Trí khôn nhà văn ở đâu?
[10.06.2008 18:09]
 |
Nhà văn Nguyễn Công Hoan - 1963 |
Trần Ngọc Lãng
Lời giới thiệu của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn:
Tác giả Trần Ngọc Lãng vừa gửi đến lethieunhon.com một tập tiểu luận khá công phu mang tên “Trí khôn nhà văn ở đâu?”. Trong đó tác giả Trần Ngọc Lãng đã dày công đọc lại những tác phẩm lừng danh và những tác phẩm chưa kịp lừng danh của các nhà văn Việt Nam nổi tiếng. Có thể vài đánh giá của Trần Ngọc Lãng không thuận chiều với chúng ta, nhưng với tinh thần học tập lẫn nhau cũng như ý thức đối thoại văn học, lethieunhon.com xin giới thiệu loạt bài này!
Bài 1 Nguyễn Công Hoan
Dân gian có chuyện một con hổ cứ lẽo đẽo theo bác thợ cày đang làm ruộng hỏi bằng được : “Trí khôn mày để ở đâu ?”. Bác thợ cày đáp : “Trí khôn tao để ở nhà. ”- “ Về lấy tao coi đi.”- “ Không được, tao về mày ăn thịt con trâu của tao thì sao, phải để tao trói lại đã…”. Chú hổ bùi tai bằng lòng cho bác thợ cày trói lại. Trói hổ xong , bác thợ mới cầm cày phang túi bụi, vừa phang vừa la lớn : “Trí khôn của tao ở đây …”.
Vậy còn trí khôn các bác nhà văn ta để ở đâu ?
Xin bắt đầu từ nhà văn Nguyễn Công Hoan, người được bác Tô Hoài thổi lớn: “Truyện ngắn, truyện dài Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo - Ba Vì hùng vĩ, vượt qua hai thời kỳ kháng chiến, tiến vào cách mạng tháng Tám…”. Ái chà chà, “trái núi biết đi” này tiến vào cách mạng liệu có từ Tam Đảo , Ba Vì biến thành Everest ?
Trả lời được câu hỏi này không gì bằng những tác phẩm của ông viết sau cách mạng. Tiếc thay, “bệ đỡ văn hoá” lại là cái nền móng cho nhà văn xây nên ngôi nhà của mình. Nguyễn Công Hoan tốt nghiệp Sơ học yếu lược (cấp 1 bây giờ), sau đó vào trường sư phạm ra dậy tiểu học tại hầu hết các tỉnh lẻ: Hải Dương, Lào Kai, Nam Định rồi đảo Trà Cổ ( Móng Cái) …vừa dậy học vừa hoạt động cách mạng khó mà có thời gian, điều kiện mà nghiên cứu, tự học. Sau năm 1946, ông cũng lên rừng như các văn nghệ sĩ khác. Văn chương Nguyễn Công Hoan bởi thế trở nên “phú quý giật lùi” so với thời ông viết những “Bước đường cùng”, “Cô giáo Minh”, “Kép Tư Bền”,” Lá ngọc cành vàng” …và hàng trăm truyện ngắn ghi lại được phần nào bộ mặt xã hội thời đó.
Từ sau 1945 (Nguyễn Công Hoan mới 42 tuổi), “tiến vào cách mạng tháng Tám” rồi “vượt qua hai thời kỳ kháng chiến” đánh Pháp và đánh Mỹ, ngòi bút Nguyễn Công Hoan (NCH) cứ cạn mực dần. “Mở hàng” cho cách mạng, năm 1946, NCH viết tiểu thuyết “Đồng chí Tơ”, kể một anh tù hình sự, trong nhà giam được giác ngộ trở thành người cách mạng, viết dở tới mức chỉ in 20 kỳ trên báo Sao Vàng rồi biến mất tiêu, không tái bản, cũng không ai nhắc tới. Sang năm 1947, NCH viết tiểu thuyết “Xổng cũi” thuộc tủ sách Vệ Quốc Đoàn, cũng không để lại dấu vết gì trên chặng đường sáng tạo. Rồi mãi tới năm 1952, NCH mới lại cho ra lò tiểu thuyết “ bà Năm di cư”, năm 1955 tập truyện ngắn “ Nông dân và địa chủ” mà chỉ nội hai cái tựa cũng đủ biết nó chết yểu. Năm 1963, NCH xuất bản “Đống rác cũ tập1”viết về mặt trái của quan lại phong kiến, sách ra lập tức bị thu hồi, không phải vì “nghĩ ra ngoài những điều Đảng nghĩ” mà chính vì dơ dáy, “tự nghiên chủ nghĩa” quá. Sau này, 1988, cả hai cuốn “Đống rác cũ 1 và 2” đều được xuất bản và cũng chẳng gây được tiếng vang nào vì …dở quá. Bản kê “sáng tác phẩm” của Nguyễn Công Hoan sau nửa đời đi theo cách mạng chỉ có bấy nhiêu còn lại toàn những “sổ tay văn học”,” kinh nghiệm sáng tác”, “nghĩ gì viết nấy”…
Sau năm 1975, Nguyễn Công Hoan có viết “di bút”: “Hiện nay , truyện ngắn viết dài mà truyện dài cũng viết dài. Rõ ràng cái viết dài này có dụng ý là khoe vốn sống. Kiếm được bao nhiêu vốn , khi cầm bút thì lôi tiệt ra. Hàng trang - hàng tràng. Vốn bị vét đến tận đáy. Thứ vốn sống …sượng cũng bị lôi ra tuốt…”
Than ôi, những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan viết sau chuyến đi thăm “miền nam hoàn toàn giải phóng “ lại rất tiêu biểu cho “thứ vốn sống…sượng” mà ông vừa cao giọng lên án.
“ Trên chuyến xe lam” (truyện ngắn 9-1975) đang bon bon về Sàigòn có “đại tá Đôn trong nguỵ quân của tên đại Việt gian Nguyễn văn Thiệu”. Ông Đôn đang lo “đi trình diện sẽ bị bắt, ngồi tù và sẽ phải “tẩy não” vì thế ông nhất quyết trốn và tập hợp chiến hữu âm mưu lật đổ cách mạng. “May thay” chiếc xe lam ghé lại bến đón khách …một anh bộ đội. Thế rồi trên đường , anh này kể chuyện “xung phong đi đánh Mỹ chứ không phải bị bắt lính” rồi anh lại đọc cả …. tiểu thuyết Pháp nữa làm một bà mẹ trên xe nắc nỏm : “Cụ Hồ khéo dạy người thật. Tôi thấy anh bộ đội ngoài ấy cũng như quân giải phóng trong này, anh nào cũng hiền lành tử tế”.
Sự việc chỉ có nhiêu đó đập vào mắt ông đại tá làm ông “tỉnh ngộ”, thức tỉnh chính nghĩa cách mạng đến mức sáng hôm sau ông đi trình diện sớm, dứt khoát từ bỏ ý định trốn cải tạo làm phản loạn. Truyện ngắn này nếu che đi tên tác giả, người đọc sẽ tưởng là một cây bút “thông tin văn hoá phường” chứ chẳng ai ngờ người viết nó lại là một nhà văn lớn như “Tản Viên- Ba Vì”.
Sang truyện ngắn “ Nỗi day dứt của một đại tá tỉnh trưởng nguỵ quyền”, vốn sống của nhà văn NCH lại càng…kinh dị hơn. Ông đại tá này ở lớp cải tạo “học đến bài thứ bảy, anh ta càng thấy sỉ nhục về cái tội làm tay sai cho đế quốc Mỹ xâm lược”. Nỗi xấu hổ này làm ông “mất ngủ, ít nói, ít cười…vắt tay lên trán, thở dài thườn thượt…”. Thế rồi không chịu nổi nỗi ăn năn, ông ta phải gặp cán bộ để thổ lộ “Tôi biết là bọn Mỹ-Nguỵ đã đào tạo khiến chúng tôi không còn là người, nhưng cách mạng giáo dục để chúng tôi trở lại thành người. Tôi vô cùng cảm ơn cách mạng…”. Tiến lên ta quyết tiến lên làm người…cách mạng, ông đại tá lại thú nhận: “Hồi tôi làm tỉnh trưởng tỉnh XX, thì trong những ngày cách mạng đến giải phóng thị xã, tôi và anh Xiêm cũng học lớp cải huấn này …đã lấy hết công quỹ gồm 13 triệu đồng”. Nay xin “ lập công chuộc tội ” với cách mạng, ông đại tá đề nghị: “Lấy uy thế tỉnh trưởng, tôi chỉ chia cho Xiêm 5 triệu, tôi giữ 8 triệu. Tám triệu không nuôi sống đời tôi nhưng giữ nó, tôi bị day dứt suốt đời. Tôi cần rũ sạch vết nhơ, vết ô nhục ấy…tôi xin phép được hiến cho chính phủ số tiền 8 triệu đồng …”. Cán bộ còn đang tuyên dương tinh thần “giác ngộ cách mạng qua học tập” thì chợt nghe tiếng gõ cửa cạch cạch . Ai thế ? Tưởng ai hoá ra anh Xiêm, đồng sự với ông đại tá, cũng tìm tới cán bộ để xin nộp lại 5 triệu kẻo nó thành vết nhơ ở trong lòng.
Than ôi, to như trái núi Tam Đảo Ba Vì mà sao đẻ ra hai con chuột nhắt bé xíu thế? Riêng cái truyện “ông đại tá…” chẳng phải vốn sống đang còn …sượng, bởi lẽ NCH đã bao giờ đặt chân tới trại tập trung cải tạo mà biết mặt mũi, tâm trạng mấy ông “đại tá tỉnh trưởng” ra sao, chẳng qua ông tưởng tượng vậy thôi. Mà trí tưởng tượng của ông lại bắt nguồn từ một hiểu biết quá nghèo nàn.
Sau gần nửa thế kỷ “hành trình tư tưởng”, lẽ ra ông nhà văn phải khôn ra rất nhiều để thấy cái thứ văn chương ?tuyên truyền” trắng trợn đó là một thứ giả nghệ thuật, mà với nhà văn không gì dị ứng cho bằng sự giả dối. Vậy thì trí khôn của bác ở đâu mà đến nỗi “nhận thức” về “kẻ thù” ngớ ngẩn vậy ?
Ông tiến sĩ văn học Niculin ( Liên xô cũ) ca ngợi nhà văn Nguyễn Công Hoan: “Thời buổi này, phải có lòng dũng cảm không nhỏ, niềm tin lớn lao mới dám bước lên con đường của Ông”
Thì ra trí khôn của bác nhà văn nằm ở …cái gan. Chỉ tiếc cái gan của bác hơi bị bé nên sự nghiệp văn chương theo cách mạng của bác cũng chẳng có gì là…lớn.
(Còn nữa)
| (Theo lethieunhon.com) |
|