Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ sáu,
31.03.2023 09:44 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 3
Số truy cập: 1669889
Tin tức > Sân khấu - Điện ảnh > Xem nội dung bản tin
Cải lương miền Tây Nam Bộ có thoi thóp hay không?
[13.08.2007 18:32]
Là một cư dân sống ở miền Tây Nam Bộ từ sau ngày giải phóng đến nay, tôi đã được "đắm mình" trong không khí cải lương nói riêng và ca nhạc tài tử nói chung. Có thể nói cải lương là "hơi thở", là "sự sống" của vùng đất Chín Rồng này. Nếu bạn có dịp tới các miệt vườn thì ở đâu ta cũng nghe văng vẳng tiếng đờn cò, đờn sến, tiếng ca bản "Dạ cổ hoài lang" hay "Tình anh bán chiếu"… Đó là sức sống mãnh liệt của một loại hình văn hoá phi vật thể.


Hàng năm ở các tỉnh, thành hay ở cấp quận, huyện tại Tây Nam Bộ thường tổ chức những cuộc thi về đờn ca tài tử Nam Bộ. Năm 2003, Tạp chí Thế giới mới kết hợp với đài truyền hình CVT mở cuộc thi "Viết lời mới cho đờn ca tài tử cải lương" với 10 bản Tổ, đã được đông đảo những người yêu thích cải lương toàn quốc tham gia. Và kết quả phần lớn giải đã thuộc về các tác giả ở miền Tây Nam Bộ. Hiện nay trên địa bàn Cần Thơ đang diễn ra cuộc thi cải lương "Giải thưởng Trần Hữu Trang" khu vực ĐBSCL lần thứ 10. Ở Long An đã diễn ra cuộc thi "Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ II". Số lượng dự thi của các đoàn rất đông, phần lớn là lực lượng trẻ. Nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết đã nhận xét: Giải Triển vọng Trần Hữu Trang lần đầu tiên được tổ chức trên đất Chín Rồng là tín hiệu vui cho sân khấu cải lương ĐBSCL. Các thuyền văn hoá, xe lưu động của các đội tuyên truyền văn hoá quận, huyện, phường, xã vẫn tới nhiều địa điểm bến sông, bãi chợ để ca cải lương với nội dung mới theo chủ đề các ngày lễ lớn hay các cuộc vận động cho một chủ trương, đường lối chính sách nào đó của Đảng và Nhà nước. Chỉ cần ca hai câu vọng cổ là đã tập hợp được nhiều quần chúng, và sau đó các tuyên truyền viên mới vào cuộc.… Tới các điểm du lịch sinh thái ở miệt vườn hay tới các quán ca cổ ở miền Tây Nam Bộ ta sẽ thấy không khí đờn ca tài tử rất sôi nổi và mùi mẫn. Vậy cải lương miền Tây Nam Bộ có "thoi thóp", có sắp "khai tử" hay không?

Qua một số bài viết của vài tác giả đăng trên báo và tạp chí cùng các phương tiện thông tin đại chúng khác thì hiện nay có hai luồng ý kiến. Một là: cho rằng cải lương đang thoi thóp, sắp chết vì hết đất sống, vì không được lãnh đạo quan tâm, nhiều khán giả quay lưng lại với cải lương, đời sống nghệ sĩ cải lương quá bi đát… Hai là: cho rằng cải lương vẫn phát triển dưới nhiều hình thức diễn xuất, vẫn phát triển rộng khắp và ăn sâu vào đời sống tinh thần quần chúng.

Tôi chỉ đơn cử một ý kiến nhận định về cải lương chưa đúng của một nhà lãnh đạo có trách nhiệm với các loại hình văn hoá. Đó là ý kiến của NSND Doãn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, qua lời trích ở bài báo: "Thoi thóp cải lương miền Tây" của tác giả Kiều My đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ hai 16-7-2007. Xin trích lại nguyên văn lời dẫn đó:

"…Vậy nguyên nhân nào người ta lại quay lưng với cải lương ngay trên mảnh đất vốn mệnh danh là cái nôi cải lương? Chúng ta phải xem lại lời thoại và cần nâng nó lên một tầm cao hơn, có tính triết lý hơn, tránh bi luỵ, sáo rỗng. Cái "gu" thẩm mỹ của một số nghệ sĩ cải lương cũng có "vấn đề". Đàn ông, con trai mà bơm môi, sửa má, ăn mặc loè loẹt. Trong khi con người hiện đại cần cái "gu" thẩm mỹ chuẩn hơn, đẹp hơn, nội dung chuyển tải nhanh gọn, cung cấp cho họ lượng thông tin nhiều nhất".

Và tác giả Kiều My bình luận "Cũng theo ông Giang, một nền nghệ thuật mà bị lớp trẻ từ chối là một nền nghệ thuật "có vấn đề". Không ai làm nghệ thuật với mục đích phục vụ người già cả".

Qua ý kiến trên bộc lộ sự nhận xét rất chủ quan của ông Doãn Hoàng Giang - một tác giả chuyên đi sâu vào lĩnh vực "kịch nói", còn về cải lương thì chỉ hiểu lơ mơ. Như chúng ta đã biết cải lương cũng như một số loại hình nghệ thuật khác như tuồng, chèo … thường mang tính ước lệ. Đó là một nét đặc trưng cơ bản của "thi pháp" cải lương. Ông Giang đòi cải lương "tránh bi luỵ, sáo rỗng", nhân vật phải tránh "bơm môi, sửa má, loè loẹt" thì còn gì là cải lương nữa. Thế thì nó hóa ra kịch nói rồi. Nhân vật trong cải lương cũng như trong tuồng được hoá trang theo mô-típ ước lệ. Vai thư sinh phải mảnh khảnh, mặt trắng, tên nịnh thần phải mắt híp, môi thâm, vị tướng tài phải có khuôn mặt chữ điền, râu ngắn, mắt xếch… Phần lớn màu sắc hoá trang trên khuôn mặt cũng như quần áo đối với nhân vật, người ta thường dùng màu "nóng" (còn gọi màu gốc), để từ đó khi nhân vật xuất hiện là khán giả đoán ra ngay là người trung thần hay kẻ nịnh hót cơ hội, là vị vua sáng, tôi hiền hay tên bạo chúa, là thảo dân tốt bụng hay tên quan lại, địa chủ độc ác… Vì vậy việc "bơm môi, sửa má, loè loẹt" đối với một số đào, kép là cần thiết.

Về tính "bi luỵ, sáo rỗng" trong cải lương cũng là một nét đặc trưng. Song cái "bi luỵ" trong cải lương tiến triển khác với kịch nói. Có cái "bi" mà không "luỵ", có cái "bi luỵ" làm người xem rớt nước mắt và hướng họ tới chân - thiện - mỹ. Cũng có cái "bi luỵ" làm người ta không ngóc đầu lên được, dẫn tới bi thương. Vấn đề là do kịch bản, do diễn xuất của nghệ sĩ, và do sự cao hay thấp tay của đạo diễn xử lý. Một nhân vật bị đâm hay bị tên bắn trọng thương vẫn không ngã ngay mà còn đứng ca hai câu vọng cổ rồi mới gục, thì đó là ước lệ, là bi luỵ, là sáo rỗng đấy nhưng rất cần thiết đối với cải lương, còn kịch nói thì không cho phép như vậy. Còn ông Doãn Hoàng Giang muốn cái "gu" thẩm mỹ của cải lương cũng phải đúng như cái "gu" của con người hiện đại "chuẩn hơn, đẹp hơn, nội dung chuyển tải nhanh gọn, cung cấp cho họ lượng thông tin nhiều nhất" thì quả là một sự đòi hỏi phi lý, thể hiện về sự chưa hiểu hết về cải lương. Khi đánh giá một con người hay một loại hình nghệ thuật nào đó, nhất là về loại hình fon-clo, thì một nguyên tắc bất di bất dịch là phải đặt nó trong bối cảnh thời đại, lịch sử, môi trường diễn xướng. Nếu tách nó ra khỏi "không khí lịch sử", "môi trường diễn xướng" thì chẳng khác gì bắt cá lên cạn, rồi đặt nó trên thớt. Cải lương mà cứ đòi hỏi đối thoại như kịch, ăn mặc hiện đại nào là vét-tông, ca-vát, áo hở ngực, hở rốn te tua, tóc nhuộm vàng, đỏ, nâu, đi giày cao gót, uốn éo đít-cô… cho theo kịp nhịp nhanh của lối sống hiện đại, để cung cấp nhiều thông tin, thì hỡi ôi, còn gì là cải lương nữa. Cải lương ở miền Tây Nam Bộ cũng phải khoan thai theo nhịp 16, 32 hay 64 cùng gió, mây, sông nước Cửu Long chứ. Nó không như ngựa phi của nước sông Mã, sông Chu, sông Hồng ở đồng bằng Bắc Bộ hay lững lờ trôi như Hương Giang của xứ Huế mộng mơ.

Có một điều cần nhận dạng là khi chúng ta tiếp thu và xử lý vốn cổ dân tộc phải hết sức cẩn trọng, cái gì phải giữ lại nguyên si, cái gì phải cải tiến nó cho phù hợp với thời đại là điều nên cân nhắc kỹ lưỡng. Trong các vở cải lương hiện nay, nội dung đề cập đến những vấn đề đương đại, nhưng không vì thế mà phá bỏ hình thức cũ vốn có của nó. Nhưng nếu ta cứ viết, cứ ca như bản gốc của "Dạ cổ hoài lang" thì lại cực đoan. Song, có cải tiến chăng nữa thì cũng chỉ nên như "tân cổ giao duyên", chen một ít yếu tố kịch nói trong lời thoại, hay vào hành động đối với nhân vật khi cần thiết. Hoặc như việc kết thúc các vở cải lương theo lối truyền thống cổ điển là phải "có hậu", nhưng cải lương hiện đại có khi không cần kiểu kết như thế, không cần phải cứ "ta thắng địch thua"… Đó chính là những nét mới của cải lương ngày nay.

Còn điều ông Giang khái quát chung về một nền nghệ thuật bị lớp trẻ từ chối là một nền nghệ thuật "có vấn đề", thì rất cần xem lại? Lớp trẻ hôm nay, người già hôm nay có cái "gu" khác với lớp trẻ hay người già khi xưa, đó là điều tất nhiên, ai mà chẳng biết. Ngay trong lĩnh vực tân nhạc và thơ ca cũng vậy, được bao nhiêu bạn trẻ thích thơ Đường hay nhạc cổ điển, nhạc tiền chiến? Và có phải "không ai làm nghệ thuật với mục đích phục vụ người già cả" hay không? Đó cách nói lấy được, vơ đũa cả nắm. Nghệ thuật chỉ có hay và dở mà thôi, nó phục vụ chung cho mọi đối tượng. Còn thưởng thức nhiều hay ít là do "gu" của mỗi người. Nói như ông Giang, hoá ra tất cả các loại hình nghệ thuật từ xưa tới nay, kể cả trong nước và trên thế giới, chỉ để phục vụ lớp trẻ thôi sao? Hiện nay trên thị trường rất nhiều loại thơ, băng đĩa mang nhãn hiệu "thơ trẻ", "nhạc trẻ" của các thế hệ 8x, 9x nhưng rất ít tác phẩm được số đông công chúng yêu thích. Cái gì dở, không phù hợp với thị hiếu dân tộc thì thời gian và công chúng sẽ đào thải. Đúng là lớp trẻ ngày nay ít yêu thích cải lương, nhưng không vì thế mà cải lương chỉ phục vụ người già. Nhiều show diễn của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ, Thanh Sang, Thoại Mỹ, Vũ Linh, Kim Tử Long… giá 200.000đ/vé mà vẫn bị "cháy", có người phải mua vé chợ đen từ 500.000đ đến 1 triệu mới được vào rạp xem. Nhiều live show cải lương ở Nhà hát thành phố với tên gọi "Làn điệu phương Nam" vẫn cuốn hút số đông khán giả. Mỗi đêm trên "Du thuyền sông Hậu" ở bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ vài trăm khách vừa ăn uống vừa được du ngoạn trên sông vài cây số và nghe ca cải lương theo yêu cầu hơn một tiếng đồng hồ thì còn gì sướng bằng. Nhiều cuộc thi về giọng ca cải lương vẫn có nhiều thí sinh tranh tài, trong đó đa số là lớp trẻ.

Vậy cải lương vùng ĐBSCL có "thoi thóp", sắp chết hay không? Câu hỏi đó giành cho số đông khán thính giả yêu thích phán xét. Chỉ biết rằng các nghệ sĩ cải lương tuy thu nhập không cao bằng các ngôi sao tân nhạc có hạng, nhưng phần lớn họ đều có cuộc sống đầy đủ, nhiều người có nhà lầu, xe hơi đời mới. Và mỗi chiều, mỗi tối ở các miệt vườn sông nước vùng đất giàu hoa trái và trí dũng của miền Tây Nam Bộ vẫn không dứt lời ca tiếng đờn của ca nhạc tài tử ngân vang, mà linh hồn của nó là cải lương.




L.X (Cần Thơ)
(Theo Văn nghệ sông Cửu Long.)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Diễn viên Diễm Hương ngày ấy - bây giờ
Tiếng thơ ngâm bậc nhất nhì Hà Thành
Trịnh Hội yêu Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhất ở lòng nhân
Nguyễn Huỳnh trắng tay vì ma túy
Minh Phụng: Một ngôi sao sân khấu cải lương đã tắt
Phim TH Việt: Bắt chước mà không tới
Đất nước đứng lên - một bộ phim giả tạo
NSƯT Minh Phụng từ trần
Kiều Thanh chưa chán vai lẳng lơ
Nghệ sĩ Phùng Há và những cuộc tình buồn - Phần 2: Chuyện hợp tan và đoạn kết một cuộc tình
 
 
 
Thư viện hình