàng xuất hiện". Thậm chí cả những thượng khách từ châu Âu sang cũng phải ngạc nhiên vui sướng. Mùa thu năm 1833, F. Lans, một quý ông người Đức vừa sang Nga và được dịp trông thấy vợ của nhà thơ Nga, đã viết: "Bất thình lình, tôi sẽ không bao giờ quên cảnh này, một người phụ nữ bước vào, thanh mảnh như cây cọ. Nàng gợi cho tôi nhớ pho tượng mỹ nữ trong Viện bảo tàng Louvre". Những bức ký họa mà Puskin từng vẽ vợ mình còn được lưu giữ cho tới hôm nay cũng cho thấy, nhà thơ luôn luôn chú trọng tô đậm thân hình cao ráo và bộ ngực tròn căng của vợ mình. Cũng bá tước V. Sollogub viết về tình yêu dành cho vợ Puskin: "Tôi ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy đã phải lòng nàng. Cũng cần phải nói rằng, ở Saint Petersburg hồi ấy, gần như không có một chàng trai nào lại không thầm yêu trộm nhớ vợ Puskin. Nhan sắc rạng rỡ của nàng bên cạnh cái họ thi nhân làm tất cả quay cuồng chóng mặt. Tôi biết rất nhiều chàng trai rất tự tin rằng họ đã phải lòng vợ Puskin nhưng không chỉ không hề quen nàng mà thậm chí là còn chưa nhìn thấy nàng bao giờ…". Đã có những chàng trai vì mê Natalia mà viết cả cuốn tiểu thuyết về mối tình và cuộc hôn nhân của nàng với Puskin. Không chỉ các chàng trai mà ngay cả các trưởng lão cũng thầm yêu trộm nhớ vợ Puskin. Thí dụ như công tước N.B. Yusupov. Vị trọng thần này đã luôn hào hứng ca tụng nhan sắc của Natalia. Thậm chí cả các cậu thiếu niên cũng không ít người phải lòng nàng. Bản thân Sa hoàng Nikolai Đệ nhất cũng không hoàn toàn dửng dưng trước Natalia. Theo lời kể của chính Puskin, Sa hoàng đã như một cậu sĩ quan trẻ tán tỉnh vợ anh, sáng ra cố tình đi qua tư gia của nhà thơ để tối đến, trong dạ hội, láu lỉnh hỏi là tại sao nàng lại đóng kín rèm cửa như thế… Trong thời Puskin sống, những việc phải lòng như thế cũng không phải là chuyện gì ghê gớm trong giới thượng lưu. Puskin không ghen với những người hâm mộ vợ mình khi mọi chuyện chỉ là "kính nhi viễn chi". Bản thân nhà thơ, như mọi nhà thơ ở mọi thời và mọi nơi, có lẽ cũng không phải là người "chay tịnh" gì (tuyệt đại đa số những bài thơ tình hay nhất của anh đều được viết từ cảm hứng xuất hiện nhờ những mỹ nhân không phải vợ anh). Puskin còn có phần cảm thấy thích thú khi người vợ trẻ nhưng đã có 4 con của mình vẫn được sùng tín thế. Trong một lá thư gửi Natalia, Puskin viết: "Hãy cứ mãi thanh xuân, vì em còn trẻ và hãy trị vì vì em tuyệt mỹ!... Anh yêu tâm hồn em còn hơn cả gương mặt em…". Mọi sự chỉ trở nên rối rắm khi xuất hiện Dantes. Những cử chỉ sùng tín của Dantes đối với Natalia công khai và khiêu khích tới mức, là một trang nam nhi đích thực, Puskin đã không thể không gọi anh chàng này ra đấu súng. Và kết cục cuộc đấu súng đó như tất cả đều rõ: Puskin trúng đạn và qua đời ngày 10/2/1837, sau 6 năm làm chồng Natalia. Khi đó, đại thi hào Nga mới 38 tuổi, còn vợ anh đang ở tuổi 24. Trước khi diễn ra cuộc đấu súng định mệnh đó, Puskin đã viết di chúc, trong đó cho phép vợ mình chỉ phải để tang trong hai năm, rồi sau đó có thể đi bước nữa, nhưng phải lấy một người đàn ông tốt làm chồng. Trở thành goá phụ ở lứa tuổi quá trẻ trung như vậy, lại với bốn đứa con nhỏ, cô con gái lớn nhất mới 5 tuổi, còn cô con gái út mới 8 tháng, Natalia hẳn đã phải mất rất nhiều tâm lực mới nuôi nấng các con mình trưởng thành (khi đó, ở nước Nga Sa hoàng, tỉ lệ trẻ chết yểu cực kỳ cao!). Trong suốt 7 năm liền sau khi Puskin mất, Natalia vẫn kiên trì ở vậy mặc dù có không ít người sáng giá tới cầu hôn với điều kiện sẽ đưa 4 đứa con của Puskin đi ở các học đường công. Natalia đã tuyên bố: "Những ai mà cảm thấy các con tôi là gánh nặng thì người ấy không thể là chồng tôi được!". Mãi tới năm 1844, tới cầu hôn Natalia là một vị tướng đầy từ tâm, P.P. Lanskoi: Ông không chỉ muốn làm chồng Natalia mà còn sẵn sàng giữ vai trò người cha đối với 4 người con của nàng và Puskin. Natalia đã có thêm với tướng Lanskoi 3 cô con gái nữa. Cả 7 người con đều rất kính yêu mẹ mình và trong thư gửi bà, tướng Lanskoi có lần đã gọi bà là "nữ giám đốc trại trẻ"… Tới cuối những năm 1840, Natalia dần dà trở nên gầy yếu. Thậm chí bà còn hút thuốc lá nữa. Mặc cảm tội lỗi trước cái chết “bất đắc kỳ tử” của đại thi hào khiến bà không thể yên ổn sống. Những đứa con không còn được thấy mẹ mình vui vẻ nữa cho tới cuối đời bà! Natalia đã từ giã cõi trần vào tháng 11/1863, ở tuổi 51.
Lại Phương Kiên
Theo CAND.COM
|