Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 1)
[13.09.2007 01:18]
 |
Natalya Goncharova - vợ thi hào Nga Puskin |
Puskin không ghen với những người hâm mộ vợ mình khi mọi chuyện chỉ là "kính nhi viễn chi". Puskin còn có phần cảm thấy thích thú khi người vợ trẻ nhưng đã có 4 con của mình vẫn được sùng tín thế. Trong một lá thư gửi Natalia, Puskin viết: "Hãy cứ mãi thanh xuân, vì em còn trẻ và hãy trị vì vì em tuyệt mỹ!... Anh yêu tâm hồn em còn hơn cả gương mặt em…".
"Giá có thể bàn tay liều lĩnh,
Ngực tròn vuốt nhẹ cuồng si…
Ảo mộng cả, làm sao ta dám
Bước chân vào vực biển ngầu mê…"
Năm 1813, mới 14 tuổi, cậu học trò trung học Aleksandr Puskin đã viết như thế tặng cô nghệ sĩ nông nô Natalia trong nhà hát tại gia của bá tước Tolstoi ở Hoàng Thôn. Cậu bé rất nhiều tối ngồi xem kịch và mãi không dám chìa những ngón tay run rẩy ra chạm vào váy áo cô nữ diễn viên kiều diễm.
Trở về phòng nội trú trong trường trung học, "giản đơn như phòng tu sĩ", Puskin đã bị chìm đắm vào nỗi khát thèm không thỏa mỹ nhân ngực tròn. Suốt đời, đại thi hào Nga vẫn coi hình mẫu lý tưởng của phái đẹp là những người con gái ngực tròn căng và đôi bàn chân nhỏ nhắn.
Cuộc đời thật lạ lùng. 15 năm sau bài thơ gần như đầu tay trên, Puskin, lúc này đã đủ kinh nghiệm sống để lập gia đình, bất ngờ trong một đêm dạ hội mùa đông gặp một thiếu nữ 16 tuổi, cũng mang cái tên giống như cô nông nô nghệ sĩ từng ám ảnh anh suốt buổi thiếu thời. Đó là Natalia Gontsarova, sinh đúng một ngày sau trận đánh Borodino lừng danh: ngày 27/8/1812.
Cô gái dáng người thanh mảnh, cao ráo, ngực tròn căng sự sống. Lớn lên ở những trang trại nông thôn, trong không khí trong lành, Natalia đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời của nhan sắc Nga tràn trề sự sống. Puskin cảm thấy mình như bị sét đánh và ngay lập tức tìm mọi cách để cầu hôn.
Một công việc đã không dễ dàng gì vì mẹ của Natalia mãi không chịu gật đầu với nhà thơ, danh tiếng nhưng không phải là một quý ông nhiều phần giàu có. Theo bà, Natalia lúc đó còn quá trẻ, cô là út trong số 3 người con gái của bà. Hơn nữa, một cô con gái như thế hoàn toàn có thể đợi một vị hôn phu quyền quý hơn là một thi sĩ. Thêm vào đó, bà cũng không muốn gả chồng cho con gái khi gia đình chưa tích cóp được tiền sắm của hồi môn cho cô.
Cầu hôn một lần không xong, Puskin lại đi cầu hôn thêm lần nữa và không ngần ngại đặt luôn trang trại mà cha anh dành cho anh để đưa tiền cho bà nhạc tương lai sắm của hồi môn cho con gái. Việc này rất hiếm khi xảy ra ở nước Nga Sa hoàng, vì làm như vậy tức là Puskin đã cược tất cả tương lai của mình vào cuộc hôn nhân này: Anh không thể hình dung ra một cuộc sống vợ chồng mà lại không có Natalia Gontsarova!... "Hoặc em sẽ làm vợ tôi, hoặc tôi sẽ không bao giờ cưới vợ!" - Puskin đã viết cho vị hôn thê tương lai như vậy.
"Yêu như lao xuống dòng nước xoáy" (thơ Hồng Thanh Quang) như vậy, thì ai mà cản được. Tuy nhiên, mặc dù lễ ăn hỏi diễn ra ngày 6/4/1830 nhưng phải tới ngày 18/2/1831, hôn lễ mới được cử hành.
Những năm đầu tiên trong cuộc sống gia đình của Puskin trôi qua như trong giấc mộng. Công bằng mà nói, Natalia quả thực là đệ nhất mỹ nhân thời ấy. Tất cả những họa phẩm từ thời ấy còn lại cho tới hôm nay đều có thể khiến chúng ta phải trầm trồ trước nhan sắc của Natalia: Những đường nét thanh tú cổ điển của gương mặt, đôi mắt hơi xếch cực kỳ ăn ý với vòng eo tuyệt mỹ.
Có những minh chứng về đôi vai hoàn hảo và chiều cao của Natalia: Cô cao hơn mức trung bình ngay cả đối với đàn ông thời đó. Puskin dĩ nhiên là thấp hơn vợ mình. Nhưng là một thi sĩ đầy tự tin, anh đã không hề mặc cảm về chuyện này mà trái lại, có phần thích thú với cảnh tương phản đó.
Thực ra, làm chồng của một mỹ nhân như Natalia không bao giờ là việc hoàn toàn dễ chịu, phải đối mặt với quá nhiều ghen tị và những mưu toan tước đoạt dù chỉ tạm thời, dù rất kín đáo. Cho tới hôm nay vẫn còn giữ lại được một tờ tạp chí chép tay có cái tên "Momus", xuất hiện đầu năm 1831. Đó là tờ tạp chí của một số sinh viên Đại học Tổng hợp Moskva, trong đó có một số người mê Natalia Gontsarova. Một sinh viên đã chép vào đó bài thơ về cô và Puskin một tháng rưỡi trước khi nhà thơ làm đám cưới:
"Nàng bỏ tôi đi theo kẻ khác,
Kẻ khác ghì chặt nàng vào ngực.
Ôi dĩ vãng làm sao về lại,
Trả cho tôi hạnh phúc tàn phai!
Không, không thể! Trời ơi! Trời hỡi!
Số phận nàng không gắn cùng tôi.
Kẻ khác ở trên giường hôn lễ
Tháo ngực tròn khỏi những hồ nghi.
Và trong phút tràn trề vui sướng
Đôi tay trần nàng sẽ ghì mê
Trong náo nức và trong rát bỏng
Nàng gọi tên kẻ khác cuồng si.
Tôi là chi? Chỉ là tro bụi,
Chẳng bao giờ nàng sẽ cùng tôi…"
Như người ta vẫn nói, lắm khi, rất ngẫu nhiên thôi, hoan lạc của người này lại là sự đau đớn đến tái tê lòng của người khác. Là một thi sĩ, Puskin hiểu điều đó nhưng rõ ràng là anh không bao giờ tình nguyện trao niềm hạnh phúc mà anh cho là duy nhất của anh cho những kẻ si mê vợ anh.
Làm vợ Puskin chỉ được vài năm, Natalia đã trở thành mẹ của bốn đứa con. Gần như cô năm nào cũng có mang. Tuy nhiên, không vì thế mà thân hình tuyệt mỹ của cô bị ảnh hưởng đáng kể (Natalia không trực tiếp cho con bú mà nhờ các vú em nuôi hộ bằng sữa của họ). Và bởi vậy, các trang phục dạ hội vẫn lộng lẫy hiện diện trên người Natalia một cách ổn thỏa và vẫn làm cho những trang nam nhi sáng giá nhất trong giới quý tộc Nga phải rung động.
Còn nữa
|