Tiếng thơ ngâm bậc nhất nhì Hà Thành
[11.01.2008 03:35]
 |
NSƯT Trần Thị Tuyết thời trẻ. |
Qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, người yêu “Tiếng thơ” đã từng thưởng thức nhiều giọng ngâm tuyệt vời làm thổn thức tâm hồn vào mỗi đêm cuối tuần, dường như là những khoảnh khắc mình sống với mình thôi. đó là một Châu Loan mặn mà xứ Huế, một Linh Nhâm hùng tráng thép gang, một Kim Cúc vui tươi chất lính...
Nhưng có lẽ một giọng thơ ngâm chiếm được sự yêu mến và ngưỡng mộ hơn cả, đọng lại sâu lắng trong tâm hồn nhiều thế hệ thính giả suốt từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước cho tới nay, đó là người con gái Hà Nội mang cái tên giản dị: Trần Thị Tuyết. Chị sinh ra như để cho “Tiếng thơ”, và “Tiếng thơ” là cả cuộc đời người nghệ sĩ đa đoan mà tài hoa ấy...
Như một cơ duyên tiền định
Bà Nguyễn Thị Phúc vốn là đào nương nhan sắc đằm thắm, đa tài, một thời vang bóng. Những tao nhân mặc khách mê đắm ca trù của Hà Nội xưa không ai là không biết tiếng.
Bà cùng nghệ nhân lừng danh Quách Thị Hồ là những nghệ sĩ được mời đến phòng thu thanh 58 phố Quán Sứ Hà Nội cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam bộ môn hát ca trù và ngâm thơ ngay sau những năm đầu ta về tiếp quản thủ đô. Giọng ngâm thơ đặc sắc của bà Phúc hớp hồn bao người, khiến ngay cả người nhà đài cũng phải ngưỡng mộ.
Một ngày sau buổi thu thơ, thi sĩ người Nam Bộ Hoàng Tấn (nghệ danh Hồ Tăng ấn) chợt hỏi: “Chị ngâm thơ hay như vậy, thế nhà có đứa con nào theo nghề mẹ không?”. Theo nghề ư? Bà Phúc lặng người mấy phút. Cũng vì theo nghiệp cầm ca mà đời bà “hồng nhan bạc phận”, bà đã thề, thà cực mấy cũng không cho con cái theo cái nghề “xướng ca vô loài” bạc bẽo này.
Người chồng bà thương yêu kính trọng hết mực, ông Trần Văn Thơm, sếp của Ga Hàng Cỏ, một công chức tầng lớp cao sang ở Hà Nội, cũng vì mê đắm giọng hát vàng của cô đào Phúc mà kết ngãi, nhưng rồi vì không môn đăng hộ đối đành phụ tình.
Thiếu phụ trẻ đẹp ấy phải ẵm con về bên ngoại cam chịu lẻ bóng, nỗi đau vò xé cõi lòng, cạn khô nước mắt tủi phận. Nay bỗng dưng có người hỏi con cái có ai theo nghiệp mẹ, bà Phúc lặng người đi, giọng xa xót: “Cuộc đời ca ngâm của tôi đã đủ khổ rồi, tôi không muốn con tôi lại theo nghề này”.
Nhưng không hiểu sao bà lại buột miệng nói thêm: “Cũng có một cô, nhưng chỉ biết... ngâm nga vớ vẩn thôi. Tôi cho nó ở nhà làm máy may, đan thuê kiếm sống qua ngày”. “Thì bà cứ cho cô ấy đến đây thử xem”.
Lời chân tình của người phụ trách “Tiếng thơ” lúc đó không ngờ quyết định “vận mạng” cuộc đời của người nghệ sĩ ngâm thơ lừng danh của đất nước sau này- nghệ sĩ Trần Thị Tuyết. Đấy là một ngày đầu thu năm 1960, Trần Thị Tuyết đã bước vào tuổi ba mươi.
Ba mươi tuổi nhưng vóc người bé nhỏ nên trông chị trẻ hơn tuổi nhiều. Đặc biệt giọng ngâm vang lảnh làm sao, truyền cảm làm sao. Lần đầu tiên được nghe một giọng Bắc “xịn” đến thế, nghệ sĩ Hoàng Tấn hồn hậu cười rung cả tẩu thuốc luôn ngậm trên môi, tự thưởng cho phát hiện mới lạ của mình.
Giọng gốc Hà Nội, tròn vành rõ chữ, chuẩn mực, không hề pha tạp! Vì Tuyết là con nhà nòi. Quê nội ở Bắc Ninh, thấm đẫm tâm hồn Kinh Bắc mướt mát làn dân ca quan họ tình tứ lãng mạn, duyên dáng mặn mà... Cha ruột sinh ra ở đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Bà ngoại và mẹ chính gốc Hà thành. Tất cả “cộng hưởng” sinh ra tiếng thơ tuyệt vời Trần Thị Tuyết.
Ngay buổi đầu vào phòng thu thanh, Trần Thị Tuyết trong nỗi cảm xúc tràn đầy đã “xuất thần” cả một sêri những thi phẩm cổ điển: Thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, rồi “Kiều”, “Chinh phụ ngâm” đến Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ...
Các thể thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, lục bát được ngân lên theo các làn điệu sa mạc, bồng mạc, ca trù... Mỗi làn điệu thích ứng với từng bài thơ, thể thơ.
Có buổi, hai mẹ con chị Tuyết cùng thể hiện những bài thơ cổ. Những bài thơ Đường nổi tiếng của Đỗ Phủ, Lý Bạch... đặc biệt là tập “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ. Bà Phúc ngâm tiếng Hán trước, cô con gái ngâm bản dịch tiếng Việt.
Chao ôi, được tận mắt xem hai mẹ con nghệ sĩ tài hoa nức tiếng này trình diễn, được nghe cùng lúc hai giọng ngâm tuyệt vời cất lên du dương trong tiếng đàn bầu, tiếng sáo tiếng tiêu như dụ dẫn ta đến chốn bồng lai tiên cảnh, bảng lảng khói sương mộng mơ... mới thấy hết sự cao vời tuyệt đỉnh của hồn thơ, của “Tiếng thơ”...
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta !
Có lẽ Trần Thị Tuyết là một trong số những nữ nghệ sĩ được gặp Bác Hồ nhiều nhất. Lần đầu tiên chị được gặp Bác là năm 1962, khi theo một đoàn văn công vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Hôm đó Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ “Sáng tháng năm” của nhà thơ Tố Hữu.
Nghe xong Bác cầm một bông hoa hồng lên tận nơi tặng chị. Bác hỏi tên và khen chị ngâm thơ hay. Từ đấy nhiều lần Bác cho gọi nữ nghệ sĩ vào ngâm thơ cho Bác nghe. Một lần khi nghe xong, Bác bảo chị ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh rồi thân mật hỏi: “Thế cháu bé bị liệt chân của cháu nay thế nào rồi?”.
Chị hết sức ngạc nhiên không hiểu vì sao Bác lại biết hoàn cảnh của mình, lặng người vì cảm động không thốt nên lời. Bác nói: “Liệu cháu bé ấy có đi học được không? Cháu phải tìm mọi cách cho nó học, không được để nó vì tàn tật mà thất học đấy!”.
Lời Bác dặn đã thôi thúc hai vợ chồng chị vượt qua mọi khó khăn nuôi con thành người. Bé Khánh bị bệnh bại liệt hồi nào, nay đã là một kỹ sư xuất sắc ngành công nghệ thông tin ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Thị Tuyết không chỉ ngâm thơ cho Bác nghe, chị còn là nghệ sĩ có vinh dự được ngâm những bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch mỗi độ Xuân về, vào khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng. Trần Thị Tuyết nhớ mãi cảm xúc trào dâng đến lạ lùng khi ngâm bài thơ chúc Xuân năm ấy của Bác:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì Độc lập! Vì Tự do!
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
Giao thừa năm ấy, sau lời thơ chúc Tết của Bác, đến giọng ngâm thơ của Trần Thị Tuyết cất lên, tiếp đó là bản hùng ca do các nhạc sĩ phổ thơ Xuân của Bác hùng tráng vang vọng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi suốt từ Bắc vào Nam, tới mọi chiến trường, như một lời hiệu triệu, một hồi kèn xung trận vang động núi sông với niềm tin tất thắng! Trần Thị Tuyết không ngờ đấy là lần cuối cùng chị được ngâm thơ chúc Tết của Bác.
Đâu chỉ là do trời phú!
Chúng tôi cùng làm việc với nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam suốt từ năm 1970 cho tới sau này. Mặc dù đã thành danh nhưng mỗi lần vào phòng thu thơ, chị bao giờ cũng dành thời gian nghiên cứu kỹ từng thi phẩm, có khi thuộc cả bài thơ dài, có điều gì chưa thật rõ, chị không ngại ngần hỏi biên tập viên là những nhà thơ giải thích thêm. Cốt lõi là phải cảm được hồn thơ.
Có hiểu hồn thơ mới có thể cất lên thành khúc ngâm truyền cảm, lay động lòng người. Kỹ năng ư? Phải do chính mình tìm hiểu, tạo ra. Bài thơ này hợp với thể ngâm nào, bồng mạc hay sa mạc, có khi là một giai điệu do nghệ sĩ cảm thụ mà sáng tạo.
Câu nào ngân lên, đoạn trầm đoạn bổng là đâu, ngắt câu nhả chữ, luyến láy ở đâu... Chị luôn có cây bút chì là vật bất ly thân, dùng để đánh dấu trên trang thơ những ký hiệu cần thiết khi thể hiện. Trước khi vào phòng thu, chị bao giờ cũng ngâm nga đôi ba lần, tự nghe, tự ngẫm, có khi nhờ người khác nghe thử cho ý kiến, chọn lựa cách ngâm hiệu quả nhất (những thao tác nghề nghiệp tưởng chừng đơn giản ấy, tôi lại hiếm gặp ở những diễn viên ngâm thơ bây giờ, trước khi vào phòng thu thơ, càng lạ lùng hơn khi họ chuẩn bị bước ra sân khấu ngâm thơ cho hàng ngàn khán giả thưởng thức.
Họ ỷ vào giọng “trời cho” của mình mà véo von chẳng khác nào... hát thơ!). Ngay nhà thơ Tố Hữu, một người được coi là khó tính với nghệ thuật ngâm thơ, nhưng mỗi lần chị Tuyết nhận ngâm những bài thơ của ông, ông đều nói: “Tôi tin tưởng ở cô. Cô là người hiểu được ý tứ, tình cảm của tác giả”.
Thời gian thường làm phôi pha tài năng nghệ sĩ, nhất là đối với nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng lạ kỳ thay là Trần Thị Tuyết. Sau thời gian bị bệnh trầm cảm bởi bao nỗi đa đoan sự đời, năm 1994, giọng chị như... hồi xuân.
Qua tuổi 60, sang tuổi 70 tiếng thơ vẫn lanh lảnh như thuở nào. Mới đây chị tham dự Ngày Thơ Việt Nam ở một tỉnh miền Đông Nam Bộ, mọi người thực sự ngạc nhiên khi chị cất giọng ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ, nguyên bản tiếng Hán và bản dịch thơ tiếng Việt của Xuân Thủy.
Và để thỏa lòng của những cán bộ cách mạng lão thành của bưng biền Đồng Tháp Mười, của những người miền Bắc, người Hà Nội xa quê, Trần Thị Tuyết đã ngâm những bài thơ đi cùng năm tháng: Thơ Hồ Chủ tịch, thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Vũ Cao...
Mọi người xúc động nghẹn ngào và sửng sốt, chao ôi, không khác nào giọng ngâm trên đài phát thanh hơn 40 năm trước, trong vắt, lanh lảnh, rất Hà Nội. Trần Thị Tuyết đấy, dung dị trong bộ áo dài màu mận chín, mái tóc bạc trắng, mà sao ánh mắt vẫn lấp lánh, mà sao tiếng thơ vẫn như ngày xưa. Thật kỳ diệu. Không ai có thể ngờ...
Giới chuyên môn đánh giá NSƯT Trần Thị Tuyết là gạch nối giữa thế hệ nghệ sĩ như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc... với lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay. Còn đông đảo thính giả cả nước yêu “Tiếng thơ” gần nửa thế kỷ qua thì gọi chị một cách trìu mến: Nghệ sĩ của Nhân dân! Vâng, đích thực là nghệ sĩ của Nhân dân!
Vũ Hà
|